Theo tin chúng tôi vừa nhận được, sáng nay nhà văn
Nguyễn Xuân Nghĩa gọi điện từ trại giam An Điềm (Đà Nẵng) về cho vợ là bà
Nguyễn Thị Nga. Cuộc điện thoại kéo dài chừng 5 phút dưới sự giám sát chặt chẽ
của công an trại giam.
Ông Nghĩa cho biết, hiện tình trạng sức khỏe của ông
rất tồi tệ. Ông bị chứng bệnh đau răng hành hạ vài tháng nay. Phía trại giam
chỉ đưa ông đi nhổ răng sau những lần ông đấu tranh quyết liệt. Tuy nhiên, thay
vì nhổ răng đau, trong hai lần đưa đi khám công an đã nhổ hai chiếc răng khỏe
của ông. Nhà văn đã phản đối sự vô nhân đạo của nhà tù và tiếp tục có những nỗ
lực trong đơn độc, buộc phía trại gian phải đưa ông đi nhổ bỏ chiếc răng sâu.
Trong cuộc điện thoại gọi về nhà, ông Nghĩa cho biết ông rất đau đớn và mệt
mỏi. Bác sĩ trại giam giải thích đó là vì phản ứng của thuốc và ông bị... đau
dây thần kinh số năm (chứ không phải đau răng). Ông cũng nói rằng, mặc dù chỉ
còn hơn 3 tháng nữa là mãn hạn tù nhưng phía trại giam liên tục gây sức ép cho
ông.
Cần nhắc lại, tháng 11 năm 2012, nhà văn Nguyễn Xuân
Nghĩa đã bị
xiềng chân và tay ngay trên giường bệnh khi vừa rời khỏi phòng mổ. Ông chỉ
được tháo xiềng khi phản đối quyết liệt và tuyên bố sẽ tự vẫn ngay trên giường
bệnh để bảo vệ danh dự và khí tiết. Mặc dù ca mổ đã thực hiện cách đây gần hai
năm nhưng ông vẫn luôn bị đau đớn. Ông Nghĩa bị mắc một số bệnh như khối u tiền
liệt tuyến, khối u ở má trái, đau dạ dày và một số biểu hiện đáng lo ngại khác.
Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa là một nhà đối kháng rất
nổi tiếng. Ông sống tại Hải Phòng và bị bắt trong “chiến dịch mùa thu” tháng 9
năm 2008 cũng với nhiều nhân vật tranh đấu khác như Nguyễn Mạnh Sơn, Nguyễn Văn
Tính, Nguyễn Văn Túc, Phạm Văn Trội, Phạm Thanh Nghiên, Ngô Quỳnh, Vũ Hùng,
Nguyễn Kim Nhàn. Ông là thành viên trong ban điều hành khói 8406. Ông cũng là
một cây viết rất khỏe với nhiều thể loại như bình luận, ký sự, tùy bút, phóng
sự, thơ... Bên cạnh đó, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa còn là một trong những nhân
vật mạnh mẽ nhất trong việc chống Trung Quốc xâm lược. Ông đã nhiều lần xuống
đường biểu tình ôn hòa phản đối Trung Quốc và bày tỏ lòng yêu nước.
Trong 6 năm bị giam giữ, ông Nghĩa đã bị chuyển đi
nhiều nhà tù từ bắc tới miền Trung như Trần Phú (Hải Phòng), B14 (HN), Nam Hà
(Hà Nam), Trại 6 (Nghệ An) và bây giờ là An Điềm ( Đà Nằng).
Trong cuộc điện thoại, gia đình cho biết nhà văn
Nguyễn Xuân Nghĩa bày tỏ sự mong muốn được công luận quan tâm và giúp đỡ. Hầu
gây sức ép buộc nhà cầm quyền phải dừng các hành vi đàn áp trong tù đối với ông
và những tù nhân luơng tâm khác.
No comments:
Post a Comment