Friday, 24 August 2012

NỀN CHÍNH TRỊ HẠI DÂN của MAO trong THỜI KỲ ĐẠI NHẢY VỌT Ở TRUNG QUỐC : LỜI NÓI ĐẦU CHO CUỐN "BIA MỘ" [1/3] (Dương Kế Thằng)




Dương Kế Thằng

Bùi Xuân Bách, Phạm Nguyên Trường, Phạm Vũ Lửa Hạ dịch
Ngày 22 tháng 8 năm 2012

Chúng ta đã biết đến nhiều hình thái của chủ nghĩa cộng sản, từ ước mơ đến hiện thực. Tác phẩm Bia mộ của Dương Kế Thằng kể về một chủ nghĩa cộng sản ăn thịt người, trong cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Mức độ tàn khốc của nó có thể so sánh với chủ nghĩa cộng sản diệt chủng của Khmer Đỏ. Quy mô của nó lớn hơn tất cả những điều mà nhân loại từng biết về tội ác với con người. Tội ác, nhân danh một tiến bộ xã hội.


Đọc cuốn sách 800 trang về 4 năm thảm khốc ở Trung Quốc này (bản dịch tiếng Đức ra mắt cuối tháng Sáu vừa rồi), điều ám ảnh nhất với tôi là gặp Việt Nam trên từng trang sách. Chúng ta có thể nói rằng mình chỉ là cái bóng nhạt nhòa của Trung Quốc, bên đó xương người chất cao ngàn thước thì bên mình cùng lắm chục thước. Song đó không phải là may mắn mà chúng ta xứng đáng được hưởng. Tất cả những tương đồng giữa hai hệ thống, Trung Quốc và Việt Nam, chậm nhất từ đầu những năm 50 thế kỉ trước cho đến tận bây giờ, vẫn còn nguyên đó, thậm chí đã đan quyện vào ngôn ngữ, trở thành tài sản tinh thần của ít nhất ba thế hệ người Việt đang tồn tại và sẽ là di sản tinh thần cho nhiều thế hệ tiếp nối.

“Hệ thống giống như một cái khuôn đúc; kim loại dù có rắn đến mức nào, nhưng một khi đã bị đun chảy và đổ vào khuôn thì sẽ có hình dạng giống như nhau cả.” Tác giả Dương Kế Thằng có gần hết một đời người gắn chặt với hệ thống để nhận định như vậy, nhưng hành trình dựng bia mộ này của ông cũng cho thấy một kim loại bị đun chảy lại có thể vượt khuôn để trở về với tự nhiên của mình như thế nào. Tác phẩm của ông vì vậy cũng là một tư liệu của hi vọng.

Ở Việt Nam, các nạn nhân của Cải cách Ruộng đất, của Huế Tết Mậu Thân… đang chờ những bia mộ như thế.

Phạm Thị Hoài
______________

Dương Kế Thằng (楊繼繩 /杨继绳) bắt đầu làm việc cho Tân Hoa Xã từ 1968, chuyên viết về các vấn đề kinh tế và xã hội, cho tới khi ông về hưu năm 2001. Năm 1984 ông được tặng danh hiệu Nhà báo Ưu tú. Từ năm 2000 ông là Phó Tổng Biên tập tạp chí Viêm Hoàng Xuân Thu (Yanhuang Chunqiu – 炎黄春秋), đồng thời tham gia Ban Biên tập báo Tham khảo Kinh tế (經濟參考報), trong khi tiếp tục viết bình luận. Tác giả còn được mời tham gia “Đề án nghiên cứu các phương tiện truyền thông Trung Quốc” (中國傳媒研究計劃) của Viện Đại học Hương Cảng năm 2007.

Lời giới thiệu ngắn gọn cho bản dịch tiếng Anh của “Lời nói đầu” này do Edward Friedman (GS Khoa học Chính trị, Viện Đại học Wisconsin, Madison), Quách Kiện* (GS Anh ngữ, VĐH Wisconsin, Whitewater), Stacy Mosher (nhà biên tập và dịch giả độc lập), Bùi Mẫn Hân (裴敏欣- GS Chính trị, Đại học Claremont McKenna và Giám đốc Trung tâm Keck về nghiên cứu chiến lược và quốc tế), viết. Stacy Mosher và Quách Kiện* là người dịch “Lời nói đầu” này sang tiếng Anh.

Lời giới thiệu của bản tiếng Anh

Dưới đây là “Lời nói đầu” của tác phẩm Bia mộ (Mubei – 墓碑). Bộ sách hai tập dầy này của Dương Kế Thằng là công trình nghiên cứu điều tra nhiều năm về nạn đói khủng khiếp ở Trung Quốc. Tai họa này đã làm chết khoảng 36 triệu người [theo Frank Dikötter, Mao's Great Famine: The History of China's Most Devastating Catastrophe, 1958-62. Walker & Company, 2010, thì số người chết là 45 triệu] từ cuối thập niên 1950 đến đầu những năm 1960. Cuốn sách được xuất bản ở Hương Cảng năm 2008 [chỉ tính đến 2010, cuốn sách đã được tái bản thêm sáu lần nữa] và ngay lập tức bị cấm lưu hành tại đại lục. Con số nạn nhân là chưa từng có và tới giờ cũng vẫn là lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc và thế giới. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cố gắng che giấu thực tiễn ghê rợn này bằng cách giữ kín những thông tin chủ yếu, quy vào loại tối mật và đổ lỗi cho những lí do khác, như đã thể hiện trong việc dùng uyển ngữ “Nạn đói lớn ba năm”, “Ba năm thiên tai” (Tam niên đại cơ hoang – 三年大饑荒 hoặc Tam niên tự nhiên tai hại – 三年自然災害) để chỉ giai đoạn này.

Dương Kế Thằng là nhà kinh tế, nhà báo và biên tập viên của Tân Hoa Xã. Ông đã dành hơn hai chục năm để thu thập dữ kiện từ các kho lưu trữ quốc gia lẫn địa phương và phỏng vấn những người sống sót, nhân chứng và các quan chức. Kết quả là một bản báo cáo đầy đủ, có sức thuyết phục mạnh mẽ về tính vô nhân đạo đến cùng cực [của Mao và tập thể lãnh đạo Trung Quốc] và lòng dũng cảm phi thường [của tác giả]. Tác phẩm có thể sánh ngang với những nghiên cứu của Aleksandr Solzhenitsyn về Gulag Xô-viết [hệ thống ngục tù của Liên Xô] và của Robert Conquest về lịch sử nạn đói ở Liên Xô do chính sách tập thể hóa của Stalin. Bia mộ bao trùm cả nhiều địa phương khác biệt lẫn trung tâm quyền lực ở Bắc Kinh, nhằm giải thích động lực của thảm họa do những chính sách và việc áp dụng chúng vào thực tiễn của Đảng Cộng sản Trung Quốc, dưới sự chỉ đạo của Mao, gây ra. Trong số những chính sách này thì nguyên do chính là sự độc quyền của nhà nước trong việc mua bán ngũ cốc, quyền lực của các quan chức trong việc cướp đoạt thóc gạo từ nhà dân, những nhà ăn tập thể cưỡng bức đã “áp đặt chuyên chính vô sản lên cái dạ dày của mỗi cá nhân”, và việc tập thể hóa toàn diện, triệt để, đã làm cho nông dân không còn phương tiện nào để tự cứu mình nữa.

Mặc dù nhận được báo cáo về nạn đói lan rộng và nạn ăn thịt người, Mao vẫn khăng khăng cố bám vào những thành tích giả tạo do các địa phương báo cáo lên, và đả kích những người đã dám nói ra sự thật [cụ thể là vụ Hội nghị Lư Sơn, thanh trừng Bành Đức Hoài (Nguyên soái, Bộ trưởng Quốc phòng), Hoàng Khắc Thành (Tổng Tham mưu trưởng), Châu Tiểu Châu (Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nam)…], chụp mũ cho họ là phản cách mạng, do đó nạn đói lại càng trầm trọng và kéo dài thêm hai năm nữa. Trên cơ sở đó, Dương đã quy trách nhiệm tối hậu về cái chết của ba mươi sáu triệu dân cho hệ thống chính trị Trung Quốc.

Bia mộ là một tác phẩm vĩ đại mà tác giả dự định làm đài tưởng niệm cho người cha của mình (cái chết vì đói của ông đã được miêu tả với những tình tiết đau lòng dưới đây) và cho tất cả ba mươi sáu triệu nạn nhân vô tội. Bất chấp những nguy hiểm có thể xảy ra cho bản thân mình, Dương Kế Thằng đã cố gắng chấm dứt “chứng quên lãng do những người cầm quyền cố ý gây ra”. Trong quá trình đó ông đã rọi sáng vào việc “Đường lên thiên đàng”, mà một hệ thống chính trị đưa ra cho nhân dân Trung Quốc, đã biến thành “Đường tới diệt vong” như thế nào. Một việc làm trước đây chưa từng có. Dương Kế Thằng đã cô đọng và cập nhật bản thảo tiếng Trung để chuẩn bị cho việc xuất bản bằng các thứ tiếng khác. “Lời nói đầu” dưới đây là một phần của bản dịch tiếng Anh hiện đang được thực hiện.


Lời nói đầu của tác phẩm Bia mộ

Thoạt vi thủy, tôi dự định đặt tên cho cuốn sách này là Đường lên thiên đàng, nhưng cuối cùng lại đổi thành Bia mộ. Bốn dự tính đã góp phần hình thành cái tên sách này: thứ nhất, dựng tấm bia mộ cho cha tôi, người đã chết vì nạn đói năm 1959; thứ hai, dựng tấm bia mộ cho ba mươi sáu triệu dân Trung Quốc đã chết trong thảm họa này; thứ ba, dựng tấm bia cho chính cái hệ thống đã gây ra nạn đói thảm khốc đó; thứ tư, dự tính cuối cùng đã nảy ra trong đầu tôi, khi tôi mới viết được nửa cuốn sách, bệnh viện Tuyên Vũ – Bắc Kinh (北京宣武醫院) đã gửi cho tôi kết quả thử AFP trong máu,[i] thấy dương tính, tôi phải đẩy nhanh những cố gắng của mình, quyết tâm hoàn thành cuốn sách để nhờ đó cũng dựng tấm bia mộ cho mình luôn. May thay, lần thử nghiệm sau kết quả lại đảo ngược, nhưng công việc này tiềm ẩn một nguy hiểm chính trị rất lớn, và nếu chẳng may có chuyện gì xảy ra, thì cũng có thể coi đó là một sự hi sinh cho nguyên tắc, và cuốn sách, do đó, một lần nữa có thể là tấm bia mộ cho chính tôi. Dẫu sao, những dự định chính của tôi vẫn là ba cái đầu.

Một tấm bia mộ chính là kí ức được ghi lại cụ thể. Kí ức của con người là cái thang để một đất nước và một dân tộc đi lên; nó chính là tấm biển chỉ đường trong cuộc hành trình của nhân loại. Chúng ta cần ghi nhớ không chỉ những việc tốt, mà cả xấu nữa; không chỉ những điểm sáng mà cả những vết đen. Các chính quyền trong một hệ thống toàn trị cố gắng giấu giếm những lỗi lầm và xiển dương công trạng của họ, che đậy những sai lầm và cưỡng bức tẩy xóa tất cả những kí ức về nhân họa, về những hành động đen tối và điều ác họ đã làm. Do đó, người Trung Quốc thường dễ mắc chứng lãng quên lịch sử, chứng bệnh do nhà cầm quyền bắt họ phải gánh mang. Tôi dựng tấm bia mộ này để nhân dân sẽ ghi nhớ và từ nay trở đi sẽ lên án những nhân họa, hành động đen tối và điều ác.

I.

Một ngày cuối tháng Tư 1959, sau giờ học tôi đang chuẩn bị cho tờ báo tường Ngày Thanh niên Ngũ Tứ của Đoàn (Thanh niên Cộng sản) trường. Người bạn từ thuở để chỏm của tôi, Trương Chí Bách (張志柏) (có biệt hiệu là Xa Tử – 車子), từ thôn Loan Lý (灣里) nhà tôi chạy đến Trường Trung học số 1 huyện Hy Thủy (浠水) và khẩn cấp báo cho tôi, ‘bố cậu đang đói sắp chết! Về ngay đi và mang theo ít gạo nếu cậu có’. Cậu ta còn bảo tôi, ‘bố cậu thậm chí cũng không còn đủ sức để tước vỏ cây mà ăn nữa – bác ấy đói đến mức không thể tự cứu mình nữa. Bố cậu đang trên đường đi đến Giang Gia Yển (江家堰) để mua muối về pha nước muối, giữa đường bác ấy ngất xỉu, và may có mấy người cũng ở Loan Lý đã cáng bác ấy về.’

Ngay lập tức tôi bỏ hết mọi việc đang làm, chạy lên xin phép Triệu Thuần Liệt (趙純烈), vừa là Bí thư Đoàn trường, vừa là giáo viên chủ nhiệm lớp tôi. Tôi xuống nhà ăn của trường, lĩnh khẩu phần lương thực cho ba ngày, được một cân rưỡi gạo[ii] và chạy vội về nhà. Khi về đến Loan Lý, tôi thấy mọi vật đều thay đổi hẳn: cây du trước cửa nhà (ở Loan Lý người ta gọi là ‘cây dầu’) chỉ còn cái thân trơ trụi, thậm chí rễ của nó cũng bị đào lên và tước vỏ, chỉ còn lại những hố nham nhở trên mặt đất. Cái ao đã cạn khô; mấy người hàng xóm bảo rằng ao đã bị tát hết nước để bắt hến. Hến ở đây rất tanh, trước kia chẳng ai ăn. Cũng không nghe thấy cả tiếng chó sủa, không thấy gà chạy quanh như mọi khi; thậm chí cả lũ trẻ con thường chạy qua chạy lại trên đường làng cũng ở tịt trong nhà. Loan Lý là một thị trấn ma.

Khi bước vào nhà, tôi thấy ngay sự thiếu thốn đến cùng cực: không một hạt thóc, không một thứ gì có thể ăn được, và thậm chí không có cả một giọt nước trong chum. Không thể nhấc chân nhấc tay được vì đói, làm sao cha tôi còn có thể gánh nước được!

Cha tôi ngồi nghiêng trên giường, hai mắt trũng sâu và vô hồn, trên khuôn mặt ông da dính tận xương, nhăn nheo và xệ xuống. Ông cố chìa tay ra cho tôi nhưng không nhấc lên nổi mà chỉ xê dịch được chút ít. Bàn tay này làm tôi nhớ lại bộ xương người trong giờ giải phẫu học ở lớp tôi; mặc dù nó còn được che phủ dưới làn da khô héo, nhưng những chỗ xương lồi lõm thì không còn gì che đậy. Nhìn bàn tay ấy, tôi sửng sốt và đau lòng vô hạn: thành ngữ “da bọc xương” thường để nói tới một điều gì đó ghê rợn và tàn ác. Môi động đậy, ông cố nói với tôi một điều gì đó, nhưng giọng ông cứ nhỏ dần trong khi tôi kịp nghe ra, ông bảo tôi đi đi, đi ngay về trường đi.

Làm sao mà cha tôi lại ra đến nông nỗi này kia chứ? Hai tháng trước ông còn lành lặn (thực ra thì chân ông đã bị phù, nhưng tôi không biết đấy là do thiếu ăn). Ông được phân công chăn con trâu của tổ sản xuất. Dưới bàn tay chăm sóc kĩ lưỡng của cha tôi, chú trâu là một con vật sạch sẽ, to khỏe và đáng yêu. Mặc dầu chú không biết nói nhưng đôi mắt của nó biết biểu cảm, khi thân mật, lúc lo lắng, khi là ước ao, lúc tức giận. Nó có thể trò chuyện với cha tôi qua đôi mắt ấy, và thậm chí đến tôi cũng hiểu được ít nhiều. Khi nào tôi ở trường về nhà, tôi thường cưỡi trâu chạy lên đồi. Hai tháng trước, cha tôi nhờ người qua trường nhắn tôi về. Tổ sản xuất đã đem con trâu đi giết vụng và chia cho gia đình tôi nửa cân thịt. Biết rằng cuộc sống của tôi ở trường cũng khó khăn lắm, cha gọi tôi về nhà để được ăn ít thịt trâu. Vừa bước vào nhà, tôi ngửi ngay thấy mùi thơm quyến rũ. Cha tôi không ăn một miếng thịt nào. Ông bảo ông đã quá gần gũi với con trâu, rằng ông có một sự liên thông nào đó với chú trâu nên ông không thể ăn thịt nó được. Thực ra, ông chỉ kiếm cớ để cho tôi được ăn cả. Tôi ăn ngấu nghiến như con sói đói trong khi ông nhìn tôi với ánh mắt dịu hiền. Giờ đây tôi ân hận rằng lúc đó tôi không hiểu; nếu ông ăn một ít thịt trâu thì sức khỏe của ông có lẽ không đến nỗi tuyệt vọng đến thế.

Tôi bóp tay cho cha một lúc, rồi vội vàng đi lấy đôi thùng gánh đầy chum nước. Sau đó tôi vớ cái cuốc và đi đào mầm lạc nơi chúng tôi đã trồng năm ngoái. (Lạc trồng năm trước, đến mùa xuân thì nảy mầm, nhưng mầm lạc thì dai ngoách và khó nuốt hơn mầm đậu rất nhiều. Người ta bảo nó có chứa chất độc và không ăn được, nhưng cho dù có thế thì nó cũng đã bị người ta đào gần hết.) Tôi đào và đào thêm nữa, nhưng trong thâm tâm tôi cảm thấy ân hận và có lỗi. Tại sao mình không về sớm hơn và đi hái một ít rau dại? Tại sao tôi không về sớm hơn với ít gạo?
Nhưng mọi chuyện tôi tự trách mình thảy đều vô ích. Tôi nấu ít cháo bằng gạo mang từ trường về và bưng lại giường cho cha, nhưng ông không thể nuốt nổi nữa rồi. Ba ngày sau ông từ bỏ thế giới này.

Cha tôi tên là Dương Tu Thân (楊修身); ông cũng còn có tự là Dục Phủ (毓甫) và Hồng Nguyên (洪源). Ông sinh ngày mồng Sáu tháng Sáu theo lịch âm, năm 1889. Ông là bác ruột và cũng là cha nuôi của tôi, từ khi tôi mới được ba tháng tuổi. Ông và mẹ nuôi tôi đã chăm sóc tôi còn chu đáo hơn cả nếu như tôi là con đẻ của họ, và tình yêu thương đặc biệt này cả làng tôi đều biết. Sau này tôi còn được bà con trong làng cho hay, ngay cả những lúc mưa gió đầy trời cha đã bế tôi đi xin sữa khắp làng, do đó tôi có những bà vú rải rác khắp nơi. Một lần tôi bị ốm và ngất xỉu, cha tôi đã quỳ và cầu nguyện không nghỉ trước bàn thờ tổ tiên cho đến khi tôi hồi tỉnh. Có lần tôi có cái nhọt trên đầu, mẹ tôi đã dùng miệng hút mủ ra cho tôi, cho tới khi lành. Họ còn lo xa về đường học hành của tôi hơn bất cứ người nông dân nào khác, và mặc dầu cực nghèo, họ đã dùng hết mọi phương tiện mà họ có để đảm bảo rằng tôi được đi đến trường. Bố mẹ cũng hết sức nghiêm ngặt với tôi về mặt hạnh kiểm.

Nhờ dân làng giúp đỡ, tôi vội vàng chôn cất bố. Mặc dù cha tôi đã mồ yên mả đẹp, hình ảnh của ông vẫn cứ hiện ra trong đầu tôi. Khi ông còn sống tôi rất ít khi để ý đến ông, nhưng bây giờ khi ông đã mất, nhiều việc trong quá khứ lại tái hiện trong óc tôi.

Năm 1950, chính quyền làng tôi, Ma Nguyên hương (麻元), thường tổ chức đấu tố địa chủ và cường hào địa phương ngoài trời. Một lần cha cho tôi đi xem một cuộc đấu tố lớn mở bên Tảo Thứ Lĩnh (棗刺嶺) (Tảo Thứ Lĩnh và Loan Lý là hai thôn của Ma Nguyên hương). Một cái nền tạm được đắp lên dưới chân đồi, còn trên đồi thì đông nghịt dân làng. Tiếng hô khẩu hiệu vang rền như sấm, và dân quân có vũ trang khoe khoang lòng can đảm của họ. Những người đưa ra đấu tố hôm nay bị trói, đứng trên cái nền đất đó, và khi mọi người đã trút hết bất bình lên đầu họ xong thì những người khác chạy xô lên đấm đá họ. Dân làng đánh đập cho đến khi họ nằm bất động, rồi mang họ ra sườn đồi và xử bắn. Trong buổi đấu tố ngày hôm đó, mười bốn người bị hành quyết. Tôi để ý thấy cha tôi không nói gì từ đầu đến cuối. Sau khi chúng tôi đã về nhà, mấy đứa trẻ trong làng và cả tôi nữa chơi trò “đấu địa chủ”. Thật ngạc nhiên, cha lôi tôi về nhà và quất cho một trận. Tôi không hiểu làm sao tôi lại bị đánh. Sau này ông nói với tôi rằng không phải tất cả những người bị bắn là người xấu, và cũng không phải tất cả những người đánh đập họ đều có cớ để căm thù. Không bao giờ ông còn cho tôi đi xem đấu tố nữa.

Khi mẹ (nuôi) tôi mất năm 1951, cha và tôi lại càng gần nhau hơn. Sau khi mẹ mất, tôi bỏ học một thời gian. Cha cũng không bắt tôi ra đồng làm việc, mà dọn sạch cái bàn độc nhất trong nhà và bắt tôi ngồi học dưới sự giám sát nghiêm ngặt của ông. Một lần, dẫu sao, khi đi đóng thuế nông nghiệp, ông đã cho tôi đi cùng; tôi vác hai bao thóc nhỏ. Ông bảo trước kia ông không có đất, giờ được chia một thửa ruộng, và việc đóng thuế là một sự kiện quan trọng mà ông muốn chính tôi cũng phải được tham gia. Được nửa đường thì tôi mệt quá, không vác được nữa. Ông nhấc bổng cả tôi và hai bao thóc lên, rồi gánh tới tận trung tâm thu thuế. Thời cải cách gia đình tôi được chia ba mẫu đất, thu hoạch được hai mươi bốn thùng thóc[iii] (khoảng 600 kg). Lúc ấy ông hết sức sung sướng vì được chia ruộng, và tôi còn bé tẹo, cũng chia sẻ niềm vui với ông. Tuy nhiên, chỉ hai hoặc ba năm sau, ruộng lại bị lấy lại để tập thể hóa.

Năm 1954, tôi thi đỗ vào trường cấp II (trung học cơ sở) Hy Thủy. Chỉ riêng tôi là học sinh ngoại trú vì gia đình tôi không có tiền cho con trọ học trên huyện. Từ nhà tôi đến trường khoảng mười cây số. Để rút ngắn đường đi học cho tôi, cha đã tìm được một ngôi nhà cũ ở Ma Kiều (麻橋), cách huyện lị năm km và mở một quán trà ở đó. Năm cây số đường ấy chính là con đường cái quan, đã giúp tôi đến trường dễ dàng hơn rất nhiều. Hàng ngày trước khi mặt trời mọc, cha đã gọi tôi dậy để kịp đến trường trước lúc 7 giờ vào lớp. Một lần có cơn giông, nó làm sập đầu hồi của ngôi nhà ọp ẹp ấy, suýt nghiến nát cha tôi. Cuối cùng thì trường cũng cho tôi học bổng, đủ để trọ học trên huyện, và cha tôi đã có thể chấm dứt giai đoạn vất vả này.

Tôi hết sức đau buồn trước cái chết của cha tôi, nhưng không bao giờ lại nghĩ đến chuyện đổ lỗi cho chính quyền. Tôi không thấy chính quyền hoặc phong trào “Ba ngọn cờ hồng”[iv] có liên quan gì đến việc này. Tôi cũng không hề nghi ngờ chút nào những tuyên truyền của Đảng về thành tựu của Đại Nhảy vọt hoặc lợi ích của Công xã Nhân dân. Tôi cũng chẳng có ý tưởng gì về những chuyện xa hơn thế nữa. Tôi tin rằng chuyện xảy ra ở làng tôi chỉ là hiện tượng đơn lẻ, và cái chết của cha tôi chỉ đơn thuần là thảm kịch gia đình. So với việc xã hội cộng sản vĩ đại đang đến, nỗi bất hạnh của gia đình tôi thật nhỏ bé làm sao? Đảng đã dạy tôi, khi gặp khó khăn, phải biết hi sinh bản thân cho những mục tiêu cao cả, và tôi hoàn toàn vâng lời. Tôi vẫn khư khư cái lối suy nghĩ này cho tới tận thời Cách mạng Văn hóa.

Vào lúc đó, tôi không có chút hoài nghi nào và chỉ biết chấp nhận hoàn toàn những gì Đảng Cộng sản và Đoàn Thanh niên Cộng sản đã truyền cho tôi. Tôi luôn luôn học giỏi, được điểm cao nhất trong số học sinh của huyện thi vào trường cấp II. Tôi luôn là cán bộ trong trường và lớp, suốt từ tiểu học cho đến khi vào đại học; vào Đội Thiếu niên từ cấp I (tiểu học) vào Đoàn từ cấp II. Trong “Phong trào chống hữu khuynh” (反右派運動 – Phản hữu phái vận động) năm 1957, tôi tin tưởng vào lời tuyên bố của Đảng, những người hữu khuynh là phần tử xấu. Tôi cũng là học sinh tham gia tích cực trong phong trào Đại Nhảy vọt (大躍進 – Đại dược tiến) năm 1958. Có một bài thơ tôi viết ca ngợi Đại Nhảy vọt đã được chọn gửi đi Trung tâm Triển lãm Giáo dục khu Hoàng Cương (黃岡). Khi đó tôi là ủy viên phụ trách tuyên truyền trong Ban Chấp hành Đoàn trường và là biên tập viên trưởng của tờ báo trường in rô-nê-ô Người Thanh niên Cộng sản. Ban ngày tôi tham gia lao động sản xuất, ban đêm tôi sửa bài. Đầu năm 1959, tôi viết bài xã luận “Mừng năm mới” cho tờ báo, trong đó tôi đã hết lời ca ngợi Đại Nhảy vọt. Dịp liên hoan đầu năm của trường, thầy hiệu trưởng Vương Chiếm Tung (王佔崧) đã đọc bài xã luận của tôi, như diễn văn của ông chúc mừng các thầy cô và học sinh trong trường, mà ông không thay đổi một chữ nào.

Tôi đã làm những việc đó với tấm lòng hoàn toàn thành thực, không có một chút tư lợi nào. Dù tôi rất đau khổ về cái chết của cha, nó không hề làm suy giảm niềm tin của tôi vào Đảng Cộng sản Trung Quốc. Khi đó, rất nhiều thanh niên đã tham gia sôi nổi vào phong trào Đại Nhảy vọt, cũng bị đói cùng những thành viên trong gia đình, nhưng họ không bao giờ kêu ca phàn nàn. Cũng như tôi, họ hoàn toàn thành thực; chủ nghĩa cộng sản đã truyền niềm tin cho họ, và nhiều người trong số đó sẵn sàng vui vẻ hi sinh cho lí tưởng vĩ đại này.

Tôi đã ủng hộ Đại Nhảy vọt rất thành tâm không chỉ vì sự ngưỡng mộ những lí tưởng cộng sản, mà còn do ngu dốt. Tôi lớn lên từ một làng hẻo lánh, xa những con đường cái quan. Hầu như chúng tôi cách biệt hẳn với mọi thông tin, và dân làng dường như chẳng biết gì về những chuyện xảy ra ngoài giới hạn của mấy ngọn đồi quanh làng. Có lần tôi nghe thấy một ông lão trong làng kể với cha tôi rằng, có người đã trông thấy đức vua Tuyên Thống (宣統)[v] và cũng có thể ngài đã lấy lại ngai vàng. Họ không biết những sự việc đã xảy ra với Phổ Nghi (溥儀) ở Thiên Tân và vùng Đông Bắc, cũng không biết rằng ông ta đã bị buộc tội phản bội và bị bỏ tù. Họ vẫn ấp ủ những kỉ niệm về Hoàng đế. Họ không biết sự kiện vĩ đại đã diễn ra ở Bắc Kinh vào ngày mồng 1 tháng 10 – 1949. Có một cán bộ thôn là Hoàng Nguyên Trung (黄元中) biết, và anh ta đã triệu tập một cuộc mit tinh trong thôn hôm đó. Hôm sau, con anh ta (có biệt hiệu là Lại tử 賴子- đồ vô dụng) đã bảo tôi, ‘Mao Chủ tịch đã lên ngôi rồi đấy’. Tôi hỏi lại, ‘mày định nói gì?’ Nó trả lời, ‘ông ấy là Hoàng đế mà’. Nó bảo rằng, bố nó đã kể cho nó như vậy.

Phần đông dân làng tôi chưa hề ra khỏi làng quá cái bán kính năm mươi cây số. Dẫu chúng tôi chỉ cách Hán Khẩu (漢口 – nay đã nhập vào Vũ Hán) có hơn trăm cây số, nhưng dường như nó xa xôi vô cùng. Lòng mong mỏi được thấy thành phố của chúng tôi đã được thể hiện trong bài đồng dao:

Trăng hỡi, trăng ơi,
Đi cùng với tôi
Đến biển Hán Khẩu.
Trăng ơi, trăng hời,
Hãy chạy cùng tôi
Tới Viên Gia Kiều (袁家橋).

Huyện lị là nơi có thể đến được, cũng đã được coi là chốn phồn hoa đô hội, nhưng đi cũng mất nguyên một ngày với nửa con đường là đường núi khúc khuỷu, gập ghềnh. Nhiều người cũng chỉ lên huyện một, hai lần mỗi năm.

Đêm hè, sau khi tắm xong, là thời gian vui vẻ nhất của dân làng. Cả nhà ra ngồi ngoài sân, uống trà bằng những lá cây trồng ngoài vườn và phe phẩy những chiếc quạt rơm họ tự đan, trong lúc nói chuyện nhà. Những người thích có bạn bè thì tụ tập ở một chỗ mát, tán chuyện phiếm. Có thể có người sẽ nhắc lại tích “Yến vườn đào hào kiệt kết nghĩa” trong Tam quốc diễn nghĩa, hoặc kể lại chi tiết những mưu toan của Tôn Dật Tiên nhằm lật đổ nhà Thanh, đã truyền đến đây từ Vũ Hán nhiều chục năm trước. Những câu chuyện này cũng đã trở nên nhàm. Nếu có người nào nói đến những chuyện mới xảy ra gần đây trên phố huyện, mọi người sẽ dỏng tai lên nghe chăm chú, và người kể chuyện được nhìn với con mắt cực kì ngưỡng mộ.

Dẫu cho cái thực tế “vùng sâu, vùng xa” của làng đã kìm hãm dân làng trong sự ngu tối, nhưng nó cũng đã bảo tồn phần nào sự trong trắng của họ. Việc cha tôi ghê tởm những buổi đấu tố trong năm 1950 xảy ra không phải từ óc suy xét lí trí, mà từ bản năng con người.

Năm 1954, khi rời làng lên học trên huyện lị, tôi đã mang theo mình cả một tâm hồn trong sáng, không một vết gợn, như một tờ giấy trắng.

(Còn tiếp 2 kì)

Nguồn: Tạp chí “Trung Hoa đương đại” (2010), số 19 (66), tháng 9, trang 755-776). Bản tiếng Anh.

Bản tiếng Việt © 2012 pro&contra; © 2012 Bùi Xuân Bách, Phạm Nguyên Trường, Phạm Vũ Lửa Hạ
__________________

Lời cảm tạ: Chúng tôi, những người dịch, xin chân thành cám ơn những người bạn thân đã cổ vũ và giúp đỡ rất nhiều, chẳng hạn như tìm giúp cho bản tiếng Hán, bớt thời gian quý báu của mình đọc trước bản dịch và đóng góp nhiều ý kiến xác đáng.

Lưu ý về chú thích:

- Chú thích của tác giả sẽ viết tắt là TG.
- Chú thích của người dịch bản tiếng Anh sẽ viết tắt là TA.
- Chú thích của người dịch bản tiếng Việt sẽ viết tắt TV.
- Tên riêng nào (chỉ còn có hai cái) chúng tôi chưa tra được nguyên văn tiếng Hán, đành phỏng đoán sát nhất và đánh dấu hoa thị (*).







No comments:

Post a Comment

View My Stats