Nam
Nguyên, phóng viên RFA
2014-05-06
2014-05-06
Một số vấn đề chính trị cấm kỵ đụng tới lý thuyết
của Đảng đang được quan chức, chuyên gia mang ra bàn và trở thành những câu
chuyện bình thường. Phải chăng ở Việt Nam đang có một khuynh hướng mong muốn
thay đổi tích cực.
Không phải ngẫu nhiên báo chí nhà nước đưa những tin
thuộc lãnh vực chính trị nhạy cảm nằm trong vùng cấm. Thí dụ nguyên Bộ trưởng
Thương mại Trương Đình Tuyển kêu gọi thừa nhận xã hội dân sự tại Diễn đàn Kinh
tế Mùa Xuân 2014. Dù sao thì ông Tuyển cũng đã về hưu và chỉ còn một chân trong
guồng máy với chức vụ cố vấn đàm phán cao cấp về hội nhập quốc tế.
Những
dấu hiệu đặc biệt
Sau câu chuyện của ông Tuyển, ngày 3/5/2014 Thời báo
Kinh tế Saigon bản điện tử trích lời Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang
Vinh nói rằng: “Việt Nam miệt mài nghiên cứu mô hình kinh tế thị trường
xã hội chủ nghĩa, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm.” Ông Bộ
trưởng đã nói như thế vào cuối năm 2013 trong dịp là diễn giả tại Học viện
Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với một thành phần thính giả đặc biệt là lãnh
đạo các tỉnh thành toàn quốc.
Trả lời Nam Nguyên, LS Trần Quốc Thuận nguyên
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từ Hà Nội nhận định:
“ Ông Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư cũng là một ông nói
thật nói thẳng. Tôi nghĩ rằng trước đây đã có những ông từng nói như thế, bởi
vì kinh tế thị trường và xã hội chủ nghĩa nó là như nước với lửa, làm sao mà
sống chung được. Cho nên, phải chăng trước đây người ta phải gắn chữ đó để làm
yên lòng một số nhà bảo thủ thôi, còn bây giờ đến lúc phải nói thật, có nghĩa
là nên cắt cái đuôi đó đi.”
Khi các các chính khách bắt đầu thẳng thắn nói sự
thật và khi báo chí lề phải được đưa ra các thông tin trước đây thuộc vùng cấm,
thì hẳn phải là một dấu hiệu đặc biệt. Luật sư Trần Quốc Thuận nhận
định:
“Tôi cho rằng khi ông Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư nói
ra thì chắc có ông nào có tầm lớn hơn, có một xu thế lớn hơn ủng hộ thì ông ấy
mới mạnh dạn nói ra được. Cũng như ông Trương Đình Tuyển cũng nói trong Diễn
đàn Kinh tế Mùa xuân ở Quảng Ninh là Việt Nam cần phải thừa nhận xã hội dân sự,
thì cũng là một câu chuyện trước đây là cấm kỵ. Nhiều thứ cấm kỵ lần lần bây
giờ trở thành bình thường, thành quen. Tôi cho đó là dấu hiệu tích cực và không
phải vấn đề bất ngờ. Có dấu hiệu đang mở ra và tạo cho những khuynh hướng tích
cực có đất nẩy mầm nó sinh sôi nẩy nở và lớn lên.”
Trao đổi với chúng tôi, LS Trần Quốc Thuận nhận định
là, ngay cả các cấp lãnh đạo cao nhất của đất nước cũng thừa biết rằng, không
có mô hình nào trên cuộc sống thật này được gọi là kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa.
Vị cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho là Hiến
pháp sửa đổi 2013 rồi sẽ phải sửa đổi nữa vì tự thân chứa đựng những điều mâu
thuẫn với nhau. Thí dụ như kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hay
mọi thành phần kinh tế bình đẳng với nhau trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò
chủ đạo. Đã định hướng và chủ đạo thì không thể gọi là bình đẳng được, LS Trần
Quốc Thuận nói là lấy làm tiếc vì ban soạn thảo Hiến pháp bỏ qua góp ý của nhân
sĩ trí thức, cụ thể là Kiến nghị 72.
LS
Trần Quốc Thuận nhận định:
“Mọi người đều thấy vấn đề đấy kể cả lãnh đạo cũng
thấy. Người ta bảo nếu mà không thoát ra thì không sống được, nhưng mà thoát ra
mà không giữ một cái gì lại gọi là trấn an thì nó lại không ổn, họ cho rằng bất
ổn. Cho nên có thể nói những ý kiến bảo thủ trong Đảng cũng còn đáng kể, chưa
kể những người đã nghỉ hưu như chúng tôi, nhiều người cũng sợ mất cái chủ nghĩa
xã hội lắm. Nhưng chủ nghĩa xã hội làm gì có mà mất, đâu có mà mất…mất cái
không có thì là điều buồn cười.
Bây giờ người ta đang cố gắng lèo lái để thoát ra
tôi rằng điều đó cũng là một sự tỉnh táo. Nếu ông Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư
mạnh dạn thế thì chúng tôi rất hoan nghinh.”
Sáng ngày 28/4/2014, tại thành phố Hạ Long, tỉnh
Quảng Ninh đã diễn ra lễ khai mạc Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân 2014 với chủ đề
“Động lực phát triển mới từ cải cách thể chế” Theo Trí Thức Trẻ
Điều
gọi là “đã nhìn thấy trước mắt”
Theo SaigonTimes Online, Ông Trương Đình Tuyển có
mặt trong phiên đàm phán song phương Việt Nam-Hoa Kỳ ngày 27/4/2014 ở Thủ đô
Washington. Trở về Hà Nội, ông Tuyển bày tỏ lo ngại “thể chế chính trị của Việt
Nam hiện nay không tương thích với TPP”. Ông Tuyển đưa ra ví dụ, trong TPP đề
cao vai trò của xã hội dân sự, đề cao sự tự do thành lập các hiệp hội. Theo lời
ông đây là vấn đề rất nhạy cảm về chính trị với nhà nước Việt Nam.
Đối với khả năng Việt Nam chấp nhận cải tổ chính trị
kinh tế, vượt qua các điều kiện để tham gia TPP. Học giả Đinh Kim Phúc từ
Saigon nhận định:
“Nếu nói bất
chấp tất cả để bảo vệ hệ thống chính trị hiện nay thì tôi không nghĩ nhà nước Việt
Nam bất chấp tất cả. Rồi nhượng bộ để làm sao thỏa mãn các đối tác nước ngoài
thì tôi nghĩ cũng không là nhượng bộ. Trong đàm phán quốc tế rõ ràng từ khi
Việt Nam gia nhập WTO rồi một số tổ chức khu vực, trước sau gì nhà nước
cũng có cách để thỏa hiệp đàm phán với quốc tế để Việt Nam gia nhập như các đối
tác khác. Bài học này nhà nước Việt Nam có quá nhiều kinh nghiệm để vượt qua để
mà hai bên cùng có lợi. Không hẳn Việt nam cần nước ngoài, nước ngoài cũng cần
Việt Nam để mà đẩy mạnh tiến trình toàn cầu hóa, vấn đề hội nhập thế giới, đẩy
nhanh quá trình dân chủ ở Việt Nam. Tôi nghĩ rằng hai bên sẽ tìm được tiếng nói
chung.”
Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, LS Trần Quốc
Thuận bày tỏ hy vọng Việt Nam sớm đạt thỏa thuật với TPP cũng như FTA với
EU. Ông cho rằng hội nhập sẽ tạo nhiều áp lực cải cách. Ông nói:
“Người ta đang chờ đợi khi Việt Nam vào TPP rồi đối
tác tự do thương mại với Châu Âu, khi mà những cái đó hình thành thì nó sẽ tự
điều chỉnh và nó chi phối lại chính sách trong nước. Việt Nam đã có cái cam kết
và trong luật cũng qui định, nếu luật Việt Nam có khác biệt thì tuân theo điều
ước quốc tế. Nhưng mà vào TPP dĩ nhiên họ đâu có chấp nhận định hướng (XHCN) đó
được. Cho nên nhiều thứ nó sẽ đập trở lại, cho nên chính những thực tế đó nó sẽ
làm thay đổi bản chất câu chuyện. Tôi cho rằng thời gian đó sẽ không dài, có lẽ
đã nhìn thấy trước mắt.”
Nhiều người hy vọng cải cách thể chế chính trị ở
Việt Nam sẽ có đột phá, điều gọi là “đã nhìn thấy trước mắt” như LS Trần Quốc
Thuận nhận định, thì ít ra cũng phải tới Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm
2016. Điều mà các chuyên gia chính trị dự báo, Đảng Cộng sản Việt Nam đứng
trước nguy cơ tan rã phải chấp nhận cải cách để tồn tại.
No comments:
Post a Comment