Thursday, 29 May 2014

VIỆT NAM VẪN THẲNG TAY ĐÀN ÁP TỰ DO TÔN GIÁO (Người Việt online)




Người Việt
Thursday, May 29, 2014 5:41:34 PM

TUYÊN QUANG (NV) - Ba người H'Mong bị đưa ra xử phúc thẩm ở Tuyên Quang ngày 27 tháng 5, vẫn bị phạt tù vì “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, tổ chức và công dân.”

Theo bản án phúc thẩm, ông Thào Quán Mua vẫn bị phạt 18 tháng. Ông Lý Văn Dinh vẫn bị phạt 15 tháng tù. Riêng ông Dương Văn Tu được giảm hai tháng tù, từ 21 tháng xuống còn 19 tháng tù.

Người H'Mong tụ tập, giơ cao các khẩu hiệu đòi trả tự do cho ông Lý Văn Dinh, Dương Văn Tu khi họ bị đưa ra xử sơ thẩm hồi tháng 3 vừa qua. (Hình: Truyền Thông Dòng Chúa Cứu Thế)

Hồi tháng 3 vừa qua cả ba nhân vật vừa kể được đưa ra xử sơ thẩm trong hai phiên xử khác nhau ở trụ sở Tòa án huyện Hàm Yên.

Phiên xử sơ thẩm ông Thào Quán Mua lần đầu, diễn ra vào ngày 18 tháng 3 đã phải tạm hoãn vì hàng ngàn người H'Mong từ nhiều nơi đã đổ về trụ sở Tòa án huyện Hàm Yên, giương cao các khẩu hiệu đòi tự do tôn giáo và trả tự do cho ông Mua.

Tình trạng tương tự lập lại vào ngày 21 tháng 3 khi Tòa án huyện Hàm Yên đưa các ông Dương Văn Tu, Hoàng Văn Sang, Lý Văn Dinh ra xử tiếp. Ông Hoàng Văn Sang, người bị phạt 18 tháng tù không kháng cáo nên không có mặt trong phiên xử phúc thẩm diễn ra hôm 27 tháng 5.

Bốn người H'Mong bị phạt tù trong các phiên xử sơ thẩm hồi tháng 3 và bị Tòa án tỉnh Tuyên Quang tiếp tục phạt tù trong phiên xử phúc thẩm hồi đầu tuần này cùng bị cáo buộc là “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, tổ chức và công dân.”

Ðể ngăn chặn các hoạt động phản kháng, phiên xử phúc thẩm các ông Thào Quán Mua, Dương Văn Tu, Lý Văn Dinh không diễn ra tại trụ sở tòa án như bình thường mà diễn ra bên trọng trụ sở công an tỉnh Tuyên Quang.

Lý do chính dẫn tới việc những người H'Mong bị phạt tù vì họ đã xây dựng các nhà quàn và phản đối chính quyền đập bỏ các nhà quàn đó, yêu cầu chính quyền phải tôn trọng tự do tín ngưỡng.

Từ cuối thập niên 1980 đến nay, càng ngày càng nhiều người H'Mong nghe theo lời ông Dương Văn Mình, từ bỏ nhiều tập quán có tính chất hủ tục, ví dụ như giữ người chết trong nhà, sống cùng với thi thể người chết ba ngày ba đêm, hoặc bảy ngày bảy đêm, thậm chí chín ngày đêm, mổ trâu bò, cùng ăn uống rồi mới chôn cất. Hoặc khi đau ốm thì không cúng kiếng mà đi chữa bệnh.

Tuy nhiên khi người H'Mong thôi dùng thầy cúng, thôi tin ma, ngừng giữ và thực hiện các hủ tục thì chính quyền Việt Nam cảm thấy bất an. Họ gọi những quan điểm tín ngưỡng mà ông Dương Văn Mình truyền bá và được nhiều người H'Mong tán thành là “tà đạo Dương Văn Mình.” Nhiều nhà nguyện với thánh giá, nhà quàn với các vật dụng hỗ trợ chôn cất người chết theo cách thức chung, trong đó người Kinh đã thực hiện từ lâu và vẫn đang làm như thế khắp nơi, nay mới được thực hiện trong cộng đồng người H'Mong bị đập phá.

Ông Dương Văn Mình và nhiều người H'Mong bị tống giam, bị phạt tù vì “gây rối trật tự công cộng,” “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, tổ chức và công dân.”

Người H'Mong câm lặng chịu đựng sự đàn áp thô bạo này cho đến cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm 2011 thì sự kiện Mường Nhé bùng phát. Mường Nhé là một huyện thuộc tỉnh Ðiện Biên, mà ranh giới vừa giáp biên giới Trung Quốc, vừa giáp biên giới Lào.

Ngày 30 tháng 4 năm 2011, hàng ngàn người H'Mong đã đổ đến Mường Nhé cầu nguyện, đòi tự do tín ngưỡng. Lúc đó, Reuters dẫn một nguồn tin ngoại giao tiết lộ, số lượng người H'Mong đổ về Mường Nhé trong sự kiện này là 7,000.

Trong khi chính quyền Việt Nam loan báo đã “vận động đồng bào tự nguyện giải tán” và “không hề đàn áp” thì DPA - Thông tấn xã Ðức - dẫn thông tin từ một viên chức chính quyền của tỉnh Ðiện Biên, xác nhận có 3 đứa trẻ thiệt mạng. Riêng Center of Public Policy Analysis (CPPA - Trung Tâm Phân Tích Chính Sách Công Quyền) tại Hoa Kỳ - một trong những nơi thường xuyên theo dõi về tình trạng đàn áp người H'Mong thì loan báo, con số nạn nhân thiệt mạng nằm trong khoảng từ 39 đến 49 người, chưa kể hàng trăm người bị mất tích.

Kể từ sau sự kiện Mường Nhé, người H'Mong từ các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam liên tục đổ về Hà Nội khiếu nại, đòi tự do tôn giáo, đòi thả những người bị bắt.

Ðàn áp cũng vì thế trở thành dữ dội hơn. Sau khi Tòa án huyện Hàm Yên tỉnh Tuyên Quang đưa bốn người H'mong ra xử và phạt tù vì “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, tổ chức và công dân” hồi giữa tháng 3, đến giữa tháng 4, Tòa án tỉnh Ðiện Biên đưa tiếp 29 người H'Mong khác ra xử với cáo buộc họ đã “hoạt động phỉ.” Phiên xử đó kéo dài trong một tuần và được tổ chức theo hình thức lưu động.

Xét xử lưu động là hình thức xét xử được thực hiện bên ngoài trụ sở tòa án với mục tiêu “giáo dục, răn đe.” Các cơ quan tư pháp Việt Nam xác định có 37 người H'Mong “hoạt động phỉ.” Chỉ có 29 người bị đưa ra tòa trong phiên xử vừa kể vì 8 người đã đào thoát. Cáo trạng cho biết, sau khi “gây rối trật tự công cộng” ở xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Ðiện Biên hồi tháng 5 năm 2011, những người H'Mong này đã trốn ra nước ngoài. Giữa tháng 10 năm 2012, họ quay trở về, dùng súng bắn vào lán của lực lượng Biên Phòng tại xã Sen Thương, huyện Mường Nhé, tỉnh Ðiện Biên, khiến một người chết và bốn người bị thương. Những người H'Mong này còn dự tính tấn công một số mục tiêu khác ở huyện Mường Nhé nhưng bị bắt trước khi thực hiện các dự tính đó.

Các vụ phản kháng đòi tôn trọng tự do tôn giáo của người H'Mong ở Mường Nhé, Ðiện Biên (2011) và của người thiểu số ở Tây Nguyên (2001, 2004) là một trong những lý do để năm ngoái, Bộ Công An Việt Nam vận động Ủy Ban Thường Vụ của Quốc Hội Việt Nam gia tăng đầu tư cho cảnh sát cơ động - lực lượng vũ trang của công an, chuyên thực hiện nhiệm vụ trấn áp. Ngoài trang bị cá nhân, hơn hẳn quân nhân, năm ngoái, lực lượng này được trang bị thêm cả B.40, xe bọc thép. Qua “Pháp lệnh Cảnh Sát Cơ Ðộng,” Ủy Ban Thường Vụ của Quốc Hội Việt Nam còn cho phép lực lượng này mua phi cơ, tàu thủy và “nổ súng trấn áp bạo loạn, tụ tập đông người phá rối an ninh.” (G.Ð)

-------------------------------








3 comments:

  1. Lại câu chuyện vè tự do tôn giáo. Những tên phản động như bốn phương luôn tìm cách nói về dân chủ, nói về tự do tôn giáo như chúng là những tên đang tìm cách để khai sáng dân tộc, nhưng đó chỉ là vỏ bọc của những tên đang lợi dụng tự do tôn giáo để bôi xấu đất nước, dân tộc. Những tên nhơ bẩn đang phá hoại đất nước.

    ReplyDelete
  2. Việt Nam chưa bao giờ đàn áp tự do tôn giáo. Việt Nam luôn có chính sách cho các tôn giáo, đảm bảo đủ quyền và lợi ích của người khi đi theo tôn giáo tín ngưỡng nào đó. Tuy nhiên bên cạnh đó, người dân phải nắm rõ nghĩa vụ của mình đối với quốc gia, dân tộc. Theo một tôn giáo nào đó không có nghĩa là quay lưng chống đối đất nước, làm loạn trên lãnh thổ của mình, Những hành vi đó là của những kẻ có mầm mống của sự phản động, hành vi vi phạm pháp luật thì sẽ phải chịu sự trừng phạt.

    ReplyDelete
  3. Tự do thì phải có khuôn khổ. Mấy tên rận các ngươi luôn mồm kêu gọi dân chủ, tự do thế nhưng các ngươi đã làm gì cho đất nước, đã làm gì tuân theo pháp luật của quốc gia, các ngươi chạy theo tự do kiểu Mỹ, nhưng cái kiểu tự do đó có thật là tự do hay là những đồng tiền rác rưởi ném vào mặt các ngươi. Thật khốn nạn cho những kẻ mang trong mình dòng máu việt nhưng không biết trân trọng.

    ReplyDelete

View My Stats