Monday, 11 June 2012

HỌP MẶT THẦY CÔ & THÂN HỮU DI LINH (Nguyên Huy/Người Việt)




Nguyên Huy/Người Việt
Saturday, June 09, 2012 4:02:11 PM

WESTMINSTER (NV) -Dù chỉ ngồi kín 6 chiếc bàn ăn 10 người, nhưng buổi họp mặt của những “người Di Linh muôn năm cũ” vào trưa hôm Thứ Bẩy, 9 tháng 6, trong câu lạc bộ khu nhà Kensington Garden Park thành phố Westminster đã tràn ngập nỗi niềm yêu thương từ những ngày xưa cũ.

Thân hữu Di Linh họp mặt tại House Club Kensinton Garden Park

Cô Phương Trần, trong ban tổ chức cuộc họp mặt cho biết: “Chúng tôi chỉ là một nhóm nhỏ những người Di Linh không phải là một tổ chức to lớn gì nhưng tình cảm gắn bó của chúng tôi cứ mỗi lần gặp nhau thì lại tăng lên sức hút. Hôm nay là buổi anh chị em chúng tôi là những học sinh cũ của ngôi trường duy nhất tại Di Linh trước năm 1975 mời được 5 thầy cô đến sinh hoạt với chúng tôi. Không có diễn văn tạ ân, tri ân gì đâu nhưng tình nghĩa thầy trò của chúng tôi thì keo sơn và thấm đượm lắm khó mà diễn tả hết trong một bài diễn văn dù có dài chăng nữa.”

Năm thầy cô có mặt là các cô Nhung, cô Vân và các thầy Quí, thầy Tùng, thầy Diễn. Cô Nhung lên kể chuyện “đời xưa” khi cô ra trường Quốc Gia Sư Phạm, được bổ lên dẠy tại Di Linh thì ai cũng phàn nàn cho cô là sao không chọn những nơi gần nhà (Saigon, Biên Hòa) mà lại tới nơi này. Nhưng tới rồi thì tình cảm gắn bó cứ được làm giầu thêm từ phụ huynh cho đến các học trò trong đó có một phần học trò người thiểu số. Cho mãi sau này khi chuyển đi dạy nhiều nơi, kể cả Saigon và Gia Ðịnh, Biên Hòa... cô Nhung vẫn không tìm được nơi nào mà tình thầy trò được gắn bó như người thân trong gia đình như ở Di Linh.

Cô Nhung cũng cho biết, trường trung học Lê Lợi ở Di Linh là ngôi trường trung học duy nhất của thị trấn này và vì là một thị trấn nhỏ nên người dân trong thị trấn sống với nhau như trong một gia đình, nhất là đối với các thầy cô từ nhiều nơi về lo lắng giáo dục cho con em mình nên hầu hết các phụ huynh học sinh đều dồn những tình cảm trân trọng cho các thầy cô và cũng vì thế mà học sinh dù thuộc lớp nào, lớn hay nhỏ cũng đều ngoan ngoãn chăm chỉ coi thầy cô như những hình ảnh mà các em ao ước khi lớn lên cũng sẽ được như vậy.

Kể về sự có mặt hôm nay ở đây, cô cho biết tình cờ đọc báo thấy có sự họp mặt Di Linh nên cô mong mỏi sẽ lại được gặp lại những người xưa mà từ khi cô qua Mỹ theo diện H.O. Cô vẫn ao ước có được ngày hội ngộ như thế này.

Tình cảm trân quí ấy không chỉ có ở cô Nhung mà tất cả các thầy cô đều như vậy khi được mời lên phát biểu tâm tình của mình.

Bây giờ thì thầy trò thẩy đều có mái tóc pha sương, dạt dào tình cảm cùng một thế hệ, cùng “một lứa bên trời lận đận” nên sự cảm thông thật nhanh chóng, dễ dàng.

Võ sư Tom Võ với những võ đường Taekwando ở nhiều nơi trong cộng đồng người Việt tị nạn, cũng là một cựu học sinh Lê Lợi Di Linh. Ông nói với Người Việt: “Dù tôi chỉ học có 7 tháng tại ngôi trường này nhưng không hiểu sao trung học Lê Lợi Di Linh lại ghi đậm nét trong ký ức của tôi đến thế. Những thầy, những bạn dù chưa đầy một niên khóa nhưng lại xây dựng cho tôi cả một thuở ấu thơ êm đềm. Cây cảnh, núi rừng, đồn điền bao la như tình cảm bạn bè cùng trường cùng lớp. Chúng tôi không thấy phân cách giầu nghèo, dân tộc hay người kinh mà chỉ thấy một tương quan tình cảm gắn bó, giúp đỡ thương mến.”

Nói chuyện với cô Ðào Nguyễn, người được cô Phương Trần giới thiệu là cái “linh hồn” của nhóm Thân Hữu Di Linh, cô Ðào Nguyễn cho biết: “Chúng tôi kết nhau thành một Nhóm gọi là Thân Hữu Di Linh từ lâu lắm rồi nhưng để tiến tới một hội thân hữu như các hội đồng hương khác thì chúng tôi chưa nghĩ tới. Chúng tôi chỉ muốn gói trọn ân tình với nhau như trong một gia đình, có lẽ vì nơi xưa chúng tôi từng qua một thời niên thiếu là một thị trấn nhỏ bé nhưng xinh đẹp ấm cúng và thân mật biết bao nó đã thẩm nhập trong ý nghĩ của chúng tôi.”

Cô Phương Trần, một thành viên trong Nhóm Thân Hữu Di Linh đang điều hợp chương trình họp mặt.

Di Linh là một thị trấn nhỏ nằm trên quốc lộ Saigon-Ðà Lạt, chỉ cách Ðà Lạt có dăm chục cây số. Là một tỉnh thuộc cao nguyên trung phần nên Di Linh có khí hậu thật mát mẻ quanh năm. Di Linh cũng là nơi có những đồn đền cà phê bát ngát, những nương chè trải dài nổi tiếng trong nước với danh hiệu “Trà Blao.” Trước năm 1954, hầu như Di Linh không có một căn cứ quân sự nào nên sắc thái chiến tranh thường không có ở nơi thị trấn này như thị xã Pleiku. Di Linh cũng là nơi cách thành phố thơ mộng Ðà Lạt không bao xa nên Di Linh cũng không được gọi là nơi “khỉ ho cò gáy” mà cũng có ít nhiều sắc thái phong lưu của một thành phố du lịch kế bên. Nên Di Linh vừa có cái chân chất hiền hòa của người dân miền núi, lại vừa có cái tinh nhanh, tháo vát của người dân phố thị. Thế nên đã sống ở Di Linh một lần là khó thể quên được con người và đất nước Di Linh như anh chị em Nhóm Thân Hữu Di Linh nói với Người Việt.

Quí độc giả từng sống ở Di Linh, còn nhớ Di Linh muốn biết thêm chi tiết có thể liên lạc về Cô Ðào Nguyễn (714) 891-0201.

––-

Liên lạc người viết: NguyenHuy@nguoi-viet.com







No comments:

Post a Comment

View My Stats