Hạ Đình
Nguyên
04/05/2014
Chuyện
không còn phù hợp với hôm nay!
Có thể gọi một cách không gượng ép rằng, chủ trương
“hòa giải, hòa hợp dân tộc” là một “lý tưởng”, bởi lẽ nó chưa tồn tại thật sự
như một lực lượng trên thực tế. Lý tưởng này đã xuất hiện cùng với “Lực lượng
thứ ba” vài năm trước khi chiến tranh kết thúc. Nó hướng đến Hội đàm Paris để
tiến tới Hiệp định chính thức 1973 giữa bốn bên trên danh nghĩa: Bắc Việt Nam –
Mỹ – Việt Nam Cộng hòa – Chính phủ Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam.
“Hòa giải, hòa hợp dân tộc” bao gồm ba yếu tố không
vững chắc:
- Việt Nam Cộng sản tán thành ý tưởng này là
nằm trong sách lược tiến công trên bình diện chính trị rộng lớn, theo phương
châm “giành thắng lợi từng bước”, tiến lên thắng lợi hoàn toàn. Một người du
kích trong bụi cũng hiểu điều đó, và cũng quyết tâm như thế.
- Việt Nam Cộng hòa, có lý tưởng chống Cộng
sản. Hiến pháp ghi rõ: Đặt Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật. Họ không hề tự
giác về cái gọi là hòa giải, vì họ cũng biết rõ ý đồ và ý chí của đối phương.
- Lực lượng thứ ba, thật ra nó không phải là
lực lượng. Nó biểu trưng cho nguyện vọng của đa số nhân dân, muốn chấm dứt
chiến tranh, muốn hòa bình và ngưng chết chóc. Họ thấy cuộc chiến này là vô
nghĩa, họ chán chê Việt Nam Cộng hòa, họ sợ hãi Việt Nam Cộng sản. Họ chán ghét
chiến tranh. Nhạc Trịnh Công Sơn là một tiêu biểu cho tâm tình này. Mặt khác,
lực lượng thứ ba, là một đáng tiếc của lịch sử, nó chân chính nhưng là ảo
tưởng, nó ra đời trong sự kìm hãm của Việt Nam Cộng hòa, nhưng lại nằm trong sự
thúc đẩy và chi phối của Việt Nam Cộng sản.
Những người trong phái thứ ba biết rằng cuộc chiến
sẽ kết thúc theo hướng nào, nó tình nguyện làm trái độn, để làm mềm lại cho một
sự cọ xát của thịt xương và lửa đạn.
Nhưng sứ mệnh của nó đã kết thúc chóng vánh trong
“30 giây” của ngày 30-4. Đó là ngày vui hời hợt của cả dân tộc vì chấm dứt
chiến tranh. Đó là ngày vẻ vang nhưng mơ hồ của “bên thắng cuộc”. Đó là ngày
đau khổ bão táp và dai dẳng của bên không thắng cuộc. Nhưng đó cũng là ngày
tang chế không tên của những tấm lòng thiện nguyện của phái thứ ba. Một lời
khiêm tốn “bàn giao” cũng không được chấp nhận, phải thay vào đó là từ “đầu
hàng”, tương xứng với tiếng gầm không có đối thủ của chiếc xe tăng đang ở phía
trước cổng dinh.
Cụm từ “hòa giải, hòa hợp dân tộc” trở nên trơ trẽn,
nó bao gồm nhiều gượng ép và thủ đoạn, có lẽ không cần và không nên nhắc đến
nữa.
Vì
lẽ gì? Ai hòa giải với ai, và về vấn đề gì?
Đã nói đến hòa giải thì phải nói đến đúng sai, và ít
nhất phải có hai chủ thể. Và trọng tài!
Bây giờ thì chỉ còn có một. Bên đối tác, một chủ thể
cần có – Việt Nam Cộng hòa – đã không còn nữa như một thực thể pháp lý, tiếng
nói hòa giải của phái trung gian cũng đã thật sự đi vào quá khứ.
“Non sông đã quy về một mối”, hiểu theo nghĩa cụ
thể, là Đất và Nước, thì quả là một mối, do Đảng Cộng sản Việt Nam nắm giữ đầu
dây. Nhưng tâm tư dân tộc ngổn ngang trăm mối lại còn đó.
Lại nói đến chuyện đúng sai của cuộc chiến, thì càng
bới ra, càng nát, càng khó cho mục tiêu “hòa hợp dân tộc”, mà ngược lại, khơi
thêm hận thù, làm rối thế hệ sinh sau, lại tạo nên tiếng reo vui như “mở cờ
trong bụng” của bọn bành trướng phương Bắc.
Nói nôm na theo triết lý mơ hồ của phương Đông: Trong
âm có dương, trong dương có âm. Đúng sai đều có, chúng trộn lẫn vào nhau. Cứ
cho rằng hai phe đều yêu nước, vì non sông gấm vóc này, thì lịch sử đã tỏ rõ
chia hai dòng, khởi đi từ thời cuối Triều Nguyễn.
Vì Độc lập Tự do, mà một bộ phận quyết sống chết,
dắt tay nhau lên rừng, theo “Chủ nghĩa Xã hội”, và bị khống chế bởi Tàu (Bắc
Việt Nam).
Vì Độc lập Tự do, mà dắt nhau ra biển, theo “Chủ
nghĩa Tư bản”, lại bị khống chế bởi Mỹ (Nam Việt Nam).
Bởi sự yếu kém của chính người Việt Nam, những tinh
hoa dân tộc đã không vượt lên để thoát được cuộc tương tranh ý thức hệ, như một
số quốc gia khác ở Đông Nam Á không bị rơi vào thảm kịch này. Ý nghĩ trên đây
không phải là loại tư tưởng “chiết trung” hoặc theo thói “bàn tay sạch”, mà là
tư liệu lịch sử nội bộ của mỗi bên được phơi bày. Nhưng phải thừa nhận một cách
công bằng, có những cái chết anh hùng, từ cả hai phía, vì lý tưởng chiến đấu
của phía mình. Có những cái chết đến từ sau lưng, vì muốn thoát sức ép của
ngoại bang, cả Bắc và Nam cũng giống nhau.
Đã không nên bới ra cho những cuộc ném đá thô lậu,
vô bổ thì cần “đắp chiếu” lại. Cần gì phải vội vàng khơi dậy đống tro tàn? Nói
như các nhà nghiên cứu lịch sử, hãy trả những biến cố lịch sử về cho bối cảnh
lịch sử của nó. Hãy để dành nó trong các thư viện, cho các nhà nghiên cứu lịch
sử có phẩm chất của hiện tại và tương lai có việc làm. Ngoại trừ những con
người trong sáng đi theo, người cơ hội ăn theo, lịch sử sẽ nhặt ra những viên
kim cương của tinh thần Việt, để cung cấp cho thế hệ sau cái nhìn công bằng và
những bài học đáng giá.
Sự
tiến hóa/văn minh sẽ thay cho cách nhìn “hòa giải, hòa hợp” đã bị vượt qua
Chín mươi triệu đồng bào trong nước, bốn hay năm
triệu kiều bào ở nước ngoài, có mâu thuẫn gì với nhau không, về ý thức hệ? Dĩ
nhiên trong đó sẽ có một số ít người, thậm chí là rất ít, còn yêu mến Chủ
nghĩa Cộng sản/ Chủ nghĩa Xã hội, và người hăng say chống Cộng sản.
Trong nước có thể kể tượng trưng là ông Nguyễn Phú Trọng (không biết đúng
không?), ngoài nước là các ông Chủ tịch các tổ chức gì đó. Với đại đa số trong
nhân dân thì khác. Ở các quán nhậu ở Sài Gòn – hằng ngàn quán nhậu đều đông
khách và chen chúc như trong các xưởng may – tuyệt nhiên không khám phá ra một
điều gì liên quan đến mâu thuẫn của các loại chủ nghĩa! Về bộ môn “Mác-Lê” tôi
thăm hỏi sinh viên, họ đều lắc đầu tỏ ý không quan tâm, dù họ được nhồi nhét
một cách cần cù khi còn ở cấp tiểu học và trung học. Điều này hơi làm phiền
lòng “người yêu mến” (nếu thực sự yêu mến), và lại đỡ lo âu cho “người hăng
say” (nếu thực sự là hăng say). Trong các gia đình dân chúng, không thấy phân
chia giai cấp, không có mâu thuẫn địch ta, không có chuyện ý thức hệ. Trên đồng
ruộng người nông dân dầm mưa dãi nắng và chịu đựng trước sự bóc lột của con
buôn độc quyền, và bọn con buôn lừa đảo Trung Quốc. Trong các hãng xưởng sản
xuất, thanh niên kiệt sức dần và đang chết trẻ. Trong giới quan chức thì quyết
liệt mua bán ghế ngồi, phây phây hãnh tiến. Hình như vấn đề hòa giải hòa hợp
dân tộc thì nhân dân đã tự tiện giải quyết.
Nhưng toàn cảnh đất nước có quá nhiều sự kiện và sự
cố, trong mọi mối liên quan đến Nhà nước. Không ai có thể hài lòng, nếu không
dùng những từ ngữ tiêu cực như: bất mãn, căm ghét, coi thường (tức là không thể
kính trọng). Tất cả sự đổ đốn diễn ra hằng ngày không phải là con đẻ, là
chính phẩm được xuất xưởng từ bộ máy cai trị này, thì là của ai? Người
ta hồ đồ đổ cho “thế lực thù địch” núp ở đâu đấy. “Non sông đã thu về một mối”,
thì còn ai vào đây?
Dân chủ, dân sinh, dân trí đều đang ở thế đối lập
với “thể chế” hiện tại, được gọi tên là Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa do Đảng Cộng
sản Việt Nam lập ra và điều khiển. Tình thế đối lập này được minh chứng hằng
ngày bởi chính bộ máy cầm quyền: Đàn áp nông dân bằng bạo lực để lấy đất của
họ. Thuế khóa khắc nghiệt và tham nhũng làm phá sản và kiệt quệ nền kinh tế
quốc dân. Tòa án và công an luôn trấn áp những người có tiếng nói đòi dân chủ,
đàn áp một cách ấu trĩ, thô lậu về tư tưởng, cả trong học thuật. Đối với bành
trướng phương Bắc thì trải thảm cho chúng vào những nơi trù mật, hiểm yếu. Bên
trong, chúng lũng đoạn tài chánh thông qua công trình, dự án…
“Hòa giải” đã thuộc về quá khứ, và quan trọng hơn là
không có nền tảng để thực hiện.
Hòa
hợp dân tộc
“Hòa hợp dân tộc” còn có thể cứu xét trên một nội
dung mới, giữa nhân dân và thể chế, rộng lớn và căn cơ hơn giữa hai phe “thuần
Cộng” và “chống Cộng”.
- Một bên là thể chế xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng
sản lập nên và lãnh đạo, đặt cương lĩnh của Đảng mình cao hơn Hiến pháp của
toàn dân, cai quản toàn diện xã hội, bằng công cụ cai trị bạo lực, gọi là
“Chuyên chính vô sản” (nhưng tất cả người trong bộ máy đều “hữu sản” và “đại
hữu sản”), đề cao tầng lớp lao động một cách không trung thực, bao gồm công
nhân và nông dân. Về nền tảng triết lý là chủ nghĩa duy vật, lấy vật chất làm
nền tảng, và vô thần. Trong bộ máy Đảng và Nhà nước đều có bộ phận chuyên theo
dõi, quản lý và chỉ dạy sự suy nghĩ của nhân dân theo ý mình. Tổ chức quái gở
này không có trên thế giới, trừ những nước “anh em”. Vì thế, tên gọi đúng thực
thế là thể chế “toàn trị”, và vì cùng loại thể chế nên thân thiết với
Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, dù Trung Quốc là kẻ xâm lược, đang chiếm đóng một
phần lãnh thổ, và đang là mối đe dọa nghiêm trọng nền độc lập của Việt Nam.
- Một bên là nhân dân Việt Nam, có 90 triệu người và
4-5 triệu Việt kiều, có 80% theo các tôn giáo và tôn trọng đời sống tâm linh.
Dân tộc Việt Nam thiết tha với độc lập, tự do và dân chủ. Việt Nam có tố chất
của tinh thần độc lập (từng trải qua hàng ngàn năm chống ngoại xâm), có tố chất
về dân chủ và tinh thần cộng đồng (cơ cấu tổ chức làng xã thời phong kiến chứng
minh điều này) là những điều kiện thuận lợi hơn hẳn nếu so sánh với Trung Quốc,
để xây dựng một xã hội văn minh. Dân tộc Việt Nam có tư tưởng cởi mở, dễ tiếp
cận với thời đại, có tinh thần học hỏi và thông minh, nhưng lịch sử từng lúc bị
nghẽn dòng khi lâm vào thời thế khó khăn, gặp phải lúc kẻ cầm đầu u tối, mặc
cảm nhược tiểu, thì không thoát khỏi nghịch cảnh, và dân tộc bị trầm luân.
Cùng một thời đại và cùng hoàn cảnh, nước Nhật đã
vươn lên hùng mạnh nhờ tư duy “Thoát Á Luận” của Fukuzawa (thoát ảnh hưởng của
Trung Quốc), thì triều Nguyễn vẫn bám đuôi theo một Trung Quốc suy tàn và lạc
hậu. Khi phong trào Cộng sản quốc tế tan vỡ, và lý thuyết của chủ nghĩa Cộng
sản đã phá sản, thì Việt Nam dắt díu nhau qua Thành Đô (Trung Quốc) xin núp
bóng làm đàn em, mong “phục hồi’ chủ nghĩa xã hội. Đáng thương hơn nữa, một kẻ
kế thừa ngu ngơ, mang theo đệ tử đến tận Cuba toan giương cờ khởi nghĩa, với
tầm quốc tế về một thứ chủ nghĩa quốc tế…
Bây giờ thì Việt Nam, nằm trong sự lãnh đạo của Đảng
Cộng sản Việt Nam, đang mang thể chế toàn trị xã hội chủ nghĩa – và chừng mực
nào đó trong quỹ đạo “đại cục” của bọn Hán tộc.
Hai
vấn đề lớn, một chọn lựa
- Việt Nam đang lạc hậu với thời đại về mọi phương
diện. Lạc hậu nhất, cũng đồng thời là chướng ngại lớn nhất cho sự phát triển,
là thể chế chính trị hiện hành.
- Thể chế chính trị đang đối kháng lại nhân dân.
Nhưng nhân dân là một thực thể rộng lớn, gấp nhiều
lần so với nhóm người cai trị, nó tồn tại lâu dài với bản sắc dân tộc, và không
dễ gì chuyển đổi theo ai. Tư tưởng của Chủ nghĩa Cộng sản (hay Chủ nghĩa Xã
hội), chỉ là trào lưu của một giai đoạn lịch sử ngắn ngủi đã xuất hiện và cũng
đã chóng vánh rời đấu trường. Nó chỉ là một con sóng lăn tăn góp phần vào kho
tư duy của nhân loại. Nhờ vào một bối cảnh đặc biệt của Việt Nam, chủ nghĩa ấy
đi vào niềm tin của vài thế hệ, nhưng chưa trọn một đời người thì đã bật gốc.
Những con người từng tin tưởng, đã từng bước hồi tưởng và tư duy lại. Dù 100
năm cũng không thể “trồng” được người. Làm sao mà một dân tộc có thể uốn mình
tuân theo một sự thay đổi máy móc như thế? Còn cái “đại cục’ của Hán tộc cũng
chẳng có gì ghê gớm! Trong thâm tâm người Việt chưa từng nể phục, hay khuất
phục họ, ngoài cái nghệ thuật xử lý tình huống.
Chỉ còn một cách ngược lại, Đảng Cộng sản Việt Nam
cần gỡ bỏ các thứ hóa trang, cấp tốc chuyển đổi từ toàn trị sang dân chủ, đặt
Hiến pháp lên cương vị tối cao, mạnh mẽ cải cách các chính sách nhằm đem lợi
ích cho toàn dân – thay vì lợi ích cá nhân và phe nhóm –, đem lại công bằng cho
xã hội, mở rộng thời cơ cho dân trí phát triển, loại trừ sâu mọt, xây dựng nhà
nước pháp quyền, kích hoạt – thay vì kìm chế – tinh thần tự chủ dân tộc, hợp
lực cùng nhân dân tạo nên sức mạnh để chấn hưng đất nước. Thực hiện cùng lúc:
Thoát Trung, giải Cộng = Giải Cộng, thoát Trung (không phải “chống” Trung,
“chống” Cộng).
Gần 100 triệu người Việt Nam, bất kể ở rừng rậm hay
ở biển khơi, ở các thủ đô tráng lệ, hay vùng xa hẻo lánh, cứ bình tĩnh bằng
từng lời nói, từng hành động đi theo hướng này, ắt sẽ có một Việt Nam tử tế và
tốt đẹp.
Trách nhiệm lịch sử đang nằm trên vai của những
truyền nhân kế thừa sự nghiệp hôm nay. Chính là những người đang lãnh đạo Đảng
Cộng sản Việt Nam.
Từ cấp tỉnh, thành, đến trung ương, gồm thế hệ sắp
đứng lên rời ghế và thế hệ kế thừa sắp ngồi xuống ghế, phải nhanh chóng thực
hiện những thay đổi phù hợp với yêu cầu của nhân dân, phù hợp với sự tiến hóa
của thời đại. Các anh đã không có quá khứ để ăn theo, không thể mượn hào quang
trong chiến tranh để che lấp những sai lầm và yếu kém, cái uy lực ảo không còn
nữa, vì nhân dân có tầm hiểu biết mới. Không thể làm ngơ trước đòi hỏi của nhân
dân, không thể “kiên định” trên những ảo ảnh, không thể “cố thủ” trên cái chức
vụ rất bấp bênh của mình, không thể tin vào vai trò bạo lực có thể gìn giữ an
toàn mọi thứ cho mình.
Tất cả yêu cầu của lịch sử là chuyển đổi theo thời
đại.
Vì độc lập và tương lai, hãy gác lại quá khứ, lấy
đoàn kết làm phương châm, cùng đấu tranh cho sự chuyển hóa, xây dựng một thể
chế dân chủ và tiến bộ. Các thế hệ dính dáng đến chiến tranh, dù hy sinh, đau
khổ, mất mát đến đâu, ở bên này hay bên kia, đã đến lượt cái tốp cuối cùng cũng
đang trên đà thoi thóp ra đi, chẳng nên để lại lòng thù hận hay tiếc nuối, gây
nhiễu cho thế hệ sau.
Vấn đề lớn của của thời đại ngày nay không còn là
vấn đề của chủ thuyết nào, lý tưởng nào, mà là vấn đề của Nhân Cách, vấn đề của
Văn minh. Vấn đề không phải ở chỗ ngưỡng mộ một nhân cách, mà ở chỗ nhân cách
ấy được ngưỡng mộ như thế nào. Người ta không ngưỡng mộ một Putin như một vị Đại
đế đem lại lợi ích theo cách không lương thiện cho nước Nga, nhưng người ta
ngưỡng mộ một Mandela đem lại một hình ảnh nhẹ nhàng và trong sáng cho nhân
loại, động viên một hướng đi lên cao cả. Hành vi từ chức vừa qua của Thủ tướng
Hàn Quốc vì chiếc phà chìm, đã nói lên giá trị về tinh thần trách nhiệm với
cộng đồng xã hội! Nó không chỉ biểu thị một cá nhân, mà là nhân cách của nhiều
cá nhân trong một guồng máy. Một guồng máy như thế nào, để có những con người
như thế kia! Một xã hội được lãnh đạo như thế nào, để có một guồng máy như thế
nọ! Sự quyên sinh vô cùng xúc động và đáng kính trọng của ông Hiệu phó, người
đề xuất và cùng đi chuyến dã ngoại, đã sống sót sau cái chết oan uổng của hàng
trăm học sinh của mình. Ông đã không cho phép mình tiếp tục sống với nỗi thương
tâm day dứt, vượt lên trên tinh thần trách nhiệm về mặt luật pháp. Ông đã quyên
sinh, sau khi được sống sót qua tai nạn. Nó tác động trực tiếp vào trái tim của
bao thế hệ trẻ. Nó là giáo dục, chứ không đen tối lầm than như 34.000 tỉ cho sách
giáo khoa rất đáng tởm.
Họ đã vượt qua rất xa cái thời rao giảng và bốc phét
giả dối.
Các sự cố trên có làm cho Đảng Cộng sản Việt Nam xúc
động? Có ảnh hưởng gì không? Có so sánh và nghĩ ngợi gì không? Cái được xưng
tụng là quang vinh, lại cách xa một trời một vực với cái tỏa sáng từ một sự
thật không cần trống kèn.
Thật đáng tiếc về một nước Nga vĩ đại và Xã hội chủ
nghĩa cao vời, trong thời chiến tranh biết bao anh hùng, nhưng trong thời hòa
bình và xây dựng, lại thiếu bóng người anh hùng về nhân cách! Putin đã không
phải là người mà thế giới chờ đợi, mà đã là một hình ảnh thất vọng. Trung Quốc
thì sao? Càng là không. Một dòng máu của loài quỷ, truyền từ Mao đến Đặng, Hồ,
Tập… Họ tắm trong bầu văn hóa máu “xã hội chủ nghĩa”.
Thế mà họ đã từng được ôm hôn thân thiết bởi những
lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thế hệ hôm nay hãy đứng lùi lại và giữ khoảng cách,
với tư cách của một quốc gia với một quốc gia.
Khủng hoảng đến khốn cùng về mặt lý thuyết, vì bảo
thủ nên chống đỡ thụ động và quờ quạng, GS Đỗ Quang Hưng, thuộc “Hội đồng lý
luận Trung ương”, đã “thông báo”một sáng chế từ ngữ mới không giống ai. Thay vì
gọi, như loài người đang gọi, “Xã hội Công dân”, “Xã hội Dân sự” với nội hàm
rất minh bạch, thì gọi “Xã hội Nhân dân”, cũng giống như gọi: đất đai là
sở hữu của “toàn dân”. Nhân dân = toàn dân là những từ ngữ được sử dụng
một cách bịp bợm. Sự đánh cướp trước hết, bằng từ ngữ. Cướp đất bằng chữ “toàn
dân”, nay toan cướp dân chủ bằng chữ nhân dân. “Xã hội nhân dân”, Trời
ạ, chỉ có Quỷ Thần mới biết nó ra sao!
Không thể đối phó với nhân dân, chống chế với thời
đại, bằng hàng loạt những trò tiểu xảo như đang diễn ra. Biện pháp thế nào, là
nhân cách thế ấy. Làm sao mà tồn tại được!
Vừng ơi, hãy tiếp tục và cố lên!
2/5/14
H.
Đ. N.
Tác giả gửi BVN.
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 07:4
No comments:
Post a Comment