Thursday, 1 May 2014

TRIẾT LÝ GIÁO DỤC (FB Nguyễn Văn Tuấn)




2-5-2014

Thời gian gần đây có nhiều nhân sĩ nói đến cái gọi là “Triết lí giáo dục”, mà theo họ là VN không có một triết lí giáo dục. Vì không có triết lí giáo dục, nên giáo dục đang đi lạc hướng (hay vô định), và là nguồn gốc của những bất cập hiện nay. Tôi đoán khi nói đến triết lí giáo dục” là dịch từ chữ “Philosophy of Education”, nhưng chữ này có nghĩa là “triết học về giáo dục” chứ. Nhưng thôi, hãy cứ hiểu là “triết lí giáo dục” cho gọn. Hôm nọ đọc một bài về chủ đề này mà phải bức tóc vì không hiểu tác giả nói gì, cũng có thể chính tác giả cũng không biết mình nói gì (cái này thì xảy ra thường xuyên đối với những người yêu thích từ ngữ đao to búa lớn).

Nhưng điều còn kinh khủng nhất và làm tôi ngạc nhiên nhất là quan điểm về triết học về giáo dục của ngài Phạm Bộ trưởng [1]. Ngài khẳng định: “Tôi xin khẳng định triết lý trực tiếp của giáo dục chúng ta là Nghị quyết 29 của Trung ương. […] Ở đây thể hiện cả truyền thống tinh hoa, kinh nghiệm của cha ông ta trong quá trình phát triển và làm giáo dục và cả những vấn đề cập nhật, hội nhập theo quan điểm của chúng ta.” Trong tiếng Anh có chữ speechless để mô tả tình trạng cứng họng, thốt không thành lời. Phát biểu của Phạm bộ trưởng làm cho tôi speechless.

Nhưng để chắc ăn, tôi vội tìm trong NQ29 viết gì, thì thấy văn bản dài khoảng 9 trang với nhiều mục chẳng có gì là triết lí cả. Cũng như các văn bản khác của Nhà nước (và đảng), toàn là những ngôn từ chung chung, ai muốn hiểu sao thì hiểu. Tuy nhiên, có một câu có vẻ có liên quan đến “triết lí giáo dục”, đó là câu: “Tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.”
Còn trước 1975 ở miền Nam triết lí giáo dục là gì? Từ năm 1958, một đại hội giáo dục đã được tổ chức và chọn 3 nguyên lí: dân tộc, khai phóng và nhân bản. Ba nguyên tắc này đã được đề cập đến và diễn giải rất chi tiết (chứ không phải kiểu viết văn kiện đảng).

Ở đây, tôi chỉ tóm lược 3 nguyên lí đó như sau:

Nguyên lí dân tộc đề cập đến việc tôn trọng giá trị truyền thống của dân tộc trong mọi sinh hoạt liên hệ tới gia đình, nghề nghiệp, và quốc gia. Giáo dục phải bảo tồn và phát huy được những tinh hoa hay những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Dân tộc tính trong văn hóa cần phải được các thế hệ biết đến, bảo tồn và phát huy, để không bị mất đi hay tan biến trong những nền văn hóa khác.

Nguyên lí khai phóng có nghĩa là cởi mở và cấp tiến, không phải đóng cửa và bảo thủ. Sẵn sàng tiếp nhận tinh thần dân chủ, phát triển xã hội, giá trị văn hóa nhân loại để góp phần vào việc hiện đại hóa quốc gia và xã hội, làm cho xã hội tiến bộ tiếp cận với văn minh thế giới.

Nguyên lí nhân bản có nghĩa là lấy con người làm gốc, lấy cuộc sống của con người trong cuộc đời này làm căn bản; xem con người như một cứu cánh chứ không phải như một phương tiện hay công cụ phục vụ cho mục tiêu của bất cứ cá nhân, đảng phái, hay tổ chức nào khác. Với triết lí nhân bản, mọi người có giá trị như nhau và đều có quyền được hưởng những cơ hội đồng đều về giáo dục.

Không có chỗ nào cho đảng phái và giáo điều chủ nghĩa cả. Ấy thế mà ngày nay, triết lí giáo dục của VN có màu sắc Mác Lê trong đó! Đúng là có sự lẫn lộn giữa tuyên truyền và giáo dục – một lẫn lộn trở thành bệnh mãn tính ở VN. Tại sao không lấy triết lí của miền Nam cho gọn? Nhưng nếu vậy thì VN quay về thời điểm của 60 năm trước?



No comments:

Post a Comment

View My Stats