Friday, 23 November 2012

"ANH LÀ LÍNH ĐA TÌNH . . " (Chu Hà - Tiền Vệ)




22.11.2012

Kể từ cuối tuần sau ngày bầu cử cho đến cuối tuần rồi, câu chuyện thời sự có thể nói là nổi đình đám nhất lại là chuyện... ăn phở của một vị danh tướng. Một thứ tướng “sang” nữa mới chết chứ lị. Phải chi cũng là một danh tướng nhưng chung chung và mờ nhạt hơn thì có lẽ đã không lớn chuyện đến thế. Đằng này “thực khách” lại là cựu tướng 4 sao David Petraeus, nổi tiếng về binh pháp và chiến thuật mới mẻ và thích hợp, mà cũng nhờ đó làm thay đổi cục diện chiến trường, mang lại chiến thắng lịch sử… Rồi lại là đương kim sếp sòng Xi-ai-ây…, toàn là thứ dữ không... Vậy mà giờ đây ông đang thua đậm nơi hậu phương và trong giữa lúc sự nghiệp của mình có vẻ như còn đang lên như diều gặp gió. Thua đậm đến độ đã bị lột chức. Nếu còn tại ngũ, không rõ là còn bị những hình phạt gì khác nữa. Mà bấy nhiêu thôi là cũng đủ sốc hàng, điếng hồn và chết lịm.

Ông “sang” ở chỗ, theo tôi, là trông vô thì thấy ngay là ông có vẻ dân sự hơn là nhà binh. Về mặt thể hình và tướng tá, trông ông không có vẻ vai u thịt bắp. Mà ngược lại trông ông có vẻ nho nhã, một đường nét ít thấy nơi các võ tướng. Nếu so với các danh tướng Mỹ đương thời khác như Colin Powell, Norman Schwarzkopf, John Allen..., ông trông điển trai, thư sinh và nhất là trông có cốt cách mưu sĩ, một thứ mưu sĩ kiểu Gia Cát Lượng hơn nhiều.
Phải chăng, trước tiên và trên hết chính nhờ vào dáng dấp nho nhã một cách dân sự bẩm sinh là chính này mà ở ông toát ra sự điềm đạm, uyên bác, thông thoáng, khoan hòa và mực thước đâu vô đấy thấy rõ, như của một ông quan văn chơn chất và chính trực, hơn là của một vị tổng lãnh binh hay tư lệnh chiến trường đậm đặc tác phong và điệu bộ ăn to nói lớn và chưa biết chừng bất thình lình đùng một phát là hét ra lửa mửa ra khói ngay tút suỵt như chơi. Hòa trộn với những thứ này là ánh lên một tí sắc thái phong lưu tầm cỡ vừa vừa phải phải mà lại bùi bụi nào đó, một thứ phong lưu không quá quắt và mượt mà óng ả như của Cary Grant hay của George Clooney, tuy là kiểu phong lưu này đã khiến phái đẹp cứ thế mà bu tới ào ào như con thiêu thân, nhưng như thế lại thành ra hơi bị thiếu chất phong sương bùi bụi mà chỉ có giới nhà binh, và phải là nhà binh tác chiến như ông mới có được, thế mới ác liệt, độc đáo và nhất là trần ai khoai củ số một là bởi làm gì kiếm được người thứ hai ngoài ông ra.

Và tuyệt nhiên chẳng có một nét gì, hoặc rõ mồn một “sô” ra trước thanh thiên bạch nhật, hoặc mờ mờ ảo ảo để từ đó có thể bị xét nét, bị nghi ngờ, bị ghi vào sổ đen để theo dõi xem có là đàng điếm hoặc đểu cáng, hoặc ác ôn côn đồ gì đó kiểu kép độc Hoàng Giang một thời, hoặc ngụy quân tử như Nhạc Bất Quần hay không...

Sẵn với một cốt cách mưu sĩ như đề cập ở trên, trông vô là cảm nhận ngay là ông có vẻ như là người rất có viễn kiến, kín đáo, thâm trầm và mưu lược thứ thiệt chứ chẳng phải “dân chơi” huê dạng vặt mà ruột để ngoài da như tướng Kỳ râu kẽm nhà mình; lại càng không phải là một thứ võ biền ba trời ba trợn, nát rượu say sưa tối ngày ngoài đường phố, khiến bị quân cảnh lập biên bản và mời về bót như Trương Phì, bạn của Trương Phi. Do đó, nói “hữu dõng vô mưu”, mà trong tiếng Anh thời trang bi chừ, cụm từ phải nói đến là”poor judgement”, xuất hiện hà rầm hổm rày, xuất phát từ sự ông ta tự phê trong đơn xin về vườn của mình nạp lên Obama là một sự lạc điệu, không đi vào trọng tâm, hay ít ra là một sự “ngụy trang” dở ẹc và đầy tính chiếu lệ thấy rõ. Mắc gì mà ông ta phải tự sỉ vả ông ta như thế?

Chưa kể là ông lúc nào cũng cực kỳ lộng lẫy huy hoàng, uy nghi, long trọng, và hoành tráng quá xá ể. Như thế, trông vô ông là thấy ngay “cả một trời” hiển hách, ngạo nghễ và vĩ đại không thể tưởng tượng nổi. Với một rừng sao trên hai vai và trên nón, và “hàng hàng lớp lớp” huy chương và đủ kiểu bằng dù đi mây về gió này nọ và các thứ linh tinh lỉnh kỉnh khác còn hơn thế nữa trên hai bên ngực trông lóa cả mắt, không khác gì một loài công gồ ghề và điệu đàng nhất trên sàn catwalk, ông chỉ có thua cọp thôi chứ chẳng thua ai. Sự vĩ đại của ông đây phảng phất sự vĩ đại cực kỳ, rất là “to hơn đời thường” (larger than life) rất nhiều của Chu Du trong truyện Tam quốc. Nhất hơn nữa nếu lại là thứ mẫu người Chu Du như đã được mô tả một cách đầy huyền thoại trong phim Xích Bích (Red Cliff), một kiệt tác điện ảnh đầy tham vọng (muốn làm một “Ben Hur” cho Châu Á ?) của Ngô Vũ Sâm (John Woo), một nhà làm phim tầm cỡ “xuyên quốc gia”. Trong phim, nếu tôi nhớ không lầm, Chu Du được cho thấy vừa là một bậc anh hùng cái thế, với hầu như là đủ các thứ, từ cầm kỳ thi họa, cho đến chiêm tinh bấm độn, không thiếu một món gì..., lúc nào cũng canh cánh bên mình mối lo cho vận nước và ba quân, rồi lại vừa là một thứ “siêu tình nhân” -- thứ “siêu tình nhân” ngoại hạng, bỏ xa những tiêu chuẩn cực kỳ gắt gao và hóc búa (đối với một số trai Việt) cho việc thế nào là một người tình lý tưởng (mà người đẹp cũng là người nghệ sĩ múa Michiyo Phạm Ngà đã từng đề ra, làm cho dư luận dậy sóng hằng loạt một chặp) lúc nào cũng mê tơi, rũ rượi, quằn quại, mượt mà chất ngất và cụp lạc tới bến một cách đúng quy trình và bài bản mà vẫn điên cuồng ngất ngư con tàu đi đến phát sốt bên người tình đẹp như tranh, xinh như mộng (và duy nhất của mình trong suốt cuốn phim, nếu tôi nhớ không lầm)...

Ấy vậy mà, trông nghiêm túc, mũ áo xênh xang và lồng lộng hoa lá cành là như thế, ông ta cũng thèm... phở, cũng đớp lia chia, cũng quất lia lịa, cũng húp xoành xoạch và sạch bách các cái... y như ai vậy. Thế thì điều trước tiên mà tôi thấy là buồn cười không chịu nổi, đúng như Roger Cohen bình luận trên tờ The New York Times, có đoạn đại ý là Hiệp Chủng Quốc trông ra thì rất nghiêm túc kinh khủng nhưng thỉnh thoảng cũng ham làm trò cười cho thiên hạ ra phết. Thế có oái ăm, thế có quái đản không chứ!

Từ đó dù muốn hay không cũng thấy ngay một cách rất đời thường là như thế có nghĩa là trong cõi tình và sex, nó không chừa một ai. Và một khi đã vướng vào vòng cương tỏa của nó rồi là chỉ có từ chết cho tới bị thương mà thôi .
Thông thường thì khôn cũng chết, dại cũng chết, và chỉ có biết thì thường thường may ra hoặc chắc chắn sống. Đằng này, trong cõi tình và sex, một đấng tài ba thao lược và “sang” như thế kia mà cũng đi đời nhà ma, thân bại danh liệt, rục tùng cái rụp, đương không từ chỗ là cả một trời hiển hách, ngạo nghễ và vĩ đại bỗng chốc trong tích tắc trở thành cả một hố thẳm bi thương, thê thảm, cười ra nước mắt, nói chung là banh càng, biết rằng bi kịch bản đại loại như thế không có chi là mới, chỉ là bổn cũ được tân trang. Như thế, thử hỏi có phải là, trong chốn tình và sex, dù có biết tới đâu đi nữa, dù có là thiên tướng ba đầu sáu tay đến đâu đi nữa thì rồi ra cũng phải vướng vào và lăn đùng ra mà chết thôi. Và chết tốt nữa là đằng khác, như trường hợp này đây. Hoặc nói cách khác, rõ là tướng tài như thế mà còn bị chiếu, huống hồ chi người thường. Như thế phải giải thích sự việc như thế nào đây? Bài học nào được rút ra từ sự “chiếu tướng” này?

Con người là lòng tham không đáy?

Bộ binh, nhảy dù, biệt kích... như ông thôi, không đủ sao, còn đèo bòng chi cái phần vụ “hạm trưởng”. Ai biểu ham làm “hạm trưởng” chi để phải chết theo tàu khi cớ sự vỡ .

Hay mọi sự chẳng qua chỉ là phần số, là duyên tiền định?

Cách lý giải này, nếu được pha thêm một tí chất mắm muối ba trợn và tùy tiện vô trong đó, coi bộ cũng có cái lý của nó. Đây nhé: người em gái hậu phương, đồng thời cũng là chủ tiệm phở, mà cũng đồng thời là đầu bếp kiêm tiếp viên phục vụ niềm nở và mỹ mãn, kiêm mỹ nhân chân dài eo thon do là dân “gym” chân truyền, và cũng là hàng độc thứ thiệt nếu có make up và lên đồ đàng hoàng, mang tên Paula Broadwell. Người sao tên vậy và không chừng đây cũng là, mèng đéch quỷ thần ơi, một cái tên nghe sao mà có cái gene “tiền định” trong đó dễ sợ vì Broadwell thì dẫu sao cũng na ná như là hoặc vần vè với lại “brothel”. Nhưng như thế thì quá xúc phạm, quá phỉ báng một cách vô lối đến người em gái hậu phương. Vậy là quá quắt, quá tàn nhẫn, dã man, tiền sử, cực đoan, nham nhở và vô hậu. Chưa kể như thế là tiềm ẩn một thứ “tiêu chuẩn đôi” (double standard), bên trọng bên khinh, phân biệt giới tính, tùy tiện, bá vơ và không công bằng thấy rõ. Thôi thì thử “biên chế” phiên phiến và trài trại đi, cho nó thành ra là Brothwell, “tên vẫn chưa quen người dân thị thành” là vì đây chỉ là vừa mới tự “phăng” ra lấy như thế để dùng trong việc lý giải tào lao này; như thế may ra thì còn có thể chấp nhận được; rồi từ đó “Brothwell” được/bị phiên dịch một cách tùy tiện và ba trợn là cái chắc, và “mot à mot” ra là “Nước dùng tốt”, mà phở có ngon hay không là cốt ở nước dùng, chứ còn gì nữa, phải thế không, hả giời ạ?

Nhảm hết sức...

Đến đây, xin nghiêm túc trở lại, tôi đoán chừng rằng trong vụ này, sẽ còn dài dài những tình tiết cơ hồ như bất tận, những “bãi mìn” của những dữ kiện tiềm ẩn vô tình hay cố ý -- kẻ thì cố giấu, người thì cố khui ra -- còn đang được rà phá với ý định làm rạch ròi ra mọi sự cho rõ trắng rõ đen... Hay ít ra là cũng đưa nó được lên trên mặt bằng của thông tin, song song với những bình luận giảng giải tràng giang đại hải đi kèm, mà rồi ra tôi đoán chừng chưa chắc là đã hứa hẹn là sẽ giúp ích gì được một cách rốt ráo và sau cùng là ĐEM LẠI CÔNG BẰNG VÀ LẼ PHẢI cho MỌI PHÍA LIÊN CAN... Vì sao?

Theo tôi là vì, cơ bản là một xứ văn minh cao độ đến đâu vẫn luôn luôn hàm chứa, vẫn luôn luôn tồn đọng những bế tắc, những lỗ hỗng, những vấn đề, nhất là những vấn đề trong cuộc sống hằng ngày và lại càng nhất hơn nữa nếu những loại vấn đề này thuộc về những lãnh vực bên trong không ai nhìn thấy như tâm cảm, như yêu đương, hay như thú tính, như sex, và những thèm muốn, khát khao của nó…, hay nói thẳng một cách cụ thể và huỵch toẹt ra là vấn đề LIBIDO của con người ta và những mối tương quan giữa nó và mọi thứ chung quanh như tôn giáo, văn hóa, xã hội... thì biết đường đâu mà nói được, rồi có lẽ là có nói hoài cũng không hết, có nói đến tết cũng không xong... Nhưng chí ít tới đây bỗng lóe lên câu hỏi:

Càng cao danh vọng, càng... giàu libido?

Chu Du mê tơi cụp lạc là thế, chẳng nhẽ David Petraeus lại chịu nằm không, bỏ cái libido của mình qua một bên cho chó ăn? Tuổi đời mới có 6 bó như ông, nào đã phải sức tàn lực kiệt gì cho cam. Mà quay qua quay lại gặp phải người phối ngẫu là bà Holly Petraeus như thế thì còn làm ăn gì được... Nghĩa tào khang là muôn năm trường trị, là bá chủ võ lâm, là thống nhất vũ trụ và giang sơn xã tắc. Nhưng những thôi thúc của nhục dục, của hứng tình một cách chính đáng và tự nhiên thì phải giải quyết thế nào, phải tính sao đây? Không nhẽ chỉ có đè nén? Mà đè nén như thế có nghĩa là áp bức. Mà đã có áp bức là sẽ có vùng lên như cây kim trong bọc có ngày phải lòi ra... Vậy ra là ngay từ bây giờ hãy lo tính tới việc đứng lên đòi quyền... ăn phở?

Thôi thì trong khi chờ ánh sáng hiện ra từ cuối đường hầm, chờ một lần nữa một đấng cứu tinh hiện ra, dẫn đưa những ai còn đang trong tăm tối ra khỏi chốn tối tăm, trong khi chờ Godot, và dẫu gì thì mọi chuyện đâu vẫn còn có đó, hãy… buông xuôi và cầu an như thường lệ và hãy làm bộ ra vẻ “dân túy” tí xíu bằng cách cứ cho là David Petraeus đa tình có hạng như thường thấy thường nghe trong ca cóng dạo nào:

“Anh là lính đa tình...”

Và nhớ là phải bật đèn đỏ lên sao cho nháng lửa một cách tân cổ giao duyên khi chữ “tình” vừa mới thốt ra để tăng thêm phần lâm ly, mùi mẫn, tình tứ và gợi cảm y như trong vọng cổ vậy. Nhớ nhé.







No comments:

Post a Comment

View My Stats