Người
Việt
Tuesday, May 06, 2014 4:14:18 PM
HÀ
NỘI (NV) - Thông Tấn Xã Việt Nam, chiều 6 tháng 5, cho hay, Phó thủ tướng kiêm
ngoại trưởng Việt Nam đã gọi điện thoại trò chuyện với ông Dương Khiết
Trì, Ủy viên Quốc vụ Viện Trung Quốc phụ trách ngoại giao, về vụ
giàn khoan Hải Dương 981
Trong cuộc trò chuyện đó, ngoại trưởng Việt Nam nhấn
mạnh, “Việc Trung Quốc đơn phương đưa
giàn khoan Hải Dương 981 và một lượng lớn tàu các loại, kể cả tàu chiến vào
hoạt động ở khu vực lô dầu khí 143 thuộc thềm lục địa Việt Nam từ ngày 1 tháng
5 đến nay là bất hợp pháp.”
“Ðiều đó vi phạm luật pháp và thông lệ quốc tế, vi phạm nghiêm trọng chủ
quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với
các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.”
Cũng theo Thông Tấn Xã Việt Nam, ông Phạm Bình Minh
còn khẳng định với ông Dương Khiết Trì, Việt Nam “không thể chấp nhận và kiên quyết phản đối việc làm đó của Trung Quốc,
yêu cầu Trung Quốc rút hết giàn khoan Hải Dương 981 và các tàu hộ tống ra khỏi
khu vực vừa kể, cùng đàm phán để xử lý những bất đồng xung quanh vấn đề này.”
Ðây là phản ứng mới nhất của Việt Nam sau khi Cục
Hải Sự Trung Quốc phát “cảnh báo hàng hải” về việc đưa giàn khoan Hải Dương 981
vào “tác nghiệp tại Nam Hải” (cách Trung Quốc gọi biển Ðông), từ 2 tháng 5 đến
15 tháng 8, ở vị trí chỉ cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) chừng 119 hải lý (221 cây
số). Cũng vì vậy, Trung Quốc “cấm tất cả các loại phương tiện xâm nhập vào khu
vực Hải Dương 981 hoạt động trong bán kính một hải lý.”
Sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam lên
tiếng phản đối, Cục Hải Sự Trung Quốc loan báo, tăng bán kính cấm các loại
phương tiện xâm nhập từ một hải lý thành ba hải lý!
Không thấy Thông Tấn Xã Việt Nam tường thuật ngoại
trưởng Trung Quốc trả lời thế nào.
Trên Internet, sự phẫn nộ của người Việt trước hành
động gây hấn mới của Trung Quốc tiếp tục gia tăng. Truyền thông trong nước thì
giới thiệu “uy lực của Hải Quân Việt Nam”, kèm tuyên bố của một vài viên tướng
quân đội CSVN đã... nghỉ hưu, khẳng định Việt Nam “có thể tịch thu giàn khoan
Hải Dương 981.”
Cạnh đó là các thông tin về chuyện tàu của lực lượng
Cảnh Sát Biển Việt Nam đang chặn đường tiến của giàn khoan và những tàu hộ tống
giàn khoan của Trung Quốc. Các thông tin này tuy có tác dụng trấn an nhưng hoàn
toàn không phải nguồn chính thức từ phía Việt Nam.
Cùng thời điểm này, báo chí Trung Quốc mở một chiến
dịch, kêu gọi phải “dạy cho Việt Nam một bài học” vì “lần này Việt Nam hết sức
hung hăng, đang tìm cách vào bên trong lãnh hải 4 hải lý nhằm bao vây giàn
khoan Hải Dương 981.”
Trong bài viết “Trung Quốc cần tỏ thái độ cứng rắn
với Hà Nội”, tờ Hoàn Cầu Thời báo của Trung Quốc viết: “Người ta tin rằng chính
phủ Trung Quốc sẽ không bao giờ thỏa hiệp vì sự khiêu khích của Việt Nam. Không
chỉ vì vị trí của giàn khoan nằm trong đường chín đoạn, mà còn vì nó nằm gần
Tây Sa (Hoàng Sa - NV) mà Trung Quốc nắm giữ chủ quyền.”
Ở bài viết vừa kể, Hoàn Cầu Thời báo còn cảnh cáo:
“Nếu Việt Nam có thêm hành động ở Tây Sa, mức độ phản công của Trung Quốc sẽ
được tăng lên.”
Tin về việc tàu của lực lượng Cảnh Sát Biển Việt Nam
đang chặn đường tiến của giàn khoan và những tàu hộ tống giàn khoan của Trung
Quốc có thể được suy đoán dựa vào báo giới Trung Quốc nhưng thực tế cho thấy,
báo giới Trung Quốc luôn luôn cường điệu hóa những vấn đề có liên quan đến
tranh chấp chủ quyền trên biển Ðông.
Cùng vì vậy, Việt Nam sẽ hành động thế nào, quan hệ
Việt-Trung sẽ ra sao sau sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 vẫn là một dấu hỏi
lớn.
Tường thuật của Thông Tấn Xã Việt Nam về cuộc trò
chuyện giữa ông Phạm Bình Minh và ông Dương Khiết Trì có nêu rằng, ngoại trưởng
Việt Nam khẳng định: “Việt Nam sẽ áp dụng mọi biện pháp phù hợp cần thiết để
bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình.”
Song cũng trong tin tường thuật về sự kiện này,
Thông Tấn Xã Việt Nam kể thêm rằng, ông Minh còn nhấn mạnh: “Việt Nam luôn thể hiện thiện chí, kiên trì
giải quyết thỏa đáng bất đồng thông qua đàm phán, đối thoại và các biện pháp
hòa bình khác theo đúng nhận thức chung của lãnh đạo cao cấp của hai nước, Thỏa
thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, phù hợp với
các quy định và thực tiễn luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về
Luật Biển 1982, không để vấn đề này tổn hại đến sự tin cậy chính trị và hợp tác
giữa hai bên.” (G.Ð)
No comments:
Post a Comment