Thursday 22 May 2014

QUÂN ĐỘI THÁI LAN ĐẢO CHÁNH & NẮM QUYỀN (RFI, BBC)




Thụy My  -  RFI
Thứ năm 22 Tháng Năm 2014

Tướng Prayut Chan O Cha, tư lệnh lục quân Thái Lan hôm nay 22/05/2014 đã loan báo việc đảo chính trong một thông cáo trên đài truyền hình, sau bảy tháng khủng hoảng chính trị.

Tư lệnh lục quân Thái Lan Chan O Cha (giữa) tuyên bố đảo chính trên truyền hình Thái ngày 22/05/2014.   Ảnh chụp từ truyền hình Thái

Tướng Prayut tuyên bố : « Để đất nước trở lại tình trạng bình thường, quân đội phải nắm quyền kể từ ngày 22/5 lúc 16g30 » (9g30 GMT). Vị tướng đã ra lệnh thiết quân luật hôm thứ Ba 20/5, nhấn mạnh đến bạo động trên đất Thái đã làm cho 28 người chết từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng chính trị vào mùa thu. Ông nói thêm : « Tất cả người dân Thái Lan cần giữ bình tĩnh, và các công chức phải tiếp tục làm việc như thường lệ ».

Thông báo này trên đài truyền hình được đưa ra sau đợt thương lượng thứ hai giữa các nhân tố chính của cuộc khủng hoảng, nhằm tìm ra một thỏa hiệp.

Theo các nhân chứng, các lãnh tụ biểu tình của cả hai phe được đưa đến địa điểm họp bằng các xe quân sự, được canh gác cẩn thận, ngay trước tuyên bố đảo chính.

Trong gần 80 năm qua, tại Thái Lan đã diễn ra 18 vụ đảo chính. Cuộc đảo chính gần đây nhất là vào năm 2006, lật đổ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra khiến ông này phải lưu vong, và dẫn đến một loạt khủng hoảng chính trị. Những người chống đối và ủng hộ ông Thaksin lần lượt xuống đường. Dù sống ở nước ngoài, Thaksin vẫn là một nhân tố làm chia rẽ đất nước Thái.

Giai đoạn khủng hoảng hiện nay bắt đầu vào mùa thu, với các cuộc biểu tình đòi em gái ông Thaksin là bà Yingluck, lên làm Thủ tướng từ năm 2011, phải ra đi. Bà bị tư pháp Thái Lan bãi chức vào đầu tháng Năm.

----------------

BBC
Cập nhật: 11:34 GMT - thứ năm, 22 tháng 5, 2014

Người đứng đầu quân đội Thái Lan tuyên bố đảo chính quân sự và nói quân đội hiện đang nắm quyền kiểm soát chính phủ.
Trong một diễn văn trên truyền hình, tổng tư lệnh Prayuth Chan-ocha nói quân đội sẽ vãn hồi trật tự và ban bố cải tổ chính trị.
Lệnh giới nghiêm từ 22:00 giờ đến 5:00 giờ địa phương cũng sẽ được áp dụng.
Quân đội đã phong tỏa một khu vực tại Bangkok, nơi các phe phái chính trị đang có các cuộc đàm phán trong ngày thứ hai và đem các nhà lãnh đạo đi nơi khác.
Một số lãnh đạo đảng chính trị, trong đó có lãnh đạo đảng đối lập Suthep Thaugsuban bị bắt giữ ở địa điểm diễn ra đàm phán.
Binh lính đã bắn chỉ thiên nhằm giải tán một khu lều trại của phe biểu tình ủng hộ chính phủ ở ngoại vi Bangkok nhưng không có tin tức gì về tình trạng bạo lực đáng kể.
Các kênh truyền thông được thông báo tạm ngưng phát mọi chương trình thường lệ.
Đây là các diễn biến vừa xảy ra sau hàng tháng hỗn loạn chính trị và sau việc áp lệnh thiết quân luật hôm thứ Ba.

Phóng viên Jonah Fisher của BBC tường thuật từ Bangkok:
Những gì chúng ta đang chứng kiến là việc quân đội nhanh chóng củng cố vai trò của mình, di chuyển tới khu trại của “phe áo đỏ”, với các hoạt động biểu tình dính dáng tới chính phủ, bên ngoài thủ đô Bangkok.
Họ cũng đang tiến về phía trại của người biểu tình phản đối chính phủ ở trung tâm thành phố.
Lệnh giới nghiêm đã được tuyên bố, như vậy là quân đội rõ ràng đã cố gắng đảm bảo sao cho không có phản ứng lập tức nào trước thông báo này. Những người đã bỏ phiếu cho chính quyền được chính thức bầu ra này sẽ cảm thấy cực kỳ khó chịu và chán nản trước những gì đang xảy ra.
Đa phần dân chúng mong đợi “phe áo đỏ” biểu tình vào lúc này và cực kỳ lo lắng trước khả năng xảy ra va chạm.

Tướng Prayuth nói ông phải nắm quyền vì "bạo lực tại Bangkok và nhiều nơi khác trên cả nước đã cướp đi những mạng sống vô tội, phá hủy tài sản, và tình trạng này có vẻ như đang leo thang".
Trong một tuyên bố sau đó được phát trên truyền hình, quân đội nói "để đảm bảo điều hành đất nước một cách ổn thỏa, [quân đội] đã tạm đình chỉ bản hiến pháp 2007, trừ chương nói về Hoàng gia".
Tuyên bố trên nói tướng Prayuth sẽ đứng đầu một cơ quan quân sự cầm quyền - Hội đồng Duy trì Hòa bình Trật tự Quốc gia - nhưng Thượng viện và các tòa án sẽ vẫn tiếp tục hoạt động.
Quân đội đã ra lệnh cho Thủ tướng lâm thời Niwatthamrong Boonsongphaisan và các bộ trưởng của ông báo cáo cho quân đội trong hôm thứ Năm "nhằm duy trì hòa bình và trật tự".
Tuyên bố trên truyền hình cũng đưa ra lệnh cấm "tụ tập chính trị" trên năm người. "Bất kỳ ai vi phạm lệnh cấm cũng sẽ phải đối diện mức tù một năm, tiền phạt 10.000 baht, hoặc cả hai."
Văn phòng nhân quyền của Liên hợp quốc đã thúc giục giới chức Thái "hãy có tất cả những biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo tôn trọng các quyền con người cơ bản".
Quân đội Thái đã tiến hành ít nhất 12 cuộc đảo chính kể từ khi chấm dứt chế độ quân chủ hồi 1932.
Vụ đối đầu gần đây nhất diễn ra ở thủ đô của Thái Lan hồi năm ngoái, khi bà Yingluck Shinawatra – lúc đó còn là thủ tướng – cho giải tán hạ nghị viện.
Người biểu tình đã chặn một số khu vực ở Bangkok trong suốt nhiều tháng qua.
Hồi đầu tháng này, tòa Hiến Pháp yêu cầu bãi nhiễm bà Yingluck do các cáo buộc lạm quyền.
Thái Lan đã phải chịu cuộc đấu tranh quyền lực kể từ khi anh trai bà Yingluck, ông Thaksin Shinawatra bị quân đội lật đổ khỏi ghế thủ tướng vào năm 2006.
Ông Thaksin và bà Yingluck được ủng hộ mạnh mẽ ở các khu vực nông thôn và trong nhóm những cử tri nghèo hơn.
Các phóng viên cho rằng họ bị tầng lớp thành thị và giàu có hơn ghét bỏ và buộc tội tham nhũng và lạm quyền.



No comments:

Post a Comment

View My Stats