Sunday, 10 June 2012

NÔNG ĐỨC MẠNH & LÊ HIỀN ĐỨC - ĐIỂN HÌNH AHI XU HƯỚNG PHÂN RÃ CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (Lê Nguyên Hồng)





Lê Nguyên Hồng
Tác giả gửi đến DienDanCTM

Việc bà Nông Thị Bích Liên, con gái cựu tổng bí thư Nông Đức Mạnh làm đơn tố cáo bà Đỗ Thị Huyền Tâm, dì ghẻ của bà, đã lợi dụng quan hệ quen biết, tiến hành kết hôn trái đạo với cha mình là Nông Đức Mạnh, đã vô tình phơi bày một sự thật bẽ bàng về tư cách của Nông Đức Mạnh. Tư cách ấy là một điển hình của xu hướng phân rã của Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) - xu hướng ăn chơi hưởng lạc thỏa mãn những nhu cầu thấp hèn…

Ngược lại câu chuyện của bà Lê Hiền Đức lại là một điển hình cho một xu hướng khác, xu hướng chống lại bất công bạo nghịch của cường quyền: Nếu xét về bề dày cống hiến, Nông Đức Mạnh không thể nào so sánh được với bà Lê Hiền Đức – một người đã từng sống bên cạnh Hồ Chí Minh trong những thời khắc quan trọng của ĐCSVN. Đây cũng là một xu hướng tất yếu, bởi chống bất công là một phản ứng mang tính tự nhiên.

Nếu xét về công trạng, Nông Đức Mạnh không có bất cứ dấu ấn nào trên một chặng đường lê thê 10 năm tại vị với chức danh tổng bí thư ĐCSVN. Một con người vô dụng như vậy, khi lên nắm quyền cao nhất điều hành một đất nước, tất yếu là sẽ gây nên đại họa. Chắc chắn những đổ vỡ của mô hình kinh tế doanh nghiệp nhà nước hiện nay, nạn tham nhũng tràn lan, đất nước không có tự do dân chủ, đều có phần nào đó, là trách nhiệm của Nông Đức Mạnh.

Khi còn tại vị một viên tổng bí thư sẽ được cấp dưới hết lòng che giấu tội lỗi, bởi đó ít nhiều có thể ảnh hưởng trực tiếp đến vị thế của chế độ. Vì vậy những góc tối của Nông Đức Mạnh cũng như Lê Khả Phiêu, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt vv.., không được phơi bày. Nhưng khi những con người đó rời khỏi chiếc ghế quyền lực, nhất là khi những tay chân thân tín của họ đều lần lượt bị thay đổi hoặc bỏ chủ cũ thờ chủ mới, đó chính là lúc những người như Nông Đức Mạnh hoàn toàn trần trụi trong cuộc sống đời thường.

Phàm làm người, không ai là không có nhược điểm, và đạo đức không phải là tính sẵn có, mà nó chính là thành quả của cả một quá trình giáo dục, tiếp theo đó là ý thức cá nhân. Đối với Nông Đức Mạnh, dù là ông ta đã về vườn, nhưng ảnh hưởng đối với ĐCSVN vẫn còn. Ở đây là nói về ảnh hưởng vị thế, không nhắc đến ảnh hưởng về quyền lực. Vì vậy những việc làm của Nông Đức Mạnh trong cuộc sống đời thường vẫn có thể có ích hoặc có hại cho ĐCSVN…

Cũng có tính chất giống như vậy, bà Lê Hiền Đức tuy không phải là một lãnh tụ của ĐCSVN nhưng là một đảng viên lão thành, và vì vậy tầm ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến ĐCSVN cũng có giá trị nhất định. Xét về tâm lý con người, nếu bà Lê Hiền Đức nguyên là tổng bí thư hay ít nhất cũng mang hàm bộ trưởng thì nhiều khả năng bà cũng sẽ đi theo xu hướng của Nông Đức Mạnh. Hay ít nhất bà cũng giữ vị trí tạm gọi là trung lập.

Chỉ lược qua như vậy ta có thể thấy là: Nếu đã là cán bộ của ĐCSVN có chức quyền cao, nhiều bổng lộc, giàu có, thì họ sẽ tìm cách tiêu tiền. Cách tiêu tiền phổ biến nhất ngoài mua sắm đồ đạc đắt tiền, tậu xe sang, xây biệt thự, thì họ sẽ ném tiền vào rượu ngoại, cờ bạc và đàn bà. Nhất là khi đã về hưu họ sẽ công khai đi theo xu hướng hưởng lạc, bất chấp chuyện đó có ảnh hưởng gì đến vị thế của ĐCSVN hay không. Ngược lại, nếu họ chỉ là các cựu quan chức nhỏ hoặc đơn thuần là nhân viên công cán trong bộ máy nhà nước, nhất là người có lòng như bà Lê Hiền Đức, họ sẽ đi theo xu hướng thứ hai, đó là chống lại bất công, chống lại cường quyền, mà cường quyền đó không phải ai xa lạ, đó chính là ĐCSVN dưới hình dạng của mỗi cá nhân có chức quyền.

Qua đơn tố cáo của bà Nông Thị Bích Liên, chúng ta vừa thấy con người thật của nhân vật Đỗ Thị Huyền Tâm – đại biểu quốc hội, tổng giám đốc tập đoàn Minh Tâm, nhưng chúng ta cũng đồng thời thấy con người thật của Nông Đức Mạnh. Không cần phải là một người đã từng làm tổng bí thư một đảng, chỉ cần một người dân thường, họ cũng biết việc thụ lý một vụ ly hôn chỉ có 8 ngày (vụ bà Tâm ly hôn chồng để lấy Nông Đức Mạnh) là một điều phi lý, thậm chí trái pháp, vì vi phạm nguyên tắc.

“Ngày 08/9/2011, chưa đến ngày giỗ đầu mẹ tôi, bà Tâm đã xúi giục bố tôi làm đăng ký kết hôn tại xã Cường Lợi, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Đăng ký kết hôn này sai pháp luật nên đã bị hủy (văn bản số 119/UBND – VP Huyện Na Rì)”. Đó là trích đoạn trong đơn tố cáo của bà Liên. Hành xử trái đạo nghĩa vợ chồng của Nông Đức Mạnh đã cho thấy, ông ta là một kẻ vô tình, vô nghĩa. Nếu trong độ tuổi còn thanh xuân chưa chắc một người dân thường lại vội vã kết hôn, khi chưa hết giỗ đầu của vợ cũ, nhất là người Miền Bắc, lại là dân tộc Tày như Nông Đức Mạnh.

Đồng thời bà Liên cũng đã vạch rõ: Đăng ký kết hôn giữa Nông Đức Mạnh và Đỗ Thị Huyền Tâm là trái pháp luật (đã bị hủy). Đến đây thì câu chuyện lấy vợ 2 của Nông Đức Mạnh đã chính thức trở thành một trò hề - cựu tổng bí thư kết hôn trái luật! Không hiểu khi lên giường với bà Tâm, Nông Đức Mạnh có nghĩ đến nghĩa tình với người vợ cũ hay không. Nhưng chắc chắn, nếu là một con người có ý thức, ông ta phải nghĩ đến danh dự của ĐCSVN.

Nhìn lại hai cách hành xử của hai con người đều là đảng viên kỳ cựu của ĐCSVN, chúng ta thấy họ đều chống lại ĐCSVN bằng những cách khác nhau. Nông Đức Mạnh thì chống lại đảng bằng cách ngầm làm ngược lại những gì là phương châm (dù là trên giấy) của ĐCSVN. Còn đối với bà Lê Hiền Đức thì công khai ra mặt chống lại đảng. Nhưng công luận sẽ phỉ báng kẻ làm hại đảng theo cách của Nông Đức Mạnh, và ca ngợi cách chống đảng của bà Lê Hiền Đức. Hai cách chống đảng ấy chính là hai xu hướng phân rã, sẽ góp phần quyết định ngày tàn của ĐCSVN.

Lê Nguyên Hồng





No comments:

Post a Comment

View My Stats