Tuesday, 6 May 2014

GIÀN KHOAN KHỔNG LỒ, THỦ ĐOẠN LỚN CỦA TRUNG QUỐC (Hà Tường Cát - Người Việt)




Hà Tường Cát/Người Việt (Tổng hợp)
Monday, May 05, 2014 5:44:54 PM

Hôm Thứ Bảy Trung Quốc loan báo đưa giàn khoan lớn nhất thế giới CNOOC 981 đến vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam tuyên bố có chủ quyền.

Công ty quốc doanh dầu khí PetroVietnam đã gởi thư phản đối tới CNOOC, công ty dầu khí đứng hàng thứ ba của Trung Quốc, chuyên về thăm dò và khai thác tài nguyên dầu khí dưới đáy biển.

Theo PetroVietnam, nơi hoạt động của giàn khoan 981 chỉ cách bờ biển 120 hải lý nghĩa là hoàn toàn trong vùng lãnh hải đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Từ lâu các công ty Oil & Natural Gas Corp Ấn Độ. Gazprom OAO Nga và Exxon Mobil Corp Hoa Kỳ đã được Việt Nam cấp lô khai thác tại vùng này.

Nhưng mục tiêu của Trung Quốc là khởi sự khai thác dầu khí ở vùng biển nước sâu, trong khi nhiều công ty ngoại quốc khác chưa sẵn sàng thực hiện vì tốn kém không có lợi.

Haiyang Shitou 981 là giàn khoan của CNOOC do công ty đóng tàu biển China State Shipbuilding Corp.(CSSC) chế tạo trong 3 năm tại Trung Quốc, với giá 6 tỷ nhân dân tệ ($952 triệu), khánh thành tháng 5 năm 2011 tại Thượng Hải. CSSC nói là 981 có thể khoan sâu vào lòng đất từ 10,000 đến 12,000 mét dưới đáy biển.

Đầu tháng 5 năm 2012, giàn khoan bắt đầu hoạt động ở khu vực phía Bắc Biển Đông trong EEZ của Trung Quốc, cách Hong Kong 172 hải lý (320 km) về phía Đông-Nam, ở nơi biển sâu 1,500 mét. Tân Hoa Xã nói đây là kỷ lục thế giới cho đến nay về khoan dầu ở vùng nước sâu.

Trước đây, giàn khoan Deepwater Horizon của BP do Hyundai Heavy Industries của Nam Hàn chế tạo với giá $560 triệu, mới chỉ khoan dầu tại nơi biển sâu 1,259 mét trong vịnh Mexico và khoan vào lòng đất 10,683 mét.
Khai thác dầu khí, những chất dễ cháy dưới áp suất mạnh,  là một hoạt động rất nguy hiểm.

Tai nạn chảy dầu của giàn khoan BP năm 2010 chứng tỏ Trung Quốc bây giờ  phải có kỹ thuật cao để đương đầu với những khó khăn phức tạp không dự đoán được hết, mới có thể thực hiện công việc mà những hãng dầu khí Tây Phương nhiều kinh nghiệm vẫn vấp phải.  

Khoe khoang thành quả  này, Tân Hoa Xã nói rằng đây là trang thiết bị lớn nhất lịch sử do con người đã chế tạo. Nếu đặt giàn khoan 981 vào giữa thủ đô Bắc Kinh, đường ống và các giây của nó sẽ bao trùm tất cả các quận nằm trong đường xa lộ vòng đai số 6, bán kính 10-15 km từ trung tâm thành phố. 
Tân Hoa Xã cho biết CNOOC 981 là một giàn khoan nổi di động, chiều dài 114 mét rộng 90 mét cao 138 mét, nặng 31,000 tấn,  trọng tải hữu dụng 9,000 tấn, có 8 máy phát điện diesel công suất 44,000 kw đủ cung cấp điện lực cho một thành phố bậc trung.

Ở nơi biển sâu không quá 1,500 mét, giàn khoan ổn định bằng một các neo, nhưng ở nơi biển sâu tới 3,000 mét, hệ thống 8 động cơ đẩy mỗi đơn vị mạnh bằng 5 đầu máy xe lửa, sẽ giúp cho giàn khoan dứng yên một chỗ, không bị xê dịch vì sóng, gió hay giòng hải lưu. Định vị bằng GPS, giàn khoan giữ tọa độ chính xác và chỉ sai lệch không quá 1 mét.

* Ra tay trước

Khai thác dầu khí ở vùng biển nước sâu là một việc khó khăn và tốn kém. Từ trước đến bây  giờ,  Trung Quốc mới chỉ khoan dầu dưới đáy biển ở vùng nước sâu không quá 300 mét. Khi làm giàn khoan 981 họ đã tính toán tới việc khai thác các mỏ dầu trong vùng biển sâu Đông Hải và Nam Hải (Biển Đông), những nơi có tranh chấp với nhiều quốc gia. Nhưng Trung Quốc rõ ràng có ý đồ không chờ đợi giải quyết tranh chấp, họ tìm cách ra tay trước, bằng khả năng khoan tìm ở những nơi mà  các công ty khác chưa sẵn sàng.

Wang Yilin, chủ tịch CNOOC không che dấu ý đồ đó, ông nói: “Các giàn khoan lớn ở vùng nước sâu là vũ khí chiến lược để phát triển nguồn dầu khí ngoài khơi, cũng như bảo đàm chủ quyền lãnh hải của chúng ta”.

Đề cập đến việc khoan dầu khí lần đầu tiên của giàn khoan 981 ở vùng biển Đông-Nam Hong Kong năm 2012, kỹ sư địa chất Shi Hesheng ở phân bộ Thẩm Quyến của CNOCC cho biết: “Chúng ta sẽ khoan sâu 2,335 mét tới mỏ 30 tỷ mét khối khí đốt. Trong dự kiến tương lai, hơn 700 triệu tấn dầu thô và 1,200 tỷ mét khối khí đốt sẽ được tìm thấy 73 đây. Có hàng  chục mỏ khác như vậy trong miền Bắc Biển Đông”.

Theo ước đoán của Trung Quốc, trữ lượng của toàn thể khu vực Biển Đông là 23 tỷ tấn dầu thô và 16,000 tỷ mét khối khí đốt. Khoảng 70% dự trữ này nằm  trong diện tích 1.54 triệu km2 biển sâu hơn 1,500 mét nghĩa là hiện nay chỉ có loại giàn khoan như CNOOC 981 có thể khai thác.
.
Một số quan sát viên Tây Phương trước đây cho rằng trữ lượng dầu lửa xác định chắc chắn của Biển Đông chỉ vào khoảng 7-8 triệu thùng dầu thô, mặc dầu trữ lượng thực sự chắc chắn cao hơn nhiều nhưng không ai đồng ý là bao nhiêu. Còn theo các chuyên gia Trung Quốc, toàn thể vùng Biển Đông có trữ lượng từ 170 đến 220 tỷ thùng dầu thô và ước lượng trên 560,000 tỷ feet khối khí đốt. Sai lệch rất lớn trong các dự đoán là do chỗ 70% trữ lượng nằm trong vùng biển sâu trên 1,500 mét.

Trong những năm gần đây Trung Quốc chắc chắn đã âm thầm tiến hành nhiều cuộc thăm dò trong khi kéo dài tình trạng đối đầu tranh chấp không có thực tâm giải quyết. Giàn khoan CNOOC 981 Haiyang Shitou mới thật sự là phương tiện giải quyết và họ muốn làm một sự đã rồi. (HC)



No comments:

Post a Comment

View My Stats