Sunday, 4 May 2014

CUỘC ĐÀO THOÁT VĨ ĐẠI CỦA THUYỀN NHÂN VIỆT NAM (Alan Phan)




Ngày: 04 / 05 / 2014

Hồi ức về ngày 30-4 và cuộc đào thoát vĩ đại của thuyền nhân Việt nam

Translated from “Remembering the Fall of Saigon and Vietnam’s Mass ‘Boat People’ Exodus” (The Daily Beast).  Tự Thuật của Carina Hoàng.

Như một nén hương cho những người đã ngã xuống trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn 1954-1975 và những năm hậu chiến.
Thongreo

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, những người lính Mỹ cuối cùng rời Sài gòn khi thành phố rơi vào tay quân miền Bắc.  Một người tỵ nạn nhớ về sự hỗn loạn trong ngày đó và cuộc hành trình dài đầy khó khăn của cô đến bến bờ tự do.

Trong những ngày cuối tháng Tư năm 1975, Carina Hoàng và gia đình cô sống chen chúc trong một hầm tránh bom chật chội và lắng nghe tiếng hỏa tiễn xé rách bầu trời Biên Hòa.  Thỉnh thoảng lũ trẻ phóng ra ngoài đi vệ sinh hay lấy chút đồ ăn, rồi chui lại vào hầm.  Quân miền Bắc chỉ còn cách Sài gòn có 3 dặm, chỉ khoảng nửa giờ chạy xe từ Biên Hòa, và quân đội Mỹ đang cuống quít tổ chức một cuộc di tản.  “Khi chung quanh trở nên yên ổn một chút, mẹ tôi lùa lũ con vào chiếc xe hơi rồi lái về Sài gòn,”, Carina kể.  “Lúc đó, chúng tôi đã mất liên lạc với bố” – một trung tá trong quân đội VNCH – “chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra với bố và không thể chờ ông được.  Cho nên chúng tôi đi Sài gòn, ở nhờ nhà một người bạn của mẹ rồi tìm cách ra đi.”

Tâm trạng lúc đó, Carina nhớ lại, “rất hoảng sợ.  Không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra, rồi những lời đồn đại – người ta không thể tin nhau nữa, không thể nói với nhau vì sợ bị tố giác sau này.  Chẳng có hy vọng, chẳng có tự do.  Cứ như mặt đất dưới chân mình đã sụp xuống.  Mọi sự thay đổi hết.”

Vài hôm sau, ngày 30 tháng Tư, tướng Dương Văn Minh đầu hàng Việt Cộng và Sài gòn sụp đổ hoàn toàn.  Với gia đình của cô và hàng trăm ngàn người đồng hương miền Nam khác, đây là bước khởi đầu của một cơn ác mộng dài nhiều thập kỷ – mở màn cho một cuộc chạy trốn vĩ đại nhất trong lịch sử hiện đại, khi những người tỵ nạn chính trị năm này qua năm khác trốn chạy trên biển Đông trên những chiếc thuyền ọp ẹp.  Hàng ngàn người chết trước khi đến được bến bờ an toàn, hay rơi vào tay bọn cướp biển.  Nhiều người nữa chết trên hoang đảo vì bệnh tật, đói khát, hay tuyệt vọng.

Hơn 16 năm qua, Carina Hoàng – người vượt biên thành công năm 1979 – đã giúp cho những người tỵ nạn trở về những hòn đảo xa xôi năm xưa để tìm lại mộ phần thân nhân đã mất mạng ở đó.  Nhờ vậy cô đã thu thập được biết bao câu chuyện từ những người từng được gọi là “thuyền nhân” Việt nam, cô có thể làm chứng cho một cuộc di dân mà thế hệ con của cô không biết bao nhiêu, và Việt nam bây giờ như đã muốn quên đi.  Cô viết cuốn sách “Thuyền nhân, những nỗi niềm riêng từ cuộc đào thoát 1975-1996để kể về sự quyết tâm của những người đàn ông, đàn bà và trẻ em, đã dám đánh liều với tất cả – nhà cửa, bạn bè, gia đình, ngay cả mạng sống của họ – để có một cơ hội đến bến bờ tự do.

Phải sau hơn 14 năm và nhiều chuyến vượt biên khác, cha mẹ và anh em của Carina mới xum họp được với cô.  Làm sao mà mẹ cô biết được chuyện gì sẽ xảy ra khi bà đưa đám con trẻ về trung tâm Sài gòn trong ngày 29 tháng Tư, 1975?  Đầu tiên, cả nhà đến phi trường và bắt gặp một khung cảnh vô cùng hỗn loạn – người chạy tứ tán, kêu gào trong cơn hoảng loạn, rượt theo những chiếc xe chạy qua, van xin để được lên máy bay.  Rồi họ đi ra bến tàu.  “Khi chúng tôi đến đó, cảnh tượng còn ghê hơn.”  Carina kể.  “Người ta nhảy lên thuyền và rớt xuống nước.  Có người bị thuyền nghiến lên; người thì khóc, kẻ kêu gào; trẻ con chạy tan tác vì đã lạc mất cha mẹ.  Y như một cảnh trong phim.  Khói bốc khắp nơi.  Chúng tôi nghe tiếng súng nổ … nên mẹ tôi quay đầu xe và lái về Tòa Đại Sứ Hoa kỳ.”
Trên đường, tình cờ họ gặp được một người bán giấy tờ giả.  Mẹ Carina bỏ ra một ít vàng để mua giấy tờ, rồi kéo cả đám trẻ chạy bộ đến tòa đại sứ.  Carina và chị cô cõng hai đứa em gái và lôi mấy đứa em trai.  Khi họ đến tòa đại sứ, một đám đông hung hãn đang tính trèo qua các cánh cổng.  Mẹ Carina cầm nắm giấy tờ vẫy những người lính gác.  “Hai người lính đi ra, tách đám đông, cố để cho chúng tôi đi qua.  Dù vậy, người ta nắm, kéo và đạp vào chúng tôi.  Mẹ ráng lôi được chúng tôi qua cổng, đi vào bên trong tòa đại sứ.”

Khi vào trong, gia đình Carina xếp hàng đợi 22 tiếng đồng hồ để được lên sân thượng.  Trên đó trực thăng đang bốc người Mỹ và những người bạn Việt nam của họ.  Đến một lúc, rõ ràng là chính phủ Mỹ chỉ muốn bốc những người Mỹ còn lại.  Để ngăn ngừa bạo loạn, những người lính Mỹ bắn lựu đạn cay vô đám đông khi họ rút lui.

“Tôi không nhớ nổi điều gì là tệ hại hơn,”  Carina nói, “đi vô tòa đại sứ, hay là thoát ra khỏi chỗ đó.”
“Mẹ tôi đã hoàn toàn mất trí.  Bà không biết làm gì nữa.  Chúng tôi bám vào bà và đẩy nhau ra khỏi cổng.  Chúng tôi thấy người ta đạp lên nhau, tiền, nữ trang vương vãi trên mặt đất.  Nhưng chẳng ai quan tâm.  Người ta cứ chạy, cố giữ lấy mạng sống.  Cuối cùng, chúng tôi cũng ra khỏi tòa đại sứ.  Có rất nhiều xe hơi bỏ hoang trên đường và mẹ tôi vẫn còn giữ chìa khóa xe của bà trong túi.  Bà lấy chìa khóa xe và thử từng chiếc xe trên đường, nhưng chẳng chiếc nào nổ máy được.  Rồi thì chúng tôi lết bộ về nhà bạn của mẹ, và vài giờ sau, ông tổng thống tuyên bố đầu hàng.”

Một người tỵ nạn khác, Nguyễn Thu Minh, cũng ở trong tòa đại sứ Mỹ với sáu đứa con, hy vọng rằng sẽ được leo lên một chiếc trực thăng.  Cũng giống như Carina, bà cũng nhớ đến cái cảnh tượng ghê gớm khi lính Mỹ rút lui.  “Trời tối dần, tiếng súng lớn vang vọng, và rõ ràng là chúng tôi bị kẹt ở đó khi lính Mỹ xếp thành một hàng, chĩa súng về phía chúng tôi, rồi lui dần vào trong nhà.  Trước khi lui hẳn vào bên trong, người lính cuối cùng bắn lựu đạn cay vô chúng tôi, rồi họ đóng cửa lại.  Chúng tôi không thấy đường và không thở được.  Người ta chạy tứ tán, kêu gào, và đạp lên những người ngã.”
Những năm tháng sau chiến tranh, cuộc sống của gia đình Carina và những người khác có liên hệ với chính quyền VNCH hoàn toàn đảo ngược.  Chính quyền CS tịch thu nhà của Carina, đóng tài khoản ngân hàng và dẹp luôn cơ sở kinh doanh của gia đình cô, buộc họ phải đi van xin bạn bè, bà con cho ở nhờ.  “Thật là khó vì không ai có thể chứa thêm 10 người nữa,”  Carina kể.  “Chúng tôi thật khốn đốn, đã vậy còn không biết tin gì về bố.  Không biết rằng ông còn sống hay đã chết.”

Mẹ Carina bắt đầu buôn bán ở chợ trời, ngày nào cũng lo sợ bị bắt giam, mà chỉ kiếm đủ tiền mua thức ăn.  Vì gia đình có liên hệ với chế độ cũ, những đứa con lớn trong gia đình không được tiếp tục đi học.  Trong khi đó mẹ Carina nghe được chồng bà đã bị bắt giam.  Bà và các con thu xếp đi thăm ông được một lần, trước khi ông bị chuyển ra Bắc và bị cầm tù thêm 14 năm nữa.

Năm 1978, Việt nam gởi quân sang Campuchia.  Mẹ Carina sợ rằng với lý lịch như vậy, các con của bà sẽ bị gọi đi nghĩa vụ trước tiên.  Trong khi đó, như một người tỵ nạn khác nhớ lại, Sài gòn – với tên mới là thành phố Hồ Chí Minh – “mọi sự trở nên rất tồi tệ.  Ai cũng nghĩ tới chuyện vượt biên đến nỗi người ta thường nói nếu cây cột điện mà có chân nó cũng đi.”  Người dân tuyệt vọng trả những món tiền lớn để được trốn ra biển.  Thường thì họ ra đi giữa đêm khuya và chẳng có dịp từ giã những người thân yêu còn ở lại.  “Như là mất tích không một dấu vết,” một người đàn ông kể, “Tôi bỏ gia đình ra đi một cách tàn nhẫn như vậy.”

“Không chịu nổi cuộc sống ở Việt nam nữa,” một người tỵ nạn khác nhớ lại.  “Chúng tôi đã quên mất tự do, hy vọng hay hạnh phúc là gì.  Quyết tâm rời bỏ quê hương ngày càng mạnh.  Tôi đã có mang 9 tháng đứa con thứ hai lúc chúng tôi trốn đi lần nữa … Chúng tôi chỉ có 24 tiếng đồng hồ để thu xếp.”
Mẹ Carina không muốn xa các con, nhưng bà sợ chiến trường Campuchia hơn.  Năm 1978, hai người anh(chị) của Carina trốn thoát.  Cuối cùng, mùa xuân 1979, Carina đã có cơ hội.  Chính phủ đã ban hành nghị định cho người Việt gốc Hoa ra đi.  Mẹ Carina mua giấy khai sinh giả với tên người Hoa cho Carina, đứa em trai 13 tuổi và đứa em gái 12 tuổi.  Bọn trẻ được lên chiếc tàu dài khoảng 25 thước, cùng với 370 người khác.  Ngày khởi hành, Carina và các em giả tảng như không biết mẹ mình đang đứng ở cầu tàu với đám đông người Hoa.  “Người ta biết mẹ là người Việt nên tôi không dám nhìn bà.  Tôi không tạm biệt mẹ.”

Khi thuyền ra khơi xa, “Tôi rất bối rối, buồn bã và chỉ mong quay trở về với mẹ,” Carina kể.  Chỉ trong vài giờ, một cơn bão lớn kéo đến, những người tỵ nạn chỉ mong được sống sót.  “Nó là cơn bão mà mỗi con sóng ập xuống, ai cũng nghĩ là chiếc thuyền sẽ bị chìm xuống đáy biển.  Người ta ói lên nhau, khóc la inh ỏi … thật là kinh hoàng.  Cơn bão kéo dài qua đêm.  Rồi tôi nghe mọi người đột nhiên cầu nguyện, mỗi người một cách …mọi người bỗng cầu kinh, cùng một lúc.  Đó là âm thanh mà tôi không bao giờ có thể quên được.”

Chiếc thuyền vượt qua cơn bão và đi thẳng đến Mã lai, nhưng lại bị lính Mã lai cướp sạch hết đồ quý giá rồi đuổi ngược ra biển.  Ngày thứ sáu dập dềnh trên sóng, bốn người chết, xác họ được quăng xuống biển.  “Cuối cùng, ngày thứ tám, chúng tôi đến một làng đánh cá nhỏ ở đảo Keramut của Indonesia, tại đó người chủ tàu quyết định đánh chìm chiếc thuyền để chúng tôi không bị đuổi ra biển trở lại,”  Carina kể.

Từ đó, chính quyền địa phương chở họ ra hòn đảo hoang Kuku và bỏ họ lại đó.  Họ sống nhờ vào dừa, trái cây rừng và hải sản bắt được trong khi chờ đợi Cao Ủy LHQ đến giúp.  Nhiều người bị sốt rét và tiêu chảy.  “Trong mấy tháng đầu, hầu như ngày nào cũng có một người được chôn trong rừng.  Tôi thường ngồi với đám trẻ ốm với da bọc xương và những người già trong túp lều nhỏ, bất lực nhìn họ chết dần.”  Carina viết.  “Tôi sẽ nói với mẹ thế nào đây nếu chuyện đó xảy ra cho các em Mimi và Saigon?  Nếu chúng chết ở đây, làm sao tôi sống được? …  Nếu chúng tôi phải chết, thì hãy chết cùng.”

Sau 10 tháng ở Kuku, Carina và hai em được LHQ cho quy chế tỵ nạn, rồi được ra đi đoàn tụ với anh chị đã định cư ở Mỹ.  Nhưng không phải ai cũng được may mắn như vậy.  Nhiều chiếc thuyền gặp phải hải tặc Thái lan đang rình rập trên biển Đông.  Những trận cướp bóc của chúng thật kinh hoàng – chúng lột trần truồng những người đàn ông và nhổ răng vàng của họ, và hả hê cưỡng hiếp những người phụ nữ hàng giờ liền.

Khi chúng bỏ đi, chúng thường đâm thủng thùng chứa nước và cắt dây neo của chiếc thuyền khốn khổ.  Nhiều khi mỗi ngày có một trận cướp, và mọi chuyện lại lặp lại.  “Không một ai dù già hay trẻ nên chứng kiến những gì chúng tôi đã nhìn thấy,” một người tỵ nạn viết.  “Chúng tôi cảm thấy thất bại, nhục nhã và hoàn toàn bất lực.  Và chúng tôi bị giày vò bởi mặc cảm tội lỗi rằng chúng tôi đã thiếu chuẩn bị, đã không chiến đấu chống lại chúng, và không bảo vệ nổi những người phụ nữ.”
“Trong quá trình tìm hiểu để viết cuốn sách, những câu chuyện làm tôi đau lòng nhất là những người phụ nữ bị hãm hiếp,”  Carina nói.  “Nhưng những người khổ tâm hơn  là những người có người thân bị hải tặc bắt đi và không biết những chuyện gì đã xảy ra.  Đôi khi họ ước gì người thân của họ chết, vì ít nhất họ còn có thể thương tiếc.  Nhưng họ không thương tiếc được.  Họ không bao giờ biết rõ.  Và đó là một trong những thảm trạng của cuộc đào thoát này.”

Nhiều gia đình có con rớt xuống biển trong đêm tối, hoặc lê lết nhiều năm trong trại tỵ nạn chờ đợi được định cư.  Tháng 2 năm 1979, chiếc tàu chở hàng của Panama tên Skyluck cập cảng Hồng Kông với hơn 2.600 thuyền nhân.  Họ đã ở 155 ngày trên chiếc tàu trong tình trạng thật dơ bẩn, cầu khẩn để được lên bờ, trong lúc nhà cầm quyền Hồng Kông tìm cách thu xếp.  Cuối cùng, người ta phát giác ra rằng chính quyền Việt nam đã làm tiền chính người dân, rồi tống khứ họ đi bằng chuyến tàu này, thu lợi từ những người dân đang tuyệt vọng.

Sau hơn năm tháng thống khổ, những người tỵ nạn cắt neo tàu và đâm nó vào đảo Lamma, buộc nhà chức trách phải mở một cuộc cứu nạn khổng lồ.  Nhiều tàu khác trôi dạt vào bờ mà không ai còn sống sót.  Một chiếc tàu Đức, Cap Anamur, và chiếc tàu hàng Pháp, Le Goelo, chạy khắp biển Đông trong những năm đó để vớt lên hàng ngàn thuyền nhân khi họ bị hết nước này đến nước khác từ chối và phải trôi dạt trên biển.

“Lúc đó, không ai không thể nhận thấy rằng biết bao nhiêu người trong số họ, trên những chiếc thuyền mỏng manh lại quá tải, có lẽ đã mất mạng trong những cảnh ngộ kinh khủng không thể tưởng tượng nổi,” một nhân viên người Anh của chính phủ Hồng Kông viết.  “Tôi nhớ rằng, khi tôi còn trong tuổi đôi mươi vào năm 1947, trong khi làm công tác về tội ác chiến tranh ở Venice (Ý), tôi biết tôi đã là nhân chứng sống của lịch sử, và bây giờ tôi cũng cảm thấy như vậy.

“Tôi nhớ rằng tướng Dwight D. Eisenhower đã nói một điều gì đó …. khi ông thấy những trại tập trung của Đức Quốc xã vào cuối cuộc chiến: ‘Hãy chụp càng nhiều hình càng tốt, bởi vì một lúc nào đó trong tương lai một kẻ khốn nạn nào đó sẽ nói “Điều đó đã không bao giờ xảy ra cả.’”

Bởi vậy tôi đã chụp hình rất nhiều, và khuyến khích người khác cùng làm như vậy …  Tôi có thể dự đoán rằng thảm họa này hoặc là sẽ bị giảm nhẹ, hay là những người thừa kế của bọn tội phạm sẽ tuyên bố rằng nó ‘chưa bao giờ xảy ra.’”

Đối với Carina, sự cần thiết phải chép lại lịch sử thuyền nhân trước khi nó bị quên lãng thúc đẩy cô viết nên cuốn sách.  “Tôi nhận ra rằng không chỉ có con gái hay các cháu của tôi, mà cả một thế hệ trẻ người Việt ở hải ngoại không biết nhiều về cuộc đào thoát vĩ đại này.  Và dĩ nhiên quảng đại quần chúng cũng chẳng biết gì về nó cả,” cô nói như vậy.

Hơn một thập niên qua đi từ khi cô bỏ lại mẹ ở Sài gòn, Carina trở lại Việt nam để đón bố mẹ cô sang Mỹ.  Sau 14 năm, bố cô đã được phóng thích.  “Tôi rất phấn khởi và hồi hộp được gặp lại bố,” Carina nhớ lại.  “Nhưng khi tôi gặp ông, tôi bị sốc thật sự, bởi vì ông đã già đi nhiều quá – người cha mà tôi biết khi mới 12 tuổi, ông là anh hùng của tôi.  Ông rất đẹp trai và đang ở trong độ sung mãn nhất.  Bố chỉ mới 37 tuổi.  Sức mạnh của bố, vẻ hấp dẫn của bố.  Tất cả những gì trong ông là anh hùng.  Mà bây giờ tôi chỉ thấy một ông già, rất già, rất yếu, u uẩn, nhún nhường và câm lặng.  Thật là đau lòng.  Đau đến độ tôi không diễn tả được.”

Bây giờ đã là một bà mẹ, Carina rất thán phục những hy sinh mà bố mẹ cô đã làm.  Tôi đã biết rằng mẹ tôi đã rất can đảm khi cho các con ra đi,” cô nói, “nhưng tôi đã không bao giờ hoàn toàn hiểu được điều đó đến khi tôi trở thành một bà mẹ.”

“Khi tôi nghĩ về con gái tôi, bây giờ cháu 14 tuổi, và đôi khi tôi tự hỏi rằng, nếu một điều gì đó xảy ra, liệu tôi có đủ can đảm cho cháu đi xa như mẹ đã làm.  Tôi vẫn thường tự hỏi như vậy.”

Sách:

---------------------------

XEM THÊM :

TEDx Talks    Published on Jan 15, 2014



No comments:

Post a Comment

View My Stats