Thursday, 22 May 2014

QUAN HỆ CHIẾN LƯỢC NGA - TRUNG (Thanh Hà - RFI)




Thanh Hà  -  RFI
Thứ năm 22 Tháng Năm 2014

Tổng thống Nga Vladimir Putine vừa kết thúc chuyến viếng thăm Trung Quốc. Sau hai ngày tham quan Thượng Hải, tại Bắc Kinh vào hôm qua 21/05/2014 lãnh đạo hai nước đã chứng kiến lễ ký kết một hợp đồng khí đốt 400 tỷ đô la giữa tập đoàn năng lượng CNPC của Trung Quốc và Gazprom của Nga. Lãnh đạo Nga đến Trung Quốc trước hết với mục đích thắt chặt quan hệ của trục Bắc Kinh – Matxcơva.

Trả lời trên đài Pháp ngữ RFI bà Valérie Niquet, chuyên gia về tình tình hình châu Á thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến Lược của Pháp phân tích về mối quan hệ phức tạp Nga - Trung Quốc.

Trục Bắc Kinh – Matxcơva có thực sự hiện hữu hay không, hay đây chỉ là một mối quan hệ cùng có lợi cho đôi bên ?
« Cả Matxcơva lẫn Bắc Kinh đều có lợi khi nêu lên trục Nga –Trung và hai quốc gia này không bỏ lỡ cơ hội nào để nhấn mạnh đến tầm mức quan trọng đó. Cả Trung Quốc lẫn Nga đều coi đối tác song phương này là một phương tiện mở rộng tầm hoạt động để chống cự với một ‘kẻ thù chung’ (hai chữ kẻ thù ở đây đương nhiên được đặt trong ngoặc kép) là các nước phương Tây, mà đứng đầu là Hoa Kỳ. Nga và Trung Quốc luôn có cùng một quan niệm về nguyên tắc ‘không can thiệp vào những vấn đề nội bộ của một quốc gia’. Họ luôn luôn dùng quyền phủ quyết tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc để chống lại các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào những quốc gia như Syria hay Iran. Tuy nhiên phải nhìn nhận rằng quan hệ đối tác giữa Nga với Trung Quốc còn có nhiều điểm không rõ ràng. Giữa Matxcơva và Bắc Kinh không có một sự tin tưởng vững chắc về mặt chiến lược. Nga và Trung Quốc cũng không thực sự chia sẻ những lợi ích chung.
Ngoài ra trong bối cảnh đang phải đương đầu với khủng hoảng Ukraina, Nga lại càng cần đến Trung Quốc để làm đối trọng với Tây phương. Nhưng cũng chính hồ sơ Ukraina đặt Bắc Kinh trong thế khó xử : bởi vì trong mắt Trung Quốc, việc Nga can thiệp vào Ukraina là một vi phạm về nguyên tắc ‘không can thiệp vào công việc nội bộ’ của một quốc gia. Quốc gia đó lại là Ukraina. Bang giao giữa Bắc Kinh với chính quyền Kiev từ trước tới nay vốn khá chặt chẽ. Tóm lại thì đối tác Nga Trung khá khập khiễng vì cả hai quốc gia này không thực sự chia sẻ những lợi ích chung ».

Thái độ dè dặt của Trung Quốc trước việc Nga sắp nhập vùng Crimée nói riêng và chính sách của Matxcơva đối với Ukraina nói chung, phải chăng do Bắc Kinh không muốn trong tương lai trông thấy các vùng tự trị của Trung Quốc – Tây Tạng, Tân Cương, đi theo gương các vùng miền đông Ukraina ?
« Hành động của Nga đối với Crimée cũng như việc Matxcơva can thiệp vào Ukraina, cũng như việc Ukraina thay đổi chính quyền dưới ảnh hưởng của một quốc gia bên ngoài là điều mà Trung Quốc không thể chấp nhận. Bắc Kinh không thể tán đồng chính sách của Nga trên vấn đề Ukraina. Hơn nữa, khi mà nước Nga trong thế yếu trên bàn cờ quốc tế, như dưới thời của cố tổng thống Eltsin, Trung Quốc thấy mình trong một tư thế thoải mái hơn.
Theo quan điểm của Bắc Kinh, một mặt nhiều người thán phục ông Putin mạnh mẽ kháng cự trước những áp lực của phương Tây, nhưng mặt khác, sự hồi sinh của nước Nga về mặt ngoại giao kiến Trung Quốc phần nào lo sợ. Bắc Kinh sợ rằng ảnh hưởng của Matxcơva sẽ làm phương hại đến những quyền lợi của bản thân Trung Quốc. Nói cách khác, Trung Quốc vừa muốn duy trì quan hệ đặc biệt với Nga, nhưng cũng đang lo sợ trước thế thượng phong của Matxcơva trên hồ sơ Ukraina. Sau cùng cũng phải nói là Bắc Kinh đang muốn lợi dụng thế yếu của ông Putin vào lúc này khi Nga đang bị cô lập, để mặc cả với Nga về những chuyện khác, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại. Như đã biết từ 10 năm qua, Trung Quốc và Nga đàm phán về một hiệp định cung cấp khí đốt. Hồ sơ này đã bị bế tắc trong 10 năm liền do bất đồng về giá cả giữa người mua và người bán. Đây là thời điểm thuận lợi để trở lại hồ sơ này nhân chuyến viếng thăm Trung Quốc của tổng thống Nga ». 

Vậy Nga và Trung Quốc có phải là những đối thủ của nhau hay không ?
« Họ không là những đối thủ trực tiếp của nhau, bởi Nga và Trung Quốc cùng có chung một đường biên giới rất dài. Trung Quốc hiện tại có quá nhiều việc phải giải quyết để gây sự với Nga. Do vậy thắt chặt quan hệ với Matxcơva cũng là nhằm để bảo đảm cho Trung Quốc được yên tâm về đường biên giới ở phương Bắc, dành ưu tiên cho những vấn đề khác. Trong đó có vấn đề ở Biển Đông như chúng ta đang chứng kiến hiện nay. Do vậy không thể nói là Nga và Trung Quốc là những đối thủ của nhau, nhưng chắc chắn họ cũng không là những nước đồng minh. Một trong những thí dụ minh họa cho điều này là Nga luôn có mối bang giao hữu hảo với những quốc gia đang có hiềm khích với Trung Quốc. Đừng quên rằng Nga là nhà cung cấp vũ khí số 1 của Ấn Độ. Matxcơva đang tìm cách sưởi ấm quan hệ với một đối thủ khác của Bắc Kinh là Nhật Bản. Nga không lên tiếng trong tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Nhật Bản với Trung Quốc ở vùng biển Hoa Đông. Thế rồi Nga cũng cung cấp vũ khí cho Việt Nam và như chúng đã biết thì quan hệ Việt Trung đang rất căng thẳng.»

-------------------------

Anh Vũ  -  RFI
Thứ năm 22 Tháng Năm 2014

Bầu cử nghị viện châu Âu và Liên hoan điện ảnh Cannes là những chủ đề chiếm phần lớn dung lượng của các tờ báo Pháp ra hôm nay, nhưng nhiều báo không bỏ qua những thời sự quan trọng. Cũng như nhiều tờ báo lớn khác, Le Monde quan tâm đến mối quan hệ Nga –Trung đang được thắt chặt hơn nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua 21/05/2014 cùng với bản hợp đồng khí đốt khổng lồ trị giá 400 tỷ đô la.

Tình hình thế giới đang có nhiều biến động lớn với cuộc khủng hoảng Ukraina cùng bàn tay can thiệp của Nga, còn ở châu Á, Trung Quốc đang tiến thêm bước đi đầy nguy hiểm trong toan tính tham vọng muốn làm bá chủ Biển Đông. Trong bối cảnh như vậy việc hai cường quốc láng giềng Nga, Trung Quốc xích lại gần nhau hẳn sự kiện này phải phát đi một thông điệp đáng quan tâm.

Le Monde nhận định về mối quan hệ này qua hàng tựa bài xã luận: “Matxcơva và Bắc Kinh, cùng trận chiến tư tưởng”.

Theo Le Monde, “lúc này Trung Quốc đang có quan hệ tồi với Hoa Kỳ: Washington phản đối những ý đồ bành trướng của Bắc Kinh, đặc biệt là tại biển Đông. Còn Nga thì cũng đang có một mối quan hệ đang căng thẳng với Mỹ từ hồ sơ Syria đến Ukraina. Trong cả hai trường hợp thì lập trường chung của châu Âu là đứng về phía đồng minh Hoa Kỳ”.

Trong một bài viết khác về mối quan hệ này mang tiêu đề “Bắc Kinh và Matxcơva đoàn kết đối phó với những can thiệp”, Le Monde phân tích cụ thể hơn, để cho thấy các động thái biểu dương tình đoàn kết giữa hai nước láng giềng lớn không phải là chuyện vô thưởng vô phạt.

Chính sách hiếu chiến của Trung Quốc trên hai vùng biển Hoa Đông và Biển Đông đang làm châu Á lo ngại giữa lúc chiến lược xoay trục về châu Á của Hoa Kỳ đang khiến Bắc Kinh khó chịu.

Tờ báo nhận định, cường quốc mới nổi Trung Quốc thì đang tìm kiếm vùng ảnh hưởng còn Nga, xuất thân từ siêu cường cũ thì đang tìm cách cưỡng lại việc vùng ảnh hưởng đang bị thu hẹp.

Le Monde dẫn lời nhà phân tích, Mã Bình thuộc Đại học Phục Đán, Thượng Hải: “Có ba yếu tố góp phần vào việc Nga -Trung xích lại gần nhau : Chính sách xoay trục về châu Á của Mỹ, Nga bị phương Tây cô lập và lãnh đạo Nga, Mỹ cùng có chung cách nhìn bảo thủ về chính trị quốc tế hiện nay”.

Le Monde thêm một yếu tố đó là để hiện đại hoá quân đội, Bắc Kinh lệ thuộc vào việc nhập khẩu và chuyển giao công nghệ quân sự của Nga.

Dù gì đi chăng nữa thì giờ đây hai chế độ toàn trị này đang đoàn kết với nhau để đối phó với thế giới phương Tây. Như nhận định của Le Monde, "trên trường quốc tế, Bắc Kinh và Matxcơva đều rất hợp nhau để vô hiệu hoá một cách có hệ thống phương Tây. Đằng sau toàn cầu hoá kinh tế, trên thực tế một cuộc đấu về hệ tư tưởng đã bắt đầu”, le Monde kết luận. 


No comments:

Post a Comment

View My Stats