Friday, 8 June 2012

CÂY LÚA THẦN KỲ 50404 & NGƯỜI CỰU CHIẾN BINH MỸ (Nam Nguyên - RFA)





Nam Nguyên, phóng viên RFA
2012-06-07

Giống lúa cao sản IR 50404 được du nhập vào Đồng bằng sông Cửu Long trong thập niên 1980 đã giúp Việt Nam gia tăng sản xuất và trở thành nước xuất khẩu gạo.
Nhưng chính một cựu chiến binh Mỹ đã trở lại chiến trường xưa và mang theo loại giống thần kỳ 50404 mà cho đến nay nông dân vẫn còn ưa chuộng. Nam Nguyên trình bày câu chuyện này.

Giai thoại về giống lúa thần kỳ 50404
Giai thoại về giống lúa thần kỳ 50404 liên quan đến hai nhân vật một Việt Nam và một Hoa Kỳ. Người Việt là GSTS Võ Tòng Xuân còn người Mỹ là Thomas Hargrove, cả hai cùng là chuyên gia nông nghiệp.
Trong chiến tranh Việt Nam, Trung Úy Thomas Hargrove phục vụ tại Chương Thiện (nay là Long Mỹ) vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Trước khi nhập ngũ ông đã tốt nghiệp Đại học Texas A&M với hai văn bằng về khoa học nông nghiệp và báo chí. Trong thời gian 1969-1970 tại Chương Thiện, Trung úy Tom đã đưa các giống lúa thần nông như IR5, IR8 của Viện lúa Quốc tế IRRI Philippines đến với nông dân Miền Tây, những giống lúa này giúp người trồng lúa tăng gấp 3 lần sản lượng. Viên sĩ quan trẻ lúc đó phục vụ như một sĩ quan cố vấn bên cạnh chương trình bình định của VNCH.
Hết thời phục vụ quân đội Hoa Kỳ, Trung úy Tom trở lại cuộc sống dân sự lấy bằng tiến sĩ và làm việc tại Viện lúa Quốc tế IRRI Philippines từ 1973-1991. Như một số lớn cựu binh Mỹ, Tom luôn bị ám ảnh về thời gian phục vụ ở Việt Nam, về những lần gọi máy bay yểm trợ oanh kích mà ông nghĩ là có nhiều thường dân bị vạ lây.

Trò chuyện với Nam Nguyên, GSTS Võ Tòng Xuân, hiện nay là Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Tạo Long An, đã kể lại giai thoại người cựu sĩ quan Mỹ giúp đưa giống lúa IR 50404 đến với nông dân miền tây.
“Lúc tôi còn bên Đại học Cần Thơ, mỗi năm mình nhập các giống lúa mới của Viện lúa Quốc tế bên Philippines, để trồng thử nghiệm xem giống nào thích hợp và đưa ra cho nông dân. Tôi nhớ năm 1983 là thời kỳ còn rất phôi thai, lúc đó sau khi giống IR36 thành công thì tiếp tục phát triển các giống mới, sau đó giống IR50404 được chọn ra. Chuyện này liên quan đến anh Tom Hargrove, trưởng phòng xuất bản của Viện lúa Quốc tế. Thời gian đó tôi cũng sang Viện lúa Quốc tế hàng năm, Tom dường như có syndrome tội lỗi (hội chứng Việt Nam), bà vợ nhờ tôi giúp chồng mình gạt bỏ những ý nghĩ này, tại vì Tom nói là hồi ở Chương Thiện mỗi lần gọi B52 oanh tạc thì Việt Cộng không bị thiệt hại nhiều mà phần lớn là dân thường, ông cứ nghĩ như thế và luôn cảm thấy tội lỗi.”

Sự gắn bó của nông dân với lúa IR 50404
Cơ duyên của giống lúa IR 50404 bắt đầu từ cuộc gặp gỡ đó, để sau này vùng đồng bằng sông Cửu Long gia tăng sản xuất mạnh. Trong một thời gian dài 50404 là chủ lực để làm ra gạo 25% tấm xuất khẩu. Từ khi bắt đầu xuất khẩu gạo trong thời kỳ đổi mới, cho tới những năm gần đây gạo cấp thấp 25% tấm chiếm tỷ trọng chi phối trong các mặt hàng gạo xuất khẩu của Việt Nam.

GSTS Võ Tòng Xuân tiếp tục câu chuyện về Tom Hargrove:
 “Tôi nói tôi đưa anh qua bên đó, rồi anh sẽ thấy Việt Nam vẫn phát triển bình thường không phải tàn lụi hết như anh nghĩ. Cuối cùng anh sang Việt Nam, tôi đưa anh ấy đến tận Chương Thiện tức là Long Mỹ bây giờ, chúng tôi tới thăm nông dân họ mừng lắm. Ông phó chủ tịch Long Mỹ lúc đó là người tiếp tôi với anh Tom Hargrove, theo yêu cầu của tôi địa phương cho tìm người dân trước kia có làm việc với Tom. Thế là Ủy ban đưa đi đến nhà ông Ba Liên là người nông dân đó, vô nhà người ta rất là mừng.
Buổi trưa ăn cơm, Phó chủ tịch Long Mỹ là anh Tư Rạng nói: ‘Này ông Tom hồi đó ông vô đây, đường đi nước bước chúng tôi biết hết trơn, lúc nào ông đi đâu tụi tôi biết hết, tôi là chỉ huy bộ đội Việt Cộng ở trong này, Ông Ba Liên là ông chú tôi. Tom hoảng hồn hỏi lại, sao hồi đó mấy ông không giết tôi, rất nhiều bạn Mỹ của tôi bị giết sao tôi lại được bỏ qua? Tư rạng đáp, anh thì khác anh đem lúa cho nông dân đem lúa giúp chú tôi, giúp bà con trong này thì tôi phải giữ anh không động gì tới anh. Tom rất cảm động và khóc khi nghe như vậy. Trở về sau chuyến đi này Tom hết bệnh tâm lý luôn. Mấy chuyến sau gặp Tom anh hỏi tôi, bây giờ muốn đem lúa qua tặng bà con trong này thì tặng giống gì, tôi nói 50404 là giống ưng ý nhất, thế rồi anh đem 20kg lúa giống vào tận Chương Thiện cho trước, từ đó mình phát triển ra.”

Liên quan đến sản xuất lúa gạo và xuất khẩu, bản tin nào cũng có đề cập tới giống lúa cao sản 50404. Mỗi khi đầu ra xuất khẩu trục trặc, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đều cho rằng vì nông dân làm quá nhiều 50404 lúa cấp thấp không bán được hàng. Vụ đông xuân vừa qua và vụ hè thu 2012 cũng vậy, nhiều nơi vẫn tiếp tục làm giống 50404 bất chấp khuyến cáo là giới hạn tới 20% diện tích mà thôi. GSTS Võ Tòng Xuân giải thích rằng, 50404 là giống lúa rất dễ làm, có phổ rất rộng và rất ngắn ngày, nó thích hợp với đất phù sa, đất phèn, đất mặn. Đặc điểm không cần nhiều phân bón mà vẫn có thể cho năng suất từ 6 tới 7 tấn. Người làm giỏi có thể đạt tới 9 tấn/ha. Tuy nhiên phẩm chất gạo thì ăn không ngon nhiều bột, thích hợp làm gạo 25% tấm hoặc làm bún, bánh tráng….

GSTS Võ Tòng Xuân tiếp lời:
“Người ta cứ phê phán nông dân ham trồng giống 50404, nhưng so giống 50404 này với giống jasmine ngon cơm hơn thì trồng 50404 lại lời hơn. Tại vì khác biệt giá giữa hai giống này chỉ có mấy trăm đồng/kg trong khi đó khác biệt về năng suất có thể tới 3-4 tấn, thành ra làm 50404 vẫn lời hơn. Hiện nay tuy bị phê phán như thế nhưng nông dân vẫn cứ trồng và thương lái vẫn đi tìm mua.”

Trở lại giai thoại người cựu binh Mỹ và giống lúa 50404, cuộc đời và sự nghiệp của Thomas Hargrove còn đậm nét ly kỳ hơn câu chuyện về vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ông còn là một nhà văn với nhiều tác phẩm trong số có hai cuốn nói về Việt Nam. Thomas Hargrove được vinh danh nhiều lần bởi các tổ chức giáo dục nông nghiệp và Trường đại học nổi tiếng. Năm 1994 trong khi tham gia Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu Nông nghiệp Nhiệt đới ở Colombia ông bị quân du kích FARC bắt cóc 11 tháng. khi được phóng thích Thomas Hargrove và vợ trở về Mỹ, cuốn hồi ký Long March to Freedom của ông nổi tiếng thế giới và đã được dựng thành phim vào năm 2.000.

Thomas Hargrove người bạn của nông dân đồng bằng sông Cửu Long qua đời năm 2011 ở tuổi 67 tuổi. Những thế hệ nông dân sau này gắn bó với giống lúa 50404 ít người biết được giai thoại về ông.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.



No comments:

Post a Comment

View My Stats