Friday, 23 August 2019

CÁC VỤ CHÁY RỪNG AMAZON GÂY LO NGẠI CHO QUỐC TẾ (tổng hợp)




Đăng ngày 23-08-2019

Nhà sinh học Marta Marcondes vừa báo động với hãng tin AFP : « Tôi chưa bao giờ thấy như thế, đây quả là một giai đoạn nghiêm trọng ». Giáo sư Marcondes đưa ra lời báo động này sau khi phân tích các vết nước mưa của ngày 19/08 tại Sao Paolo, ngày mà người dân tại bang đông dân nhất của Brazil đã rất bất ngờ khi thấy mới có 3 giờ chiều mà trời đã tối mịt và ở một vài nơi, nước mưa có màu xám.

Giáo sư Marcondes cho biết nồng độ các hạt bụi ô nhiễm trong nước mưa cao hơn mức trung bình trong những trường hợp tương tự, tức là mưa sau nhiều ngày khô hạn. Nhưng điều làm bà rất hoảng sợ đó là mùi gỗ cháy từ các hạt đó. Sao Paolo nằm gần bờ biển, cách các khu rừng bị cháy hàng mấy ngàn cây số, như vậy là tình hình ở các vùng nằm sâu hơn trong đất liền chắc còn nghiêm trọng hơn.

Theo lời giáo sư Marcondes, hiện hãy còn quá sớm để xác định những hiện tượng nói trên là do cháy rừng, nhưng nó xảy ra đúng vào lúc các vụ cháy rừng tại Brazil, đặc biệt là tại vùng Amazon, đang gia tăng một cách đáng ngại.

Theo các số liệu của Viện Quốc gia Nghiên cứu Không gian (INPE), tính từ tháng Giêng cho đến ngày 21/08/2019, đã có hơn 75 ngàn vụ cháy rừng được ghi nhận, tức là tăng đến 84% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có hơn 52% vụ là tại vùng Amazon, khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới và được coi là « lá phổi » của hành tinh. Cũng theo INPE, chỉ trong vòng 48 tiếng đồng hồ đã có gần 2.500 vụ cháy rừng mới trên toàn lãnh thổ Brazil. Điều này phản ánh phần nào tốc độ cháy rừng ở Brazil, quốc gia chiếm 60% diện tích rừng Amazon.

Không chỉ gây ô nhiễm không khí ở Brazil, các vụ cháy ở rừng Amazon còn gây lo ngại ngày càng nhiều cho cộng đồng quốc tế, khiến tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và tổng thống Pháp phải lên tiếng, lý do là vì khu rừng nhiệt đới này có vai trò rất quan trọng trong công cuộc chống biến đổi khí hậu.

Amazon sản sinh 20% lượng khí ôxy cho Trái đất và là một nguồn quan trọng về đa dạng sinh thái. Bình thường rừng Amazon hấp thụ nhiều khí CO2 hơn là lượng khí phát ra, nhờ vậy mà góp phần điều hòa sự hâm nóng bầu khí quyển. Nhưng khả năng này của Amazon đang suy giảm cùng với đà phá rừng và hậu quả trước mắt của các vụ cháy rừng Amazon đó là một lượng rất lớn khí CO2 sẽ phát ra. Đó là chưa kể sự tàn phá đối với tính đa dạng sinh thái của rừng nhiệt đới này.

Nhưng gây lo ngại hơn cả đó là chính sách của tổng thống cực hữu Jair Bolsonaro. Tại Brazil, trong những tháng khô nóng, các vụ cháy rừng thường xảy ra một cách tự nhiên. Nhưng theo các chuyên gia môi trường được hãng tin Reuters trích dẫn, các vụ cháy rừng năm 2019 tăng vọt là do nông dân đốt rừng để lấy đất canh tác (các số liệu của INPE cho thấy là diện tích rừng bị phá trong tháng 7/2019 đã tăng gần gấp bốn lần so với tháng 7/2018 ). Nông dân thoải mái đốt rừng chính là do họ cảm thấy được tổng thống Bolsonaro khuyến khích.

Sau khi lên cầm quyền vào tháng 1/2019, ông Bolsonaro đã cam kết sẽ thúc đẩy phát triển vùng Amazon bằng cách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp và khai thác mỏ. Ông còn hứa sẽ nới lỏng các quy định về môi trường và giảm số tiền phạt đối với những nhà canh tác nào vi phạm các quy định đó. Chính vì bất đồng với chính sách này của tổng thống Bolsonaro mà Na Uy và Đức gần đây đã đình chỉ các khoản đóng góp cho Fonds Amazonie, quỹ tài trợ cho việc bảo tồn rừng Amazon.

Chẳng những thế, hôm 21/08, tổng thống Brazil còn cáo buộc chính các tổ chức phi chính phủ đã đốt rừng. Hôm sau, ông Bolsonaro đã buộc phải thừa nhận có thể là một số nông dân đã đốt rừng trái phép, nhưng theo ông, « nghi ngờ lớn nhất vẫn là từ phía các tổ chức phi chính phủ » !

Thay vì nhìn thẳng vào sự thật qua các số liệu mà INPE vừa công bố, tổng thống Bolsonaro đã cách chức viện trưởng của viện này, và ra lệnh cho viện trưởng lâm thời mà ông vừa bổ nhiệm là kể từ nay, trước khi công bố các số liệu, phải đưa cho tổng thống xem trước !

Tình hình rừng Amazon đã nguy kịch đến mức đây không còn là chuyện nội bộ của Brazil hay các nước Nam Mỹ nói chung, mà đã trở thành vấn đề khẩn cấp của quốc tế. Áp lực hiện đang gia tăng lên tổng thống Bolsonaro. Nhưng không chắc là áp lực này đủ mạnh để buộc ông thay đổi chính sách.

----------------------------------

Đăng ngày 23-08-2019

Ngày 22/08/2019, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề nghị các nước thành viên nhóm G7 trong cuộc họp thượng đỉnh vào cuối tuần tại thành phố Biarritz phải bàn về tình trạng « khẩn cấp » do các vụ cháy rừng Amazon.

Tổng thống Macron đưa ra yêu cầu này sau khi tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres trên mạng Twitter bày tỏ mối quan ngại của ông trước những vụ cháy rừng Amazon, rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, mà 60% diện tích là nằm trên lãnh thổ Brazil. Ông Antonio kêu gọi cả thế giới hợp lực bảo vệ rừng Amazon, vì không thể nào chấp nhận để một nguồn quan trọng về ôxy và đa dạng sinh thái bị tàn phá hơn nữa.

Nhưng tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, một người hoài nghi về biến đổi khí hậu, đã ngay lập tức có phản ứng, chỉ trích tổng thống Marcon là vẫn còn mang tư tưởng « thực dân ».

Từ Sao Paolo, thông tín viên Bernard Martin tường trình :

« Tổng thống Jair Bolsonaro cáo buộc đồng nhiệm Pháp thổi phồng vụ việc và vẫn còn mang tư tưởng « thực dân ». Vì sao ? Bởi vì Brazil không thuộc nhóm G7 và sẽ không thể bày tỏ quan điểm tại hội nghị thượng đỉnh của khối này vào cuối tuần ở Biarritz.

Ông Bolsonaro đang rất giận dữ và con trai của ông, nghị sĩ Eduardo Bolsonaro, thậm chí còn đi xa hơn khi đăng tải lên mạng xã hội một video mà trong đó ông Macron bị gọi là một « kẻ đần độn ».

Quan hệ giữa Brasilia và Paris gần đây trở nên căng thẳng. Cách đây một tháng, tổng thống Brazil đã hủy buổi đón tiếp ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian tại Brazilia, do vị bộ trưởng này trước đó đã gặp gỡ các tổ chức phi chính phủ.

Các tổ chức này bị tổng thống Bolsonaro nghi là đã đốt rừng Amazon và bị ông cáo buộc là chỉ bảo vệ lợi ích của các quốc gia khác. Những lời cáo buộc đó đã khiến các nhà hoạt động bảo vệ môi trường rất phẫn nộ. Hôm nay sẽ có nhiều cuộc biểu tình ở khắp các thành phố lớn của Brazil để phản đối ông Jair Bolsonaro ».

------------------------------------

BBC Tiếng Việt
23/08/2019

Hàng ngàn đám cháy đang tàn phá rừng nhiệt đới Amazon ở Brazil - các vụ cháy dữ dội nhất trong gần một thập kỷ.

Bản đồ cháy rừng ở Brazil . Source : MODIS

Các bang miền bắc Roraima, Acre, Rondônia và Amazonas cũng như Mato Grosso do Sul đã bị ảnh hưởng nặng nề.
Tuy nhiên, nhiều hình ảnh các đám cháy - bao gồm một số được chia sẻ dưới hashtag #PrayforAmazonas - bị phát hiện là được chụp từ hàng thập kỷ trước hoặc thậm chí không phải ở Brazil.
Vậy, những gì thực sự đang xảy ra và các đám cháy tồi tệ tới mức nào?

Đã có rất nhiều vụ cháy trong năm nay
Rừng nhiệt đới Amazon của Brazil đã chứng kiến số vụ cháy kỷ lục trong năm 2019, dữ liệu của cơ quan vũ trụ Brazil cho biết.

Viện nghiên cứu không gian quốc gia (Inpe) cho biết dữ liệu vệ tinh của họ cho thấy mức tăng 85% so với cùng kỳ năm 2018.

Các số liệu chính thức cho thấy hơn 75.000 vụ cháy rừng đã được ghi nhận ở Brazil trong tám tháng đầu năm - con số cao nhất kể từ năm 2013. So với 39.759 vụ trong cả năm 2018.

Cháy rừng thường xảy ra ở Amazon trong mùa khô, kéo dài từ tháng Bảy đến tháng Mười. Chúng có thể bùng phát do các hiện tượng tự nhiên như sét đánh, hay bởi nông dân và tiều phu dọn đất để trồng trọt hoặc chăn thả.

Các nhà hoạt động nói rằng những lời hoa mỹ chống lại môi trường của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã khuyến khích các hoạt động phát quang cây như vậy.
Đáp lại, ông Bolsonaro, một người hoài nghi về biến đổi khí hậu, đã cáo buộc các tổ chức phi chính phủ nói về các vụ cháy rừng để làm hỏng hình ảnh của chính phủ.
Sau đó, ông nói rằng chính phủ thiếu các nguồn lực để dập lửa.

Phía bắc Brazil đã bị ảnh hưởng nặng
Hầu hết các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là ở phía bắc.

Roraima, Acre, Rondônia và Amazonas đều chứng kiến số vụ hỏa hoạn gia tăng đáng kể khi so sánh với mức trung bình trong bốn năm qua (2015-2018).18).

Roraima đã tăng 141%, Acre 138%, Rondônia 115% và Amazonas 81%. Mato Grosso do Sul, xa hơn về phía nam, đã tăng 114%.
Amazonas, tiểu bang lớn nhất ở Brazil, đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Các đám cháy đang phát ra một lượng lớn khói và khí carbon
Khói từ đám cháy đã lan khắp khu vực Amazon và xa hơn nữa.
Theo Dịch vụ giám sát khí quyển Copernicus của Liên minh châu Âu (Cams), khói đã bay đến tận bờ biển Đại Tây Dương. Nó thậm chí đã che phủ một phần São Paulo - cách đó hơn 3.200km.

Cháy rừng ở Pará, Brazil. Planet Labs Inc

Các vụ hỏa hoạn đã giải phóng một lượng lớn carbon dioxide, tương đương với 228 megaton trong năm nay, theo Cams, mức cao nhất kể từ năm 2010.
Chúng cũng đang thải ra carbon monoxide - một loại khí được giải phóng khi gỗ bị đốt cháy và không được tiếp cận nhiều với oxy.

Các bản đồ từ Cams cho thấy carbon monoxide - rất độc hại - được di chuyển xa hơn ra ngoài bờ biển Nam Mỹ.
Hình :

Lưu vực sông Amazon - nơi sinh sống của khoảng ba triệu loài thực vật và động vật, và một triệu người bản địa - rất quan trọng trong việc điều chỉnh sự nóng lên toàn cầu, với những khu rừng hấp thụ hàng triệu tấn khí thải carbon mỗi năm.
Nhưng khi cây bị chặt hoặc đốt, lượng carbon mà khu rừng lẽ ra sẽ hấp thụ được thải vào khí quyển.

Các quốc gia khác cũng bị ảnh hưởng bởi hỏa hoạn
Một số quốc gia khác trong lưu vực sông Amazon - một khu vực trải rộng 7.4triệu km vuông - cũng chứng kiến một số lượng lớn các vụ cháy trong năm nay.

Venezuela đứng thứ hai, với hơn 26.000 vụ hỏa hoạn, kế đó là Bolivia, với hơn 17.000.

Chính phủ Bolivian đã thuê một máy bay chữa cháy để giúp dập tắt các đám cháy ở phía đông đất nước. Cho đến nay , các đám cháy đã lan rộng trên khoảng 6 km vuông rừng và đồng cỏ.
Các nhân viên ứng phó tình trạng khẩn cấp cũng đã được điều đến khu vực và các khu bảo tồn đang được thiết lập giúp cho động vật tránh khỏi ngọn lửa.

Bài viết của Mike Hills, Lucy Rodgers và Nassos Stylianou

------------------------------

XEM THÊM


Tin tức 24h
.
VOA Tiếng Việt
.
VOA Tiếng Việt
.
Tuổi Trẻ Online
.
Dân Trí






No comments:

Post a Comment

View My Stats