Friday, 30 May 2014

KHỦNG HOẢNG GIA TĂNG TẠI LIBYA, HAI CHÍNH PHỦ TỒN TẠI SONG SONG (Thụy My - RFI)




Thụy My  -  RFI
Thứ năm 29 Tháng Năm 2014

Tình hình khủng hoảng lại tăng thêm một mức tại Libya từ hôm qua 28/05/2014 với hai chính phủ cùng tồn tại một lúc và bạo động tiếp diễn tại miền đông. Mỹ điều chiến hạm để chuẩn bị di tản nhân viên ngoại giao khi cần.

Minh họa mới cho những cuộc khủng hoảng liên tục làm ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi, sau khi chế độ Mouammar Kadhafi sụp đổ, là hiện nay Libya có đến hai chính phủ, trong bối cảnh đấu tranh quyền lực giữa hai phe tự do và Hồi giáo.

Chính phủ mãn nhiệm của Thủ tướng Abdallah Al Theni, thuộc phái tự do, tối qua trong một thông cáo khẳng định sẽ trao cho tư pháp quyền quyết định xem có phải chuyển giao quyền lực cho tân chính phủ của Ahmed Miitig, được phe Hồi giáo ủng hộ và kết quả bầu cử bị tranh cãi. Ông Al Theni cũng yêu cầu Quốc hội họp lại để tìm lối thoát cho khủng hoảng.

Tranh luận đã nổi lên từ đầu tháng Năm khi ông Miitig được bầu lên trong cuộc bầu cử bát nháo ở Quốc hội. Nhiều dân biểu phái tự do tố cáo khối Hồi giáo đã để cho những người đến trễ được bỏ phiếu sau khi đã công bố kết quả, nhằm đạt được số 121 lá phiếu cần thiết, trong khi ban đầu ông Miitig chỉ nhận được có 113 phiếu. Nhiều chính khách và nhóm vũ trang đã cảnh báo sẽ không ủng hộ chính phủ của ông này dù hôm Chủ nhật Quốc hội đã phê chuẩn.

Tại Benghazi ở miền đông, lực lượng của tướng ly khai Khalifa Haftar – người tuyên bố chiến đấu chống « khủng bố » tại Libya, và được nhiều đơn vị quân đội ủng hộ - đã không kích một đội quân Hồi giáo mang tên Binh đoàn tử đạo 17/2. Binh đoàn khá hùng hậu này do phe nổi dậy Hồi giáo trước đây thành lập, bị nghi ngờ là có quan hệ chặt chẽ với nhóm thánh chiến Ansar Asharia - vốn bị Mỹ xếp vào danh sách khủng bố, và từng đe dọa tướng Haftar là sẽ chịu chung số phận với Kadhafi.

Trước tình trạng hỗn loạn trên, nhiều quốc gia đã kêu gọi công dân nước mình tại Libya nên cảnh giác, còn Hoa Kỳ khuyến cáo tất cả công dân Mỹ phải rời Libya ngay lập tức. Washington quyết định điều đến gần duyên hải Libya một chiến hạm với một ngàn thủy quân lục chiến, để có thể di tản toà đại sứ ở Tripoli khi cần thiết. Người Mỹ vẫn còn bị ám ảnh bởi vụ tấn công hôm 11/09/2012 vào lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Benghazi làm bốn công dân Mỹ thiệt mạng trong đó có đại sứ Christopher Stevens.

Sự thiếu vắng một chính quyền vững mạnh trong một đất nước mà nhiều lực lượng dân quân kình địch với nhau, với phe Hồi giáo đóng vai trò thống trị từ khi chế độ Kadhafi sụp đổ, khiến Libya có nguy cơ rơi vào nội chiến.



No comments:

Post a Comment

View My Stats