Friday, 1 June 2012

QUỐC TẾ TỒNG NGỒNG (Xích Tử)




Xích Tử
Thứ Sáu, 01/06/2012


Lột trần bộ mặt của đảng/Biếm họa Babui (Danlambao)

Nghe đưa tin, những ngày này, tại thủ đô Athene của Hy Lạp, 800 đại biểu nữ ưu tú, trong đó có các yếu nhân, chính khách đến từ nhiều nước, bao gồm nữ Phó Chủ tịch nước Việt Nam, tham dự hội nghị “thượng đỉnh” của phụ nữ thế giới. Cùng với những hoạt động sôi nổi nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8.3, đây là một sự kiện lớn của phụ nữ trong năm 2012. Tất cả các vị đại biểu dự hội nghị, qua màn ảnh truyền hình, đều xinh đẹp, quan trọng và sang trọng, với váy áo, với những cánh tay trần, với những trang sức đắt tiền và ấn tượng.

Nghe đưa tin, những ngày này Quốc hội đang họp. Nhiều nữ đại biểu đăng đàn phát biểu, thảo luận, gặp gỡ báo chí, cũng xinh đẹp, rực rỡ, sang trọng, đầy trách nhiệm.

Trong và trên những diễn đàn ấy, người phụ nữ đều xứng danh là chính khách, ngang ngửa với các bậc mày râu để lo cho nhân loại những vấn đề quan trọng về chiến tranh, đói nghèo, bạo lực và khủng bố, bất bình đẳng trong thu nhập, chất lượng sống và giới, suy thoái môi trường…

Cũng nghe đưa tin, dù không được là chính thống, những ngày vừa qua, có mẹ và con gái ở tuổi 33 trong một gia đình ở huyện Cái Răng, Thành phố Cần Thơ đã khoả thân để ngăn cản việc cưỡng chế thu hồi đất, nói nôm na là cởi truồng để giữ đất. Đây là hiện tượng vô tiền khoáng hậu trong lịch sử xử lý quan hệ về đất đai giữa nhà nước và người dân ở Việt Nam và có lẽ ở rất nhiều nước. Thời cải cách ruộng rất ở miền Bắc, tình hình bức xúc, căng thẳng hơn nhiều, song cách tự xử để đề kháng của những “địa chủ” oan uất phần lớn là tự tử, kẻ bờ sống, gốc suối, người treo cổ trong đền miếu vắng khuất ở cuối làng, ung dung tựu nghĩa. Những cái chết thầm lặng, không có chuyện chụp ảnh quay phim, lên mạng ấy rồi cũng chìm vào quên lãng trong các dòng thác cách mạng chảy ngược vào lịch sử. Còn sự cố ở Cái Răng thì thật nhạy cảm, cả về cách thức phản kháng lẫn tốc độ và đặc trưng miêu tả trong các hình thức thông tin. Bộ ảnh tung lên mạng có cảnh một bàn tay của nhân viên bảo vệ đặt phía trước (xa) vùng kín của cô con gái; một ảnh khác cho thấy một bảo vệ không rõ nam hay nữ đang nằm đè trên cô gái với tư thế rất sex; nhiều ảnh miêu tả bà mẹ khoả thân hoàn toàn, đang đứng trước nhóm bảo vệ hoặc bị lôi đi trên nền đất cỏ với mức sinh động còn hơn cảnh bọn thực dân đối xử với các nhóm thổ dân hoang dã Nam Mỹ vài thế kỷ trước.
Sự phản cảm của những tấm ảnh đó làm nhục cả một chế độ, một dân tộc, và trước hết, với phụ nữ. Đối với người phụ nữ Việt Nam, trừ việc tắm rửa ở sông suối, ở ao giếng làng ngày xưa, hành vi ở truồng ra trước đám đông thanh thiên bạch nhật như vậy là không có, không dễ. Sự kín đáo đó, chúng ta gọi là thuần phong mỹ tục. Chính vì giá trị này của văn hoá dân tộc mà suốt thời gian qua, nhiều diễn đàn quản lý, thông tin, chúng ta bàn nhiều về việc ăn mặc hở hang của sinh viên, của thanh niên, của teen, của các ngôi sao biểu diễn; đến mức đã thống nhất việc xử lý phạt hành chính bằng tiền đối với một số đối tượng này, trong khi việc hở hang có khi là nhu cầu, là cách thức câu khách, làm tiền của họ.

Với mẹ con người nông dân ở Cái Răng, việc khoả thân ra không vì nhu cầu đó. Họ dùng sự tồng ngồng của họ không vì những lợi ích do cái/sự tồng ngồng đó trực tiếp tạo ra, mà vì muốn giữ một lợi ích khác: đất đai, vốn do họ mua, là tài sản sở hữu của họ. Vì tiếc cái tài sản đó, vì sự uất ức do tài sản bị cướp oan, họ đã vượt qua hổ thẹn, vượt qua sự kín đáo truyền thống, vượt qua thuần phong mỹ tục, để tồng ngồng trước đám đông, trước công quyền, trước pháp luật, trước chế độ. Với bà mẹ, có lẽ áp lực tâm lý còn tự chữa được; song cô con gái là một thân phận chưa chồng, đang làm viên chức ở một doanh nghiệp tại Cần Thơ, thử nghĩ tâm trạng cô ấy khi trở lại chỗ làm ra sao. Nhưng không còn cách nào khác, đó là bước đường cùng, sau khi người cha đã dùng cách phản kháng của thế hệ trước – tự tử, không thành.

Các cấp chính quyền đang tìm hiểu, xử lý vụ việc. Dù gì thì pháp luật vẫn đúng và chính quyền Cái Răng cũng làm đúng pháp luật. Cái sai trong tất cả các trường hợp cuối cùng rồi cũng thuộc về dân. Trong trường hợp này, hành vi là chống người thi hành công vụ (luật pháp rồi sẽ điều chỉnh rằng bảo vệ của công ty cũng là người thi hành công vụ), là công xúc người thi hành công vụ, giống như vi cảnh về công xúc tu sĩ trong chế độ trước đây.

Song, liệu có cái sai đó của dân hay không nếu không có cái pháp luật như vậy ở Việt Nam, nếu Việt Nam không có cuộc cách mạng để tìm đến thiên đường mà muốn đến thiên đường thì phải có cái pháp luật như vậy, cách thực thi pháp luật bằng cưỡng chế sex, cưỡng chế “ôm” như vậy.

Xử lý theo lý luật thì dễ, nhưng cái nhục của dân tộc, của giới phụ nữ vì sự tồng ngồng ra thì không dễ gì quên. Không biết trong số các đại biểu ưu tú của nữ giới đang ở Athene hay đang họp Quốc hội ở Việt Nam, có ai đã xem những bức ảnh của vụ việc đó. Nếu có xem nhưng chẳng có ý kiến gì, chẳng làm gì được hoặc chẳng làm gì, hãy chuẩn bị cho một ngày 8.3 về sau với tên gọi Quốc tế tồng ngồng, Quốc tế nồng nỗng và thay vì trèo lên ngọn dừa đái xuống để đánh giặc sướng bằng tiên như chị Út Tịch, hãy huy động sức mạnh đấu tranh của phụ nữ vì sự tiến bộ của nhân loại bằng hình thức mới của Việt Nam: tồng ngồng giữ đất.

Cộng sản ơi, sao nỡ với đất nước, với dân tộc, với nhân dân như vậy?

Xích Tử





No comments:

Post a Comment

View My Stats