Joaquin Nguyễn Hòa
Gửi
đến BBC từ San Francisco, California
24 tháng 8 2019
Anh
công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất sau khi xem hộ chiếu của tôi hỏi: 'Anh là Nguyễn…'
Tôi hồi hộp đón nghe chữ Hòa bút danh của tôi, nhưng
không phải, anh ta xướng tên cha sinh mẹ đẻ của tôi trên hộ chiếu.
Vậy là điều lo lắng nho nhỏ khi vào Việt Nam đã
không xảy ra. Quan sát anh công an từ đầu, không thấy dấu hiệu nào là tôi bị một
cái gì đó trong màn hình máy tính của họ.
Cách đây độ vài năm, báo Nhân Dân, Quân đội Nhân
Dân… những tờ báo bảo vệ "quan điểm đường lối" cứng rắn nhất, có lần
hài bút danh tôi trên những bài báo của họ, cho là tôi đã xuyên tạc thế này thế
kia.
Vào Việt Nam lần này tôi chuẩn bị tinh thần là họ sẽ
không cho tôi vào, hay tệ hơn là sẽ giữ tôi vài giờ để thẩm vấn gì đó rồi đuổi
ra.
Nhưng không có gì xảy ra cả.
Họ chưa biết thân phận tôi?
Họ biết nhưng chẳng thấy tôi là cái gì quan trọng?
Họ không quan tâm tới nữa?
Thời điểm này không có sự kiện gì quan trọng nên họ
cho tôi vào?
Hay đơn giản như một nhà bất đồng chính kiến sau đó
nói với tôi, là họ hết tiền, không có người làm?
Mà thôi chuyện đấy là chuyện của họ, còn chuyện của
tôi là háo hức xem thành phố Sài Gòn của tôi đổi thay như thế nào trong hơn chục
năm qua.
Một sự đổi thay kinh hoàng!
Cao ốc và nhà đất
Tôi hoàn toàn không nhận ra những con đường từ sân
bay Tân Sơn Nhất về trung tâm thành phố.
Kế tiếp khi vào đến trung tâm tôi cũng không nhận ra
nốt.
'Sài Gòn của tôi không còn nữa'. LYNHDAN
NGUYEN/GETTY IMAGES
Con đường Lê Duẫn (trước đó là 30/4, trước nữa là Thống
Nhất), trong tâm khảm tôi là một đại lộ rộng lớn, nay trở thành một con đường hẹp
với hai hàng cao ốc sừng sững hai bên.
Đường Nguyễn Thi Minh Khai (trước kia là Xô Viết Nghệ
Tĩnh, trước nữa là Hồng Thập Tự) biến mất, chỉ còn những tòa tháp bằng kính và
bê tông sắt thép cao ngút mắt.
Con đường Lê Quý Đôn thơ mộng nhường chỗ cho một
làng nướng vĩ đại với các kiểu quán ăn san sát.
Tôi tìm tới một con hẻm trên đường Phạm Ngọc Thạch
(trước kia là Duy Tân) vẫn còn một dãy ghế thấp của một hàng cà phê cóc, ngồi đấy
mà nhớ cái yên tĩnh trước kia, vì bây giờ thì 24/7 không ngớt xe cộ, lúc nào
cũng kẹt.
Lên chút nữa là Hồ Con rùa, bây giờ nghìn nghịt xe gắn
máy, các tòa nhà hẹp cao chất ngất như đè bẹp các hàng cây sao trăm tuổi.
Các quán kem và cà phê buổi tối trung tâm quận nhất
Sài Gòn. JOAQUIN NGUYỄN HÒA
Quận 1 và Quận 3, một thời vang bóng với những biệt
thự sơn màu vàng nhạt, màu trắng, với những giàn hoa giấy từ thời thuộc địa, đã
mất tích. Cố công tìm lắm mới thấy một vài bức tường cũ che khuất sau những cửa
hàng mặt tiền, hay những biển quảng cáo rực rỡ.
Cái thể xác Sài Gòn "của tôi", nơi cho tôi
biết thế nào là một đô thị khi tôi mới chập chững biết đi, nơi cho tôi những
tháng ngày vui buồn dưới những hàng cây mát mẻ ở tuổi hoa niên, đã biến mất.
Theo những con số chính thức, bây giờ đã có đến 10
triệu người cư ngụ ở Sài Gòn và những quận mới mở sau này của nó. Tức là cứ 9
người Việt Nam thì có một người sống tại Sài Gòn.
Đông đúc dân cư là một nguyên nhân được đưa ra để giải
thích cho nạn kẹt xe 24/7 của Sài Gòn hiện nay. Nhưng còn một nguyên nhân khác
nữa, mà người ta đã nói đến cách đây hơn 30 năm, đó là người ta cứ tiếp tục xây
cất ở khu trung tâm những tòa nhà cao ốc, nơi có cả trăm, cả ngàn người, hàng
ngày vào làm việc, vậy làm sao mà không kẹt xe cho được.
Thành phố Sài Gòn bây giờ có dáng dấp của bất cứ
thành phố của một nước kém phát triển nào trên thế giới, có nghĩa là khu trung
tâm cao ốc tài chính thương mại, bao quanh là những vết dầu loang của các khu
dân cư mới, lộn xộn nhếch nhác.
Một buổi sáng sớm, tôi vào một quán cà phê của một
khu dân cư mới. Gần quán là một con kênh khá lớn, nước đã bắt đầu có màu xám, đầy
rác.
Bên trong một quán cà phê tại trung tâm Sài Gòn.
JOAQUIN NGUYỄN HÒA
Ngoài tôi ra thì những vị khách sớm sủa của quán đều
là những tay "cò" địa ốc, với điện thoại di động trong tay, trò chuyện
rôm rả. Sau ít phút có hai người vào ngồi chung bàn với họ, và câu chuyện về đất
đai, qui hoạch tiếp tục rôm rả. Anh bạn đi cùng nói cho tôi biết hai người đó
là chủ tịch và trưởng công an phường.
Khắp nơi là bảng rao bán đất bán nhà, các văn phòng
môi giới nhà đất. Về nguyên tắc đất đai vẫn là sở hữu toàn dân, nhưng các văn
phòng tư nhân này làm hết mọi chuyện, từ lo giấy tờ nhà đất, cho đến cả cấp biển
số nhà.
Giá một ngôi nhà liên kế (town house bên Mỹ) 3 tầng
lầu, trong một khu mới mở như vậy vào khoảng 5 tỉ đồng, tức khoảng 200 ngàn
đôla Mỹ, mà xung quanh không có gì cả, từ cống rãnh cho đến vỉa hè.
CÁC QUÁN ĂN NHẬT VÀ HÀN ĐƯỜNG TÔN THẤT THIỆP
Anh Bảo, một bạn đồng nghiệp cũ mua một căn chung cư
ở tầng 6, tại một khu gần cầu Tham Lương, xưa là Hóc Môn, nay là quận 12. Hai vợ
chồng sống trong một diện tích 44 mét vuông, chỉ có một phòng ngủ. Giá của căn
này là hơn một tỉ đồng, tức là vào khoảng 50 ngàn đôla Mỹ.
Và giá nhà đất tiếp tục lên. Một số người bạn cũ của
tôi nhờ đó có trong tay cả trăm ngàn đô la Mỹ, thậm chí cả triệu đô la Mỹ.
Nhưng số người như vậy không nhiều. Đa số những người
dân sống ở Sài Gòn hiện nay làm việc trong những khu nhà máy ở ngoại ô, với mức
lương khoảng 7 triệu đến 10 triệu một tháng. Họ chỉ có thể ở thuê các gian
phòng nhỏ gần khu nhà máy.
Anh Bảo bạn tôi cho biết là gia đình nhỏ của anh mỗi
tháng xài khoảng 30 triệu đồng, và anh phải ở trong một khoảng không gian 44
mét vuông như vậy, thì chắc chắn những người làm trong nhà máy kia không bao giờ
có thể sở hữu một chổ riêng cho mình.
Chị Hồng bạn tôi làm cho một công ty nước ngoài,
hàng ngày đi làm bằng tắc xi. Số tiền chị chi cho việc đi lại hàng tháng lên đến
10 triệu đồng, gần gấp đôi toàn bộ thu nhập của một công nhân bình thường.
VIN, VIN, và VIN
Ngoài những cao ốc và nạn kẹt xe, điều thứ hai làm
cho tôi có ấn tượng là nhãn hiệu VIN ở khắp mọi nơi. Mọi khu phố đều có những cửa
hàng tạp hóa Vinmart, rải rác đây đó bảng quảng cáo cho xe hơn Vinfast, ngự trị
tại trung tâm thành phố là một cao ốc bán đồ đắt tiền tên là Vincome, dọc bờ
sông Sài Gòn là các cao ốc Vinhome sừng sững, với trung tâm là một tòa nhà,
nghe nói cao nhất nước, 81 tầng, mà đi đâu ở Sài Gòn người ta cũng có thể nhìn thấy
nó.
Khu cao ốc Vinhomes và toà nhà 81 tầng nhìn từ sông
Sài Gòn. JOAQUIN NGUYỄN HÒA
Chị Hồng bạn tôi khen ông Vượng, chủ của nhãn hiệu
VIN là một người giỏi giang.
Một người em họ của tôi là Huy nói rằng VIN đang rất
được chính phủ hỗ trợ, có tham vọng làm tất cả mọi sản phẩm phục vụ người dân,
theo nguyên văn lời Huy, là từ khi chào đời cho tới lúc nhắm mắt.
Chị Minh, một người bạn khác của tôi, là giáo viên đại
học về hưu, lại mắng ông chủ của VIN là tay lừa đảo, móc ngoặc với các viên chức
tham nhũng để chiếm những khu đất mắc tiền, những khu đất lẽ ra phải phục vụ
công ích như khu bờ sông Sài Gòn chẳng hạn.
Anh P, một nhà bất đồng chính kiến thì nói với tôi rằng
chuyện lên như diều gặp gió của VIN chắc chắn có nhiều rủi ro, vì nền kinh tế
chính trị Việt Nam là nền kinh tế chính trị sân sau, hàm ý ông Vượng chắc cũng
là sân sau của ai đó trên trung tâm quyền lực.
Huy em tôi là người có chơi chứng khoán khá thành
công, tuy vậy Huy không đụng đến cổ phiếu của VIN, mặc dù biết rằng VIN đang được
chính phủ ra sức quảng bá và giúp đỡ.
Chị Minh nói với tôi rằng VIN nắm hết cả giới truyền
thông Việt Nam, cứ có một bài viết nào không có lợi cho họ thì lặp tức sẽ bị gỡ
xuống. Một nguồn tin mà tôi chưa kiểm chứng được nói rằng chuyên gia Đ, lúc đầu
cho rằng VIN sẽ không thành công, nhưng sau đó đã đổi giọng khen ngợi VIN.
Anh P nói với tôi ngay cả những người độc lập với
nhà nước như anh và một số bạn bè, khi viết về VIN trên mạng cũng cẩn trọng vì
e ngại bất trắc xảy ra với mình.
Truyền hình và ngôn ngữ
Cả thành phố hầu như không còn sạp báo nào nữa. Điều
cũng hiển nhiên như trào lưu thế giới là thông tin chuyển đi bằng Youtube và
truyền hình.
Truyền hình Việt Nam thì tôi không lạ. Khi tôi rời
khỏi Việt Nam nó đã có những chương trình giải trí, thương mại rầm rộ. Ghé mắt
xem thử một chương trình truyền hình buổi trưa, tôi thấy tính giải trí và
thương mại hiện nay còn hơn xưa rất nhiều, với xướng ngôn viên rất trẻ trung và
thời trang. Đặc biệt là các tin kiểu xe cán chó, chó cán xe thì đầy ắp.
Điều đáng chú ý nhất là trên các kênh truyền hình
này người ta nói bằng một thứ tiếng Việt mà tôi cảm thấy bắt đầu lạ lẫm. Ví du
như khi đưa hình ảnh một số em bé ngồi trên thành xe hơi mui trần đang chạy rất
nguy hiểm, người kể chuyện thay vì hỏi rằng tại sao cha mẹ các em bé lại để cho
con họ như vậy, thì lại nói rằng cha mẹ các em bé "không có động thái
gì".
Trên các chuyến xe bus, loa tự động cũng dùng một
ngôn ngữ như vậy, thay vì nói ai muốn xuống xe thì bước ra cửa, họ lại thêm vào
là ai "có nhu cầu" xuống xe,…..
Tờ báo Sài Gòn Giải Phóng tôi có ở khách sạn đưa tin
ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư thành ủy, người có trách nhiệm cao nhất ở thành
phố này, làm việc với Sở xây dựng về qui hoạch đô thị.
Ông nói như thế này: Sở xây dựng phải xác định "trạng
thái không bế tắc" trong chiến lược phát triển đô thị.
Tôi đem câu này ra hỏi một số người bạn Sài Gòn, họ
cũng như tôi, không hiểu ông muốn nói gì.
Trong những ngày tôi ở Sài Gòn, chuyện biểu tình ở
Hong Kong đang thu hút giới truyền thông cả thế giới. Trong các chương trình
truyền hình ở đây tôi không thấy tin này đâu cả. Thay vào đó là câu chuyện một
anh nào đó bên Nga chuyên vẽ trên kính xe đầy bụi, cô ca sĩ MT lo cho mẹ ở
nhà,…
Và các kênh truyền hình mà tôi xem thu hút rất đông
khán thính giả. Tôi không nghĩ rằng các chương trình bằng tiếng Việt từ hải ngoại
có thể thu hút đông như vậy khán thính giả trong nước. Truyền thông của nhà nước
đang thắng lớn.
Những người muôn năm cũ
Tôi có nhiều bạn bè ở Sài Gòn, những người đã ở Sài
Gòn vài thế hệ, và cả những người mới đến.
Đón người bạn biền biệt là tôi trở về, họ không cho
tôi trả một thứ gì cả, từ tiền vé tắc xi cho đến cốc cà phê sáng.
Và may mắn cho tôi là họ vẫn nói chuyện với tôi bằng
một ngôn ngữ bình thường, không phải loại ngôn ngữ trên truyền hình mà tôi vừa
kể.
Họ là những người trung lưu của thành phố này. Mức độ
sung túc của họ sàng sàng giống nhau, nhưng quan điểm xã hội chính trị khá đa dạng.
Có những người như chị Hồng chẳng hạn, dù rất bực dọc
với những nhũng lạm hàng ngày nhưng nói rằng đâu có thể làm gì khác với một hệ
thống mà mình không thể sửa đổi được.
Chị Minh thì muốn rời Việt Nam, nhưng anh chồng
không đồng ý. Anh ở đây sống tốt hơn rất nhiều người, buôn bán chứng khoán kiếm
lời nhiều. Con cái họ đều đang làm việc ở nước ngoài.
Huy em tôi, đang làm ăn phát đạt nhờ mở một nhà hàng
bán cho thực khách người Đài Loan, Trung Quốc làm việc trong các khu công nghiệp,
nhưng lại rất lo ngại là người TQ đang ngày càng hiện diện quá nhiều tại Việt
Nam.
Cô em họ tôi là Khánh, làm việc cho một ngân hàng lớn,
có hai đứa con đang lớn, thì mặt mày đăm chiêu vì không có cách nào cho các con
ra nước ngoài.
Anh bạn Bảo kể cho tôi câu chuyện buồn của gia đình
trong đêm chia tay. Anh có đứa con nhỏ bị bệnh tự kỷ, phải tốn tiền cho vào một
trường tư nhân, nhưng sau một thời gian, trường bảo là không thể cho bé học ở
đó nữa vì ảnh hưởng tới thành tích. Vợ Bảo phải nghỉ việc ở nhà nuôi dạy con
gái. Bảo nói với tôi rằng: Đó là nhà mình còn có chút đỉnh tiền, những người
công nhân thì sao?
Bảo cũng nhận xét như tôi quan sát, là vẻ mặt của những
người đi xe gắn máy ngoài đường căng thẳng hơn rất nhiều so với trước, và người
ta dễ ẩu đả với nhau hơn.
Tôi đi xe bus về khách sạn. Người soát vé là một anh
bạn trẻ có gương mặt và cái nhìn rất thân thiện, luôn tay giúp đỡ nhiều bà cụ
già buôn bán về muộn.
Ngang qua khu vực số 4 Phạm Ngọc Thạch, thấy đèn đuốc
sáng lòa, cả trăm bạn trẻ đang gào thét cùng hai ca sĩ người Hàn Quốc trên sân
khấu.
Xe cắt qua cuối đường Nguyễn Huệ, nay đã là một con
đường dành cho người đi bộ, cả ngàn người trẻ tuổi đang ăn uống rong chơi, các
căn chung cư trên con đường này được cho các quán cà phê thuê, rực rỡ ánh đèn
màu. Xe chạy ngang khu VINhomes, tọa lạc trên xưởng tàu Ba Son cũ. Những cao ốc
lấp lánh đèn y hệt như cảnh Hong Kong về đêm.
Sài Gòn của tôi có lẽ không còn nữa. Tôi cũng không
biết là nên vui hay buồn. Cuộc sống phải đi tới, nhưng đi về đâu? Những người
Sài Gòn tôi gặp lại vẫn chân tình, vẫn chịu chơi, họ vẫn giúp đỡ người khác như
anh bạn trẻ soát vé xe bus trước mặt tôi.
Thể xác Sài Gòn không còn nữa, nhưng liệu hồn cốt nó
vẫn còn đấy không?
-------------------
Bài
thể hiện quan điểm riêng của tác giả Joaquin Nguyễn Hòa từ San Francisco,
viết sau một chuyến về thăm TP Sài Gòn tháng 8/2019.
No comments:
Post a Comment