Wednesday, 28 May 2014

NGA CẦN TRUNG QUỐC ĐỂ GIẢI TÒA ÁP LỰC KINH TẾ CỦA PHƯƠNG TÂY (Thanh Hà - RFI)




Thanh Hà  -  RFI
Thứ ba 27 Tháng Năm 2014

Càng bị phương Tây trừng phạt vì can thiệp vào Ukraina và thôn tính Crimée, Nga càng ưu đãi bạn hàng Trung Quốc. Thương mại, dầu khí, năng lượng hạt nhân, vũ khí là những mối quan hệ gắn liền Matxcơva với Bắc Kinh. Tổng thống Putin nhượng bộ Trung Quốc về hợp đồng khí đốt 400 tỷ đô la để tìm ngõ thoát cho kinh tế của Nga.

Tuần trước, phát biểu tại diễn đàn kinh tế Saint Petersbourg vài giờ sau khi từ Bắc Kinh trở về, tổng thống Nga, nhắc lại những ưu tiên kinh tế và thương mại trong quan hệ với Trung Quốc. Đó là những hồ sơ ông Vladimir Putin đã đề cập đến với chủ tịch Tập Cận Bình tại Thượng Hải và Bắc Kinh trong chuyến công du Trung Quốc vừa kết thúc.

Matxcơva và Bắc Kinh chủ trương nâng cao trao đổi mậu dịch song phương tăng lên thành 200 tỷ đô la một năm vào năm 2020 thay vì 90 tỷ như hiện tại. Chủ nhân điệm Kremly đã nhấn mạnh đến mối đối tác quan trọng Nga - Trung về phương diện kinh tế.

Trước đó tại Bắc Kinh, lãnh đạo Nga và Trung Quốc cam kết đẩy mạnh hợp tác trong nhiều lĩnh vực, từ tài chính đến thương mại, từ năng lượng đến giao thông. Matxcơva và Bắc Kinh cam kết sử dụng đơn vị tiền tệ của nhau nhiều hơn trong các khoản thanh toán song phương.

Cũng tại Bắc Kinh tổng thống Nga và chủ tịch Trung Quốc đã chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận mua bán khí đốt giữa tập đoàn dầu khí Gazprom và CNPC, trị giá 400 tỷ đô la. Theo đó Gazprom cam kết trong vòng 30 năm, kể từ 2018, cung cấp hàng năm 38 tỷ mét khối cho Trung Quốc với giá 350 đô la/1000 mét khối. Trên thực tế Nga và Trung Quốc đã liên tục đàm phán từ 10 năm qua về một hợp đồng mua bán khí đốt. Trở ngại lớn nhất trong quá trình đàm phán liên quan đến vấn đề giá cả.

Trung Quốc đang là một trong hai điểm tiêu thụ năng lượng hàng đầu của thế giới. Năm ngoái chẳng hạn Bắc Kinh đã phải nhập vào 53 tỷ mét khối khi đốt để bảo đảm cho nhu cầu tiêu thụ đang tăng thêm khoảng 25 % một năm. Tập đoàn CNPC không tiết lộ thông tin cụ thể về thỏa thuận vừa đạt được tuần trước với Gazprom. Tất cả các nhà phân tích đều đi đến kết luận là vô hình chung, khủng hoảng Ukraina đã tạo điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc nhanh chóng đạt được kết quả mong muốn sau nhiều năm dài đàm phán. Hơn bao giờ hết, Nga cần bảo đảm một thị trường lớn để giải tỏa bớt tác động của các biện pháp trừng phạt kinh tế mà Âu Mỹ đang áp đặt.



Trả lời trên đài RFI Pierre Terzian, Chủ tịch tổng giám đốc cơ quan tư vấn về dầu khí PetroStrategies phân tích thêm về thế thượng phong của Trung Quốc vào thời điểm Nga này :
« Hợp đồng mua bán khí đốt mà Nga và Trung Quốc vừa ký kết vào tuần trước là hợp đồng có trị giá lớn nhất chưa từng thấy trên thế giới. Phía Trung Quốc đã lợi dựng tình thế để mặc cả ráo riết với đối tác Nga, đặc biệt là về giá cả và khối lượng khí đốt mà phía Nga sẽ cung cấp cho Trung Quốc. Tuy nhiên có thể nói là Gazprom đã đoán trước được những ý đồ của đối tác Trung Quốc.
Từ gần 20 năm qua, Nga đã luôn luôn chặn lại các dự án về đường ống dấn khí đốt đi qua ngả Biển Caspi để cung cấp khi đốt cho Châu Âu. Các nước chung quanh Biển Caspi, đứng đầu là Turkmenistan, đã tập trung xuất khẩu khí đốt sang thị trường Trung Quốc và nhờ có khí đốt của Turkmenistan mà Trung Quốc ở trong thế mạnh để áp đặt một số điều kiện với phía Nga. Cụ thể hơn là để ép giá Gazprom. Gần một thập niên trước, Trung Quốc muốn mua vào 68 tỷ mét khối khí đốt của Nga hàng năm. Nhưng trong hợp đồng hai tập đoàn CNPC và Gazprom vừa đạt được thì khối lượng mua bán đó chỉ cao hơn phân nửa của con số nói trên một chút mà thôi. Tức là giờ đây Trung Quốc mua vào khoảng 38 tỷ mét khối/năm ».

Vậy câu hỏi trước mắt đặt ra là liệu hợp đồng 400 tỷ đô la khí đốt mà CNPC và Gazprom vừa đạt được sẽ có giúp Trung Quốc giải quyết được vấn đề năng lượng hay không. Chuyên gia Pierre Terzian trả lời :
« Thỏa thuận vừa ký được với phía Nga không cho phép Trung Quốc giải quyết toàn bộ nhu cầu về năng lượng. Ai cũng biết nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc ngày càng tăng nhanh. Tuy nhiên thỏa thuận này cho phép Trung Quốc đa dạng hóa các nguồn cung cấp và nhất là sẽ không phải phụ thuộc vào một hay vài quốc gia xuất khẩu khí đốt. Đồng thời Trung Quốc cũng đa dạng hóa các nguồn năng lượng cần thiết, đáp ứng nhu cầu của khu vực sản xuất và tư nhân.
Quan trọng hơn nữa là hợp đồng này gắn liền Trung Quốc với Nga, một quốc gia có dự trữ về khí đốt lớn nhất trên thế giới và cũng nhờ có hợp đồng mua bán trực tiếp với Nga, Trung Quốc sau này sẽ ở thế mạnh khi cần đi mua khí đốt của bất kỳ một đối tác nào khác ».

Riêng về hậu quả đối với châu Âu, chủ tịch tổng giám đốc của cơ quan tư vấn PetroStrategies không cho rằng Nga dễ dàng bỏ tất cả trứng vào cùng một giỏ :
« Về lâu về dài, một khi các đường ống dẫn khí đốt của Nga đặt ở vùng Sibérie đều hướng cả về Trung Quốc – và về mặt lý thuyết thì Nga có đưa khí đốt khai thác ở vùng Sibérie sang Trung Quốc thay vì sang châu Âu. Nhưng đó chỉ là về mặt lý thuyết bởi vì không khi nào Trung Quốc lại chi ra đến 400 tỷ đô la mà lại chỉ trông chờ vào dự trữ khí đốt của vùng Sibérie. Chắc chắn là để cung cấp khí đốt cho Trung Quốc, Nga sẽ phải khai thác thêm các nguồn dự trữ khác. Theo tôi khả năng Nga ngưng bán khí đốt cho châu Âu để phục vụ Trung Quốc rất ít có khả năng xảy ra ».

Dùng Trung Quốc để chinh phục phương Đông

Trở lại câu hỏi : Trung Quốc và Nga đã mặc cả những gì và đã nhượng bộ trên những điểm nào ? Tập đoàn CNPC không chính thức thông báo mua khí đốt của Nga với giá là bao nhiêu và trong 30 năm tới, Gazprom sẽ cung cấp bao nhiêu khí đốt một năm cho Trung Quốc. Tuy vậy theo các phương tiện truyền thông từ Matxcơva, trong lúc Ukraina phải mua vào 1000 mét khối khí đốt của Nga với giá từ 410 đến 430 đô la thì với hợp đồng 400 tỷ đô la vừa ký kết hồi tuần trước, Gazprom cam kết bán khí đốt cho CNPC với giá 350 đô la/1000 mét khối.

Sự so sánh nói trên cho thấy Trung Quốc đã chiếm thế thượng phong trong cuộc mặc cả với đối tác Gazprom. Còn Nga thì đã bằng lòng « bán rẻ » năng lượng của mình cho đối tác Trung Quốc. Chẳng những thế, để khí đốt khai thác từ vùng đất Sibérie đến được thị trường Trung Quốc, Nga phải xây dựng toàn bộ hệ thống đường ống dẫn mang tên « Power of Sibiri ». Để hoàn thành đường ống dẫn khí đốt này, Gazprom sẽ phải đầu tư 60 tỷ đô la. Theo các nhà quan sát, về phương diện thuần túy kinh tế mà nói, cả đối với Nhà nước Nga lẫn tập đoàn Gazprom, hợp đồng bán khí đốt 400 tỷ đô la cho Trung Quốc như vậy không « hời » như mong đợi.



Vậy câu hỏi kế tiếp là tại sao tổng thống Putin lại « nhắm mắt » bán rẻ khí đốt cho Trung Quốc ? Có hai yếu tố cho phép trả lời câu hỏi này. Thứ nhất, không ít người cho rằng, các doanh nghiệp được quyền xây dựng đường ống dẫn khí đốt « Power of Sibiri » đã thổi phồng giá thành của đường pipeline như họ đã từng làm với trong dự án xây dựng đường ống đưa khí đốt từ Bovanenkovo – ngoài khơi miền tây bắc Sibérie tới thành phố Ukhta. Do vậy chưa chắc là Gazprom sẽ phải thực sự chi ra đến 60 tỷ đô la để xây dựng đường « Power of Sibiri ». Thứ hai nữa là dù có bị lỗ thì điều mà Gazprom và Nga nhắm tới là về lâu dài, sau Trung Quốc, khí đốt của Nga sẽ còn được bán ra hai thị trường tiềm năng khác là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Hơn nữa, việc Nga nhanh chóng đạt thỏa thuận với Trung Quốc về hợp đồng 400 tỷ đô la vừa qua, một lần nữa thể hiện thái độ thực tiễn của tổng thống Putin. Sau khi thất bại trong việc dùng lá bài năng lượng để giữ chặt Ukraina trong vòng kềm tỏa tỏa của mình, chủ nhân điện Kremly ý thức được rằng, Nga không phải là nguồn xuất khẩu khí đốt duy nhất trên thế giới.

Bằng chứng cụ thể là, như chuyên gia về chiến lược năng lượng, Pierre Terzian vừa phân tích ở phần trên, Trung Quốc lâu nay đã trông chờ vào khí đốt của Turkmenistan qua đường ống dẫn khí đốt dài hơn 6.400 km. Nhờ đó mà Bắc Kinh đã ở trong thế mạnh để mặc cả với Nga. Ngoài Turkmenistan, thì Ouzbekistan, Úc hay Qatar cũng là những nguồn cung cấp khác của Trung Quốc.

Chính vì vậy mà Matxcơva đã chuyển hướng các vòi dẫn khí đốt của mình từ Âu sang Á và chịu nhượng bộ Bắc Kinh về mặt giá cả với dụng đích là biến Trung Quốc là « cánh cổng » mở ra thị trường Châu Á. Tuy nhiên chiến lược « đông hướng » này của Nga cũng có nhiều thách thức, khi biết rằng Bắc Kinh khẳng định chủ quyền đối với một số vùng lãnh thổ của Nga tại lưu vực của con sông Amur và hồ Baikal. Sau cùng cả Nga lẫn Trung Quốc cùng chưa quên những xung đột ở đường biên giới hai nước dưới thời Liên Xô cũ.

Đối tác quân sự

Sự gắn bó giữa Bắc Kinh với Matxcơva không chỉ giới hạn trong lĩnh vực năng lượng hay thương mại. Nga và Trung Quốc đề ra mục tiêu vào năm 2020, nâng tổng đầu tư hai chiều lên cao gấp 7 lần so với hiện tại. Năm ngoái đầu tư qua lại giữa hai nước lên tới hơn 4 tỷ đô la. Tổng trao đổi mậu dịch hai chiều hiện nay là 99 tỷ đô la một năm và ngoài những hợp đồng về dầu khí, Nga còn là một trong những đối tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân cho Trung Quốc, cạnh tranh trực tiếp với các tập đoàn của Tây Âu. Riêng trong lĩnh vực quân sự, Nga và Trung Quốc là những đối tác không thể tách rời khỏi nhau.

Theo thống kê của tập đoàn xuất khẩu vũ khí của Nga, Rosoboronexport, trong năm 2013, Trung Quốc chiếm 12 % tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga. Trước đó vào năm 2012 Matxcơva đã ký hợp đồng trị giá 2,1 tỷ đô la để cung cấp trang thiết bị quân sự cho Bắc Kinh. Bên cạnh đó còn phải kể tới những hợp đồng cung cấp các linh kiện để Trung Quốc tự lắp ráp trên lãnh thổ của mình. Nói cách khác, trên thực tế, tổng trao đổi mậu dịch chỉ riêng trong lĩnh vực quân sự giữa Nga và Trung Quốc còn cao hơn rất nhiều so với các con số chính thức được Rosoboronexport, cung cấp.

Thêm một yếu tố cần lưu ý khác đó là trong những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng mua nhiều vũ khí của Nga. Thí dụ như vào năm 2011, bộ Quốc phòng chi ra 1,9 tỷ đô la để mua trang thiết bị của Nga và như vậy, 15 % vũ khí của Nga sản xuất là để bán cho Trung Quốc. Trong 20 năm qua, hợp tác quân sự song phương đã liên tục được mở rộng. Matxcơva cung cấp từ chiến đấu cơ đến máy bay vận tải, từ trực thăng đến các loại vũ khí phòng không như tên lửa … cho Trung Quốc.

Nhưng Bắc Kinh mua những thiết bị quân sự nào của Nga ? Đây là điều Bắc Kinh giữ bí mật. Tuy nhiên một số thông tin rò rỉ ra bên ngoài mà báo chí Matxcơva thu lượm được cho thấy, Trung Quốc đặt mua động cơ máy bay phản lực cánh quạt loại AL-31F, loại động cơ mà tới nay Nga luôn dành để trang bị cho loại máy bay tiêm kích Su- 30MKM bán cho Ấn Độ và Malaysia. Ngoài ra Trung Quốc đặt mua luôn hơn 50 chiếc trực thăng vận tải loại Mi-17. Đáng chú ý hơn nữa là Matxcơva và Bắc Kinh đang hướng tới một số dự án nghiên cứu quân sự chung để cùng sản xuất vũ khí và các trang thiết bị.

Từ năm 2004 tới nay, Nga liên tục là nguồn cung cấp vũ khí số 2 của thế giới, chiếm từ 24 đến 27 % thị phần của toàn cầu, chỉ thua sau có mỗi Hoa Kỳ. Máy bay chiến đấu của Nga thuộc vào hàng lợi hại nhất và hiện được ưa chuộng tại nhiều quốc gia, từ Ấn Độ đến Trung Quốc từ Ouganda đến Malaysia. Tuy nhiên, tương tự như trong quan hệ chiến lược, Nga cũng luôn thận trọng trong hợp tác quân sự với Trung Quốc nhất là sau khi Trung Quốc đã sao chép gần như thành công chiến đấu cơ của Nga.
Dù sau đi chăng nữa, mọi người đều biết ngay sau khi được chỉ định vào chức vụ chủ tịch Trung Quốc, hồi tháng 3/2013 ông Tập Cận Bình đã dành chuyến xuất ngoại đầu tiên để đến Matxcơva. Về phần mình tổng thống Putin ý thức được rằng, để mở rộng tầm ảnh hưởng của nước Nga trên bàn cờ quốc tế, cả về phương diện ngoại giao lẫn kinh tế, Trung Quốc là một lá bài then chốt cho dù là giữa Matxcơva và Bắc Kinh không có một sự tin tưởng vững chắc về mặt chiến lược. Nga và Trung Quốc không thực sự chia sẻ những lợi ích chung và Bắc Kinh luôn sợ rằng ảnh hưởng quá lớn của Matxcơva sẽ làm phương hại đến những quyền lợi của bản thân Trung Quốc.


No comments:

Post a Comment

View My Stats