6-5-2014
Thế
là chuyện nhiều người tiên đoán đã đến: Chính quyền Trung Quốc đem giàn khoan
vào vùng biển của Việt Nam để thăm dò và khai thác dầu khí. Đây là một sự xâm lăng trắng trợn. Không còn từ nào khác hơn là “xâm
lược”. Đáng lí ra phía VN phải phản đối theo tinh thần đó, nhưng đọc bản phát
biểu của Bộ Ngoại giao VN tôi cứ tức anh ách và cảm thấy rất khó chịu. Có khi
chính thái độ này làm cho Tàu càng ngày càng lấn tới và với tình trạng này VN
sẽ dần dần mất chủ quyền.
Phát biểu của Bộ Ngoại giao Việt Nam đọc lên cứ như
là họ lấy một bản tuyên bố đã có sẵn từ lâu ra dùng. Thật vậy, như thường lệ,
phía VN phản đối cho có lệ với những từ ngữ cứ như là … đọc kinh. Vẫn những từ
ngữ cũ mèm (“có đầy đủ bằng chứng lịch sử”), vẫn cách nói chung chung (“bất hợp
pháp và vô giá trị”), và vẫn cương một cách yếu ớt (“kiên quyết phản đối”), và
không dám gọi tên kẻ thù:
“Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ
quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như quyền chủ
quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình
được xác định phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Mọi hoạt
động của nước ngoài trên các vùng biển của Việt Nam khi chưa được phép của Việt
Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị, Việt Nam kiên quyết phản đối."
Cái câu này
hình như có sẳn trong tủ, lâu lâu lấy ra dùng cho mọi trường hợp. Chính tính
“đa năng” này làm cho lời phản đối của VN rất hài hước. Tại sao gọi chung là
“nước ngoài” trong khi kẻ thù ngay trước mắt mình là Tàu – China? Kẻ thù đem
giàn khoan vào khai thác vùng biển của mình, thì sao gọi là “vô giá trị” được
chứ? Phải gọi là xâm lăng – invasion. Sao chỉ có “phản đối”, tại sao không “Yêu
cầu rút dàn khoan ra khỏi lãnh hải của Việt Nam lật tức”? Càng nhũn nhặn thì
chúng càng làm tới và càng khinh.
Điều đáng nói là trong khi Trung Quốc chuẩn bị xâm
lăng lãnh hải của ta qua giàn khoan thì không biết các lực lượng bảo vệ Việt
Nam đã làm gì. Chắc chắn khi họ kéo giàn khoan đến VN họ cũng tốn khá nhiều thì
giờ. Với vệ tinh, GIS, tàu ngầm, tàu nổi, máy bay, v.v... chắc chắn VN đã biết
trước động thái của Tàu. Nhưng biết rồi để làm gì thì chúng ta không biết. Có
báo cáo lên trên không? Chắc là có. Nhưng nếu vậy thì tại sao các lãnh đạo VN
không lên tiếng?
Điều
lạ lùng là cho đến nay vẫn chưa có một trong tứ trụ lên tiếng. Ngay cả bộ trưởng ngoại giao cũng im lặng, chỉ để cho một anh chàng trẻ
măng và nhẵn nhụi đứng ra đọc bản lên tiếng! Ông Nguyễn Khắc Mai, một cựu quan
chức cao cấp, cũng đặt vấn đề và cho rằng việc lãnh đạo cao cấp nhất không lên
tiếng trước sự xâm lược của Tàu, ông cảm thấy “rất bất bình và thấy xấu hổ,
nhục nhã khi một người lãnh đạo trước một sự kiện lớn của dân tộc lại không hề
có một nửa ý kiến. Như thế tấm lòng của anh với dân, với đất nước là thế nào,
anh sợ cái gì và tại sao anh không dám lên tiếng để phát động sức mạnh của nhân
dân bảo vệ đất nước?”
Chính cách ứng phó như thế làm cho Tàu càng lấn tới.
Ông Vũ Cao Phan, một quan chức trong Hội hữu nghị VN-TQ nói chí lí “Tại sao
Trung Quốc có hành động như thế? Thì họ có ý đồ của họ nhưng cũng xuất phát từ
cách hành xử của chúng ta. Chúng ta ứng xử mà không để cho người ta phải nể
trọng, cách ứng xử của chúng ta không đến nơi. Tôi không muốn chúng ta phải tỏ
ra một cách cực đoan về vấn đề Trung Quốc nhưng phải làm sao cho Trung Quốc
thấy rằng không thể trong quan hệ với Việt Nam mà hôm nay nói thế này mai lại
làm thế khác được.”
Trước sự xâm lược của kẻ thù, chỉ có người dân mới
bảo vệ đất nước thôi. Các quan chức nói đến việc vận động dân chúng đứng lên
phản đối Trung Quốc. Nhưng với sự nhũn nhặn của phía chính phủ VN, và trong bối
cảnh những vụ bắt bớ giam cầm người bất đồng chính kiến, tôi nghĩ việc huy động
được sức mạnh và sự đồng lòng của người dân là một thách thức khó vượt qua.
No comments:
Post a Comment