Tài liệu tham khảo đặc biệt của THÔNG TẤN XÃ VIỆTNAM
Posted by basamnews
on 10/06/2012
Theo “Thời báo Nhật Bản” số ra ngày 1/6,
Thị trưởng Tôkyô Shintaro Ishihara — từ lâu vốn nổi tiếng là không thích nước
Mỹ – đang cất lên một làn điệu mới trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường sức
mạnh hải quân ở các vùng biển giàu tài nguyên của châu Á.
Vậy
là ngay cả chính trị gia dân tộc chủ nghĩa hàng đầu của Nhật Bản này dường như
cũng bắt đầu nghĩ rằng sự ủng hộ của Mỹ là cần thiết để đáp trả thách thức hàng
hải mà “gã khổng lồ” Trung Quốc đang ngày một phình to ở đại lục tạo ra.
Vào giữa tháng Tư vừa qua, cựu tác giả 79
tuổi này đã khiến chính quyền trung ương một phen choáng váng khi tuyên bố
Chính quyền thành phố Tôkyô có kế hoạch mua lại một số đảo thuộc Quần đảo
Senkaku (Điếu Ngư) trên biển Hoa Đông do phía Nhật Bản kiểm soát nhưng cả Trung
Quốc và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền.
Thông báo gây tranh cãi này – xuất hiện
trong một bài phát biểu của ông Ishihara tại trụ sở của Quỹ tài trợ Heritage có
trụ sở tại Oasinhtơn (Mỹ) – được coi là nỗ lực nhằm thúc giục Chính phủ Nhật
Bản kiểm soát các hòn đảo thuộc sở hữu tư nhân này.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng
ông Ishihara không chỉ hướng những bình luận của mình đến “thính giả Nhật Bản”
mà còn muốn các quốc gia chuyển mũi công kích về phía Trung Quốc, đồng thời
thắt chặt quan hệ với Mỹ để đảm bảo an ninh hàng hải ở khu vực châu Á — Thái
Bình Dương.
Quả thật, tuyên bố của ông Ishihara ít
nhiều đã thúc đẩy nhận thức chung về vấn đề Senkaku, giúp Chính quyền Tôkyô
nhận được hơn 950 triệu yên tiền quyên góp mua 3 hòn đảo, thuộc sở hữu của một
doanh nhân ở tỉnh Saitama, từ người dân tính đến cuối tháng Năm vừa qua.
Chính quyền của Thủ tướng Yoshihiko Noda đã
phải hứng chịu sự chỉ trích vì do dự trước việc quốc hữu hoá một số hòn đảo
thuộc Senkaku có thể khiến Trung Quốc tức giận. Nguồn tin thân cận với quan hệ
Mỹ- Nhật cho biết: “Theo cách đó, ông Ishihara có thể đã đạt được một trong số
những mục đích của mình. Tuyên bố của ông Ishihara có thể chỉ để chọc tức Trung
Quốc”. Những quan ngại đối với tham vọng của Bắc Kinh trên biển Hoa Đông đang
ngày càng trở nên căng thẳng hơn kể từ vụ va chạm năm 2010 giữa hai tàu tuần
tra Nhật Bản và một tàu cá Trung Quốc gần quần đảo này. Nguồn tin này cho biết:
“Nếu một cuộc xung đột giữa Nhật Bản và Trung Quốc thực sự bùng phát, Chính
quyền Tôkyô sẽ không có cách nào giải quyết được vụ này. Ishihara chẳng có gì
ngoài sự thiếu trách nhiệm”.
Tuy nhiên, Thị trưởng Tôkyô đã rũ sạch
những lời chỉ trích như vậy khi ông cố ý khiêu khích Trung Quốc bằng cách viện
tới sự hậu thuẫn của Mỹ. Tại cuộc họp báo ở Tôkyô cuối tháng Tư vừa qua,
Ishihara tuyên bố Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật sẽ “lập tức có tác dụng” một khi
Trung Quốc có hành động quân sự gần Senkaku và nhấn mạnh rằng các đảo tranh
chấp là một phần của lãnh thổ Nhật Bản. Ông cho biết: “Nhật Bản cần phải tự bảo vệ mình thông qua mối quan hệ hợp tác với Mỹ
và trong một số trường hợp cần phải lên tiếng rõ ràng với Trung Quốc, đồng thời
dọa sẽ cầu viện tới hiệp ước an ninh”.
Rõ ràng, Thị trưởng Ishihara đang ám chỉ
đến việc Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hồi tháng 9/2010 từng khẳng định Quần
đảo Senkaku được Hiệp ước này bảo đảm theo đó cho phép Oasinhtơn đáp trả hành
động quân sự nhằm vào lãnh thổ Nhật Bản.
Trong cuốn sách xuất bản năm 1989 “Nhật Bản
có thể nói không” – Ishihara là đồng tác giả với Chủ tịch Tập đoàn Sony Akio
Morita, vị thị trưởng này có đoạn viết Nhật Bản Cần nói với Mỹ rằng Tôkyô có
thể tự bảo vệ mình. Tuy nhiên, ông Ishihara giờ có vẻ như đã nhận thức được
rằng không thể đương đầu với sự gia tăng quân sự của Trung Quốc mà không cần
đến hỗ trợ của Mỹ.
Giáo sư Đại học Takushoku, Takashi
Kawakami, cho biết trong bối cảnh sức mạnh của Nhật Bản đang suy yếu về mọi
mặt, bao gồm cả kinh tế và quốc phòng, “ông Ishihara dường như đang toan tính
làm sao để lôi kéo Mỹ vào cuộc đối đầu trên biển với Trung Quốc”. Sự thay đổi
quan điểm của Ishihara cho thấy các nước cạnh tranh với Trung Quốc – không chỉ
có Nhật Bản mà cả Philippin và Việt Nam, hai nước không hài lòng với những
tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên biển Đông – đang buộc phải dựa nhiều hơn
vào Mỹ.
Các tàu Trung Quốc liên tục xuất hiện tại
khu vực giáp ranh Senkaku trên biển Hoa Đông trong khi tàu Philippin và Trung
Quốc mới đây cũng xuất hiện nhiều trên biển Đông. Bắc Kinh ám chỉ vùng biển này
là một phần trong “lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”, thuật ngữ mà nước này
thường sử dụng đối với vấn đề Đài Loan và các vấn đề lãnh thổ khác – nơi mà tư
tưởng độc lập vẫn tiếp tục âm ỉ – thổi bùng lên những quan ngại về sự gia tăng
quân sự của Trung Quốc. Trong khi đó, Oasinhtơn đang chuyển trọng tâm chiến
lược quân sự sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương và tin tưởng sự ổn định của
khu vực này có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đổi lại sẽ có tác động
tích cực tới kinh tế Mỹ.
Giáo sư Kawakami cho biết: “Những lợi ích của Mỹ rõ ràng đồng nhất với lợi ích của các nước ở châu
Á – Thái Bình Dương. Mỹ có thể thúc đẩy hơn nữa quan hệ với các nước chống
Trung Quốc theo đó sẽ làm thay đổi tình hình an ninh khu vực”.
Ôxtrâylia, Nhật Bản, Philippin và Việt Nam – nước từng có đụng độ với Trung
Quốc trên biển Đông những năm 1980 – đã tiến hành các cuộc tập trận chung với
Hải quân Mỹ, dường như để tăng cường răn đe nhằm vào Trung Quốc.
Các nhà phân tích khác lại cho rằng
Ishihara ám chỉ rằng Nhật Bản cần có sáng kiến tăng cường mối liên minh với Mỹ
như một cách để chặn đứng những tham vọng bá quyền của Trung Quốc và rằng các
quốc gia Đông Nam Á cũng hy vọng Nhật Bản làm như vậy.
Trong một tuyên bố hồi năm ngoái, Tổng
thống Philippin Benigno Aquino III khẳng định: “Đất nước chúng ta chưa từng có
những người bạn lớn hơn Mỹ và Nhật Bản”. Đặc biệt, ông Aquino còn khẳng định:
“Thời gian đã chứng minh rằng chúng ta có thể trông mong vào những đồng minh
như họ và tôi tin rằng họ sẽ luôn sát cánh cùng chúng ta nếu xuất hiện mối đe
dọa đối với an ninh và chủ quyền của chúng ta”.
Rõ ràng, những tranh chấp kéo dài ở biển
Đông là một trong những quan ngại an ninh nghiêm trọng và lâu dài ở khu vực
này. Trung Quốc, Đài Loan và 4 nước Đông Nam Á gồm Brunây, Malaixia, Philippin
và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải đối với một phần hoặc
toàn bộ khoảng 100 đảo san hô, vỉa đá ngầm và các đảo nhỏ được cho là nằm bên
trên lớp trầm tích có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt khổng lồ.
Giáo sư Đại học Quốc tế Nhật Bản, Tomohito
Shinoda, cho biết đối với Nhật Bản, sự ổn định ở biển Đông là “vô cùng quan
trọng” vì dầu mỏ mà Tôkyô nhập từ Trung Đông được vận chuyển qua vùng biển này.
Theo ông Shinoda, để ngăn chặn Trung Quốc mở rộng các hoạt động trên biển, Nhật
Bản cần tăng cường quan hệ với các nước khác, trong đó có các quốc gia Đông Nam
Á, mà trung tâm của nó là liên minh Mỹ-Nhật.
Ông Ishihara – giữ chức vụ thị trưởng Tôkyô
từ năm 1999 – là anh trai của ngôi sao điện ảnh quá cố Yujiro Ishihara. Ông
Yujiro, mất năm 1987 khi mới 52 tuổi, cũng là một ca sĩ nổi tiếng của Nhật Bản.
Một cựu nhân viên đài truyền hình ở Tôkyô từng chia sẻ: “Khi tôi nhắc lại kỷ niệm
cũ, ông Ishihara nói rằng ông ấy có thể hát tốt hơn Yujiro. Và bài hát mới của
ông ấy dành cho nước Mỹ có thể tác động thực sự an ninh ở khu vực châu Á – Thái
Bình Dương”./.
No comments:
Post a Comment