Nam
Nguyên, phóng viên RFA
2014-05-31
2014-05-31
Nhà nước Việt Nam luồn lách giữa các giải pháp song
phương và đa phương trong vấn đề biển Đông. Trong vụ giàn khoan Trung Quốc HD
981 xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam có vẻ nhà nước đang chuyển qua giải
quyết đa phương.
Bảo
vệ quyền lực?
Sau Hội nghị Thành Đô 1990, Việt Nam bình thường hóa
bang giao với Trung Quốc và càng ngày càng yếu thế, lép vế trong quan hệ được
tô vẽ là hữu nghị 4 tốt 16 chữ vàng. Từ khi Trung Quốc để lộ tham vọng chiếm cứ
biển Đông với đường chủ quyền 9 đoạn gọi là đường lưỡi bò, Việt Nam luôn khẳng
định giải quyết tranh chấp song phương với Trung Quốc cho vấn đề vịnh Bắc bộ,
vùng biển Hoàng Sa Trường Sa mà Việt Nam khẳng định chủ quyền.
Giờ đây Việt Nam đang cố gắng tranh thủ vận động dư
luận, vận động ngoại giao tìm sự ủng hộ của thế giới trong cuộc đấu tranh với
kẻ xâm lăng là Trung Quốc. Tuy vậy nhà nước vẫn lập đi lập lại không tham gia
bất kỳ một liên minh quân sự nào, cũng không chống lại Trung Quốc.
TS
Phạm Chí Dũng, nhà bình luận độc lập từ Saigon nhận định:
“Tôi nghĩ
Việt Nam không thay đổi đâu, họ từng có chủ trương Việt Nam muốn làm bạn với
tất cả các nước cho nên là song phương lúc này đa phương lúc khác. Chuyện đó là
điều gần như tất yếu đối với Việt Nam, chỉ có điều là song phương hay đa phương
thì tôi cũng nghĩ họ không chủ động, họ gần như ở trong thế bị động. Và lúc này
nếu có một câu chuyện đa phương giữa cả Tây Âu, Hoa Kỳ và với cả Trung Quốc thì
tôi nghĩ là họ vẫn đang tính toán là làm sao có thể đi dây giữa các quốc gia
các thế lực siêu cường trên thế giới mà không ảnh hưởng tới quyền lợi, quyền
lực của họ.”
Trong việc Trung Quốc đưa giàn khoan khổng lồ vào
khoan thăm dò trên vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa Việt Nam, nguyên tắc
giải quyết tranh chấp song phương sẽ làm cho Việt Nam đã yếu thế càng lép vế
hơn nữa.
Thạc
sĩ Hoàng Việt, giảng viên Luật quốc tế ở TP.HCM, thành viên Quỹ
nghiên cứu biển Đông nhận định:
“Trung Quốc
đang muốn kéo vấn đề này trở thành song phương, nghĩa là về Hoàng Sa là tranh
chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam. Nhưng mà việc Việt Nam mong muốn tranh thủ
công luận quốc tế, thì Việt Nam phải có một chiến dịch đối ngoại để cho thế
giới thấy rằng, đây không phải là vấn đề song phương, mà Hoàng Sa liên quan đến
vấn đề rộng hơn là toàn bộ khu vực Biển Đông, trong đó liên quan tới an ninh và
an toàn hàng hải Biển Đông.”
Ngày 29/5 trong phiên họp thường kỳ của chính phủ ở
Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiết lộ là lãnh đạo Việt Nam đề nghị gặp
người tương nhiệm Trung Quốc để thảo luận giải quyết vụ giàn khoan HD 981,
nhưng Bắc Kinh từ khước và trả lời “không phải thời điểm thích hợp.” Tuy ông
Dũng không chỉ rõ lãnh đạo Việt Nam là vị nào nhưng thông tin trên các mạng xã
hội cho biết người đó là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng chỉ đạo Chính phủ kiên quyết đấu tranh với Trung Quốc trên biển Đông,
nhưng vẫn giữ quan hệ ngoại giao, kinh tế bình thường, tuyệt đối lên án các
hành vi kích động, bài trừ người Hoa.
Kịch
bản nào của lịch sử?
Giàn khoan HD 981 hạ đặt bất hợp pháp trên vùng biển
Việt Nam đã bước sang tuần lễ thứ 5. Phía Trung Quốc đã khảo sát khoan thăm dò
ở hai vị trí trên vùng biển ngoài khơi duyên hải tỉnh Quãng Ngãi. Trung Quốc đã
triển khai hơn 100 tàu các loại kể cả tàu quân sự và máy bay yểm trợ để bảo vệ
giàn khoan. Lực lượng chấp pháp Việt Nam với các tàu cảnh sát biển, tàu kiểm
ngư vừa ít về số lượng vừa quá nhỏ bé so với các tàu hải giám, hải cảnh Trung
Quốc. Có thể nói lực lượng tàu chấp pháp của Việt Nam bị kẻ thù trấn áp thô bạo
với 30 tàu bị đâm va gây hư hỏng. Nhưng tàu chấp pháp Việt Nam được lệnh trên
chỉ cố gắng hiện diện mà không phản ứng. Lệnh xua đuổi tàu Trung Quốc và
giàn khoan HD 981 theo lệnh Thủ tướng nghe có vẻ mỉa mai. Tin ghi nhận
trong 4 tuần qua chỉ có một lần duy nhất tàu kiểm ngư Việt Nam đáp trả tàu kẻ
thù bằng vòi rồng, sự việc xảy ra vào sáng ngày 12/5.
Việt Nam đang bị mất chủ quyền trên vùng biển của
mình, các biện pháp đấu tranh hòa bình với Trung Quốc sẽ có kết quả như thế nào
trong tình hình và tương quan lực lượng hiện nay.
TS
Phạm Chí Dũng từ Saigon nhận định:
“Tôi cho là không chỉ song phương mà là vô phương
đối với giàn khoan HD 981 và tất cả những giàn khoan sau này mà Trung Quốc sẽ
hạ đặt trái phép ở vùng biển Việt Nam. Bởi vì một phép thử nho nhỏ mà Việt Nam
chỉ từ thua tới thua thì sẽ làm sao đối với một chiến dịch dài hạn Trung
Quốc có thể đưa ra rất nhiều phép thử khác. Và chúng ta thấy tàu cá Việt Nam bị
đâm thủng, hai người ngư dân bị chết ở Quảng Ninh mà cho tới giờ một số tờ báo
Việt Nam vẫn dùng từ tàu lạ, thì không hiểu nổi lòng tự trọng dân tộc và tình
cảm đồng loại của họ để ở đâu.”
Lịch sử Việt Nam từng có một ngàn năm bị giặc Tàu đô
hộ, nhưng người Việt Nam vẫn quật khởi gìn giữ đất nước và không bị phương bắc
đồng hóa. Sử sách ghi nhớ Việt Nam từng có những triều đại anh minh hùng cường
biết chiêu hiền đãi sĩ, tôn trọng lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết toàn dân
chống ngoại xâm. Thế kỷ 21 ngày nay những đại quốc đầy tham vọng có thể có sự
đô hộ kiểu mới, đưa các tiểu quốc yếu hèn vào vòng lệ thuộc mà chẳng cần phải
đem quân chiếm đóng. Câu hỏi đặt ra là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
do Đảng Cộng sản lãnh đạo toàn diện sẽ rơi vào kịch bản nào của lịch sử?
No comments:
Post a Comment