Đoàn
Hưng Quốc
29/05/2014
Chuyến công du của Tổng Thống Nga Vladimir Putin
sang Trung Quốc vào tháng 5-2014 có thể được ví với việc Tổng Thống Hoa Kỳ
Richard Nixon sang Bắc Kinh vào năm 1972 - cả hai lần đều nhằm một mục đích tạo
ra thế chân vạc mới trên bàn cờ quốc tế. Nhưng trái với cuối thế kỷ thứ 20 khi
Mỹ muốn bắt tay với Trung Quốc để ngăn chặn sự bành trướng của Liên Xô thì nay
Nga lại tìm hậu thuẫn với Hoa Lục nhằm tranh giành với thế lực từ Tây Phương.
Năm 1972 Hoa Kỳ bị sa lầy tại Việt Nam; năm 2014 Nga
bị cô lập vì xâm chiếm Crimea. Không rõ do sắp xếp thế nào mà các nhà lãnh đạo
của hai cường quốc này vốn đang gặp khó khăn lại phải đến Trung Quốc để tìm thế
liên minh – cho dù Hoa Lục không phải là nước mạnh nhất, nhưng vẫn tạo cho Bắc
Kinh thế thượng phong trước khi các cuộc thương thuyết bắt đầu. Mục tiêu đầu
tiên của Hoa Lục là theo phương châm của Gia Cát Khổng Minh dưới thời Tam Quốc
Chí “Bắc cự Táo Tháo, Đông hoà Tôn Quyền” để lực lượng tránh không bị phân tán
phải đối phó với đối phương từ hai phía khác nhau. Kế tiếp Bắc Kinh đòi hỏi
nhiều hợp tác thuận lợi cho sự tăng trưởng của Trung Quốc: trước đây Mỹ mở cánh
cửa đầu tư và trao đổi công nghệ, nay Nga tăng cường cung cấp năng lượng và kỹ
thuật quốc phòng.
Tuy không hài lòng với hoàn cảnh hiện thời do Hoa Kỳ
nắm thế thượng phong nhưng cả hai nước Nga-Trung đều thận trọng để không phá vỡ
trật tự thế giới. Bằng chứng là Moskva không dùng đến quân đội chính quy mà chỉ
tung ra các toán lính đặc biệt che mặt và không mang quân hiệu khi khuấy động
vùng Crimea, còn Bắc Kinh xử dụng rồng phun nước thay vì súng đạn để bảo vệ
giàn khoan dựng lên trái phép trong lãnh hải Việt Nam. Bởi một khi súng đạn nổ
ra giữa hai quân đội sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng làm gián đoạn giao
dịch thương mại và quan hệ chính trị toàn cầu mà cả Bắc Kinh lẫn Moskva vẫn
chưa lường trước được. Hơn nửa những đối tượng bị nhắm đến tức Ukraine và Việt
Nam đều lẻ loi với hệ thống chính trị và kinh tế lệ thuộc nặng nề vào hai nước
láng giềng khổng lồ mà lại không có liên minh quân sự với NATO hay Hoa Kỳ che
chở, cho nên là những mục tiêu tốt để doạ nạt, phá hoại và xâm chiếm mà chưa cần
đến sức mạnh quân sự.
Cho đến nay cả Nga và Trung Quốc chỉ cho thấy ý đồ
bành trướng khu vực để giành lại các quyền lợi “truyền thống” hay “lịch sử”,
tức là khuất phục những quốc gia lân bang biến thành chư hầu. Tuy nhiên quá khứ
cho thấy một khi cán cân lực lượng thay đổi thì tham vọng cũng tăng thêm và khi
đó sẽ trở thành mối đe dọa trực tiếp cho toàn bộ khối các nước dân chủ.
Dù vậy Tây Phương vẫn chưa tìm ra biện pháp đáp trả
hữu hiệu đối với các hình thức tiến công phi quy ước (unconventional). Từ lính
bịt mặt xuất hiện ở vùng cận Nga cho đến tàu hải giám Trung Quốc phun vòi rồng
ở biển Đông, các sự kiện tuy nghiêm trọng nhưng không đủ để vận động dư luận
tại các nước dân chủ hậu thuẫn những biện pháp trả đủa cứng rắn. Riêng tại Hoa
Kỳ dân chúng đã mỏi mệt với hai cuộc chiến Iraq và Afghanistan; Mỹ lại can dự
quá vào nhiều các tranh chấp không có đoạn kết như Bắc Hàn, Iran, và phong trào
Hồi Giáo cực đoan. Lo ngại lớn nhất của Hoa Kỳ là bị lôi kéo vào một cuộc chiến
dai dẳng khác trong lúc dư luận quốc nội chưa thống nhất còn các nước đồng minh
lại thiếu quyết tâm nên dễ bị chia rẽ vì quyền lợi.
Trở lại chuyến công du của Putin sang Bắc Kinh: theo
bài học của thập niên 70 thì sau khi Trung Quốc hoà hoãn với Hoa Kỳ họ đã tấn
công “dạy cho Việt Nam một bài học”. Liên Xô không dám trả đủa bảo vệ cho nước
đàn em nên bị Đặng Tiểu Bình chế nhạo là “có gan sờ đuôi cọp mới biết cọp
giấy”. Từ đó Hoa Lục tập trung vào canh tân đất nước không còn xem Liên Xô như
hiểm hoạ từ phương Bắc.
Câu
hỏi đặt ra rằng Trung Quốc có tấn công Việt Nam hay không sau khi đã bắt tay
với Putin? Có lẽ chưa đến lúc bởi vì Bắc Kinh còn nhiều phương
thức khác để phá hoại nền kinh tế và khích động căm phẫn giữa dân chúng đối với
nhà cầm quyền nhằm lung lạc tinh thần đoàn kết và ý chí đề kháng. Nhưng một khi
Việt Nam chứng tỏ quyết tâm, chẳng hạn tìm kiếm liên minh quân sự với Hoa Kỳ
thì sẽ là cơ hội để Hoa Lục tấn công để “nắn gân” liệu Mỹ có đủ ý chí để can
thiệp vào vùng sân nhà của Trung Quốc hay không? Phản ứng của Hoa Kỳ trái lại
tuỳ thuộc vào thái độ của Việt Nam khi đó có dứt khoát thực hiện dân chủ và
đoàn kết để bảo vệ bờ cõi thì họ mới có thể vận động dư luận quần chúng nhằm
can thiệp tận tình, còn trái lại nếu vẫn tiếp tục mập mờ đu dây thì họ sẽ khai
thác mối bất hoà đủ để làm hao mòn tiềm lực của hai nước Việt-Trung mà không
cần tham dự quá sâu.
Một trường hợp khác mà Hoa Kỳ và Phi đang dự phòng
là sau vụ giàn khoan HD 891 Bắc Kinh sẽ thách thức thế nào với Philippin vốn là
nước có hiệp ước phòng thủ với Mỹ? Trung Quốc biết cam kết của Mỹ đối với Phi
nhẹ hơn rất nhiều so với Nhật nên đây là mắt xích yếu kế tiếp để bẻ gãy. Dù khả
năng Hoa Kỳ can thiệp về quân sự sẽ rất ít trừ phi sự cố bộc phát ngoài dự
đoán, nhưng Mỹ và Nhật sẽ gấp rút yểm trợ cho Philippin chuẩn bị cho các cuộc đụng
độ lớn hơn về sau này.
Câu hỏi đặt ra là khi đó Bắc Kinh sẽ áp lực Hà Nội
im tiếng để đổi lấy một số nhượng bộ nhỏ nhằm phá vỡ thế liên minh Việt-Phi.
Dân Phi đã biểu tình ủng hộ khi Việt Nam bị Trung Quốc xâm lăng, liệu người
Việt Nam có đáp đền ân tình khi nước bạn bị đe doạ hay không?
Đ.H.Q
Tác giả gửi BVN
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 12:31
No comments:
Post a Comment