Dương
Danh Huy
Nhà nghiên cứu về biển Đông
Cập nhật: 06:30 GMT - thứ năm, 8 tháng 5,
2014
Mặc
dù Trung Quốc đã chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa 40 năm, nước này mới chỉ
bắt đầu nỗ lực củng cố sự kiểm soát trên biển và khai thác tài nguyên trong
vùng biển kế cận quần đảo này trong thời gian tương đối gần đây.
Và họ sẽ không ngừng ở đó mà sẽ dùng Hoàng Sa làm
bàn đạp để đẩy vùng họ kiểm soát lấn vào các vùng biển khác của Việt Nam như
vết dầu loang. Do đó, có thể cho rằng cuộc chiến Hoàng Sa vẫn đang tiếp diễn
trên biển, dù điều đó có nổi bật trong nhận thức của người Việt hay không.
Cho đến năm 2009 ngư dân Việt Nam vẫn còn đánh bắt
tự do trong vùng biển Hoàng Sa. Năm 2009, Trung Quốc bắt đầu củng cố sự kiểm
soát trên biển bằng chính sách đàn áp ngư dân Việt Nam, nhằm đẩy lùi những
người Việt Nam cuối cùng ra khỏi vùng biển Hoàng Sa.
Kế đến là việc Trung Quốc triển khai các hoạt động
dầu khí.
Vết
dầu đang loang
Thí dụ, năm 2012 nước này mời thầu tại Lô 65/12, gần
đảo Cây thuộc và ở phía bắc quần đảo Hoàng Sa. Với Việt Nam chỉ phản đối một
cách phi đối sách, diễn biến tất nhiên là Trung Quốc sẽ mở rộng hoạt động dầu
khí về các phía đông, tây và nam của quần đảo này. Việc triển khai giàn khoan
HD-981 gần đảo Tri Tôn thuộc và về phía tây nam quần đảo sẽ chỉ là một trong
nhiều bước loang của vết dầu - nếu Việt Nam tiếp tục chỉ phản đối một cách phi
đối sách.
Song song với các động thái trong hai lãnh vực nghề
cá và dầu khí, Trung Quốc sẽ tăng cường những sự kiểm soát dân sự và quân sự
khác trên biển, nhằm đi từ sự đã rồi trên đảo đến sự đã rồi trên biển, trong
một vùng biển rộng lớn tối đa.
Tuy nhiên đó còn chưa phải là mục đích tối hậu của
Trung Quốc.
Ngoài việc biến vùng biển Hoàng Sa thành “biển thiên
triều”, nước này sẽ tiến hành những khía cạnh khác của cuộc nam tiến, thí dụ
như đưa tàu thuyền bán quân sự và giàn khoan vào kiểm soát, khảo sát và khai
thác vùng Tư Chính, ngoài khơi bờ biển miền Nam Việt Nam, với hải quân khổng lồ
của họ luôn đứng sau.
Những gì Đế quốc Trung Hoa ngày xưa đã không thực
hiện được trên bộ, nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ngày nay đang cố gắng thực
hiện trên biển. Có thể nói rằng Việt Nam ngày nay đang đứng trước một quá trình
xâm lấn từ phương Bắc quy mô không kém, và còn có thể nói là tinh tế hơn, những
gì Việt Nam ngày xưa đã từng đối diện, và phải ứng phó một cách tích cực không
kém người Việt xưa đã từng giữ nước.
Không những thế, cuộc nam tiến của Trung Quốc trên
biển ngày nay có nhiều khía cạnh khác với những cuộc xâm lăng thời phong kiến.
Thứ nhất, như Trần Hưng Đạo nói, nếu quân ngoại xâm tiến chậm như tằm ăn dâu
thì khó chế ngự, trong khi đó lại là chiến lược của Trung Quốc hiện nay. Thứ
nhì, nếu Trung Quốc chiếm một số đảo nhỏ xa bờ hay giành sự kiểm soát và khai
thác trong một vùng biển thì Việt Nam khó có thể theo đuổi một cuộc chiến tranh
không giới hạn để giành lại. Thứ ba, chiến tranh hiện đại trên biển là khác với
chiến tranh trên bộ ngày xưa.
Cần
có đối sách
Trước chủ trương của Trung Quốc, một chủ trương bất
di bất dịch bất kể lời lẽ ngoại giao phù phiếm, trước hết Việt Nam cần nhìn
nhận rằng việc phản đối phi đối sách chỉ có thể dẫn tới bị chinh phục trên thực
tế. Chỉ phản đối phi đối sách là tương đương với thầm chấp nhận bị chinh phục
trên thực tế.
Trong lãnh vực pháp lý, Việt Nam phải tận dụng những
phương tiện pháp lý mình có.
Việt Nam phải công khai thách Trung Quốc ra tòa về
chủ quyền đối với Hoàng Sa. Mặc dù khả năng là Trung Quốc sẽ khước từ, nhưng đó
là lỗi của họ chứ không phải của Việt Nam thách họ, và thế giới cũng như người
Trung Quốc sẽ thấy nước nào là nước trốn tránh công lý.
Vì luật quốc tế không cho phép khoan dầu khí trong
vùng biển trong tình trạng tranh chấp, Việt Nam cũng nên đơn phương nộp đơn
kiện Trung Quốc về giàn khoan HD-981.
Mặc dù Trung Quốc đã vận dụng Điều 298 của UNCLOS để
tránh việc áp dụng thủ tục giải quyết tranh chấp của UNCLOS cho một số loại
tranh chấp, và do đó trọng tài UNCLOS sẽ không có thẩm quyền để phán quyết vùng
biển đó thuộc về bờ biển hay đảo nào, vì địa điểm của giàn khoan này nằm cách
đất liền Việt Nam dưới 200 hải lý, trọng tài UNCLOS sẽ công nhận rằng hiện hữu
tranh chấp trong khu vực đó, bất kể các câu hỏi liên quan đến quần đảo Hoàng
Sa, và sẽ cấm Trung Quốc đơn phương khoan dầu khí.
Ngoài ra, trọng tài UNCLOS cũng sẽ công nhận rằng
việc tàu Trung Quốc đâm tàu Việt Nam là sử dụng bạo lực trong vùng tranh chấp,
tức là vi phạm luật quốc tế.
Nếu Việt Nam không sử dụng những phương tiện pháp lý
mình có thì dễ có câu hỏi về Việt Nam có thật sự quyết liệt về biển đảo hay
không. Dù từ Trung Quốc, hay từ thế giới, hay từ người dân, thì câu hỏi đó cũng
bất lợi cho Việt Nam.
Trong lãnh vực chính trị và ngoại giao, Việt Nam
phải “thoát Trung”, phải thoát khỏi vòng kim cô ràng buộc mình vào một nước mà,
bất kể lời lẽ hữu nghị xã hội chủ nghĩa, bản chất xương tủy, ngàn năm văn hiến
của họ vẫn là Đế quốc Trung Hoa ngày xưa.
“Thoát Trung” tạo thêm điều kiện cho chúng ta tự do
lựa chọn và ứng xử với đồng minh sao cho phù hợp với hoàn cảnh của mình nhất.
“Thoát Trung” cũng tạo thêm điều kiện để chúng ta hội nhập nhiều hơn với thế
giới văn minh và phát triển đất nước. Vấn đề là Việt Nam có đủ tự lập trong
chính trị, tư duy và khả năng để “thoát Trung” không.
Nhưng nếu không đủ tự lập thì cũng đáng hổ thẹn cho
một quốc gia độc lập, và cho một dân tộc mà một trong những niềm tự hào lịch sử
lớn nhất mình có là việc đấu tranh giành độc lập. Nhìn từ góc độ này, “thoát
Trung” cũng có thể khích thích cho Việt Nam tự lập hơn, một điều mà dân tộc và
đất nước nào cũng cần.
Nhưng cuối cùng thì điều không thể thiếu được của
một quốc gia độc lập là đối sách trên thực địa. Tòa án quốc tế không có cảnh
sát để bảo đảm phán quyết của họ sẽ được các bên thi hành. Khó có nước nào khác
sẽ ủng hộ Việt Nam bằng vũ lực ở Hoàng Sa hay trong vùng đặc quyền kinh tế 200
hải lý từ đất liền.
Mặc dù hải quân, không quân và các lực lượng bán
quân sự trên biển của Trung Quốc mạnh hơn của Việt Nam, và mặc dù chiến lược
tằm ăn dâu của họ làm cho Việt Nam khó quyết định về phản ứng trên thực địa,
Việt Nam không thể không có đối sách trên thực địa, dù điều đó có thể bao hàm
hy sinh xương máu và khí tài.
Bất kể Việt Nam có sử dụng biện pháp pháp lý, chính
trị và ngoại giao nào hay không, và bất kể việc con tằm chỉ ăn lá dâu từng
miếng nhỏ, Trung Quốc đang từng bước dồn Việt Nam đến câu hỏi Diên Hồng. Không
rõ câu hỏi này khó trả lời cho Đại Việt ngày xưa thế nào, nhưng chắc chắn là
ngày nay cần những trả lời tinh tế hơn xưa, vì trong bối cảnh ngày nay hòa cũng
như chiến đều có nhiều hình thức và mức độ. Nhưng nếu tránh câu hỏi đó thì sẽ
là vô trách nhiệm với chủ quyền lãnh thổ.
Bài
viết phản ánh quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả, thành
viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông.
No comments:
Post a Comment