Friday, 23 November 2012

50 NĂM "NẠN ĐÓI VĨ ĐẠI" CỦA MAO TRẠCH ĐÔNG (Việt Nguyên)




Việt Nguyên
Friday, November 23, 2012 2:59:28 PM

Nhân đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc

LTS: Từ Bàn Viết Houston là cột mục bàn về các vấn đề thời sự từ chính trị tới kinh tế, văn hóa... do nhà báo Việt Nguyên trong ban biên tập Ngày Nay phụ trách. Ông cũng là một bác sĩ làm việc tại Houston.

***

Ý dân là ý Trời. Trời cho Tổng Thống Barack Obama thêm bốn năm nữa như lời xin của ông với cử tri Mỹ để hoàn thành những chương trình của ông đã hứa mà chưa thực hiện được và giấc mơ của dân Mỹ “hy vọng và thay đổi” vào bốn năm trước vẫn còn nguyên vẹn.

Tổng Thống Barack Obama thắng cử là vì ông thuộc sách “Làm sao để thắng cử” của Quintus Cicero hơn là Thống Ðốc Mitt Romney. Năm 64 trước Tây Lịch, sử gia Cicero đã viết sách để dạy các ứng cử viên tranh cử ở Hy Lạp, nước có nền dân chủ đầu tiên trên thế giới. Ông Cicero dạy: Chính trị gia phải nói láo để được lòng cử tri hay là hứa hẹn nhiều hơn là có thể thực hiện “Nếu chính trị gia chỉ hứa những điều có thể giữ thì ông ta sẽ không có nhiều bạn bè!” Các chính trị gia phải có được một đám đông gồm những người đúng lúc đúng thời. “Ðiều quan trọng nhất là phải cho dân chúng hy vọng: người dân luôn luôn muốn tin vào một người, tin tưởng đó đưa đến hy vọng đời sống của họ sẽ tốt đẹp hơn” hay nói cách khác là “hứa bất cứ những gì mà ông ta thích hứa để được đắc cử.”

Lời dạy chót này của ông Cicero không cần thiết cho đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc (CSTQ) lần thứ 18, một đảng không cần dân bầu. Ðại hội đảng Cộng Sản như đại hội của đảng cướp Mafia, đóng cửa chia của đã cướp được của dân. Ðại hội đảng CSTQ lần này chính thức họp để tôn Hoàng Ðế Tập Cận Bình lên ngôi nắm tất cả các chức vụ then chốt, tổng bí thư đảng, chủ tịch nhà nước và chủ tịch quân ủy trung ương, một người sẽ có uy quyền tuyệt đối trong lịch sử cận đại. Ðại hội đảng CSTQ xảy ra trong thời kỳ Trung Hoa được xem là có nền kinh tế đứng hàng thứ nhì sau Hoa Kỳ, quyền lợi tập trung trong chín ủy viên trung ương Ðảng và giàu nghèo phân biệt ở Trung Hoa đang ở mức cao nhất với tỷ phú và triệu phú cán bộ đảng chuyển tiền sang ngoại quốc, nhiều nhất là Hoa Kỳ và Úc, trong khi dân Trung Hoa đang tự hỏi, “Chừng nào chúng tôi mới ăn được thực phẩm không bị chất độc, ngủ trong chung cư đến sáng vẫn thấy còn sống và chung cư chưa sập, đi trên xa lộ được an toàn không gẫy đổ vì xây dối trá và mỗi ngày có một không khí trong lành để thở?”

Những câu hỏi của dân Trung Hoa không có gì mới trong 50 năm qua từ ngày cải cách ruộng đất và năm 2012 là 50 năm kỷ niệm “Nạn Ðói Vĩ Ðại” của Mao Trạch Ðông.

Kỷ niệm đúng vào năm đại hội đảng CSTQ lần thứ 18.

“Nạn Ðói Vĩ Ðại”

Tân Dương thuộc tỉnh Hoa Nam hiện nay nổi tiếng là làng bệnh AIDS, tỷ lệ tội ác cao, cán bộ đánh đập dân, cướp đất xem đất nước là của riêng như thời lãnh chúa. 50 năm từ ngày “Biến cố Tân Dương,” dư âm nạn đói vẫn còn, tai họa vẫn còn ảnh hưởng đến người dân. Ðảng CSTQ gây phong trào tinh thần quốc gia chống Nhật với các cuộc biểu tình rầm rộ nhắc lại cuộc “Cưỡng hiếp Nam Kinh” nhưng tội ác của Nhật không bằng tội ác của đảng CSTQ trong thời kỳ “Cải cách ruộng đất” với hơn 36 triệu người chết, với cán bộ cộng sản đánh đập dân, giết nông nhân, giết những người chống lại chính sách của đảng. Năm mươi năm sau, chính sách ấy vẫn còn được áp dụng. Chính sách cải cách ruộng đất của họ Mao, sau này được ông Hồ Chí Minh áp dụng ở Việt Nam, đã được nhà báo Yang Ji Sheng vạch trần qua cuốn sách 1,800 trang, năm 2008 “Mộ bia, nạn đói vĩ đại Trung Hoa 1958-1962.” Cuốn sách được hầu hết giới trí thức Bắc Kinh đọc, bị cấm ở Bắc Kinh chỉ được xuất bản ở Hồng Kông. Cuốn sách được ví như cuốn “Quần đảo ngục tù” của nhà văn Nga giải Nobel văn chương Aleksander Solzhenitsyn, cuốn sách đáng lẽ phải được giải văn chương thay vì giải trao cho nhà văn Mặc Ngôn năm nay, một nhà văn mang tiếng nịnh bợ chế độ.

Thành công lớn nhất của nhà văn họ Dương là ông đã dùng chính tư liệu đảng. Tài liệu đầy bi kịch. Trong một chương với 60 trang ông đã mô tả một làng Tân Dương với một phần tám người chết đói, dân chết bên đường, người còn sống trong gia đình phải ăn thịt cha mẹ, anh em, để sống sót.

Họ Dương gọi “Biến cố Tân Dương” là thảm họa chưa từng thấy trong lịch sử thế giới với hàng chục triệu người đã chết đói, người ăn thịt người, trong giai đoạn mà Trung Hoa không có chiến tranh hay nạn dịch và thời tiết mùa màng điều hòa. Tân Dương là “Quần đảo ngục tù” ở Trung Cộng khác với “Quần đảo ngục tù” Xô Viết của Stalin, người dân Tân Dương đã bị đầy đọa ngay chính trong làng của họ chứ không bị đày đi các trại tập trung học tập cải tạo.

Khác với nhà văn Solzhenitsyn chống đảng ngay từ đầu, họ Dương là nhà báo của cơ quan thông tin nhà nước Tân Hoa Xã, trung thành tuyệt đối mù quáng với đảng CSTQ cho đến khi biến cố Thiên An Môn 1989 đã làm ông thức tỉnh. Chứng kiến cảnh tàn sát sinh viên ở quảng trường Thiên An Môn, nhà báo họ Dương “đã cảm thấy máu của các sinh viên trẻ tuổi đã rửa sạch tất cả những dối trá của đảng ra khỏi bộ não của tôi, những điều nói láo dối trá mà tôi đã chấp nhận trong nhiều thập niên.” Họ Dương tỉnh ngộ, viết lịch sử, phỏng vấn những người sống sót. Trận đói đã làm chính ông đau lòng vì ông đã chính mắt nhìn cha ông chết đói, lớn lên ông mới biết không phải chỉ cha ông mà còn hàng chục triệu người khác. Họ Dương đã hứa với linh hồn cha ông là ông sẽ dựng “tấm bia để đời” tưởng niệm cho cha và ông đã thực hiện bằng cuốn sách “Mộ bia: lịch sử thật của nạn đói vĩ đại ở Trung Hoa trong thập niên 1960.” Cuốn sách là tiếng kêu than thảm thiết của nạn nhân đảng CSTQ. Từ bí thư đảng quận cho đến Chủ tịch Mao, họ đã biết rõ những sự thật đã xảy ra, nhưng vì ôm chặt giáo điều Cộng Sản nên họ đã để hàng chục triệu người chết oan.

Nạn đói 1958-1962 xảy ra vì Mao Trạch Ðông. Họ Mao muốn phát triển kinh tế nhanh chóng, cưỡng bách Trung Hoa thành một xã hội chủ nghĩa không tưởng. Khi lên cầm quyền, Mao đã giết hàng triệu “kẻ thù tưởng tượng” của nhân dân và chủ nghĩa. Họ Mao lúc đầu chia đất cho nông dân nên được dân ủng hộ nhưng sau đó Mao Trạch Ðông đi “bước nhanh,” chính sách bị Phó chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ và Thủ tướng Chu Ân Lai phản đối. Năm 1951, Họ Lưu chống đối chính sách nông xã, ông gọi chính sách này là chính sách nguy hiểm, lầm lỗi và cuồng tín. Năm 1957, Mao phát động chiến dịch chống phe Hữu, quét sạch thành phần trí thức, theo đuổi chính sách nông xã, lấy lại ruộng đất từ nông dân, nông dân sản xuất, chính quyền thâu lúa gạo. Cảm tình của dân đối với Mao Trạch Ðông xuống dần với số lượng sản xuất lúa gạo. Vấn đề trở nên trầm trọng hơn khi Nga phóng phi thuyền Sputnik lên không gian thì Mao bắt đầu chính sách “mùa gặt Sputnik.” Nông xã đầu tiên được thành lập ở Hoa Nam năm 1958. Cuối năm ấy cán bộ tỉnh, xã, quận bắt đầu phóng đại thành quả gặt hái, đưa ra những con số mầu nhiệm như là “mỗi mẫu đất ta sản xuất 1.000 kilô lúa” con số ba xạo đi ngược với lý trí và khoa học. Chính quyền mỗi xã quận thi đua “làm láo báo cáo hay” để đạt thành tích. Các cuộc thi đua tăng cao khi các đồng chí cao cấp như Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai tin vào con số báo cáo. Các cán bộ địa phương thu tất cả lúa gạo của dân nộp lên chính quyền trung ương, cuối cùng dân quê không còn gạo ăn. Ở nông xã, các cán bộ bắt dân đến ăn ở những “bếp chung.” Nông dân phải đến ăn vì nhà nước có chương trình tăng gia sản xuất sắt thép, tịch thu tất cả sắt thép từ nhà bếp và cuốc, xẻng của dân để đúc lại thành sắt thép dâng lên chính quyền lập công. Dân dần dần thiếu cả gạo, thiếu cả bếp, nhà bếp xã là nơi quyết định “ai sống, ai chết.” “Công nhân viên nhà bếp kiểm soát khẩu phần, có quyền phân phối thực phẩm, ăn chặn thực phẩm từ miếng thịt dưới đáy nồi đến miếng rau nổi trên nồi canh.” Dĩ nhiên các công nhân viên nhà bếp là “con ông cháu cha” trong đảng.

Từ đầu năm 1959, dân bắt đầu chết nhiều. Các cán bộ còn lương tâm và trách nhiệm đòi hủy bỏ nông xã, chống đối mạnh nhất là lãnh tụ quân đội tướng Bành Ðức Hoài. Mao nổi giận trục xuất họ Bành ra khỏi đảng trong buổi họp ở Lữ Hán tháng 7 và tháng 8 năm 1959, gây ra biến cố đầu tiên và là một trong những thảm họa lớn nhất trong lịch sử CSTQ. Nhà báo Dương đã mô tả: “Trong hệ thống chính trị của CSTQ, những kẻ dưới bắt chước kẻ trên và cuộc đấu tranh quyền lực ở mức trên thể hiện lại ở mức dưới với mức độ cao hơn và tàn nhẫn hơn.” Mao kết tội Bành Ðức Hoài đi theo “bọn cơ hội chủ nghĩa cánh hữu.” Bọn cán bộ tay sai của Mao ở tỉnh muốn được thăng chức, lập công với Mao bằng cách áp dụng chính sách của Mao ở hàng địa phương. Cán bộ lập chiến dịch đi đến từng nhà đào đất để tìm lúa gạo giấu, gạo không tìm thấy vì tất cả lúa gạo đã nạp cho chính phủ nhưng cán bộ đổ tội cho dân nói láo, đánh đập, tra tấn và giết dân như bọn cướp đến nhà tìm vàng!

Tháng 10 năm 1959, nạn đói bắt đầu. Sách của nhà báo họ Dương đã tả nhiều cảnh tàn nhẫn. Cán bộ đánh chính cán bộ chi đảng bộ vì họ phản đối chính sách nông xã, họ bị nắm tóc kéo ra khỏi giường ngủ, giật tóc, đánh đá cho đến chết. 12,000 vụ tương tự đã xảy ra. Nhiều người bị đập bể sọ, một số bị treo cổ thiêu sống. Một số bị dẫn ra đấu tố, đứng giữa đám đông, bị thoi, đánh đập cả giờ cho đến chết. Xác chết nằm dọc hai bên cống rãnh, đường mương, người ngồi trên xe đò qua Tân Dương nhìn thấy nhưng không ai dám nói đến nạn đói. Một nhà báo của Tân Hoa Xã lúc ấy đã báo cáo: “Một phần ba dân trong vùng đã chết đói trong khi cán bộ đảng no nê bụng phệ.”

Kẻ sống sót phải ăn thịt người. Một bé gái sau khi cha mẹ chết, thiếu ăn, đã giết cậu em 4 tuổi để ăn thịt, cán bộ bắt nhốt cô, để vào tù cô bé còn có cơ hội sống sót nhờ đồ ăn thừa trong tù! Ngoài tù dân thiếu ăn, kho gạo không được mở ra phân phát vì cán bộ sợ bị trừng phạt có thể bị tử hình. Công an cấm dân rời làng, cảnh sát kiểm soát các trạm xe lửa. Xe buýt không chở dân, chỉ chở cán bộ đảng. Bưu điện bị kiểm soát, thơ không ra ngoài. Vùng quê Trung Hoa thành “quần đảo ngục tù,” dân chỉ còn cách ở nhà đợi chết.

Năm 1960, “biến cố Tân Dương” đến tai Mao Trạch Ðông, với phản ứng hốt hoảng, họ Mao đổ tội cho giai cấp địa chủ đã cướp lại đất và phá hoại cách mạng Xã Hội Chủ Nghĩa. Ban điều tra đảng gởi xuống tỉnh đổ tội cho cán bộ địa phương không theo đúng lịnh đảng bộ Trung Ương. Hàng ngàn người bị giết và bị trừng phạt. Bọn cán bộ địa phương sợ bị trừng phạt nên đàn áp nông dân. Nạn đói lan tràn đến các tỉnh khác, cuối cùng lan khắp nước.
Trong thời kỳ ấy các công trình kinh đào, đập nước gây thêm nạn đói. Nông dân thay vì trồng trọt lại phải đi thủy lợi, đào kinh, xây đập. Kinh đào về sau bị nước cuốn trôi và dân chết đói cạnh những con kinh.

Nhà báo họ Dương kết tội đảng CSTQ, không chỉ họ Mao mà còn cả Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ. Thời kỳ quân chủ chuyên chế phong kiến, vua chúa Trung Hoa dùng thuyết Khổng Tử sai lầm “Quân quân, thần thần” để cai trị, thời Mao lãnh tụ cộng sản dùng chủ thuyết Marx Lenin cai trị dân, lãnh tụ đảng được xem là thánh, hình tượng Mao được tôn thờ trước khi chết, chết rồi thì xác để vào lăng. Hệ thống chính trị độc đảng Cộng Sản đã để lãnh tụ như Mao Trạch Ðông toàn quyền, độc quyền cai trị. Sử gia Hòa Lan Frank Dikotter viết sách “Nạn đói vĩ đại của Mao” đổ tội cho Mao, giống như các sách của Jung Chang và Jon Holliday, ông sắp Mao Trạch Ðông vào hàng ngũ những con quỷ của thế kỷ thứ 20 như Hitler, Stalin hay Pol Pot. Giáo Sư Dikotter cho con số cao hơn con số của nhà báo họ Dương: 45 triệu người chết.

“Bước nhảy vọt” của Mao đã đưa đến “nạn đói vĩ đại của Mao.” Hệ thống chính trị tai họa nhất của nhân loại không đổi bản chất trong đầu thế kỷ thứ 21. Chế độ được nhà văn Lưu Hiểu Ba, giải Nobel hòa bình 2011, ví với chế độ Ðức Quốc Xã. Ngày đại hội đảng Cộng Sản lần thứ 18 với Hoàng Ðế Tập Cận Bình, ông thần Mao vẫn còn nằm trong lòng kính. Năm mươi năm sau nạn đói, đảng CSTQ có được đàn em CSVN theo đuổi mô hình chính trị, từ chính sách cải cách ruộng đất đến chính sách “Ngụy Tư Bản,” với thủ đoạn chiếm đất, đánh dân.

CSTQ có Thủ tướng Ôn Gia Bảo “ngụy quân tử,” sau khi hăm dọa thưa báo New York Times loan tin thất thiệt, lại yêu cầu điều tra tài sản gia đình từ mẹ ông đến các con. CSVN có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham nhũng cả gia đình nhưng mặt trơ hơn Ôn Gia Bảo.

Hoa Kỳ vẫn nuôi hy vọng “cải tổ hệ thống chính trị” cả Trung Quốc lẫn Việt Nam nhưng rõ ràng cải tổ theo kiểu Cộng Sản không phải là giải pháp.

----------------------------------------------------


Paul Mason  -   Biên tập viên Kinh tế, chương trình Newsnight  (BBC)
Cập nhật: 17:29 GMT - thứ năm, 22 tháng 11, 2012

Thụy My RFI  -  Thứ hai, ngày 17 tháng chín năm 2012

Tuần báo Marianne  -  Thụy My dịch
Thứ hai, ngày 17 tháng chín năm 2012

XEM THÊM :











No comments:

Post a Comment

View My Stats