Sunday 24 June 2012

PHONG TRÀO CON ĐƯỜNG VIỆT NAM, KHÔNG DÀNH CHO "TRẺ EM" DƯỚI 18 TUỔI (Đinh Mạnh Vĩnh)




Đinh Mạnh Vĩnh
Gửi tới TTHN
24.06.2012 BTV

Vụ án Trần Huỳnh Duy Thức – Lê Thăng Long – Lê Công Định – Nguyễn Tiến Trung (sau đây gọi tắt là “vụ án”) có thể xem là vụ án “đáng sợ” đối với ĐCSVN, mặc dù so về mức độ sôi động kém hơn so với vụ án TS. Cù Huy Hà Vũ. Không khó khăn để nhìn thấy tính chất hai vụ án này hầu như khác nhau khá nhiều, mặc dù cùng mục tiêu “Nhân quyền – Tự do – Dân chủ” cho người Việt Nam.

Cái “đáng sợ” thứ nhất: Vụ án dưới mắt ĐCSVN đủ để “kết tội” là một tổ chức hoạt động chính quy, chuyên nghiệp, thách thức rất lớn đến sự lãnh đạo của ĐCSVN, trong khi vụ án TS. Cù Huy Hà Vũ đơn thuần là hoạt động đơn lẻ để bảo vệ luật pháp và dân oan. Có thể nói, cùng mục đích, nhưng vụ án TS. Vũ là phần nổi, phần ngọn. Nếu hoạt động của TS. Vũ thành công (ví dụ thắng kiện Nguyễn Tấn Dũng thì cũng có một ông CS khác lên thay) cũng không giải quyết tận gốc rễ vấn đề cho Việt Nam chúng ta.

Cái “đáng sợ” thứ hai: Phần lớn các tù nhân chính trị khác, sau khi ra tù hầu như lặng lẽ và hoạt động có vẻ biểu hiện mỏi mệt, sau nhiều năm lao ải. Đó là điều cần cảm thông và đáng tri ân. Nhưng các hoạt động này không tỏ ra là mối nguy hại dài lâu, mang chất gốc rễ, có chăng, nó chỉ làm ĐCSVN bực mình một chút và “chạy theo” quậy phá để các cựu tù nhân này thêm nản lòng. Ví dụ, chạy theo phá gia đình nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn, anh Phạm Bá Hải (vụ xây nhà), anh Phạm Hồng Sơn v.v… Mục đích của họ là triệt diệt tính KIÊN TRÌ – đức tính mà tôi nghĩ là quan trọng bậc nhất cho bất kỳ ai đã quyết lòng làm chính trị (bất kể vì lo cho vận mệnh dân tộc hay vì tranh quyền đoạt lợi). Đó chính là lý do tôi đánh giá cao hoạt động ngay tức thì của ông Lê Thăng Long. Đó cũng chính là mối băn khoăn nghi ngại của nhiều người (dù được mời hay không được mời tham gia sáng lập PTCĐVN), do nó “quá lạ” mà nhiều người không nghĩ tới.

I. Vụ án còn nhiều uẩn khúc?

Xem lại một số bài báo liên quan đến vụ án này, cho thấy còn nhiều điều đáng bàn.
Dù cả 4 người, các anh : Thức, Định, Long, Trung ra tòa cùng một ngày với vụ việc được cho là có “sự câu kết” và “hợp tác” chặt chẽ với nhau, như là những người cùng chí hướng. Có lẽ đây là lý do làm cho một số người thắc mắc, tại sao trong PTCĐVN không thấy có tên Nguyễn Tiến Trung với tư cách “đồng sở hữu dự án”?

Trả lời Đài VoA ngày 19/01/2010, ông Nguyễn Tự Tu – thân phụ của anh Trung cho biết (1):
Được gặp trong trại giam hôm 8/1. Trung nói rằng Trung làm gì cũng có nguyên nhân cả.
Trong cùng bài báo, ông Nguyễn Tự Tu cho biết thêm:
Gia đình rất tôn trọng Trung, không biết Trung có kháng án hay không. Thật sự bản tính của Trung là người rất thương dân và rất trong sáng. Còn tại sao Trung lại nhận tội thì ta nhìn vào cái toà án, ta thấy rồi. Như anh Trần Huỳnh Duy Thức đấy, anh ấy phản đối thì hậu quả ngay lập tức. Viện kiểm sát đề xuất 12-13 năm mà giờ thành 16 năm, rất kinh khủng. Người ta cố ghép cho tội thành lập tổ chức. Nhưng anh ấy chẳng có tổ chức nào, chỉ là nhóm nghiên cứu Chấn thôi, chả có tổ chức, tôn chỉ, mục đích, hay cương lĩnh hành động, điều lệ nào cả mà lại bị nặng nề như vậy.

Ngoài Đài VoA, bà Lê Thị Minh Tâm – thân mẫu của anh Trung cũng cho đài BBC biết (2):
LS của Trung nói khi đi bộ đội, Trung không can dự vào những vấn đề tiếp theo của anh Định và anh Thức. Trung không biết, không được chia sẻ bất kỳ thông tin nào.
Trung chỉ được giới thiệu với hai người này qua mạng internet mà hoàn toàn không biết mặt nhau.

Mọi người đều biết, phiên phúc thẩm, chỉ riêng có Nguyễn Tiến Trung là không kháng án. Ba người còn lại nhận án như dư luận biết rộng rãi, trong đó, anh Trần Huỳnh Duy Thức với án cao nhất 16 năm tù giam và 5 năm quản chế, trong khi anh Định y án sơ thẩm, anh Long án giảm còn 3 năm 6 tháng tù và 3 năm quản chế.

Cách đây không lâu, trước khi anh Long được trả tự do sớm 6 tháng so với bản án, dư luận dồn mắt vào chú ý đến việc Lê Công Định có thể được trả tự do và đi tị nạn chính trị tại Mỹ (3), tuy nhiên sau đó, công an Tp.HCM đã đến gặp người nhà của anh Định mà đài RFA đã phỏng vấn bà Ánh (chị dâu của anh Định) và nhận được câu trả lời như sau (4):
“Trước khi Định nộp đơn, Bộ Nội vụ có vô trại giam làm việc và hỏi ý kiến Định về việc họ tính cho Định đi tị nạn chính trị. Định mới nộp đơn đồng ý đi Mỹ ngày 23/11. Đến ngày 12/2, hai cán bộ Sở Công an thành phố tới nhà làm việc với mẹ của Định, đề nghị khuyên Định rút đơn xin đi Mỹ lại vì không có lợi. Mẹ Định vào thăm nói với Định, Định bảo đã quyết định rồi, không rút đơn lại. Từ ngày Định nộp đơn, nói chung cũng có nhiều áp lực. Người nhà tôi chỉ trông giải quyết cho Định được tự do. Nghe nói Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ đã làm việc xong rồi, không hiểu sao thành phố chưa chuyển đơn của Định lên trên. Tôi hỏi thăm Tòa đại sứ Mỹ, họ bảo chưa nhận được đơn đó. Tòa đại sứ cho biết Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ đồng ý cho Định đi tị nạn chính trị với điều kiện Định phải chịu định cư ở Mỹ. Định đã nộp đơn hợp lệ rồi, không hiểu lý do vì sao họ cứ đợi chờ.

Song song đó, bà Lê Thị Minh Tâm trả lời phỏng vấn đài BBC:
Bà Tâm cho biết bà và gia đình mới thăm con trai hôm 18 tháng Tám tại số 4 Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh, nơi mà thành viên lãnh đạo đảng Dân Chủ Việt Nam (mới), bị giam giữ cùng với một phạm nhân kinh tế. Về lý do Thạc sỹ Trung nhận tội, bà Tâm cho biết:
“Theo tôi vì cái áp lực của nhà tù là chính. Còn những việc làm của Trung, thì tôi nghĩ, Trung biết là Trung làm đúng, chứ không sai. Trung cũng động viên gia đình là vì nhiều nguyên nhân khác nữa mà Trung phải làm như vậy.”
“Những cái đó không thể đưa hết lên truyền hình đâu. Nhiều khi vì những áp lực với gia đình nữa, cho nên Trung không muốn ảnh hưởng đến bố mẹ… Trung rất thương gia đình. Có lẽ bây giờ chưa tiện nói ra, nhưng sau này các anh sẽ hiểu thôi.

Ngoài ra bà Tâm cũng khẳng định con trai mình:
“Trung có một niềm tin. Cái gì Trung không làm được thì mọi người tiếp tục làm… Tôi tin rằng con tôi vô tội. Tôi nghĩ rằng Trung không làm gì sai cả, chỉ có điều Trung đi hơi sớm, đơn lẻ, chứ không như tình hình bây giờ,” bà Tâm nhận định.
Được hỏi về tình hình ân xá với Tiến Trung, bà Tâm cho biết con trai bà đang tiến hành một số thủ tục: “Ở trong trại người ta đang bảo Trung làm một số đơn từ để xin khoan hồng, Trung cũng có thực hiện một số vấn đề. Người ta cũng hứa, nhưng hoàn toàn gia đình không nghe thấy gì cả.”

So với lời bạch hóa mới nhất của anh Long và lời giải bày của thân phụ anh Thức – ông Trần Văn Huỳnh, cùng các chứng cớ nêu trên, có thể nói, dường như cùng bị bắt trong vụ án, nhưng Nguyễn Tiến Trung chỉ có quan hệ bình thường với nhóm bạn Thức – Long – Định, vì có cùng lý tưởng, mục tiêu mà không phải là sự hợp tác chặt chẽ, hay là cùng trong tổ chức??? Có thể chỉ vì cảm cái nghĩa khí cũng như có thể trao đổi học hỏi lẫn nhau về tư tưởng, đường lối và phương pháp, mà đôi bên liên hệ??? Từ mối liên hệ này mà họ bị bắt VỚI TƯ CÁCH CÙNG PHẠM TỘI TRONG MỘT TỔ CHỨC???!!!

Có phải chính vì vậy, trong thư bạch hóa của Lê Thăng Long, anh đã viết??? (5):
Đã một lần trải qua bị điều tra trong một vụ án an ninh quốc gia, tôi thấu rõ những nguy hại của việc sử dụng quyền bảo vệ sự riêng tư của công dân được Hiến pháp bảo vệ. Việc này đã bị biến thành những chứng cứ và lý luận quy là chúng tôi có hoạt động bí mật với mưu đồ đen tối.
Với những lời người thân và người trong cuộc cùng động thái Lê Công Định khẳng định chắc nịch “ĐÃ QUYẾT ĐỊNH RỒI” (việc đi Mỹ), tôi hoàn toàn tin sự trung thực về “Phong Trào Con Đường Việt Nam” mà Lê Thăng Long thay mặt cả hai người (Thức & Định) khởi xướng.

Tóm lại, theo quan điểm cá nhân tôi:

- Nhóm bạn Thức – Long – Định CHỈ LÀ MỘT NHÓM NGHIÊN CỨU lấy tên là “Nghiên cứu Chấn”, hoàn toàn không phải là tổ chức đảng phái gì cả, ĐCSVN đã vin vào cớ các anh có gặp ông Nguyễn Sĩ Bình để áp đặt và bức cung họ như là tổ chức thuộc đảng hoặc có liên hệ chặt chẽ với ông Nguyễn Sĩ Bình, nhằm kết tội thật nặng mang tính răn đe toàn xã hội phù hợp với “nguyên lý” tàn ác “diệt từ trong trứng”.

- Nhóm bạn Thức – Long – Định HOÀN TOÀN không dính dáng đến hoạt động của anh Nguyễn Tiến Trung và/hoặc THTNDC. Mối liên hệ đôi bên chỉ là tham khảo, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau.

- Lý giải của Lê Thăng Long cho thấy có đủ cơ sở để tin kế hoạch của cả nhóm đề ra, nghĩa là: Thức tiếp tục thọ án nặng để giữ vững tính trong sáng, Định đi Mỹ để hoạt động hải ngoại, Long sử dụng đúng “khổ nhục kế” trong trường hợp này.

- Điều đọng lại trong suy nghĩ của tôi: Công an Tp.HCM “khuyên Định rút đơn xin đi Mỹ [...] vì không có lợi”.. Không có lợi cho ai? Không có lợi việc gì? Hậu quả/kết quả của việc anh Định (nếu) đi Mỹ? Xin lưu ý, Công an Tp.HCM, chứ không phải Bộ Công An khuyên anh Định. Đó có phải là sự bất nhất và rạn nứt nghiêm trọng về đường lối trấn áp, giữa cấp trung ương và địa phương về cá nhân anh Định và nhóm Thức – Long – Định nói chung?

II. CON ĐƯỜNG VIỆT NAM:

(Phần này không dành cho những người chửi bới vô văn hóa và/hoặc xem rẻ anh Lê Thăng Long khi được mời).
Trong suy nghĩ của những người phản đối và hoài nghi: PTCĐVN nếu không do ĐCSVN tạo bẫy thì anh Lê Thăng Long cũng “có vấn đề” gì đó. Âu cũng là lẽ thường tình, bởi là người bình thường, không một ai muốn trả giá (dù rẻ) với một kết quả còn mù mờ, với “Con Đường Việt Nam” dường như chưa được vẽ ra rõ ràng. Trên con đường đó, anh Long chưa cho họ biết là đường cấp 1 hay cấp 2 hoặc đường đất, chiều dài con đường, chiều rộng con đường v.v… để họ tham gia chạy với vận tốc mà họ mong muốn.

Rõ ràng, chẳng ai muốn chạy trên con đường với một tốc độ nhất định nào đó với đầy ổ voi, ổ trâu, hay thậm chí chỉ là cái ổ gà bé tẹo mà với tốc độ 100km/h có thể ngã xuống, bị thương và thậm chí … “ngủm củ tỏi” ngay lập tức(!). Chính vì vậy, những người từ chối, nghi ngại, băn khoăn đòi anh Long phải cho biết rõ:
- Dài, rộng ra sao?
- Chất lượng con đường thế nào?
- Lộ trình anh chạy từ đâu và mục tiêu anh chạy đến đích?
- Vận tốc anh chạy sẽ là bao nhiêu trên từng tuyến? Đoạn nào thì chạy tốc độ 5km/h, đoạn nào thì chạy 50km/h, đoạn nào thì chạy 100km/h, trạm nào nghỉ? có bao nhiêu trạm nghỉ trên con đường “dài miệt mài” đó?
- Xăng nhớt hao tốn ra sao?
- Tai nạn sẽ chiếm xác suất bao nhiêu phần trăm, nếu chạy trên con đường đó?
- Vốn liếng từ đâu? Ông Thức, ông Định có thật giao cho ông Long không mà sao ông tuyên bố mạnh vậy?
vân vân và vân vân…

Trong khi họ quên mất điều cơ bản, quan trọng, xuyên suốt nếu nhìn PTCĐVN như là MỘT DỰ ÁN (chưa nói khả thi hay không khả thi).

Lê Thăng Long đưa ra ý tưởng sơ phác nào đó với những tiêu chí cơ bản, nhóm bạn của anh ấp ủ từ hơn 7 năm qua và anh THAY MẶT bạn để mời những ai mà anh tin tưởng có “chuyên môn làm đường”, có hiểu biết về kinh tế, về tâm lý, về xã hội và đặc biệt có lòng mong muốn cho DÂN TỘC VIỆT NAM MAU ĐUỔI KỊP CÁC NƯỚC BẰNG CON ĐƯỜNG KHẢ THI. Anh chỉ mới kêu gọi rằng: hỡi những ai có khả năng, có tình tự Quê hương hãy cùng vào bắt tay nhau để lên “DỰ ÁN ĐẦU TƯ KHẢ THI CHO CON ĐƯỜNG VIỆT NAM”, còn những ai chưa đủ khả năng hãy cùng ủng hộ. Chỉ mới thế thôi! Vâng, chỉ mới thế thôi!

Nếu những ai được mời đều bình tâm và có lòng sẽ nhìn thấy điều này không khó khăn gì.
Tiếc thay, dù cho ông Nguyễn Minh Thuyết nhẹ nhàng chối từ vẫn bộc lộ rõ (như ông đích thân nói), ông ta chẳng buồn nghĩ tới “con đường” nào tốt hơn (cho Dân Tộc Việt Nam), bởi ông đã xác định mỗi một “con đường duy nhất” mà ông ta đã chọn mấy mươi năm qua, bất chấp “con đường rùa bò”, “lầy lội”, “nhớp nháp” và đầy “ổ gà, ổ voi, ổ trâu”, người dân Việt Nam đã và đang lê lết khắp ngả hơn 37 năm qua. Ai mà vội vàng chạy thì…”chết” với những cái “ổ vô tư lự” đang trải mỗi ngày lê thê thêm, trên con đường đó!

Bà Phạm Thị Hoài với lời chối từ nhã nhặn, khéo léo và cài đặt những câu hỏi (mà chưa thể trả lời ngay lập tức) chính đáng, khách quan và duy lý, vẫn cho thấy đầy hoài nghi và đòi hỏi quá nhiều. Có vẻ bà Hoài mong muốn nhóm bạn anh Long phải đưa ra phương án làm đường khả thi với “vốn điều lệ” rõ ràng? “Vốn vay” từ đâu? Phương án “trả nợ”? Những ai thiết kế? Những ai giám sát? Những ai thi công? Những ai nghiệm thu công trình? Những ai sẽ hoan hỉ cắt băng khánh thành đưa “Con Đường Việt Nam” vào sử dụng? v.v và v.v…!

Xin đừng là “những người ăn sẵn”, nếu các vị trí thức khả kính còn lại chưa có câu trả lời. Người dân chúng tôi cần điều đó và mãi tri ân quý vị cho đến mai sau, nếu ngay bây giờ quý vị cùng bắt tay vào “lập dự án khả thi” cùng với Lê Thăng Long. Tôi tin nhiều vị đang nghĩ suy điều này.

Những người như tôi, sao không thể nói lên một lời ủng hộ “PTCĐVN”, trong khi chúng tôi chẳng mất gì lại còn được quá nhiều, một khi dự án khả thi của quý vị thành công và đi vào hoạt động?!

Lời ủng hộ nào đâu phải lời thề thốt?! Sao kiệm lời vậy?!

Cám ơn Lê Thăng Long – Lê Công Định – Trần Huỳnh Duy Thức và 4 vị đã chính thức nhận lời tham gia sáng lập PTCĐVN. Tôi tin, sắp tới đây danh sách các vị tham gia sáng lập sẽ dài vừa đủ cho phong trào đi vào hoạt động.
Tôi hằng tin, “Con Đường Việt Nam” là điều cần thiết hơn bao giờ hết trong lúc này.

Đinh Mạnh Vĩnh
(Ủng hộ viên Phong Trào Con Đường Việt Nam)
______________

P/s: Chỉ là một thường dân, hiểu biết nông cạn, góp chút ý và tấm lòng với “Phong Trào Con Đường Việt Nam”, do đó quý độc giả thông cảm khi tôi lấy một cái tựa quá khiêu khích. Xin cám ơn.



No comments:

Post a Comment

View My Stats