Nguyên
Huy/Người Việt
Thursday, May 29, 2014 6:39:12 PM
SANTA
ANA, California (NV) - Vào chiều ngày 31 Tháng Năm, tại Trung Tâm
Công Giáo Việt Nam, Santa Ana, Bác Sĩ Nguyễn Hy Vọng sẽ ra mắt hai cuốn sách về
tiếng Việt, một là “Những
Nẻo Ðường Tiếng Việt” và “Từ Ðiển Nguồn Gốc Tiếng Việt.”
Giới thiệu về hai cuốn sách này là ba vị giáo sư,
Phạm Thị Huê (khoa trưởng đại học cộng đồng Orange Coast College), Huỳnh Văn
Lang và Trần Huy Bích.
Bác Sĩ Nguyễn Hy Vọng với các nữ sinh Liên Trường
Pleiku. (Hình: Pleiku Phố Núi)
Về
cuốn “Từ Ðiển Nguồn Gốc Tiếng Việt,” vị bác sĩ cho biết: “Ðây là một công trình mà tôi đã
bỏ ra 33 năm nghiên cứu, nay được in ra với 2,230 trang, trên 250 ngàn đơn vị
đồng nguyên của 56 ngôn ngữ khác nhau sẽ chứng minh rằng tiếng Việt đã, đang và
sẽ là tiếng nói quốc tế cốt lõi của Ðông Nam Á, đánh bật cái hiểu lầm 2,000 năm
rằng tiếng Hoa xưa là nguồn gốc của tiếng Việt. Mỗi tiếng Việt còn được dịch ra
tiếng Anh, Pháp rất chi tiết và dồi dào để cho bạn đọc khắp thế giới hiểu rõ
cái tinh thần tiếng Việt, còn những tiếng Hán-Việt 'vay mượn' thì đều có ghi
chữ Hoa kèm theo.”
Nhiều người tìm hiểu về dân tộc Việt Nam, kể cả một
số bạn trẻ hiện nay, thường có cái mặc cảm vì ngộ nhận rằng nòi giống người
Việt bắt nguồn từ bên Trung Quốc, là một trong họ Bách Việt từ Ðộng Ðình Hồ bị
giống Hán đàn áp phải di cư xuống miền Nam lục địa Trung Hoa cư trú, sinh cơ lập
nghiệp tại các vùng Quảng Ðông, Quảng Tây, Vân Nam và Phong Châu Giao Chỉ...
Nhưng qua nghiên cứu trong nhiều năm, Bác Sĩ Nguyễn
Hy Vọng thấy rằng đã có không biết bao nhiêu giống dân đã phải đi về miền Nam,
lớp này qua lớp khác. Công cuộc ấy kéo dài cả mấy ngàn năm mà cho đến nay vẫn
còn chưa xong như dân tộc người Zhuang (gốc Tai, 25 triệu), người Yi và Zang
(gốc Tây Tạng, hơn 10 triệu) và các sắc dân khác như người H'mong, người Dao
(hàng triệu người)...
Những di dân này đã lai giống với những thổ dân tại
những địa phương này, đã sống ở đó từ ngàn xưa, không từ đâu tới mà cũng chẳng
đi đâu. Theo bác sĩ, “Họ mới thật là ông bà tổ tiên của chúng ta chứ không phải
là người Hoa Nam bị người Hoa đuổi xuống, lại càng không phải là người Hoa từ
Hoa Bắc lấn chiếm Hoa Nam.”
Cái nghi vấn về tiếng nói của dân tộc Việt đã được
nhiều học giả đặt ra và nghiên cứu tìm hiểu về thời gian, trước khi có tiếng
Nôm, người Việt đã có tiếng nói và ngôn ngữ như thế nào. Bằng vào những di tích
con người tại vùng đất Hòa Bình cách đây 30 ngàn năm và những di chỉ trên các
mặt trống Ðồng Ðông Sơn cách đây 2,500 năm, nhiều học giả phải đi đến kết luận
những giống di dân này lai tạo với thổ dân, trong đó có giống dân Việt, đã có
những tiếng nói riêng biệt, cách sống riêng biệt.
Theo nhận xét về Việt Nam của Encyclopedia Britanica
thì “mặc dầu vẫn còn nhiều điểm chưa biết rõ, nhưng cái rõ ràng nhất là tiếng
Hoa không chung một gia đình với tiếng Việt.”
Buổi ra mắt sách của Bác Sĩ Nguyễn Hy Vọng sẽ rất là
hữu ích cho những ai quan tâm đến tiếng Việt và ngôn ngữ Việt, nhất là với các
thầy cô của các trung tâm Việt Ngữ và các phụ huynh cùng các bạn trẻ sinh viên
học sinh Việt Nam tại hải ngoại.
Bác Sĩ Nguyễn Hy Vọng là một nhà nghiên cứu về tiếng
Việt với tâm huyết tìm cho ra nguồn gốc của tiếng Việt không phải là từ tiếng
Hoa, chữ Hán mà ra, theo như khá nhiều ngộ nhận của các nhà biên khảo Ðông Tây
từ trước đến nay.
Ông tốt nghiệp y khoa tại Sài Gòn năm 1958, hành
nghề bác sĩ tại Việt Nam trước 1975 và tại Hoa Kỳ cho đến năm 1997. Ông từng
cộng tác với cố học giả Ðào Ðăng Vỹ trong việc soạn Pháp Việt Ðại Từ Ðiển, Pháp
Việt Tiểu Từ Ðiển, Bách Khoa Từ Ðiển, phần danh từ khoa học.
No comments:
Post a Comment