Tuesday, 6 May 2014

SỰ CHÍNH DANH CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN (Kính Hòa - RFA)




Kính Hòa, phóng viên RFA
2014-05-06

Một hành động gây hấn nữa của Trung quốc lại được ghi nhận, đó là dàn khoan biển của nước này xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt nam. Trong khi đó các báo đảng thường xuyên loan tải những tuyên bố hữu hảo giữa hai đảng, hai chính phủ. Điều này càng ngày càng làm nhiều người Việt nghi ngờ về tính chính danh của chính đảng cộng sản Việt nam.

Phản đối và hữu hảo

Dàn khoan Hải Dương thuộc Công ty dầu khí Trung quốc được kéo vào vùng thềm lục địa, đặc quyền kinh tế Việt nam. Phía Trung quốc không ngại ngần đưa ra tọa độ địa lý của dàn khoan biển, và mọi người thấy rằng nó nằm ngay phía trong đường 200 hải lý đặc quyền kinh tế Việt nam trên biển Đông.
Đây là một động thái mới đến từ phía Trung quốc. Trước đây những vụ đụng chạm với tàu khảo sát địa chấn Việt nam, cũng như với ngư dân Việt nam, Trung quốc hoặc không nói gì hoặc cho rằng tố giác từ phía Việt nam là không có bằng cớ.

Bản đồ hình lưỡi bò trên Biển Đông do Trung Quốc đơn phương công bố. AFP PHOTO.

Nay bằng cớ được chính Trung quốc đưa ra là tọa độ địa lý. Tọa độ này nằm trong khu vực biển rộng lớn chín đoạn mà Trung quốc đã vạch ra, một động tác vẽ đường biên giới chưa thấy ở bất cứ đâu trong lịch sử thế giới hiện đại. Những mệnh lệnh cấm bắt cá trước đây cũng được tuyên bố trên vùng biển chín đoạn, nhưng không có sự hiện diện hữu hình, vật chất của một dàn khoan biển.

Không biết dàn khoan Hải dương có tìm được dầu hay không nhưng rất rõ rằng động thái này của Trung quốc nói rằng họ đang thực thi chủ quyền trên vùng biển họ đòi hỏi.

Bộ ngoại giao Việt nam chính thức lên tiếng phản đối. Nhưng trong lời phản đối đó, nếu trừ đi dòng tin cụ thể về tên của dàn khoan, tọa độ địa lý, ngày tháng, thì nội dung không có gì khác những lần phản đối trước. Giống như một công thức biên soạn sẳn.


Dàn khoan HD 981 định vị khoan tại vị trí có tọa độ 15029’ vĩ độ bắc, 111012’ độ kinh đông, cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam - Ảnh: Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Phú Trọng, người về nguyên tắc là lãnh đạo tối cao của nước Việt nam không phát biểu gì về chuyện này. Không khó để có thể lần ngược những lời phát biểu của các nhà lãnh đạo Việt nam, thì thấy rằng các quan chức có giữ chức trách gì đó trong chính phủ hay quốc hội thì sẽ thường lên tiếng về những hành động gây hấn của người láng giềng phương Bắc. Còn những người chỉ chuyên trách công việc của đảng cộng sản, bao gồm cả bộ phận tuyên truyền của đảng lại thường hay nói đến sự hữu nghị giữa hai quốc gia Việt Trung. Dường như đó là một sự phân công vậy.
Sự trái khoáy này càng rõ hơn dưới một chế độ lúc nào cũng đề cao sự nhất nguyên, trên dưới như một như chế độ cộng sản.

Sự không bình thường đó chưa từng được thấy trong các xung đột của giữa thế giới cộng sản trước đây. Hồi năm 1969 khi hai đội hồng quân của Liên Xô và Trung quốc đánh nhau trên biên giới hai nước, hay như cuộc chiến đẫm máu Việt Trung 10 năm sau, không thấy những tuyên bố hữu nghị cùng cất lên với những lời buộc tội chiến tranh và xâm lấn.

Nhưng cục diện đã thay đổi sau khi hệ thống cộng sản sụp đổ, chỉ còn lại vài quốc gia dưới danh nghĩa cộng sản, sống trong cuộc hôn nhân đầy sóng gió với nền kinh tế tư bản nhiều quyền lợi.

Sự nghi ngờ dễ hiểu

Và sự không bình thường này rất dễ hiểu là đã gây nhiều nghi hoặc về sự cam kết bảo vệ dân tộc và quốc gia của đảng cộng sản. Ông Hà Sĩ Phu, một trí thức bất đồng chính kiến là một trong những người nghi ngờ đó.

Ông nói:
 Trung quốc muốn chiếm Việt nam theo kiểu tằm ăn dâu, một cách hòa bình, không tốn vũ khí thì nó phải luôn giữ cho Việt nam ở chế độ cộng sản, vì chỉ có ở chế độ cộng sản thì mới có cái kiểu hai đảng làm việc với nhau, nhượng bộ quyền lợi với nhau còn nhân dân thì chả có vai trò gì.

Cũng sẽ là rất dễ hiểu khi những cuộc biểu tình chống sự gây hấn của Trung quốc được truyền thông của đảng cộng sản cho là lợi dụng danh nghĩa yêu nước để âm mưu gây bất ổn xã hội, lật đổ sự cầm quyền của đảng.

Trong xu thế có nhiều phản kháng từ xã hội dân sự đòi những quyền dân sinh, nhân quyền, …nhiều người thậm chí còn lo lắng rằng đảng cộng sản Việt nam sẳn sàng để cho quân đội Trung quốc vào đàn áp dân chúng Việt nam nếu như sự cầm quyền của họ bị những đòi hỏi về dân chủ và nhân quyền làm lung lay.

Câu chuyện về tằm ăn dâu không phải chỉ mới được nêu ra bởi những người nghi ngại như ông Hà Sĩ Phu, nó được nếu ra cách đây hơn 700 năm bởi một danh tướng Việt nam là Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn. Bên giường bệnh ông nói với với vị vua trẻ vừa lên ngôi rằng: nếu giặc Bắc dùng sách tằm ăn dâu thì phải khoan sức dân làm kế rễ sâu gốc vững thì mới mong toàn thắng.

Câu nói khoan sức dân làm kế rễ sâu bền gốc của Hưng Đạo Vương không thể nào hiểu khác đi là những giá trị dân chủ và nhân quyền ở thời điểm này của thế kỷ 21. Một chính khách sống cách Việt nam nửa vòng trái đất là ông Lowenthal, dân biểu quốc hội Hoa Kỳ nói với đài Á châu tự do rằng:
Trung Quốc muốn chiếm hữu biển đảo ở biển Đông, và đó chính là yếu tố khiến Việt Nam cần tiến lại gần hơn với Hoa Kỳ. Khi Hoa Kỳ muốn một nước có quan hệ gần gũi hơn thì cũng muốn nước đó đừng đàn áp người dân của họ. Nhà nước Việt Nam muốn có độc lập đối với Trung Quốc thì họ không thể đàn áp người dân, từ chối công lý cho người dân Việt.

Điều ông nói được minh chứng bằng những hiệp ước đồng minh của Hoa Kỳ và các đồng minh Đông Á, Nhật bản và Philippines, những quốc gia có xung đột lãnh hải với Trung quốc.

Làm bạn với các nước khác với tính chính danh

Trên bình diện ngoại giao, từ hai thập niên nay, Việt nam thường xuyên nêu ra quan điểm của mình về chính sách ngoại giao làm bạn với các nước, từ chối mọi liên minh. Trớ trêu thay trong số bạn bè ấy lại có một quốc gia thèm khát lãnh thổ như Trung quốc. Một bạn trẻ trong nước nói với chúng tôi rằng:
Khi anh là nước nhỏ mà anh lại không có đồng minh thì là một điều không khôn ngoan.”

Có thể là chính sách đu dây của Việt nam giữa các cường quốc đã giữ nước Việt nam tránh được một cuộc chiến tranh nào đó trong hai chục năm qua!? Nhưng liệu nó có hữu ích với chính sách tằm ăn dâu?

Và điều quan trọng hơn là sự “phân công” lạ lùng giữa các bộ phần cầm quyền Việt nam hiện nay. Mỗi sáng người Việt nam lại đọc hai loại báo, một loại đăng tải những lời buộc tội sự gây hấn của Bắc Kinh, còn loại kia thì loan báo những hiệp ước thấm đẫm tình hữu nghị giữa hai đảng.

Và như vậy phải chăng người Việt có quyền nghi ngờ sự cam kết bảo vệ dân tộc của đảng cộng sản Việt nam?! Và đó là sự chính danh của bất cứ đảng cầm quyền nào!


No comments:

Post a Comment

View My Stats