Sébastien Le
Belzic
Tài liệu Tham khảo đặc biệt của THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Posted by basamnews on 17/06/2012
Mảnh đất màu mỡ cho
các mối quan hệ kinh doanh
Các nhà ngoại giao, gián điệp, doanh nhân…
người ta đang giành giật nhau Mianma. Những kẻ phiêu lưu kiểu mới rình rập cơ
hội làm ăn mới giữa chính quyền quân sự cải tổ và hy vọng dân chủ. Đó là nhận
xét của nhà phân tích Sébastien Le Belzic trên tạp chí “Statafrik”.
Có một việc không thay đổi ở Mianma: đó là
từng đoàn tu sĩ đầu cạo nhẵn, mặc áo cà sa đứng xin ăn ở góc mọi con đường.
Cuộc sống ở Rănggun vẫn diễn ra trên nền bức tranh chùa chiền và các nhà sư đi
thành đoàn từ lúc mặt trời mọc. Nhưng giới quân sự tỏ ra kín đáo hơn. Bởi lẽ
bây giờ là thời điểm làm ăn. Đất nước phải có bộ mặt tốt đẹp mới có thể xóa bỏ
được các biện pháp trừng phạt và chính bà Aung San Suu Kyi là người đang được
chú ý nhiều nhất.
Dù được lồng trong chiếc vòng đeo chìa
khóa, được in trên lịch hay được phóng thành các tấm ảnh cỡ lớn, hình ảnh của
bà Aung San Suu Kyi xuất hiện nhiều nhất ở Rănggun. Trước và trong cuộc tổng
tuyển cử hồi đầu tháng Tư vừa qua, nhân vật từng đoạt giải Nôben hòa bình này
trở thành một biếu tượng thực sự trong các nhà hàng ở phố Sule Paya. Người bán
hàng trưng trước cửa hiệu của mình ảnh của người phụ nữ mang lại mọi niềm hy
vọng cho một dân tộc.
Ở tất cả những nơi bà đặt chân đến, Aung
San Suu Kyi đều được đông đảo người dân chú ý. Màn ảnh cỡ lớn, hệ thống cách
âm, êkíp vận động tranh cử đông đảo và được trang bị tốt. Chiến dịch được tiến
hành chặt chẽ và rầm rộ đến mức khi chỉ còn vài ngày là đến ngày bầu cử, bà Aung
San Suu Kyi phải ra lệnh giảm cường độ và hủy bỏ một số cuộc mít tinh do không
đủ sức khỏe. Mọi thứ cho thấy đảng của bà, Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD)
nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của khu vực tư nhân.
Một nhà ngoại giao tại Rănggun cho biết các
doanh nghiệp nước ngoài, vốn không làm việc được ở Mianma do nước này bị áp đặt
lệnh trừng phạt quốc tế, rất quan tâm đến cuộc bầu cử này. Họ ủng hộ các đảng
dân chủ với hy vọng các đảng này sẽ vào được Quốc hội và góp phần mở cửa đất
nước và xóa bỏ lệnh cấm vận.
Bởi lẽ cho đến nay, kinh doanh ở Mianma quả
thực là rất khó khăn do lệnh trừng phạt của Mỹ phong tỏa mọi hoạt động tài
chính khiến việc đưa lợi nhuận về nước hầu như là điều không thể thực hiện
được. Một doanh nhân Bỉ sống ở châu Á từ 19 năm nay, Luc de Waegh, cho rằng các
vấn đề như chuyển ngoại tệ, tài trợ đầu tư, môi trường pháp lý và đặc biệt là
tỷ giá hối đoái do chính phủ áp đặt khác với tỷ giá áp dụng trên thị trường chợ
đen gây ra nhiều vấn đề cho các nhà đầu tư. Từng là người lãnh đạo British
American Tobacco ở Mianma và nay là người đứng đầu West Indochina và làm tư vấn
cho các nhà đầu tư muốn đến Mianma làm ăn ông cho biết nước này hiện đã mở cửa
đón chào doanh nghiệp đến làm ăn. Giới trẻ muốn làm việc tại các công ty của
phương Tây. Theo ông, không có lý gì phải trừng phạt 55 triệu người Mianma chỉ
để rao giảng đạo đức cho 200 tướng lĩnh tham nhũng. Doanh nhân Bỉ này tin tưởng
vào tiềm năng của Mianma. Nước ngoài có thể bán cho nước này công nghệ thân
thiện với môi trường và giải thích cho họ hạn ngạch khí thải. Ngoài ra còn du
lịch tài chính… Các lĩnh vực đầu tư rất nhiều nếu tôn trọng các khoản đầu tư có
trách nhiệm. Đó là lý do khiến ông tư vấn cho các công ty lớn đã lên sàn chứng
khoán nên đến Mianma để kinh doanh và nhìn chung, lời khuyên của ông được chấp
nhận.
Một doanh nhân khác, John, 46 tuổi, từ
Xinhgapo đến Mianma hai lần chỉ trong vòng hai tháng để bán công nghệ cho chính
quyền nước này. Ông cho biết Mianma rất cần đến sự hỗ trợ của nước ngoài. Về
mặt kỹ thuật, không gì có thể ngăn cản các công ty bán công nghệ cho Mianma mặc
dù hình ảnh của các công ty đến làm ăn ở Mianma không được đẹp trong con mắt
của một số người. Trong khi chờ đợi lệnh cấm vận được bãi bỏ, các doanh nghiệp
tranh thủ mở rộng tiếp xúc.
Ông Benoit Bourtembourg, thuộc tổ chức phi
chính phủ Actions Birmanie, nhấn mạnh đến sự cần thiết phải khuyến khích các
nhà cải tổ trong Chính phủ Mianma và Liên minh châu Âu phải hành động một cách
thận trọng. Chừng nào hệ thống luật pháp liên quan đến đàn áp chưa được bãi bỏ,
tiến trình cải cách thể chế và hiến pháp sẽ chưa bắt đầu và tiến trình chính
trị coi trọng nguyện vọng của các tộc người thiểu số sẽ chưa được thực hiện, do
đó sự tiến triển trong thời gian gần đây vẫn chưa vững chắc. Nhà hoạt động này
tin rằng không có bảo đảm nào cho thấy nỗ lực cải cách được khởi động năm 2011
sẽ được tiếp tục.
Thái độ thận trọng của doanh nghiệp phương
Tây mang lại lợi thế cho các đồng nghiệp Thái Lan và Trung Quốc, số doanh nhân
này không đợi đến khi chính sách mềm dẻo hơn được áp dụng, cũng không chờ biện
pháp cấm vận được bãi bỏ, để biến Mianma thành sân chơi của mình. Điều chưa
từng thấy từ hai chục năm nay là 20 tỷ USD đầu tư nước ngoài được rót vào nước
này, chủ yếu vào các lĩnh vực khai thác mỏ, khí đốt và dầu mỏ, kể từ khi Mỹ và
Liên minh châu Âu bắt đầu bãi bỏ lệnh cấm vận kinh tế. Phần lớn số tiền đầu tư
đó là của Trung Quốc. Cơn khát năng lượng và nguyên liệu của nước này trở thành
lợi thế đối với Chính phủ Mianma.
Ông lan Storey, giáo sư tại Xinhgapo và
chuyên gia về vùng này, nhận xét quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Mianma là
một cuộc hôn nhân không phải vì tình. Mianma phụ thuộc vào Trung Quốc chỉ vì
tiền và vũ khí. Trung Quốc sử dụng vị thế của mình tại Hội đồng Bảo an Liên hợp
quốc để bảo vệ Mianma trong một chừng mực nhất định. Để đổi lại, Trung Quốc
được phép tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên của Mianma và qua nước này để
có tiếng nói tại ASEAN.
Trung Quốc và Mianma bắt tay nhau để làm
ăn. Người Trung Quốc không chỉ có mặt tại các công trình xây dựng đường ống dẫn
dầu mỏ và khí đốt chạy ngang dọc ở Mianma. Họ còn hiện diện ở khu phố Botataung
được coi là Chinatown ở Rănggun. Wang làm nghề buôn bán ngọc bích ở đây đã được
10 năm. Loại đá xanh biếc được người Trung Quốc rất ưa dùng này chủ yếu được
khai thác tại các mỏ ở miền Bắc Mianma. Ông cho biết công việc kinh doanh rất
tốt và dành phần lớn thời gian trong ngày đứng đếm tiền sau quầy hàng.
Mọi thứ ở Mianma đều được mua bán bằng tiền
mặt. Từng tập tiền giấy được chuyển từ người này sang người khác. Tại khu phố
của người Trung Quốc với những đường phố nhỏ hẹp và sâu hun hút này, người đến
đây chỉ cảm nhận được hơi hướng các phi vụ làm ăn mờ ám. Đó là thứ cảm giác mà
người đến đây cảm thấy rõ ràng hơn nếu đến vùng miền Bắc Mianma, trong các khu
rừng rậm thuộc Tam Giác Vàng, trung tâm của mọi mạng lưới buôn bán bất hợp
pháp.
Ông Jeff Rutherford, một người Mỹ làm Giám
đốc tổ chức phi Chính phủ Fair Earth Consulting, cho biết ở Mianma còn nhiều
vùng nằm ngoài tầm với của luật pháp do phương thức điều hành của ban lãnh đạo
nước này. Các chỉ huy vùng ở miền Bắc Mianma, những người nắm quyền thực sự ở
vùng đất nằm giữa Trung Quốc và Thái Lan này, tung hoành mà không bao giờ sợ bị
trừng phạt. Họ đứng đầu các đường dây buôn lậu đá quý, gỗ và là những người
phải chịu trách nhiệm về nạn phá rừng. Các viên chỉ huy đó buôn bán trực tiếp
sang bên kia biên giới. Mọi việc ở đây đều không rõ ràng, còn dân chúng không
được đếm xỉa đến. Trung Quốc là điểm đến của mọi đường dây buôn lậu đó.
Lúc này, người bạn lớn của Mianma vẫn là
Trung Quốc. Nhưng người Trung Quốc hiện đang phải đối mặt vói thái độ hằn thù
ngày càng tăng của người dân địa phương. Một số người Mianma, tuy gần gũi với
chính quyền, song dường như có ý phân trần khi giải thích rằng chính lệnh cấm
vận quốc tế đã đẩy họ vào vòng tay của người láng giềng khó chịu này.
Trên thực tế, Trung Quốc tỏ ra bất cần đối
với lệnh cấm vận và thương lượng trực tiếp với các tướng lĩnh cầm quyền. Bắc
Kinh cung cấp vũ khí cho quân đội Mianma và đổi lại, muốn có quyền lực ở vùng
này. Nhiều dự án đường ống dẫn dầu mỏ và khí đốt, đập chắn nước thường là chủ
đề của nhiều cuộc tranh luận. Theo các hiệp hội bảo vệ môi trường, gần 30.000
người có nguy cơ bị dồn sang các vùng khác. Bắc Kinh gây sức ép với giới quân
sự để làm sạch vùng này trước khi cho máy ủi làm việc.
Tâm lý chống Trung Quốc nảy sinh trước hết
từ việc xây các con đập chắn nước lớn (đặc biệt là đập Myitsone trên sông
Irawaddy). Sắp tới dân chúng có thể sẽ tỏ thái độ phản kháng trước việc xây
dựng các tuyến đường ống dẫn dầu lửa và khí đốt đang tiến triển rất nhanh, cộng
với tuyến đường sắt chạy xuyên Mianma từ Bắc xuống Nam tạo thành một vết cắt
thực sự xẻ đôi vùng rừng rậm nối Vân Nam (Trung Quốc) với vịnh Bengan. Nhiều
người Mianma, dù là người thiểu số Bamar chiếm đa số hay các sắc tộc thiểu số
khác, coi tuyến đường sắt đó là một vết thương hở và rỉ máu chạy dọc lãnh thổ
mình.
Vấn đề không phải là vô hại vì đó là một
trong những giải pháp của Bắc Kinh để vượt qua trở ngại đặt ra do phải đi qua
eo biển Malắcca chật hẹp và dễ bị phong tỏa, nơi dầu mỏ Trung Quốc nhập từ châu
Phi và Trung Đông, chiếm tới hơn 60% lượng dầu nhập khẩu, phải đi qua.
Giờ đây, lệnh cấm vận đã được dỡ bỏ. Đã đến
lúc các nước phải bừng tỉnh vì ngày mai sẽ là quá muộn. Trong bối cảnh cạnh
tranh ngày càng quyết liệt trên thế giới, người nào phản ứng đầu tiên chắc chắn
sẽ có cơ may tốt nhất để cắm chân được ở Mianma. Bà Aung San Suu Kyi tuyên bố:
“Chúng tôi hy vọng sẽ mở ra một kỷ nguyên mới”. Nhiều đối tác cho rằng một
trang hoàn toàn mới đang mở ra ở Mianma. Nước này đang ở trong tình trạng tồi
tệ. Mọi thứ phải được xây lại từ đầu trong khi tiềm năng là rất lớn. Trong một
thời hạn ngắn, đây là một thị trường ít nhiều có thể sánh với Thái Lan và nở rộ
vào một ngày nào đó…
Sau khi giành thắng lợi trong bầu cử, bà
Aung San Suu Kyi có thể làm được gì? Nhà sử học Thant Myint-U không loại trừ
khả năng bà sẽ gặp nguy cơ nào đó. Ai cũng nghĩ bà sẽ đáp ứng nguyện vọng của
dân chúng. Bà sẽ phải đưa ra đề nghị cụ thể về các vấn đề thuế, chăm sóc sức
khỏe, điện, nạn thất nghiệp. Liệu bà có thể mang lại thịnh vượng cho Mianma
không?.
Dân chủ phải chăng
chỉ là ảo vọng?
Một số nhà phân tích so sánh các cuộc cải
tổ đang diễn ra ở Mianma với chính sách cải tổ mới được Mikhail Gorbachev tiến
hành ở Liên Xô trong nửa sau của những năm 1980. Nhưng ông Thierry Falise, nhà
báo độc lập hoạt động ở Băng Cốc từ năm 1991 và chuyên viết về Mianma từ 25 năm
nay, cho rằng các cuộc cải cách và biện pháp được áp dụng cho thấy đó chỉ là để
trưng ra mà thôi, kể cả việc bà Aung San Suu Kyi được bầu vào Quốc hội. Lập
luận đưa ra trên tạp chí “Đại Tây Dương” dưới đây, ông Thierry Falise, cũng là
nhà báo chuyên đưa tin về Đông Nam Á và Ấn Độ cho nhiều tờ báo và tạp chí trên
thế giới và các kênh truyền hình Pháp, không loại trừ khả năng sau nhiều tháng
phấn khích, Mianma có nguy cơ lại rơi vào một thời kỳ dài u uất.
Có lẽ sẽ là đúng hơn nếu so sánh các cuộc
cải cách ở Mianma với việc xóa bỏ chủ nghĩa Apácthai ở Nam Phi nhờ liên minh
phản tự nhiên giữa thủ lĩnh phái đối lập cực đoan, Nelson Mandela, và một nhà
lãnh đạo kỳ cựu trong chính quyền là Tổng thống Frederik De Klerk. Tại Mianma,
người ta cũng thấy có một cặp tương tự với bà Aung San Suu Kyi – nhưng khác với
Nelson Mandela ở chỗ bà vẫn luôn chủ trương đấu tranh phi bạo lực – và tổng
thống mới Thein Sein.
Các cuộc cải cách và hành động mở cửa được
chính quyền mới “phi quân sự hóa” thực hiện từ năm 2011 là có thực và chưa từng
thấy ở một nước từ gần một thế kỷ nay sống dưới chế độ độc tài không có trong
thời hiện đại. Đó là giảm kiểm duyệt báo chí, trả lại tự do cho hơn 600 tù
chính trị, quyền được đình công, ngừng bắn với các sắc tộc thiểu số, tổ chức
thử bầu cử từng phần cho phép bà Aung San Suu Kyi được bầu vào Quốc hội… Mọi
thứ cho thấy chính sách mở cửa được phái quân sự cầm quyền lên kế hoạch thực
hiện mà không hề phải chịu sức ép từ bên ngoài. Thậm chí có thể nghĩ rằng sự có
mặt ngày càng tích cực của doanh nghiệp phương Tây có thể đã thúc đẩy tiến
trình bình thường hóa của chế độ Nâypiđô.
Làn sóng cải cách đó khiến tất cả các nhà
quan sát phải ngạc nhiên. Nhưng tại sao bây giờ mới cải cách? Chắc chắn trước
hết vì Chính phủ Mianma quyết tâm tái cân bằng mối quan hệ kinh tế với Trung
Quốc có lợi cho cả phương Tây, vì cho rằng nước này đã trở nên thâm nhập quá
sâu. Ngoài ra còn có một số nhà lãnh đạo có tư tưởng cởi mở hơn đối với bên
ngoài muốn cải thiện tiếng tăm quá tồi tệ của đất nước, cụ thể là trong viễn
cảnh Mianma nắm giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm 2014. Hình ảnh của
Mianma xấu đi sau các vụ vi phạm nhân quyền liên tiếp từ ngày này sang ngày
khác và càng xấu hơn nữa khi chính quyền nước này đàn áp dữ dội các nhà tu hành
và thường dân không có vũ khí trong các cuộc biểu tình hồi tháng 9/2007 và
trong việc giải quyết không đến nơi đến chốn hậu quả của cơn bão Nargis năm
2008, ít nhất là trong những tuần lễ đầu tiên.
Bà Aung San Suu Kyi cho đến nay vẫn chưa
nói rõ về quyết định khá bất ngờ ủng hộ tiến trình thay đổi. Vài tuần lễ trước
khi bà có cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Thein Sein vào tháng 8/2011, người
ta cho rằng bà đã nhụt chí và không có ảo vọng về các nhà lãnh đạo mới khoác áo
dân sự. Tuy nhiên, sau đó bà vẫn công khai khẳng định lòng tin vào Tổng thống
Thein Sein. Viên tướng cũ này – đồng thời cũng là cựu Thủ tướng – vẫn luôn được
tiếng tương đối tốt hon so với các đồng nghiệp của mình. Được coi là một trong
số ít sĩ quan ít tham nhũng nhất trong giới quân sự cầm quyền, trong cuộc khủng
hoảng hậu cơn bão Nargis, ông đích thân tiến hành các dự án phục hồi trong khi
nhiều đồng nghiệp vơ vét đầy túi bằng viện trợ của nước ngoài.
Trong những tháng gần đây, các nguyên thủ
quốc gia, bộ trưởng, nhà ngoại giao và doanh nhân nước ngoài chủ yếu từ các
nước phương Tây và châu Á, chen nhau đến Răngun và thủ đô Nâypiđô của Mianma, trong
đó có nhiều người đến trước hết để chụp ảnh với bà Aung San Suu Kyi. Điều đó là
đáng khích lệ, nhưng không phải là lý do để giảm bớt sự cảnh giác. Hàng trăm tù
chính trị vẫn đang bị cầm tù. Ở miền Bắc Mianma, lệnh ngừng bắn từ 17 năm nay
với người Kachin, một sắc tộc thiểu số quan trọng, tháng 6/2011 đã tan thành
tro bụi khiến xung đột lại nổ ra làm nhiều người chết và vô số người phải chạy
nạn.
Một số câu hỏi cơ bản vẫn được đặt ra đối
với quân đội Mianma. Giải đáp được các vấn đề đó có thể sẽ xác định được rõ hơn
khả năng xoay xở có thể có được đối với Tổng thống Thein Sein. Ở một nước
Mianma dân sự, với hơn 25% số ghế mặc nhiên có được trong Quốc hội theo quy
định của Hiến pháp, giới quân sự nắm giữ vị trí gì? Các sĩ quan từ hàng thập kỷ
nay kiếm lợi từ tình hình đôi khi không tưởng, liệu có chấp nhận từ bỏ không?
Thống tướng Than Shwe, từng là nhân vật số một của chế độ độc tài, người ngày
hôm trước có tin đang hấp hối nhưng ngày hôm sau vẫn giật dây chính trường,
liệu còn nắm giữ vai trò gì không? Cuộc chiến giữa phái cải cách và phái cứng
rắn trong chính quyền liệu có thực không hay, như một số người khẳng định, chỉ
là trò tung hỏa mù để tạo ảo tưởng về mở cửa và che giấu vai trò luôn chi phối
của giới quân sự cực đoan?
Có một số dấu hiệu cho thấy tình hình không
có gì đáng lạc quan. Lệnh của Tổng thống Thein Sem cho các sĩ quan được phái
đến bang Kachin phải chấm dứt chiến sự, cho đến nay vẫn không được thực hiện.
Ngân sách Nhà nước, cho dù đã tăng phần dành cho giáo dục và y tế, hai lĩnh vực
không được giới quân sự nắm quyền nối tiếp nhau quan tâm, vẫn chi 1/4 cho quân
đội.
Đến nay, các cuộc cải cách và biện pháp đi
kèm tuy quan trọng, song vẫn chỉ mang tính tượng trưng. Các chương trình tái cơ
cấu vẫn cần được đưa vào thực hiện. Bắt đầu là khôi phục nền kinh tế. Một nửa
thế kỷ quản lý không hợp lý đã biến Mianma, một nước có tiềm năng trở thành một
trong các nước giàu nhất trong khu vực, thành một hoang mạc kinh tế trong đó
2/3 dân số sống trong nghèo khổ. Sau nhiều thập kỷ độc tài quân sự và dưới tác
động của cấm vận quốc tế, nền kinh tế Mianma tan vỡ thành từng mảnh. Sản xuất
nông nghiệp vốn là nguồn sống của đại đa số dân chúng, tụt xuống mức thấp nhất.
Sản xuất công nghiệp gần như ngắc ngoải, ngoài các lĩnh vực khai thác dầu ngoài
khơi và du lịch.
Người ta nói đến cuộc nổi dậy của người
Karen, nhưng nói rất ít đến người Wa, một sắc tộc gần như gốc Trung Quốc, đang
tự mình kiểm soát một phần đất thuộc vùng biên giới Vân Nam với một đội quân
đông tới 30.000 người chuyên sống bàng buôn lậu. Người ta nói đến các mảnh đất
ở thành phố được bán với giá cắt cổ, gần bằng ở Pari hay Luân Đôn, nhưng không
bao giờ nói về nạn buôn lậu cho đến nay vẫn là một, nếu không phải là nguồn
ngoại tệ duy nhất của Mianma.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp nước
ngoài có trở lại Mianma không? Ấn Độ gần như vắng bóng trên bàn cờ Mianma. Liệu
người Ấn Độ có đứng ngoài mãi trong khi người láng giềng Trung Quốc xây cảng và
các trạm nghe trộm ở ven Ấn Độ Dương hay không?
Sau nhiều tháng phấn khích, Mianma có nguy
cơ rơi vào một thời kỳ u ám mới. Tình hình kinh tế và xã hội của một bộ phận
lớn dân chúng không hề được cải thiện. Tình trạng không rõ ràng và chắp vá vẫn
là cơ sở cho đầu tư. Hạ tầng khách sạn quá tải… “Eldorado mới của châu Á”, như
các nhà kinh doanh thường gọi Mianma một cách quá mức, có thể chỉ là một cái
bẫy./.
No comments:
Post a Comment