Monday, 19 May 2014

CÂU CHUYỆN BÓ ĐŨA (Lê Phan)




Saturday, May 17, 2014 2:22:11 PM

Trong một bài đăng trên tờ New York Times hôm 10 tháng 5 vừa qua, nhà bình luận Thomas L. Friedman, đã nhắc đến một câu chuyện của ông với ông Hà Huy Thông, phó chủ nhiệm Ủy Ban Ngoại Giao của Quốc Hội Hà Nội.

Than thở với ông Friedman về vụ giàn khoan Trung Quốc, ông Thông nói, “Thật là một cú shock thực sự cho toàn vùng. Họ dùng tàu dân sự, và rồi nếu bạn tấn công họ, họ nói 'tại sao các ông tấn công thường dân chúng tôi?’” Biết rằng Việt Nam chỉ có một số lựa chọn giới hạn, ông Thông hỏi, “Trung Quốc là một cường quốc đang lên. Câu hỏi đặt ra là làm sao chúng tôi đối phó với họ?” Hơn thế, ông Thông than tiếp, “Nó không phải chỉ là một sự vi phạm lãnh thổ của chúng tôi nhưng là của công pháp quốc tế.”

Và ông Thông đã tự đưa ra câu trả lời. Ông bảo, “Chúng tôi có một câu nói ở Việt Nam. Bẻ hai cây đũa thì dễ quá, nhưng bẻ một bó đũa thì khó lắm thay.”

Ông Friedman nhận xét là cách duy nhất để đối phó với một cường quốc vùng khi họ bắt nạt láng giềng của mình là với một liên minh các bạn hàng xóm. So sánh với Ukraine, ông viết, “Nhưng một liên minh như vậy khó có thể xây dựng được khi đe dọa chỉ là cho một quốc gia, nó lại ở mức thấp và khi quốc gia bắt nạt (Trung Quốc và Nga) kiểm soát quá nhiều mậu dịch đối với phần còn lại của Á Châu trong trường hợp của Trung Quốc và quá nhiều khí đốt cho Ukraine và Âu Châu trong trường hợp của Nga.”

Ông Friedman cũng kể lại câu chuyện mà ông Lê Duy Anh, 24 tuổi, một giảng viên của Trường Kinh Doanh FPT, nói về liên hệ Mỹ-Việt. Ông Anh bảo là ngày nay khi Trung Quốc làm gì cho Việt Nam, người ta tìm đến Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ. Trong nhiều năm, chính quyền miền Bắc đã chiến đấu với Hoa Kỳ, “để cố đẩy các ông ra khỏi” nay, “Chúng tôi biểu tình để yêu cầu các ông can thiệp. Chúng tôi không muốn đổ máu, thành ra chúng tôi cần ai đó bảo ai đó hãy bình tĩnh đi.”

Ông Friedman là một nhà bình luận Hoa Kỳ trên một tờ báo hàng đầu của nước Mỹ. Mục đích của bài báo của ông là để khuyến dụ chính phủ và người Mỹ là tuy nhiều người Mỹ nghĩ là Hoa Kỳ đã mất ảnh hưởng đối với thế giới, sự thực, nhiều người trên thế giới đang muốn, “sự hiện diện” của Hoa Kỳ hơn bao giờ hết. Và điều này đặc biệt đúng với những người sống dọc theo biên giới với Nga và Trung Quốc, vốn là những quốc gia nửa trong nửa ngoài trong hệ thống toàn cầu, hưởng lợi qua chế độ buôn bán và đầu tư nhưng xét lại khi nói đến chuyện chơi theo luật chơi của láng giềng. Ông bảo Hoa Kỳ không chú ý đến thế giới, nhưng rất nhiều của thế giới vẫn còn chú ý đến Hoa Kỳ, và bây giờ lời nói là, “Yankee hãy trở lại” thay vì, “Yankee go home.”

Ông bảo Hoa Kỳ ngày nay không thích lâm chiến. Nhưng nếu muốn thuyết phục Moscow và Bắc Kinh giải quyết những vấn đề tranh chấp lãnh thổ một cách ôn hòa thì, “Chúng ta cần thêm nhiều đũa nữa trong bó đũa của chúng ta. Ðó là lý do tại sao khả năng xây dựng liên minh của Hoa kỳ cũng quan trọng cho hôm nay như là hành xử quyền hành của mình.”

Ðiều ông Friedman nói có vẻ đúng với Hoa Kỳ, nhưng nó không có ích gì cho Việt Nam vì tuy chúng ta biết chuyện bẻ đũa, chính quyền Hà Nội đã quên không biết thu thập đũa cho bó thật to để khó bị bẻ.

Không những thế, trong nhiều năm, Hà Nội đã cố tình chọn con đường xé lẻ, tuy ngoài cửa miệng nói ủng hộ Asean và nguyên tắc điều đình đa phương, vẫn, “đi đêm” điều đình song phương với Trung Quốc. Tháng 12 năm 2013 chẳng hạn, một phái đoàn đàm phán do Thứ Trưởng Ngoại Giao Hồ Xuân Sơn của Việt Nam và Thứ Trưởng Ngoại Giao Lưu Chấn Dân của Trung Quốc đã có những thỏa thuận để, “thúc đẩy đàm phán về khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ để sớm đạt được kết quả thực chất, đạt nhất trí về khu vực khảo sát chung tại khu vực biển chồng lấn ngoài cửa vịnh Bắc Bộ. Ðồng thời, hai bên nhất trí triển khai hai dự án hợp tác trên lĩnh vực ít nhạy cảm được ký kết trong chuyến thăm của thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.”

Dĩ nhiên trong khi đang điều đình song phương với Trung Quốc, Hà Nội cũng vẫn đồng thời thúc đẩy hợp tác với các quốc gia khác và tìm cách tiến gần hơn với Hoa Kỳ.

Thực sự Hà Nội hẳn đã có lúc rất, “đắc ý” về chính sách, “bắt cá hai tay” này của họ. Mà quả cũng phải thêm là trong lịch sử họ đã từng rất thành công trong việc đi nước đôi với hai cường quốc cộng sản Liên Xô và Trung Quốc.

Trong thế giới phân cực của thời Chiến Tranh Lạnh, chính sách đó đã rất hữu hiệu nhất là khi có sự cạnh tranh giữa hai cường quốc cộng sản muốn dành ảnh hưởng. Nhưng chính sách đó ngày nay đã không còn ứng dụng được nữa.

Ngược lại chính sách không chịu đứng vào phe nào cả đã khiến Việt Nam trở thành, “cô đơn.” Ở Hội Nghị Thượng Ðỉnh Asean hôm tuần rồi, mặc cho yêu cầu khẩn khoản của Hà Nội, cả thông cáo chung kết thúc hội nghị lẫn các bài diễn văn khai mạc và kết thúc của Tổng Thống Thein Sein của Miến Ðiện vốn là chủ tịch luân phiên năm nay của Asean không nói gì đến vấn đề giàn khoan cũng như hành động gây hấn của Trung Quốc. Asean đã không lên tiếng ủng hộ Việt Nam vì Asean có thể cảm thấy là Hà Nội và Bắc Kinh tranh cãi là chuyện của hai quốc gia, “cộng sản anh em” chả cần phải can thiệp.

Cũng phải nói không phải là Asean không sợ Trung Quốc. Sự việc là tất cả các quốc gia Asean, ngay cả Miến Ðiện, vốn trước kia hầu như đã là một chư hầu của Trung Quốc, đã có những cử chỉ bác bỏ Trung Quốc, cho thấy là họ không ưa gì anh chàng, “bully” phương Bắc cả. Ấy là chưa kể các quốc gia nào có chút khả năng đều tìm đủ mọi cách để vũ trang và để tìm cách tạo thế liên minh với Hoa Kỳ.

Trong khi đó Nhật Bản chỉ tuyên bố về nguyên tắc là không chấp nhận, “hành động đơn phương thay đổi hiện trạng.” Tổng Thống Benigno Aquino của Philippines thì hỉ hả nhận xét, “Với thỏa thuận phòng thủ hỗ tương mới với Hoa Kỳ, Trung Quốc sẽ không dám mang giàn khoan vào vùng biển tranh chấp ở Biền Tây Philippines (Biển Ðông).”

Ðiều mà đáng lẽ phải làm Hà Nội mừng là Hoa Kỳ đã có những lời tuyên bố cương quyết nhất. Phát ngôn nhân bộ ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki tuyên bố, “Quyết định của Trung Quốc đưa một giàn khoan hộ tống bởi vô số tàu của chính quyền lần đầu tiên vào vùng biển tranh chấp với Việt Nam là khiêu khích và nâng căng thẳng. Hành động đơn phương này có vẻ là một phần của chiều hướng rộng hơn của hành vi của Trung Quốc thúc đẩy chủ quyền trong vùng lãnh thổ tranh chấp theo chiều hướng làm hại đến hòa bình và ổn định trong vùng. Chúng tôi cũng rất quan ngại về hành vi nguy hiểm và đe dọa của các tàu đang hoạt động trong vùng này. Chúng tôi kêu gọi các phe phái hãy hành xử một cách an toàn và chuyên nghiệp, bảo vệ tự do hải hành, tỏ ra tự chế, và giải quyết những tranh chấp lãnh hải một cách hòa bình và theo đúng luật pháp quốc tế.”

Chưa hết, hôm 15 tháng 5, Ðệ Thất Ham Ðội, trong một email trả lời cho thông tấn xã Reuters, đã lập lại kêu gọi là Việt Nam cho phép thêm các chuyến viếng thăm của các chiến hạm của họ trong bối cảnh là đã có một sự sụp đổ đầy kịch tính trong liên hệ giữa Việt Nam và nước láng giềng khổng lồ của họ, Trung Quốc. Reuters viết thêm là Hạm Ðội 7, vốn canh phòng quyền lợi của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, đã nhắc lại ước muốn có một liên hệ mạnh mẽ hơn về hải quân với Việt Nam. Reuters mỉa mai thêm là lời tuyên bố này đến đúng lúc mà có vẻ như Hà Nội đã hết lựa chọn trong cuộc tranh cãi lãnh thổ với Bắc Kinh.

Nhưng Hà Nội có vẻ vẫn còn tiếp tục phân vân chưa muốn vào bó đũa của Hoa Kỳ. Chỉ sợ là nếu họ chờ lâu quá thì sau cùng họ chỉ còn là một đôi đũa đơn độc thôi.



No comments:

Post a Comment

View My Stats