Friday, 8 June 2012

TRỤC CHIẾN LƯỢC CHUYỂN SANG CHÂU Á-THÁI BÌNH DƯƠNG - VÌ ĐÂU ? (Việt Long - RFA)




Việt-Long, RFA
2012-06-07
Tổng trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta thu hút sự chú tâm của cả thế giới khi ông công bố chiến lược quân sự mới của Washington tại Hội nghị Diễn đàn Quốc phòng Shangri-La. Trung quốc đứng ở vị trí nào trong chiến lược mới ấy?

Chiến lược mới
Ngũ Giác Đài tái phối trí lực lượng hải quân theo trục chiến lược mới quay sang châu Á, thi hành từ nay và hoàn tất năm 2020, song song với kế hoạch thực hiện những ưu tiên chiến lược trên địa bàn Á Châu. Lực lượng hải quân Hoa Kỳ sẽ được phân bố 60% trên Thái Bình Dương và 40% trên Đại Tây dương.
Hoa Kỳ cổ võ và noi gương tuân thủ luât lệ, trật tự quốc tế, tiếp tục củng cố các liên minh quân sự song phương sẵn có, mở rộng và tăng cường quan hệ đối tác với Singapore, Việt Nam và các quốc gia Thái Bình Dương khác, đồng thời tăng cường hiện diện quân sự và đầu tư phô diễn lực lượng quân sự khắp châu Á.
Đó là chiến lược quân sự mới của Hoa Kỳ, được Tổng trưởng quốc phòng Leon Panetta trình bày chi tiết tại Hội nghị Đối thoại An ninh quốc phòng Shangri-La ở Singapore hồi tuần qua.
Trước hết đây không phải là một điều bất ngờ, mà mọi người đã có thể đoán trước, từ khi hành pháp Hoa Kỳ, nhất là Ngoại trưởng Hillary Clinton và nguyên Tổng trưởng quốc phòng Robert Gates từng nhiều lần xác định trọng tâm chiến lược của Hoa Kỳ trong thế kỷ 21 là châu Á.
Gần đây hành pháp Mỹ chi nói thêm rằng châu Á đã trở thành trục chiến lược quốc tế của Mỹ, và nay ông Tổng trưởng quốc phòng Mỹ nói rõ về tỉ lệ phối trí lực lượng 60-40 chia cho hai vùng đại dương. Ông Panetta còn liệt kê rõ rệt cả số lượng chiến hạm phân bố cho hai vùng chiến lược đó.

Mục tiêu: Trung Quốc.
Khi trọng tâm chiến lược rôi đến trục chiến lược Mỹ chuyển đổi như vậy, người ta nghĩ ngay đến Trung Quốc.
Tổng trưởng Panetta nhắc đến Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia châu Á đang phát triển mạnh cùng với Indonesia và Malaysia. Nhưng ông đồng thời nhấn mạnh đến hai cuộc chiến lớn trong thế kỷ 20 đã phát khởi từ châu Á.
Thế chiến thứ hai từ châu Âu đã lan ra toàn thế giới khi Nhật oanh kích Pearl Harbor. Chiến tranh Triều tiên cũng bùng nổ tại châu Á, với tác nhân Trung Quốc và Bắc Hà.
Tổng trưởng quốc phòng Mỹ kể lể về những khó khăn kinh tế, tài chính, ngân sách, như những lý do khiến Mỹ phải chọn lựa ưu tiên chiến lược đồng thời giản lược , linh động, hiện đại hoá lực lượng quân sự không lồ của mình.
Nhưng trên thực tế, nguyên do đầu tiên và trên hết khiến Washington phải chuyển trục chiến lược sang châu Á chính là do Trung Quốc đã chuyển mình nhanh chóng để trở thành một lực lượng kinh tế quân sự hùng mạnh đáng nể vì. Song song, là quan niệm bành trướng quân sự đi đôi với tham vọng bành trướng lãnh thổ mà Bắc Kinh không cần dấu diếm. Hoa Kỳ đã khai triển quan niệm chiến lược mới rất kịp thời.
Ông Panetta nói đến việc khôi phục và củng cố các liên minh quân sự song phương sẵn có như Australia, Nhật, Hàn quốc, Philippines, và Thái Lan, đồng thời tăng cường đối tác với nhiều nước châu Á khác trong đó có Việt Nam. Sau đó ông đi thăm Việt Nam và Ấn Độ. Hành động đó mang ý nghĩa gì?

Cam Ranh và Scarborough
Nhà lãnh đạo quốc phòng Mỹ đã bày rõ một bàn cờ trên Thái Bình Dương với những trục liên minh rộng lớn chi chít.
Ông không quên nhắc đến Trung Quốc như một đối tác không khác nào những nước đối tác châu Á kia, nhưng việc đến thăm Việt Nam ở tại cảng Cam Ranh đã mang ý nghĩa một dấu hiệu của sự quan tâm đến tình trạng đối đầu mà Trung Quốc gây ra với Việt Nam và Philippines, mặc cho các bên liên quan gọi đó là hợp tác, đối tác hay gì chăng nữa.
Chuyến ghé Cam Ranh của ông Tổng trưởng quốc phòng tiếp theo những chuyến cặp bến Đà nẵng của các chiến hạm tối tân nhất thuộc đệ thất hạm đội, cũng như lần cặp bến Subic Bay của tàu ngầm tấn công USS North Carolina, tức là toàn những căn cứ cũ của hạm đội 7, đã cho thấy rõ lời cảnh báo rằng Hoa Kỳ không hề rời mắt khỏi những vụ đụng chạm, khiêu khích, lấn lướt của ai đó trên biển Đông, từ Hoàng Sa ngoài khơi Đà Nẵng-Quảng Ngãi- Cam Ranh cho đến bãi cạn Scarborough.

Điều gì mâu thuẫn?
Nói rằng ông Panetta cũng nhắc đến Trung Quốc như một đối tác không khác nào những nước kia, nhưng lại cảnh báo Trung Quốc là Mỹ luôn luôn lưu ý đến sự bức hiếp đối với Việt Nam, Philippines nhưng đồng thời vẫn nói đứng trung lâp trong mọi tranh chấp, liệu có gì mâu thuẫn chăng?
Trong những lời phát biểu của Tổng trưởng Panetta tại Singapore thì ông biện minh rằng không có gì mâu thuẫn giữa chiến lược mới của Hoa Kỳ với quyền lợi của Trung Quốc. Ông Panetta, cũng như Ngoại trưởng Clinton trước đây, cố giải thích rằng nỗ lực tăng cường sự can dự của Mỹ ở châu Á Thái Bình Dương hoàn toàn phù hợp với đà phát triển và tăng trưởng của Bắc Kinh, còn làm lợi cho Trung Quốc về mặt an ninh và thịnh vượng chung với Hoa Kỳ nữa.
Tổng trưởng quốc phòng Mỹ nêu ra những nguyên tắc duy trì an ninh thịnh vượng cho khu vực châu Á Thái Bình Dương, và kêu gọi Trung Quốc tham dự vào những kế hoạch giao tiếp và hợp tác về quân sự trong những lãnh vực cứu trợ nhân đạo, chống ma tuý, chống phổ biến vũ khí, thực hiện trách nhiệm trong vấn đề an toàn cho không gian ảo cũng như ngoại tầng không gian …
Ông Panetta có ý khuyến dụ rằng một khi Trung Quốc chấp nhận luật chơi trên một sân đấu công bằng cùng tranh đua phát triển, thì nền an ninh trong hoà bình của toàn khu vực cũng được duy trì để các nước dồn hết nỗ lực vào sự phát triển, tránh hoạ chiến tranh chỉ gây đổ vỡ và làm chậm tiến.

171 tàu chiến chỉ để ngắm hoàng hôn?
Rõ ra là lực lượng quân sự Mỹ dàn trải và tung hoành khắp Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương chỉ để “bảo vệ an ninh” cho tất cả các nước, kể cả Trung Quốc! Để chống lại ai? Chống thiên tai? Chống ma tuý? Chống tai nạn trên biển? Hay phải có hạm đội 7 để chống hải tặc?
Nói đến ba nguyên tắc chung gọi là để duy trì an ninh thịnh vượng nhưng dường như toàn là những nguyên tắc thực hiện để tăng cường, phối trí và phô diễn sức mạnh quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Nguyên tắc đó thứ nhất là tuân thủ luật lệ và trật tự quốc tế để tăng tiến hoà bình và an ninh chung. Thứ hai là củng cố và mở rộng các liên minh song phương và đối tác đa phương, trong đó Nhật Bản và Hàn quốc giữ vai trò hai liên minh then chốt như hai họng súng hướng vào thái dương Hoa Lục, không kể tới Đài Loan đã được mua thêm vũ khí tối tân như con dao ngắn hờm sẵn sát sườn từ ngoài bờ biển Phúc Kiến.
Và xếp hàng sau những liên minh song phương giữa Mỹ với Philippines, Thái Lan, còn những quan hệ “đối tác” song phương với Malaysia, Singapore, Indonesia, Ấn Độ... hình thành mạng lưới dày vây quanh người khổng lồ mới lớn kia. Chỉ còn thiếu Việt Nam ở sát đáy phía Nam, vì một số nhỏ người Việt còn đang chần chờ, rụt rè, e ngại.
Tăng cường và thực hiện hai nguyên tắc trên, Tổng trưởng quốc phòng Mỹ công bố nguyên tắc thứ ba: duy trì hiện diện quân sự tại Đông bắc Á và tăng cường sự hiện diện quân sự tại Đông Nam Á và Ấn Độ Dương, đồng thời đầu tư thêm cho nhu cầu phô diễn sức mạnh và khả năng hoạt động trên toàn bộ khu vực này.
Đến đây hẳn có thể kết luận chiến lược của Mỹ cho thế kỳ 21 chuyển trục về châu Á là để kềm chế Trung Quốc.
Mục đích chẳng khác nào be bờ ngăn chặn trước kia, nhưng lần này Mỹ khuyến khích Trung Quốc hãy khôn ngoan chăm lo phát triển trong hoà bình, đừng gây chiến ức hiếp các nước nhỏ, và cho thấy rõ các chiến hạm của Mỹ sẽ không để vùng biển Đông Nam Á với đầy quyền lợi chung của Hoa Kỳ với các nước địa phương rơi vào vòng khống chế và tước đoạt của Thiên Triều Bắc Kinh.

Nếu Hoa Kỳ không nhắm mục đích ấy, mà chỉ mong hợp tác hoà bình ở lục địa châu Á và các quốc gia biển đảo Á Châu, thì chắc Ngũ Giác Đài đem sang vùng biển Thái Bình hơn 170 chiến hạm từ hàng không mẫu hạm đến tàu tuần duyên hiện đại cùng với lực lượng không quân yểm trợ và tấn công, và mở thêm căn cứ không hải thuỷ bộ ở Bắc Úc nữa, hẳn là chỉ để ngắm cảnh hoàng hôn yên bình trên Thái Bình Dương!

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.



No comments:

Post a Comment

View My Stats