Sunday 24 June 2012

P[HỎNG VẤN NHÀ VĂN TRẦN KHẢI THANH THỦY NHÂN NGÀY CHỊ ĐẾN ATLANTA (Tạp chí Rạng Đông / Trần Khải Thanh Thủy)




05:59:am 24/06/12

- Chào chị, xin chị cho biết sơ lược về tiểu sử và sự nghiệp?

Tôi sinh cuối năm 1960, trong khi Tố Hữu vung bút ngợi ca:
“Chào 61 đỉnh cao muôn trượng
Ta đứng đây mắt nhìn bốn hướng
Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau.
Trông Bắc, trông Nam trông cả địa cầu
Thì mẹ tôi đứng trên gác tư của phòng làm việc, mắt nhìn…một hướng duy nhất, xuống cái…bụng chửa vượt mặt của mình. Và dù có “trông bắc, trông Nam trông cả địa cầu cũng không ngoài… bệnh viện phụ sản.
Hồi đó, từ năm một nghìn chín trăm…đã lâu, nó có tên là “Bệnh viện bà mẹ và trẻ em”. Sau này do tính chất phi nhân của nó mà người dân đặt thành: “Bệnh viện …mặc mẹ bà mẹ và trẻ em”. Kèm câu ca nổi tiếng:
Có tiền thì có tình thương
Không tiền… mặc sức kêu suông, hỡi người (!)

Lên 6 tuổi, tôi đi học, buộc phải trở thành.. cháu oan của bác, bị đầu độc, nhồi nhét đủ mọi thứ. Nào: “Có sách mới, áo hoa, đây là nhờ ơn đảng ta, vui tung tăng em ca có đảng cuộc đời nở hoa”. Còn tôi – như một con “quắm già”, chỉ cảm nhận điều ngược lại, có sách mới áo hoa đều do mẹ thắt lưng buộc bụng, ngồi lồng chun quần cho mậu dịch hàng năm trời , mới đủ tiền mua mà vừa kịp phơi ở dây phơi ngay trước cửa nhà đã bị mất cắp. Nghĩa là …áo mặc một lần, rồi không cánh mà bay. Sau đó ít lâu, tôi bị bệnh thấp khớp, mắt cá chân sưng vù như quả ổi, còn cả bàn chân đỏ bầm, nhức nhối. Mẹ tôi phải cõng trên lưng đi bộ 19 km từ nơi sơ tán tại tỉnh Bắc Ninh ra Hà Nội để kịp tới bệnh viện trước khi trời sáng. Để thấp khớp không “đớp” vào quả tim non nớt, bé bỏng của tôi, ngày nào mẹ cũng phải cõng tôi đi học, vì bác sĩ khuyên tôi không nên chạy nhảy nhiều, sợ bệnh càng nặng thêm.
Suốt bao ngày trời ngồi trên lưng mẹ, chứng kiến nỗi vất vả, nhọc nhằn của mẹ, tôi buột miệng than:
Mẹ sinh con để làm chi
Vô duyên có dễ tới khi bạc đầu”

Thương mẹ, tôi cũng chỉ còn cách chúi đầu vào học, và trở thành sinh viên Đại học Sư Phạm, một trong những trường được coi là “trọng điểm” và “chuẩn mực” nhất nước khi ấy.
Ra trường, đúng vào thời kỳ tinh giản biên chế, chỗ đứng của con cái phụ thuộc vào túi tiền cha mẹ , nên tôi – vì hèn mẹ cha ( do đảng cướp hết quyền lợi) phải chấp nhận cảnh “đêm khuya thân gái dặm trường”, đi “khai sáng văn minh” cho đồng bào dân tộc. Câu thơ đầu tiên chép trong Nhật ký dạy học của đời tôi là:
Tôi lặng lẽ cúi đầu trong tiếng nấc,
Trên dặm đường trăn trở những buồn thương!

Bảy năm “ăn cơm rau vật nhau với trẻ” nơi núi đỏ rừng xanh, thì có lệnh tách tỉnh từ Hà Sơn Bình thành Hà Tây và Hòa Bình, tôi nghiễm nhiên được về “cửa ngõ thủ đô” là Hà Tây cách nhà 22 km, và yên phận làm một giáo làng đến năm 1993, nghĩa là tròn 33 tuổi thì có “mệnh trời”, trở thành phóng viên báo đảng và bắt đầu viết như một kẻ bị hành. Phần vì đam mê sáng tác, phần vì “văn chương hạ giới rẻ như bèo”…Cả gánh bèo bán cho trung ương mới được vài chục đồng đủ để ăn khoai lang trừ bữa trong một tuần. Cả tháng phải có khoảng 15-20 “gánh bèo” như thế mới có thể tạm đủ để thỏa mãn bần cố nông: “Cơm ba bát, áo ba manh, thuốc ba thăng (ba lần sắc).
Viết mòn cả ngòi bút mà nghèo vẫn hoàn nghèo, năm 39 tuổi tôi mon men viết báo Hải Ngoại và bắt đầu xây dựng sự nghiệp, tên tuổi trên chính bi kịch của đời mình. Sau đó, bị tên Jiu đa phản chúa Phạm Thị Lộc bán đứng bút danh Thái Hoàng- “thoáng hài” cho công an rồi bị bắt, như mọi người đã biết

- Động cơ nào thúc đẩy chị tham gia đấu tranh cùng dân oan? Xin chị cho biết cụ thể?

Đơn giản vì từ ngoài 30 tuổi tôi đã là thư ký trung thành của thời đại, hơn nữa tôi còn là nhà văn, luôn đứng về phía nước mắt, mà dân oan Việt Nam thì qúa khổ, câu ca dao để đời của họ là:
Ăn mày là ai, ăn mày là ta,
Bị đảng cướp đất hóa ra ăn mày!
Không bỏ qua được cả bể nước mắt của họ tuôn trào nức nở suốt ngày đêm, tôi đành lặn ngụp trong bể nước mắt ấy và viết lại những nỗi đau ròng ròng máu rỏ của họ gửi ra Hải ngoại, hy vọng gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh với đảng …cướp sạch và công an…ăn dân (!)

- Trong thời gian này, Cộng Sản đối xử với chị ra sao?

Cộng sản coi tôi là một kẻ bất trị nổi loạn nên tìm mọi cách để trừng trị , điển hình là nghị quyết CP, nghị quyết Chính Phủ, chính xác hơn là nghị quyết C. Phân. Không đối thoại được với tôi bằng lời, đảng dùng phân người thay cho miệng đảng, và tôi đã chụp lại thành tích của đảng để lưu lại cho đời sau như bà con đã thấy.
Nhờ có thư của Ông Brian Aggeler- Tham Tán Chính Trị Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ, Hà Nội (ngày 21 tháng 4 năm 2009) gửi Nguyễn Thanh Sơn- Chánh Văn Phòng Nhân Quyền của Bộ Công An để can thiệp về vấn đề này nên sau 4 tháng giằng co, tôi thoát khỏi cảnh tượng ô nhiễm trầm trọng … Cay cú vì trò bẩn bị chặn đứng ( bẩn như chính cái nền văn văn minh cùng chung hố xí do đảng sáng lập) đảng dựng vụ bắt tôi vào tù.
May mắn làm sao trời còn để tôi sống nhằm tố cáo việc làm bỉ ổi, mất dạy có một không hai của đảng, nên bức ảnh giả về một kẻ côn đồ thật (tay sai của đảng) đã bị giới truyền thông Hải ngoại bóc trần, và đảng đành phải thả tôi ra khi bộ ngoại giao Mỹ can thiệp.

- Với sự vận động của tổ chức nào, chị mới được chánh phủ Mỹ can thiệp cho chị định cư tại Hoa kỳ?

Tất nhiên có rất nhiều tổ chức và hội đoàn yêu nước can thiệp cho tôi, từ tổ chức Human Rights Watch, Ký Giả Không Biên Giới, Văn Bút Quốc Tế, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam v.v nhưng đảng Việt Tân mà tôi là một thành viên, vận động sâu rộng hơn cả.
Trước sự đàn áp dã man của đảng cộng sản (đã dựng vụ để đánh tôi trọng thương, còn bắt giam tôi 42 tháng tù). Trong tù còn bạo hành tôi cả về thể xác lẫn tinh thần. Nào vô cớ cắt thuốc suốt hai tháng, cốt để tôi chết dần chết mòn, rồi “cấm vận” tình cảm của tôi với tất cả tù thường phạm khác, mượn tay đầu gấu để đánh tôi hết lần này lần khác (có sự chứng kiến của dân biểu Na Uy – Piter Gitmark cũng như Ông Rolin Wavre, Tổng Bí Thư đảng Cấp Tiến tại Geneva- Thụy Sĩ) nên đảng Việt Tân đã quyết định vận động 19 dân biểu Mỹ và bộ trưởng bộ ngoại giao Hillary Clinton để tôi được ra khỏi tù.

- Được biết chị có những tác phẩm vạch trần tội ác của Hồ Chí Minh và tập đoàn Cộng Sản Việt Nam là những tác phẩm nào?

Một tập thơ “Nghĩ cùng thế sự” gồm chân dung của 15 nhà lãnh đạo Việt Nam, 15 củ khoai hà thối và “Hồ Chí Minh nhân vật trăm tên nghìn mặt” mà nội dung của nó là lột bỏ thần tượng Hồ Chí Minh. Trước đó (2007) là “viết từ hang đá , nhỏ lệ cùng dân” Nói về nỗi khổ của dân oan Việt Nam, như câu thơ bà con tự lột tả mình: Khổ ba họ, khó ba đời, tả tơi suốt kiếp làm người Việt Nam.” Còn 2010, sau khi ra tù lần đầu là” Ở tù Cộng sản đố ai không cười” ( Phần I) . 2012 là “Ở tù Cộng sản đố ai không cười” (Phần II)

- Những tác phẩm này được phổ biến qua hệ thống Internet và cơ quan truyền thông, trong đó có tờ báo Sài Gòn Nhỏ có đúng không? Nếu đúng, thì tại sao bây giờ báo Sài Gòn Nhỏ xoay 180 độ đánh phá Chị như vậy?

Có câu thành ngữ thế này:
“Yêu người vô lý thì hại người ta
Ghét người vô cớ hóa ra hại mình”
Cá nhân tôi chẳng hề biết gì về tờ Sài Gòn Nhỏ này, họ yêu tôi vô lý ra sao và ghét tôi vô cớ đến mức nào là quyền của họ. Yêu lấy được và ghét lấy được là cách thể hiện của một người không có lập trường, quan điểm, thiếu cả lòng tự trọng , danh dự vì như danh nhân thế giới nói: “Danh dự là sự hòa hợp tự nhiên giữa việc tôn trọng mọi người và tự tôn trọng chính mình”.
Còn tôi luôn hành xử theo nguyên tắc của mình: “Kiên nhẫn làm tròn bổn phận và giữ im lặng, đó là câu trả lời tốt nhất cho sự vu khống”. Nếu Sài Gòn Nhỏ thực sự quay ngược 180 độ thì tôi đành phải coi “cái dáng đẹp nhất của họ là dáng nhìn từ phía… sau lưng (!) đơn giản vì khi người ta không hiểu hay không hợp với mình thì có giải thích hay nài nỉ cầu xin cũng bằng thừa. Hãy để thời gian trả lời tất cả

- Mục đích chị đến Atlanta mong gặp gỡ đồng hương để nói lên điều gì ?

Như anh đã nói trong lời giới thiệu: Tôi đến để gặp gỡ và cảm ơn đồng bào tại Atlanta, những người đã giang rộng vòng tay nhân ái ra che chở, bao bọc tôi, cũng là nhường cơm xẻ áo cho tôi trong suốt những ngày đấu tranh tại quốc nội cả trong và ngoài nhà tù cộng sản. Ngoài ra cũng muốn kêu gọi bà con cùng đóng góp để yểm trợ cho các nhà đấu tranh dân chủ trong quốc nội, thông qua bữa cơm thân mật do ban tổ chức mời

- Chị có cảm tưởng thế nào khi chị đã đến thủ phủ Atlanta nói riêng và nói chung đối với đồng hương mà chị đã gặp nơi hải ngoại?

Dạ, rất tốt ạ, bà con luôn giang rộng vòng tay nhân ái chào đón tôi, coi tôi như người thân lâu ngày gặp lại, vẫn tiếp tục “nhường cơm xẻ áo” cho tôi trong những ngày đầu tiên tại nước Mỹ. Cái ơn của bà con đối với tôi là ơn sinh thành, cứu mạng .Nếu không có bà con cùng các tổ chức yêu nước tại Hải ngoại chắc tôi không đủ niềm tin để đối phó với mọi trò nhố nhăng, ươn hèn, hạ đẳng của đảng cộng sản trong suốt bao năm trời và hai lần tù đày như vậy.

- Xin cảm ơn chị đã dành cho tạp chí Rạng Đông chúng tôi trong cuộc tiếp xúc này. Kính chúc chị sớm bình phục sức khỏe và vững niềm tin đấu tranh vì lý tưởng tự do, dân chủ cho Quê Hương Việt Nam.

Cám ơn anh đã dành cho tôi cơ hội được trả lời phỏng vấn này, mong sự nghiệp đấu tranh dân chủ tự do và nhân quyền trên quê hương Việt Nam cũng sẽ được… rạng đông như cái tên của tạp chí.
Hy vọng 90 triệu người Việt Nam cả trong và ngoài nước sẽ hạ cả rừng cờ đỏ sao vàng xuống và nâng cốc chúc mừng cho đảng cộng sản sớm được mồ yên mả đẹp.

Phỏng vấn của Song An Châu (Tạp chí Rạng Đông)

Trần Khải Thanh Thủy gửi đăng




No comments:

Post a Comment

View My Stats