Saturday 23 June 2012

THƯ VIỆN VIỆT NAM 14 NĂM TRONG LÒNG LITTLE SAIGON (Ngọc Lan / Người Việt)




Ngọc Lan/Người Việt
Friday, June 22, 2012 7:29:25 PM

GARDEN GROVE (NV) - Năm 1998, khởi đi từ suy nghĩ “phải làm gì đó để gìn giữ sách và tài liệu của quốc gia Việt Nam và Việt Nam Cộng Hòa” mà cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, nha sĩ Võ Trọng Nhi, nhà văn Trần Lam Giang, nhà văn Nguyễn Ðức Lập, và nhà báo Du Miên cùng nhau lập nên Thư Viện Việt Nam tại Santa Ana, thuộc quận Cam. Năm 2004, thư viện được dời về Garden Grove.

Cắt bánh mừng sinh nhật Thư Viện Việt Nam năm 2009. (Hình: Người Việt)

Thoáng chốc, vậy mà 14 năm đã trôi qua.
Vào lúc 11 giờ sáng Chủ Nhật này, 24 Tháng Sáu, Thư Viện Việt Nam sẽ tổ chức sinh nhật lần thứ 14 tại trụ sở 10872 Wesminster Ave., Ste. 214-215, Garden Grove, CA 92843.

***

Nhà báo Du Miên nhớ lại, “Thoạt đầu mới thành lập, mỗi người mang sách từ nhà của mình đóng góp vào, được vài ba trăm quyển. Sau đó bạn hữu nghe tin cũng mang sách đến.”
Người này truyền người kia, chỉ trong vài tháng “đã có 5, 6 ngàn quyển sách, đủ các loại sách xuất bản tại Hoa Kỳ, và trước 1975. Tuyệt nhiên không có sách xuất bản tại Việt Nam,” nhà báo Du Miên nói tiếp.

Với trên dưới 100 thiện nguyện viên, từ người cao tuổi đến các em sinh viên, Thư Viện Việt Nam là nơi duy nhất mở cho mọi người đến đọc sách 6 ngày/tuần.
Hiện thư viện có 3 chi nhánh, ở Tampa (Florida), Orlando (Florida), và Seattle (Washington).

Theo lời nhà báo này, độc giả của Thư Viện Việt Nam thường là những người cao tuổi đến đọc các loại báo, đọc sách truyện. Sau 4 giờ chiều hay cuối tuần, các em học sinh có những bài học tìm hiểu đến lịch sử văn hóa Việt Nam cũng tìm đến đó để có người giúp, nếu có hẹn trước. “Còn hướng dẫn những bài tập thông thường như phong tục tập quán Việt Nam, cách xưng hô của người Việt Nam thì lúc nào cũng có người hướng dẫn liền.”
“Bên cạnh đó, việc tiếp các phân khoa đại học có dạy hoặc học tiếng Việt hay những vấn đề liên quan đến Việt Nam, hay những nhà làm phim có liên quan đến Việt Nam đến xin chụp hình hay mượn tài liệu trao đổi” cũng là một hoạt động thường xuyên của Thư Viện Việt Nam.

Là một trong những người sáng lập nên Thư Viện Việt Nam ngay trung tâm thủ đô tị nạn Việt Nam, nhà báo Du Miên chia sẻ, “Ngoài mục đích thu gom, sưu tập những tài liệu sử sách bị hủy diệt vì chính trị hay vì hoàn cảnh chiến tranh mất nước, một hoạt động cũng không kém phần quan trọng của thư viện là in những cuốn sách về văn hóa và lịch sử Việt Nam.”
Một số sách đã được Thư Viện Việt Nam cho in, có thể kể đến là bộ Cổ Tích Việt Nam, gồm 3 tập, dày 1,500 trang, được xem là “bộ cổ tích trung thực nhất vì cha mẹ kể làm sao, giáo sư Trần Lam Giang kể lại như vậy. Bây giờ bộ này đã được dịch ra tiếng Anh, sắp sửa tung ra DVD, CD cho đồng bào, sau khi được cung cấp miễn phí cho tất cả các trung tâm Việt ngữ trên toàn thế giới ngay khi phát hành.”

Một quyển sách khá nổi tiếng được Thư Viện Việt Nam in và giới thiệu là “Bách Việt Tiên Hiền Chí” của sử gia Âu Ðại Nhậm.
Theo lời nhà báo Du Miên, “Hơn 550 năm về trước, Âu Ðại Nhậm viết xong bộ sử này thì người Trung Hoa sợ người Việt biết nguồn gốc lịch sử của mình nên họ mang giấu vào Tứ Khố Toàn Thư, khiến không ai tìm ra được quyển này, từ thời phong kiến, đến thời VNCH, cả ở miền Bắc đều tìm không ra.”
Ðiều may mắn khi sang đến Hoa Kỳ, “mình lại tìm được quyển 'Bách Việt Tiên Hiền Chí' của sử gia Âu Ðại Nhậm ở đây”.
“Kiếm xong thì lại phải đối chiếu xem đó có phải là sách thật hay không” và “Công trình dịch thuật, đối chiếu, chú thích quyển sách đó mất gần 20 năm” do nhà văn Trần Lam Giang cùng một số người thực hiện.

Nhà báo Du Miên cho rằng, giá trị của quyển sách này nằm ở chỗ “có tiết lộ nhiều chi tiết liên quan đến nguồn gốc người Việt của mình” và “khi phát giác ra quyển sách này và in ra năm 2006, nó gây chấn động trên thế giới, khiến các học giả từ Việt Nam cũng như các nước có thêm khuynh hướng đi tìm và chứng minh thêm những cái gì là của Việt Nam, cái gì là của Trung Quốc.”
Ðặc biệt, “Nó giúp cho người Việt Nam bớt đi sự tự ti mặc cảm, và không còn cảm thấy sợ người Trung Hoa nữa.”

Tiếp theo, quyển sách song ngữ Anh-Việt mang tên “Việt Nam: Suối Nguồn Văn Minh Phương Ðông” của tác giả Du Miên cũng được tái bản 3 lần. Ðây là quyển sách “lấy sử ký Tư Mã Thiên để chứng minh Khổng Tử và vua nhà Chu học văn hóa Việt Nam để mang về dạy cho người Trung Hoa. Nhiều đại học nổi tiếng như Oxford ở Anh, Stanford, UC Berkeley, UC Irvine ở Mỹ và Sorbonne ở Pháp, đều có đặt mua để sinh viên tham khảo bản tiếng Anh.”

Không chỉ là sách báo, Thư Viện Việt Nam còn là một bảo tàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, mỹ thuật Việt Nam từ thời hậu Lê với một số đồ cổ có giá trị. Hội trường của Thư Viện Việt Nam với 148 chỗ ngồi, hoàn toàn miễn phí, cũng là nơi thường xuyên tổ chức các sinh hoạt của một số hội đoàn trong vùng quận Cam.

***

14 năm chặng đường không ngắn của Thư Viện Việt Nam, nhưng nhìn lại nhà báo Du Miên cho rằng “đó chỉ mới là bắt đầu”.
Ông nói bằng giọng tâm tình, “Biết là tốn công tốn sức, nhưng nếu chúng tôi không làm từ 14 năm trước thì làm sao bây giờ có gần 60 ngàn đầu sách và một số đồ cổ có giá trị từ thời nhà Lê? Giai đoạn sưu tập coi như đã xong. Giờ là giai đoạn thứ hai, giai đoạn vi tính hóa mọi tài liệu của thư viện để bỏ vào một website, để tất cả mọi người trên thế giới có thể dùng được hết khi cần.”

Thế nhưng, để làm được việc này, “cần phải có bàn tay góp sức của những bạn trẻ gốc Việt từ Mùa Hè này”.
“Mơ ước của thư viện là kêu gọi các thế hệ con cháu gốc Việt cùng xúm tay vào đánh máy các tài liệu thu thập được xưa nay. Chúng tôi già rồi, chỉ làm được đến chừng đó. Giai đoạn thứ nhì là phải cần các bạn trẻ.”
Những ai muốn góp một bàn tay cùng Thư Viện Việt Nam lưu giữ lại những sách báo, tài liệu quý giá này, có thể liên lạc đến thư viện qua số điện thoại (714) 590-6190.

––

Liên lạc tác giả: NgocLan@nguoi-viet.com





No comments:

Post a Comment

View My Stats