S.T.T.D Tưởng
Năng Tiến
Fri, 06/08/2012 -
08:06 — tuongnangtien
“Thời chế độ cũ, báo chí Sài Gòn phần lớn
là đối lập. chính bản thân tôi thường vẽ tranh châm biếm ông Thiệu và gọi ông
ta là Sáu Thẹo mà họ cứ cười. Bây giờ tất cả các báo đều của Đảng. Nhà báo
chúng tôi ai cũng theo Đảng, nịnh Đảng muốn chết vậy mà hở một chút là phê bình
kiểm điểm. Các anh thật quá đáng!”
Thưở Tô Hoài còn là Phó Tổng Thư Ký Hội
Nhà Văn, và Chủ Tịch Hội Văn Nghệ Hà Nội, một nhà phê bình văn học đã đưa
ra nhận xét về “cây bút và đời người” của ông như thế này đây:
“… bao nhiêu từng trải, như còn in dấu vào
cách sống, cách chuyện trò của Tô Hoài hôm nay, bên cạnh cái nhũn nhặn lảng
tránh, con người ấy thật cũng đã nhiều phen phải dàn mặt, phải chịu trận, nói
chung là phải đối chọi với đời và nếu như có lúc phải đầu hàng thì đó cũng là
bước đường cùng, rồi, nín nhịn chẳng qua để tồn tại, và sau hết, để được
viết...”
“Ðại khái có thể hình dung như cái cảnh đứa bé bị qùy, thì cũng quỳ đấy, song mắt vẫn liếc về phía mọi người đùa bỡn. Xá gì chuyện này, qùy cho xong nợ, tí nữa lại tha hồ tung tẩy.” (Vương Trí Nhàn. Cây Bút, Ðời Người. Sài Gòn: Phương Nam, 2002).
“Ðại khái có thể hình dung như cái cảnh đứa bé bị qùy, thì cũng quỳ đấy, song mắt vẫn liếc về phía mọi người đùa bỡn. Xá gì chuyện này, qùy cho xong nợ, tí nữa lại tha hồ tung tẩy.” (Vương Trí Nhàn. Cây Bút, Ðời Người. Sài Gòn: Phương Nam, 2002).
Tô Hoài sinh năm 1920. Bây giờ là năm 2012. Hơn chín mươi năm đã trôi qua. Cả đống nước sông, nước suối – cùng nước mưa, cũng như nước mắt – đã (ào ạt) chẩy qua cầu, và qua cống. Tuy thế, chuyện phải quỳ, phải “chịu trận” và phải “đầu hàng” thì vẫn ở lại đối với giới người cầm bút.
Ngày 16 tháng 1 năm 2012, ký giả Tư
Ngộ của báo Người Việt
(phát hành từ California) buồn bã đi tin: “Lỡ ‘đụng’ thủ tướng, báo Thể Thao 24h để sẵn roi chịu đòn.”
Thân
phận, cũng như nhân cách, của giới người cầm viết ở Việt Nam – rõ
ràng – mỗi lúc một thêm xuống cấp.
Bởi vậy, cách đâu đã lâu, nhân Ngày Báo Chí Việt Nam, nhà văn Võ Thị Hảo đã nhất định đòi cử
hành “lễ cầu siêu cho những người làm báo – những kẻ đã nhắm mắt xuôi
tay trước nhiều sự thật.”
Như vậy kể như là mồ yên mả đẹp. Xong
một kiếp tằm. Thời phải thế, thế thời phải thế. Tưởng thế nhưng
không phải thế. Tiếng súng hoa cải bất chợt nổ ở Tiên Lãng đã khiến
cho một số người cầm bút bỗng hồi sinh. Sự kiện bất ngờ này được
nhà báo Mạc
Việt Hồng tường thuật với rất nhiều hào hứng:
“Thay vì chỉ dẫn tin một chiều từ phía công an, chính
quyền như nhiều vụ việc trước đây, các nhà báo đã phỏng vấn gia đình người bị
hại, hàng xóm và những người dân địa phương trong vùng. Phóng viên của các báo
Thanh Niên, Người Lao Động, Dân Trí… đã tới tận khu đầm dù họ bị những bộ mặt
hình sự đe
dọa, xua đuổi, xô đẩy và giằng giật dụng cụ tác nghiệp.”
Theo nhận xét của nhà báo Viết Lê Quân thì đây “là lần đầu
tiên kể từ sự kiện Thái Bình năm 1997, báo chí có được tiếng nói riêng của
mình.” Ông cũng ghi nhận đây là sự “cố gắng gìn giữ những mảng tình người
còn sót lại trong một xã hội đang xuống cấp quá trầm trọng về đạo đức nhân
sinh” của báo giới.
Cố gắng này, tuy muộn, nhưng vẫn làm
nhiều người cầm viết trở nên phấn trấn. Nhà thơ Hoàng Hưng bầy tỏ sự lạc
quan:”... chắc chắn ta sẽ có một truyền thông Việt Nam hậu Tiên Lãng.” Ông còn
tin tưởng rằng cái lằn ranh “đối lập ‘lề phải’ vs ‘lề trái” chỉ là
giả tạo.”
Niềm hưng phấn của ông, tiếc thay,
không được tất cả mọi người chia sẻ. Nhà văn Phạm
Thị Hoài là một trong những người như thế:
“Muốn biết có thể xóa bỏ sự đối lập giữa truyền thông nhà
nước và truyền thông độc lập hay không, chỉ cần lắng nghe sự im lặng hùng hồn
của báo chí chính thống về một người tù khác, blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải,
trước khi có thông tin về phiên tòa xử ông và các
thành viên blog Câu Lạc bộ Nhà báo Tự do sắp diễn ra.”
Đây quả là một sự thực trần trụi và
phũ phàng. Tuy thế, nó chưa phũ phàng (và bẽ bàng) bằng sự kiện
tiếp theo – xẩy ra ở Văn Giang – với sự hiện diện của hai nhà báo Phi
Long và Nguyễn Ngọc Năm.
Trong bản tường trình của nhân vật thứ
hai, đề ngày 26 tháng 4 năm 2012, có đoạn như sau:
“Đi đầu nhóm cưỡng chế là hai công an đến bên Phi Long
hỏi gì đó, rồi ngay lập tức xốc nách Long về sát chân tường nghĩa trang liệt
sĩ. Liền đó, một người đeo băng đỏ giật máy ảnh của Long; khoảng gần chục người
dùng dùi cui, gậy vụt vào người; liên tiếp đấm đá anh Long rất mạnh. Thấy vậy,
tôi đứng trong hành lang nhà văn hóa thôn, dùng điện thoại để quay hình ảnh
này. Nhưng chỉ quay được khoảng 10 giây, tôi thấy Long ôm bụng gục xuống...”
“Khi chạy tới nơi lực lượng cưỡng chế, tôi lại nói nhiều
lần ‘Chúng tôi là nhà báo làm nhiệm vụ, các anh đừng đánh…’ Họ không những
không nghe mà còn vặn hai tay tôi về phía sau, dùng gậy, dùi cui đánh vào
người, đấm đá vào mặt, vào ngực tôi. Lúc đó tôi lại tiếp tục hét lên nhiều lần ‘Tôi
là nhà báo, sao lại đánh tôi?’ Nhưng có người trong nhóm người cưỡng chế còn
chửi ‘Đ. M mày! Nhà báo cũng đánh cho chết mẹ mày đi”.
Bên dưới bản tường trình này, có độc giả phản hồi là “chán như
con gián.” Chán thiệt nếu chúng ta chỉ nhìn vụ việc ở mặt tiêu cực.
Mặt khác, ít người để ý rằng trong vụ cưỡng chế đất đai ở Văn Giang
không chỉ có sự hiện diện của nhị vị phóng viên thượng dẫn. Cạnh
họ còn có những những nhà báo vô danh, những kẻ được nhà thơ Nguyễn Tường Thụy mô tả như những
chiến sĩ trên mặt trận thầm lặng:
“Họ không có thẻ nhà báo do cơ quan có thẩm quyền của nhà
nước cấp. Công việc của họ không cần đến thẻ nhà báo. Nếu có, sớm muộn gì cũng
bị thu hồi vì hoạt động báo chí của họ không chịu theo định hướng của một ai
đó. Điều mà họ tuân thủ chỉ đơn giản là Sự Thật.”
“Nhưng họ là nhà báo với đúng nghĩa của nó. Họ làm việc
theo lương tâm, lẽ phải, không vụ lợi, không sợ hiểm nguy. Họ yêu tự do, công
lý, đứng hẳn về phía những người bị áp bức, chịu bất công.”
“Không ai trả lương cho họ. Ngược lại họ còn bỏ tiền túi
ra để có thể có được những tác phẩm báo chí của mình như mua sắm phương tiện
tác nghiệp, đi lại, ăn ngủ … Họ không thể đi họp để nhận phong bì, không thể đi
xuống cơ sở để vòi vĩnh thậm chí tống tiền các các địa phương và doanh nghiệp
(xin lỗi các nhà báo chân chính)Xem các đoạn clip về cảnh cưỡng chế nơi đồng
không mông quạnh, có thể thấy clip được quay ở một vị trí rất bí mật và ở cự ly
xa hoặc trên cao. Vì vậy, hẳn là họ phải sắm một bộ đồ phù hợp, như máy ảnh,
điện thoại, máy ghi âm hiện đại, để thông tin và có được những clip đưa ra
những sự thật mà công an, nhà cầm quyền muốn che đậy. Riêng máy ảnh có thể ghi
hình từ vị trí an toàn trong hoàn cảnh ngặt nghèo như thế cũng ở mức 40-50
triệu đồng.”
Đó là những chiến sĩ trên mặt trận thầm lặng. Không có họ
làm sao có những clip về cuộc cưỡng chế đất ở Văn Giang gây chấn động công
luận.”
Những “chiến sĩ trên mặt trận thầm lặng”
này không chỉ mới xuất hiện ở Văn Giang. Họ đã có mặt ở nhiều nơi
vào nhiều lúc khác – theo lời của nhà báo Đoan Trang:
“Không có họ, ai là người đưa những thông tin đầu tiên về đại dự án bauxite 2009 ở Tây Nguyên ra công luận?”
“Không có họ, ai đưa những phát ngôn ‘đỉnh cao trí tuệ’
trong chính trường Việt Nam lên mặt báo? Ai ghi lại những câu nói ‘bất hủ’,
phản ánh trình độ (ít nhất là khả năng tư duy logic, khả năng diễn đạt) đáng
báo động của một bộ phận không nhỏ quan chức nước nhà?”
“Không có họ, ai phản ánh về những vụ dân thường chết
trong đồn công an một cách bí hiểm? Cho dù nhiều sự việc đau lòng như thế có
thể chẳng đi về đâu, nhưng ít nhất, cũng nhờ có họ mà chuyện đã được đưa ra
công luận.
“Không có họ, ai viết về mãi lộ? về lũ lụt, tai nạn, tiền
cứu trợ bị bớt xén hay hàng cứu trợ toàn bột giặt? về những tai nạn thảm khốc –
cho thấy một xã hội đầy rủi ro, tỷ lệ tử chắc chắn là cao hơn mức 6/1.000 người
dân/năm rất nhiều? về những bê bối trong trường học, bệnh viện? về một Vinashin
vỡ nợ? Tất nhiên, việc báo chí viết về Vinashin hay các bê bối tương tự rất có
thể chỉ là kết quả của những đấu đá nội bộ ‘trên thiên đình’, trong đó báo chí
được sử dụng làm công cụ, vũ khí để bắn giết nhau, nhà báo chỉ là những con tốt
mà thôi. Nhưng dù sao thì lũ tốt đen ấy cũng đã làm được công việc đưa một phần
sự thật ra ánh sáng.”
“Cũng có những lúc lề trái và lề phải ‘phối hợp tác
chiến’ một cách rất hoàn hảo. Hình ảnh những người dân đi đầu trong đoàn biểu
tình mùa hè năm 2011, giương cao tờ báo Thanh Niên với hàng chữ nổi bật trên
trang nhất: ‘Không chủ trương trấn áp
người biểu tình yêu nước’, có đủ nói lên sự ủng hộ ngấm ngầm của lề phải
cho lề trái chăng? Tôi nhớ ở đâu đó, một độc giả bình luận: ‘Báo Thanh Niên đã góp sức để người dân thể
hiện lòng yêu nước một cách an toàn – và quý báo cũng… an toàn!”
“Họ cũng ra đi. Ra đi nhiều lắm. Cứ sau mỗi vụ tờ báo nào
đó bị xử lý, rất có thể là lại có hàng loạt người ‘bay’. Nhất là với cái thứ
văn hóa đổ vấy của người Việt Nam, khi một loạt bài được ‘trên’ biểu dương, thì
lãnh đạo tòa báo hưởng, mà khi loạt bài bị “đánh” thì chỉ có thằng đánh máy,
con sửa mo-rát là chết, mà lại là chết trong âm thầm, không ai hay biết.
Cũng nhiều người tự động bỏ đi, vì chán ngán, vì bế tắc.
Một trong những người ấy đã gửi tôi một dòng tin nhắn mà không bao giờ tôi quên
được: “Nhưng chúng ta không thể bỏ mặc
thế giới này cho những kẻ mà ta khinh bỉ”.
Đoan Trang còn viết thêm: “Tôi kính phục họ – những nhà
báo trung thực, giấu sự phản kháng vào trong thầm lặng. Thật tiếc là, dẫu vô
cùng muốn viết về họ, nhưng ngay cả lúc này, tôi vẫn cứ phải giấu tên các nhà
báo ấy, để họ ở yên trong trận tuyến của họ – vì lẽ mọi lời nói ám chỉ đến họ
đều có thể trở thành thông tin chỉ điểm.”
"Vâng. Chúng ta hy vọng vào họ.” Tôi cũng đã nghe nhà
báo Mạc
Việt Hồng nói y như thế, cách đây chưa lâu.
No comments:
Post a Comment