Posted by adminbasam
on 31/05/2014
Những gì đang xảy ra trên Biển Đông hôm nay là kết
quả của mối quan hệ không rõ ràng giữa lãnh đạo hai nước Việt – Trung trong
nhiều năm qua, cũng như cách hành xử thiếu minh bạch của Đảng và Nhà nước Việt
Nam liên quan tới những thông tin về chủ quyền, biển đảo của đất nước.
Từ lâu, hễ ai nhắc đến chủ quyền của hai quần đảo
Hoàng Sa – Trường Sa đều bị cho là “phản động”, bị “các thế lực thù địch” giựt
dây, chống phá, nhẹ thì bị sách nhiễu, mất việc, nặng thì có thể bị đi tù dài
hạn.
Đầu năm 2009, chỉ vì đăng bài “Tản mạn cho đảo xa”
của nhà báo Trung Bảo và bài “Hận Nam quan” của nhà thơ Hoàng Cầm trên
báo Xuân Kỷ Sửu, mà báo Du Lịch đã bị phạt đình bản 3 tháng. Ông Lê Doãn Hợp,
trong vai trò Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông lúc đó, đã ký lệnh đóng cửa
báo Du Lịch vào ngày 14/4/2009, với lý do đưa các tin tức “phức tạp”, “nhạy
cảm” về vấn đề tranh chấp các quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa với Trung Quốc.
Bài “Tản mạn cho đảo xa” của Trung Bảo đã ca ngợi
những sinh viên, thanh niên xuống đường biểu tình chống Trung Quốc hồi năm
2007. Trong bài có đoạn: “Nếu có ‘kẻ xấu’ nào đó ‘kích động’ người ta đi
biểu tình vì yêu nước, ta nên tôn trọng những ‘kẻ xấu’ này. Ngược lại, khi
‘người tốt’ tìm cách ngăn cản sự biểu lộ đầy phẫn uất một cách chính đáng của
người dân vì chứng kiến đất mẹ bị xâm phạm, thì hẳn những kẻ vẫn mạo xưng
‘người tốt’ này cần phải được xem lại. Khi mà kẻ tham lam ở phương Bắc không
chỉ thể hiện sự bá quyền trên các văn bản tuyên bố mà chuyển qua hành động đầu
tư, khai thác dầu khí ngay trong khu vực lãnh hải của chúng ta thì sự sát cánh
của nhân dân và Nhà nước lại càng cần kíp hơn bao giờ”.
Bài báo đã thể hiện lòng yêu nước, nỗi lo lắng của
một nhà báo, của một người dân Việt Nam khi nhìn thấy Trung Quốc đang từ từ gặm
nhấm đất đai, lãnh thổ của Tổ Tiên mình. Không được cổ vũ, chẳng được khen
ngợi, thay vào đó là quyết định đình bản tờ báo do cha mình, ông Nguyễn Trung
Dân, phó Tổng Biên tập, khiến mấy chục phóng viên và nhân viên tờ báo bị
thất nghiệp trong nhiều tháng, bản thân ông Nguyễn Trung Dân cũng bị cách chức
và bị thu hồi thẻ nhà báo.
Trên blog cá nhân,
nhà báo Trung Bảo đã tâm sự: “Giờ đây, suốt ngày hôm nay, tôi cứ tự hỏi mình
mà chẳng đưa ra nổi câu trả lời, rằng: ‘Nếu ta làm đúng sao lại khiến nhiều
người bị ảnh hưởng như vậy? Vậy là ta đã sai hay đúng?’ Tôi ngây thơ chăng khi
đưa ra câu hỏi này? Vẫn biết rằng, giá phải trả cho sự thật bao giờ cũng lớn
nhưng giờ đây có nhiều người đang phải chịu hậu quả do việc làm của mình. Thật
ân hận”.
Và hôm nay, khi Trung Quốc ngang nhiên mang giàn
khoan 981 vào lãnh hải Việt Nam, liên tục sách nhiễu, quấy phá vùng biển nước
ta, chắc chắn một phần trách nhiệm thuộc về ông Lê Doãn Hợp. Trong vai trò Bộ
trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông từ năm 2007-2011, chính ông đã bịt miệng báo
chí, cấm đưa những thông tin liên quan tới chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa,
Trường Sa và chủ quyền nơi biên giới, lãnh thổ như Ải Nam Quan đã bị Trung Quốc
chiếm đoạt.
Những câu hỏi mà nhà báo Trung Dân, Trung Bảo đặt ra
trong các bài viết của mình, rất cần những câu trả lời từ ông Lê Doãn Hợp.
Mời bà con đọc lại hai bài viết “Ai phải trả lời”
của nhà báo Nguyễn Trung Dân, Phó TBT báo Du Lịch, đăng trên BBC, và bài “Tản
mạn cho đảo xa” của nhà báo Trung Bảo.
Ngọc
Thu
——
Ai phải trả lời?
Nguyễn
Trung Dân
27-09-2009
Tôi đã thử đặt trên bàn hai thứ: Một là các trang
báo Du lịch số Xuân 2009 với các bài viết mà vì nó, báo bị đình bản ba
tháng – và cho đến tận hôm nay – toàn bộ nhân viên bị nghỉ việc không có lương
ăn.
Tôi thì bị đình chỉ chức vụ và thu hồi thẻ nhà báo.
Và thứ hai, khác và “lạ”, là bài báo trên trang Báo
Điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nam do ông Đào Duy Quát làm Tổng Biên tập, Trung
ương Đảng là cơ quan chủ quản.
Báo này đã dịch ra và đăng tải thông tin khoe sức
mạnh của quân lực … “Tàu mình” đang tập trận nơi Biển Đông có Hoàng Sa, Trường
Sa của Việt Nam, ca ngợi sự biểu dương lực lượng của nước “Tàu mình” như chốn
không người nhằm xác lập vai trò của kẻ xâm lược.
So sánh để thử hiểu được điều gì đang xảy ra trên
đất nước tôi và đau đớn phải hiểu ra là “không thể hiểu được”.
Vì làm sao có thể hiểu nổi cùng là người Việt Nam
“da vàng, mũi tẹt” mà ngôn ngữ “xa lạ” nhau đến vậy, cách đối xử với đồng đội,
đồng chí mình sao mà ghê rợn như kẻ thù?
Đình bản ba tháng (từ 14/4/09 cho đến hôm nay
26/9/09 là 5 tháng 12 ngày) – từng ấy ngày không lương ăn, không việc làm và kinh
khủng hơn là không ai thèm biết đến sự tồn tại của hơn 50 con người đang vất
vưởng, tội nghiệp, chờ kiếm cho ra một người phụ trách mới.
Mà là tội gì?
Có chăng là tội muốn nói lên cho mọi người biết rằng
Việt Nam vẫn có – và có nhiều – những thanh niên sẵn sàng xuống đường (và sẵn
sàng chết) cho Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam (xem bài Tản mạn cho đảo xa
của Trung Bảo).
Và cho dù đã “lỡ lầm” mất Ải Nam Quan thì cũng cần
ghi dấu “Hận Nam quan” cho con cháu mai sau biết được rằng: Nước Việt Nam ta
hình cong chữ S, liền một dải từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau (xem Hận Nam
quan của Hoàng Cầm).
Vậy thì đâu là điều đúng, sai để làm ra một quyết
định kỷ luật như sau:
“Quyết định đình bản báo Du lịch căn cứ vào
“những sai phạm nghiêm trọng của báo Du lịch số Tết Kỷ Sửu 2009.”
Theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền
thông, “lãnh đạo báo Du lịch đã không chấp hành sự chỉ đạo đối với các
thông tin quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, cho đăng những thông tin trên số báo
Tết Kỷ Sửu 2009 vi phạm nghiêm trọng các quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 6
và khoản 2 Điều 10 Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo
chí.”
Tại
sao đăng?
Có một điều, dù đã có một vài người biết, nay tôi
cũng muốn được nói ra.
Tác giả Trung Bảo của bài “Tản mạn cho đảo xa”
là con trai đầu của tôi – đứa con mà khi nó vào đại học tôi đã căn dặn không
được học và làm nghề báo.
Bởi hơn 20 năm làm báo, tôi đã phải chứng kiến và
trải qua bao điều dâu bể để mong con chọn sự bình an trong cuộc đời.
Vậy mà như một định mệnh, cháu vẫn theo học khoa báo
chí, ra trường làm việc ở báo Thanh Niên, và được xem là một thanh niên
có ý thức đối với đất nước và có khả năng làm báo.
Khi cầm bài báo Trung Bảo viết cho số Xuân Du
lịch, tôi đã đắn đo rất lâu. Trong tình hình lúc ấy, với sự nhạy cảm cần
thiết, tôi hiểu được điều gì có thể xảy ra khi các bài báo này được in ra.
Thế nhưng, tất cả những điều có thể xảy ra ấy có
khiến tôi chùn tay không dám ký duyệt cho đăng bài viết này, mà khi đọc tôi
thật sự xúc động tận tâm can?
Tôi thương cho bầu nhiệt huyết của lớp lớp tuổi trẻ
sẵn sàng xả thân mình, xuống đường biểu tình và có lẽ không ngần ngại hy sinh
thân mình khi tấc đất quê hương đang bị xâm chiếm.
Rồi tôi sợ.
Tôi sợ phải đối diện với ánh mắt con tôi, sợ phải
nghe câu hỏi là bao nhiêu sự tích anh hùng của cha ông, sao bây giờ lại thế
này?
Và điều quan trọng này nữa: Có phải khi đã yên vị
ngôi cao, được phong thánh bằng niềm kiêu hãnh đem lại độc lập dân tộc thì đất
nước, lòng yêu nước đã trở thành của riêng một nhóm người độc quyền bắt người
khác phải nghe, phải theo mình, mà mình thì không thấy điều gì quan trọng hơn
cái ghế của mình hay không?
Ghế Phó Tổng Biên tập phụ trách của tôi có đủ sức
chịu đựng những câu hỏi ấy không? Và tôi, tôi đang ở đâu, ở nhóm nào khi đất
nước đang có nguy cơ bị xâm lăng như vậy?
Không phải chỉ tôi trả lời và không phải chỉ một
mình con tôi hỏi.
Cả dân tộc đang hỏi, và ai phải trả lời đây?
Hiểu
hay không hiểu?
Chọn đăng những bài báo ấy, tôi còn có tính toán làm
phép thử.
Bởi tôi vẫn tin rằng, đâu đó thẳm sâu trong lòng mọi
người dân Việt, tấm lòng yêu nước nồng nàn đã đưa đất nước vượt qua bao họa xâm
lăng sẽ khiến cho người có trách nhiệm biết cách lèo lái, sẽ phải “đưa cao đánh
khẽ” để báo chí, công dân có cách thể hiện tấm lòng, sự quật cường, không chịu
khiếp nhược vớí bất cứ kẻ xâm lược nào, khi mà vì lý do nào đó nhà nước đang
còn vận động “ngoại giao”; và ngay cả khi cho là báo Du lịch có “sai”
(nhưng sai rất chân thành).
Tôi đã nhầm. Họ đã cư xử như “Người lạ”.
Tôi đã cố gắng giữ sự yên lặng.
Không than phiền việc mất chức, ngồi không (cái chức
mà tôi vẫn tự trào là chưa kịp khoe với bạn bè đã mất).
Không viết lách gì và cũng không muốn phát biểu với
ai để trần tình phải trái, dù rằng ai cũng đồng tình là tôi bị tai nạn, nhưng
đều thấy tôi như người “chết rồi” từ khi có quyết định của Bộ Thông tin và
Truyền thông.
Vì tôi vẫn hy vọng, có thể ở “tầm của tôi” khó hiểu
được cách làm, những ứng xử của “tầng vĩ mô”.
Giờ đây tôi buộc phải thất vọng.
Cách thể hiện trên trang Báo Điện tử của Đảng (có
nhiệm vụ lãnh đạo toàn diện đất nước) và cách kỷ luật bằng tiền sự sai
phạm, đối nghịch hẳn với sai phạm của báo Du lịch, của những người đang
nắm vận mệnh quốc gia như đã làm, thì thật sự không hiểu nổi điều gì đang xảy
ra với dân tộc chúng ta.
Nói không hiểu tức là đang hiểu vậy.
Ông
Nguyễn Trung Dân là một người làm báo kỳ cựu, giữ chức phó Tổng
biên tập điều hành báo Du lịch, thuộc Tổng cục Du lịch Việt Nam, cho
tới khi báo này bị đình bản tháng Tư 2009. Hiện ông Dân sống tại TP
Hồ Chí Minh. Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả.
——–
Tản Mạn Cho Đảo Xa
Nếu có “kẻ xấu” nào đó “kích dộng” người ta đi biểu
tình vì yêu nước, ta nên tôn trọng những “kẻ xấu” này. Ngược lại, khi “người
tốt” tìm cách ngăn cản sự biểu lộ đầy phẫn uất một cách chính đáng của người
dân vì chứng kiến đất mẹ bị xâm phạm, thì hẳn những kẻ vẫn mạo xưng “người
tốt” này cần phải được xem lại. Khi mà kẻ tham lam ở phương Bắc không chỉ thể
hiện sự bá quyền trên các văn bản tuyên bố mà chuyển qua hành
động đầu tư, khai thác dầu khí ngay trong khu vực lãnh hải của chúng ta
thì sự sát cánh của nhân dân và Nhà nước lại càng cần kíp hơn bao giờ. – Trung Bảo
Trung
Bảo
Số báo Xuân 2009
Một năm với đời người đã ngắn; đối với đất nước, với
dân tộc chỉ như một cái chớp mắt. Có khi người ta không đo một năm bằng 12
tháng, bằng một vòng luân chuyển của đất trời … người ta đo một năm bằng những
sự kiện diễn ra. Có những sự kiện đậm trong trí nhớ con người đến độ một năm
trôi qua mà như thấy mới chỉ hôm qua.
Những ngày cuối năm 2007 đầu năm 2008, lần đầu tiên
kể từ sau ngày thống nhất đất nước, thanh niên Việt Nam đã xuống đường để bày
tỏ lòng yêu nước khi Trung quốc công khai thể hiện dã tâm trên hai quần đảo
Hoàng Sa-Trường Sa. Dẫu rằng vì nhiều lý do, những lần xuống đường đó không
được báo chí trong nước thông tin rộng rãi. Dẫu rằng những tấm lòng yêu nước
trong sáng, sự hiên ngang khí phách kia không được ngợi ca công khai… nhưng
người ta sẽ phải nhớ rằng tấm lòng nhiệt tình với đất nước của thanh niên trí
thức trẻ sẽ không bao giờ thay đổi.
Một năm sau, tờ giấy khổ A4 với dòng chữ vi tính:
“Hoàng Sa-Trường Sa thân yêu là của Việt Nam” cùng vài chữ viết tay nguệch
ngoạc: “9.12, ngày lịch sử” giờ đây đã ngả màu. Tờ giấy này của một bạn trẻ nào
đó, tôi nhặt được trên lề đường Nguyễn Thị Minh Khai (Quận 1. Tp. HCM), đối
diện lãnh sự quán Trung quốc, trong những ngày đẹp trời cuối năm 2007. Tôi đem
nó về dán lên tường nhà mình như một kỷ niệm đẹp. Cái ngày 9.12.2007 có lẽ
chẳng bao giờ khiến tôi quên được. Quên sao được cái không khí bừng bừng khí
thế. Quên sao được khi tình cờ, tôi được đứng lẩn vào cùng những người đã tạo
nên những ngày lịch sử.
Tôi chưa có dịp đến Trường Sa, Hoàng Sa lại càng quá
xa xôi mịt mờ… dù hòn đảo này là một huyện của thành phố nơi tôi sinh ra. Thỉnh
thoảng khi đắm mình trorng làn nước biển trong veo giữa những buổi trưa hè chói
chang, tôi nhìn ra phía khơi và dường như thấy thấp thoáng lá cờ phần phật của
những hải đội lĩnh ấn vua ban đang vượt sóng ra trấn thủ đảo xa. Vậy nên tôi
biết mình sẽ lại sẵn sàng đứng cùng những người bạn chưa từng quen
để lại được hô to “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”. Và tôi cũng biết còn
có rất nhiều người luôn đau đáu trong tim mình về nhũng phần lãnh thổ đang còn
xa tay mẹ tổ quốc.
Nếu có “kẻ xấu” nào đó “kích dộng” người ta đi biểu
tình vì yêu nước, ta nên tôn trọng những “kẻ xấu” này. Ngược lại, khi “người
tốt” tìm cách ngăn cản sự biểu lộ đầy phẫn uất một cách chính đáng của người
dân vì chứng kiến đất mẹ bị xâm phạm, thì hẳn những kẻ vẫn mạo xưng “người
tốt” này cần phải được xem lại. Khi mà kẻ tham lam ở phương Bắc không chỉ thể
hiện sự bá quyền trên các văn bản tuyên bố mà chuyển qua hành
động đầu tư, khai thác dầu khí ngay trong khu vực lãnh hải của chúng ta
thì sự sát cánh của nhân dân và Nhà nước lại càng cần kíp hơn bao giờ.
Lịch sử do chính chúng ta làm nên. Do chính những
người đã bất chấp sợ hãi thường nhật, bất chấp thói quen trì trệ để kẻ khác
quyết định thay mình… để bước xuống đường giương cao lá cờ Việt Nam, hô to:
“Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam”. Lịch sử cũng sẽ không bỏ qua cho chúng ta
khi cứ giả như không có, không biết một phần đất nước vẫn đang còn bị xấm lấn.
Vậy thì thật tự hào, vô tình tôi đã được đứng về phía mặt sáng của lịch sử.
[Du lịch (Cơ quan của Tổng cục Du lịch –
Bộ Văn hoá, Thể thao, Du lịch), số Xuân Kỷ Sửu 2009, trang 23]
Mời xem lại: Trung Bảo – Số 3 và những sự hoang mang: Yêu nước = đình bản
ba tháng (BVN/ DL).
No comments:
Post a Comment