Saturday 24 August 2019

CẬP NHẬT TIN BIỂN ĐÔNG NGÀY 24/08/2019 : HẢI DƯƠNG 8 TIẾN GẦN BỜ BIỂN VIỆT NAM (BTV Tiếng Dân)




BTV Tiếng Dân
24/08/2019

Cập nhật tin ở khu vực bãi Tư Chính, khuya 23/8/2019, ông Ryan Martinson, trường Cao đẳng Hải chiến Mỹ, cho biết: “Có vẻ như tàu Hải Dương Địa Chất 8 đang mở rộng tầm khảo sát đến một khu vực gần hơn với bờ biển Việt Nam. Đồ họa dưới đây cho thấy tất cả các hoạt động của nó kể từ ngày 13/8”.

Đồ họa hoạt động của tàu Hải Dương Địa Chất 8 từ ngày 13/8 đến hết ngày 23/8. Một số hoạt động gần đây nhất cho thấy tàu này đã bắt đầu đến gần vùng biển ngoài khơi TP Vũng Tàu. Nguồn: Twitter Ryan Martinson

Trang Dự Án Đại Sự Ký xác nhận thông tin tương tự, với bài: Những diễn biến thực địa tổng hợp qua dữ liệu AIS vệ tinh. Bài viết chỉ ra “hoạt động của tàu Hải Dương Địa Chất 8 từ ngày 20 – 23/8. Có những thời điểm tàu Hải Dương Địa Chất 8 chỉ cách bờ biển Việt Nam 166,7 hải lý”, nghĩa là khoảng 300km.

Nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 vẫn đang tiếp tục hoạt động sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Theo dữ liệu AIS vệ tinh, hiện tại còn 5 tàu hải cảnh theo hộ tống Hải Dương Địa Chất 8, cùng với tàu Meicheng 822. Tàu 45111 đã rút đi. Nguồn: Dự án Đại Sự Ký Biển Đông

Về mũi tên “Khánh Hòa 01011” trong ảnh trên, thông tin chưa được kiểm chứng cho rằng, đó là tàu hộ vệ Đinh Tiên Hoàng, một trong các tàu chiến hiện đại nhất của Việt Nam thuộc lớp Gepard 3.9, giống như tàu chiến Quang Trung.

Nếu đó đúng là tàu Đinh Tiên Hoàng, có thể thấy ngay cả các tàu chiến lớn nhất của VN cũng không bù đắp nổi sự thiếu hụt về khả năng của Hải quân Việt Nam so với Trung Quốc. Trong hình, tàu “Khánh Hòa 01011” không cản được tàu nào và đã lọt giữa đội hình tàu Trung Quốc, đang tiếp tục di chuyển sâu vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.

Đồ họa thể hiện hoạt động của tàu Hải Dương Địa Chất 8 từ ngày 20 đến ngày 23/8. Có những lúc tàu Hải Dương Địa Chất 8 chỉ cách bờ biển Việt Nam khoảng 166,7 hải lý. Nguồn: Dự án Đại Sự Ký Biển Đông

Nhóm tàu Trung Quốc ở gần khu vực lô 06.1 trong bể Nam Côn Sơn nơi giàn khoan của liên doanh dầu khí Việt Nam – Nga – Ấn Độ đang hoạt động, gồm ít nhất có tàu hải cảnh 46301 và tàu cá Trung Quốc Suseyui 5916. Nguồn: Dự án Đại Sự Ký Biển Đông

***

Báo WION của Ấn Độ hôm 21/8/2019, đưa tin, lần đầu tiên Trung Quốc triển khai máy bay ném bom H6 và máy bay chiến đấu ở bãi Tư Chính. Khi tàu Hải Dương 8 quay trở lại khu vực bãi Tư Chính hôm 13/8, Trung Quốc đã điều máy bay ném bom H6, máy bay chiến đấu và máy bay tiếp nhiên liệu trên không tới khu vực. “Trung Quốc cũng đã bắc loa yêu cầu những thợ khoan dầu Việt Nam rời khỏi khu vực này“, bài báo cho biết.

Báo Thanh Niên đưa tin: Việt Nam và Úc quan ngại sâu sắc về diễn biến phức tạp trên Biển Đông. Trong cuộc họp báo chung sáng 23/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Úc Scott Morrison cùng bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng trên Biển Đông. Thủ tướng hai nước cũng cam kết phối hợp chặt chẽ tại diễn đàn khu vực và quốc tế như ASEAN, Liên Hiệp quốc, APEC…

Ông Nguyển Xuân Phúc phát biểu: “Chúng tôi quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp gần đây trên biển Đông; nhất trí cùng hợp tác duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không; không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế”.
_____







No comments:

Post a Comment

View My Stats