Tuesday 27 May 2014

TUYÊN QUANG : CHUYỆN MỘT PHIÊN TÒA (PV. VRNs đưa tin trực tiếp từ Tuyên Quang)




PV. VRNs đưa tin trực tiếp từ Tuyên Quang
Đăng ngày: 28.05.2014

VRNs (28.05.2014) – Tuyên Quang – Sáng qua, 27/5 Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang mở phiên tòa Phúc Thẩm 2 người dân tộc H’Mông là ông Lý Văn Dinh và ông Dương Văn Tu theo điều 258 BLHS “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.  

Phiên tòa nơi trại giam
Ngay từ sáng sớm công an, cảnh sát cơ động được chặn các chốt cách phiên tòa khoảng 2km. Điều ngạc nhiên phiên Phúc thẩm không được xét xử tại Tòa án mà lại là trại giam. Đặt chân đến Trại tạm giam công an tỉnh Tuyên Quang tại địa chỉ: Xóm 22, xã Kim Phú, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, cách thành phố Tuyên Quang khoảng 7km.

Mặc dù đi rất sớm nhưng việc tiếp cận vào khu vực trại giam là không thể, người dân khu vực đó cho biết phải có giấy tờ tùy thân và là người nhà mới được vào. An ninh mặc sắc phục lẫn thường phục có mặt ở tất cả các quán nước gần đó. Sự có mặt của người lạ nào ở đây cũng được dành cho những ánh mắt soi mói.

Xe cảnh sát cơ động đi lại liên tục, mật độ công an cũng nhiều hơn trong các quán. Trong vai một người khách du lịch phóng viên có dịp trò chuyện với hai vợ chồng bác bán nước ngay cổng trại giam: họ cho biết hôm nay là ngày xử vụ “tuyên truyền, kích động, lôi kéo chống phá cách mạng”. Hôm trước xử trên tòa án thành phố đông lắm nên hôm nay không xử ở đó nữa mà chuyển về đây. Tôi đặt vấn đề nếu đã xử thì phải ở tòa án chứ sao lại trại giam được, thật kỳ lạ. Bà chủ quán nước cho biết chắc sợ bạo động đó, nghe nói nhóm này đã lôi kéo được nhiều người theo lắm. Cả đêm qua xe cơ động đi suốt đêm, con rú còi inh ỏi, sáng nay phải có giấy tờ mới được vào, bà cũng muốn vào lắm mà không được, nhà chị hàng xóm bên kia cũng không được vào.

Quán nước này khá vắng khách vì góc quan sát khu vực trại giam hơi hẹp. Ban đầu chỉ có tôi, lúc sau có hai bạn nữ nữa đến nhưng uống vôi chai nước lọc, rồi gửi bà chủ quán nước ba lô đi đâu đó, rồi bảo tí cháu quay lại lấy. Cho đến khi có một nhóm an ninh nhìn thấy sư xuất hiện của người lạ trông có vẻ “không phải dân ở đây”. Ban đầu chỉ có hai người vào, sau đó nguyên cả đám 10 người vào, gọi bia uống.

Tôi đang thắc mắc, trong lúc bao nhiêu bạo loạn xảy ra, chỉ vì một phiên tòa phúc thẩm, xét xử ở địa điểm heo hút, hẻo lánh mà huy động cả trăm công an rảnh rỗi, ngồi canh me soi mói những “người lạ” rồi ngồi uống bia với nhau. Tiền đó từ đâu?

Hành xử theo kiểu “công an trị”
Vì biết ngay từ đầu là không tiếp cận được phiên tòa, tôi cố ngồi chờ kết quả phiên phúc thẩm. Nhưng đến khoảng 10h một nhóm 4 người ập vào quán nước tra vấn tôi liên quan đến một người nào đó tên là Ngọc và là Lụa nào đó và yêu cầu tôi mang cái ba lô mà hai người đó gửi vào trong kia. Khi một mực phủ nhận rằng không quen hai người đó và bà chủ quán nước không đồng tình việc đó. Bà cũng nói với họ, tôi ngồi một mình từ sáng, không trò chuyện với bất kì ai. Tôi cảm ơn bà đã làm chứng cho tôi và quay ra nói với những người thanh niên đó. Theo lẽ thường tôi sẽ không trả lời bất kỳ nào câu hỏi mà các anh đặt ra sau câu thứ nhất các anh áp đặt tôi quen cô A cô B nào đó, mà thực tế là tôi không quen họ. Và bà bán nước đây đã làm chứng điều đó, thậm chí bà vừa kể cho tôi nghe hai cô đó nói giọng miền Nam. Cái kiểu xông vào quán và không có bất kỳ phép lịch sự nào đối với tôi cũng như bà đây là đủ lý do tôi không muốn nói chuyện với các anh dù các anh có là ai. Một điều nữa, tôi là khách từ xa đến đây, tôi mệt tôi có quyền nghỉ ngơi và uống nước. Các anh là công an thì nên bảo vệ chứ không phải hành xử một cách vô lối như vậy. Sau khi thấy tôi tỏ thái độ khá rõ ràng những người này đã xuống nước nhưng vẫn cử hai người ở lại quan sát. Biết là không nên ở lâu nên tôi đã rời khỏi đó, nhưng khi chiếc taxi tôi gọi đến thì một an ninh chạy nhanh ra chiếc taxi và nói điều gì đó với lái xe. Lúc lên xe tôi hỏi được biết họ yêu cầu anh lái xe cho biết nơi tôi xuống xe. Thật nực cười cái cách làm việc của công an Tuyên Quang nói riêng và ngành công an ở Việt Nam nói chung. Tôi biết là chỉ cần tôi nán lại thì chắc chắn sẽ như hai bạn nữ mà tôi chỉ gặp chớp nhoáng ở quán nước.

Cho đến giờ này kết quả phiên tòa đã được tuyên hai bạn nữ thuộc hội Phụ nữ Nhân Quyền vẫn chưa có bất kỳ thông tin gì. Khi ra khỏi đó tôi mới biết thông tin của hai bạn nữ đó là Huỳnh Phương Ngọc và Nguyễn Thị Lụa. Có lẽ, cũng chỉ có ba người chúng tôi được chú ý vì “không phải dân ở đây”.

Kết quả phiên tòa ai cũng lường trước được, cách hành xử của công an thì khó biết sẽ thế nào. Một phiên tòa không được gọi là một phiên tòa ngay từ đầu thể hiện từ việc đổi địa điểm xét xử không phải sang một tòa án khác mà xử ở trại tạm giam. Một phiên tòa người xem thì ít mà công an mật vụ thì nhiều để canh me, quan sát những người lạ hiện diện trên mảnh đất họ cai trị, để rồi xông vào hạch sách một người lạ mặt một cách bất lịch sự.

Chỉ nhìn vào cách hành xử của công an bên ngoài phiên tòa đã cho thấy một phiên tòa không bình thường đang diễn ra tại mảnh đất này trong ngày hôm nay.

PV. VRNs đưa tin trực tiếp từ Tuyên Quang




No comments:

Post a Comment

View My Stats