Saturday, 23 June 2012

BỐN MƯƠI NĂM, MÙA HÈ ĐỎ LỬA . . . (Lê Mai - Quan Điểm của Bắc Quân)




Tháng Sáu 9, 2012 — Lê Mai

J.Pimlott, nhà sử học Mỹ, tác giả cuốn Việt Nam, những trận đánh quyết định đã mô tả cuộc tấn công của Bắc VN vào mùa hè đỏ lửa năm 1972 khá sinh động. Nó được bắt đầu vào buổi trưa ngày 30.3.1972, trước ngày lễ Phục sinh. Căn cứ hỏa lực của Nam VN ở phía Nam Khu Phi quân sự bị pháo kích dồn dập, chủ yếu là pháo 130 mm, do Liên Xô cung cấp, đặt ở phía Bắc giới tuyến, ngoài tầm pháo 105 mm và 150 mm của Nam VN. Đồng thời, 3 sư đoàn quân Bắc VN với 30 ngàn quân, có 200 xe tăng yểm hộ đã tràn qua Khu Phi quân sự, đè bẹp các tiền đồn của sư đoàn 3 VNCH thiếu kinh nghiệm, khiến sư đoàn này hốt hoảng rút lui khoảng 10 dặm về Đông Hà. Tình hình được cứu vãn bằng cách phá cầu Đông Hà – nhờ sự khôn ngoan của các cố vấn Mỹ mặc dù không có lệnh.

Ngày Lễ Phục sinh 2.4, các căn cứ của quân Nam VN lại bị oanh tạc dữ dội bằng đạn pháo và rốc két, tạo ra một lỗ hổng lớn và các sư đoàn Bắc VN tràn qua lỗ hổng đó, chiếm cầu Cam Lộ, buộc quân Nam VN lùi tiếp về phía Đông, tạo nên một tuyến phòng ngự hình vòng cung từ Cửa Việt qua thị xã Đông Hà, đến sông Thạch Hãn gần thị xã Quảng Trị.

Tổng thống Thiệu ra lệnh cách chức Trung tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư lệnh Quân đoàn I VNCH, bắt giữ tướng Vũ Văn Giai, Tư lệnh Sư đoàn 3 và trao toàn quyền chỉ huy Quân đoàn I cho Trung tướng Ngô Quang Trưởng – một viên tướng được coi là tài năng nhất của Nam VN. Tướng Trưởng lập một phòng tuyến mới khoảng 25 dặm về phía Bắc Huế, trên sông Mỹ Chánh, chặn đứng nỗi kinh hoàng bằng cách dọa bắn bỏ tất cả những kẻ đào ngũ và cướp bóc. Thiếu lực lượng để phát huy lợi thế, quân Bắc VN đành để cho quân Nam VN củng cố phòng tuyến.

Chiến sự ác liệt làm dòng người tỵ nạn dày đặc gây tắc nghẽn các ngã đường dẫn về Huế. Nhờ lực lượng Hải quân đánh bộ VNCH, Sư đoàn 1 tinh nhuệ và Trung đoàn 20 xe tăng, bất chấp sự hoảng loạn của Sư đoàn 3 VNCH, tuyến phòng ngự của Nam VN vẫn được giữ vững. Thêm vào đó, Nixon cho phép sử dụng không quân oanh tạc dữ dội, 4 tàu sân bay tăng cường cho Hạm đội 7 ở ngoài khơi. Các chiến hạm của Hạm đội 7 đã bắn trên 160 ngàn tấn bom đạn vào các mục tiêu trên bộ, trong khi khoảng 700 máy bay tiêm kích bom và 170 máy bay B-52 thường xuyên oanh tạc. Cơ hội chiến thắng cho Bắc VN thật không dễ dàng.

Bộ Tư lệnh chiến dịch Quảng Trị của Bắc VN gồm những tên tuổi nổi tiếng như: Tư lệnh Lê Trọng Tấn, Chính ủy Lê Quang Đạo. Ngoài ra còn có Cao Văn Khánh, Lê Tự Đồng, Hoàng Minh Thi, Giáp Văn Cương… Còn Văn Tiến Dũng, Tổng tham mưu trưởng là đại diện của Quân ủy Trung ương bên cạnh Bộ Tư lệnh chiến dịch.

Không may cho Nam VN, tướng Võ Nguyên Giáp được trao toàn quyền chỉ huy cuộc tấn công, không chỉ chiến dịch Quảng Trị mà còn cả chiến dịch Tây Nguyên và An Lộc nữa – theo Pimlott.

Sự thực không hẳn như vậy. Vào thời gian mà quân Bắc VN bị chặn lại ở phòng tuyến sông Mỹ Chánh, ý kiến của Tổng hành dinh ở Hà Nội và Bộ Tư lệnh chiến dịch có khác nhau. Tổng hành dinh chỉ đạo phải đánh vu hồi để tránh tổn thất do vượt sông đánh chính diện. Bộ Tư lệnh chiến dịch thì đề nghị trong lúc đối phương còn hoang mang, chưa kịp tăng viện, cho dùng sức mạnh vượt sông Thạch Hãn, qua cầu Quảng Trị, phát triển vào Nam Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

Bộ Tư lệnh chiến dịch cử tướng Hoàng Nghĩa Khánh, bấy giờ là Tham mưu phó tác chiến ra Hà Nội báo cáo Quân ủy Trung ương. Tướng Khánh kể lại, tới Hà Nội, lập tức ông đến thẳng nhà riêng Tổng tư lệnh báo cáo. Mới được 5 phút, đang báo cáo dở thì trực ban tác chiến gọi điện thoại tới nói: “anh Ba gọi anh sang nhà riêng để báo cáo ngay”. Tổng tư lệnh bảo: “thôi cậu sang báo cáo trước với anh Ba rồi quay lại báo cáo với tôi sau”. Lạ thật!
Đến đây, tôi lại nhớ chiến dịch Biên Giới năm 1950, có Hồ Chí Minh trực tiếp ra trận, ở ngay bên cạnh Tổng tư lệnh. Trận đánh Đông Khê ngay từ giờ đầu đã gặp trục trặc. Lúc ấy, Hồ Chí Minh bình thản để Tổng tư lệnh chỉ huy trận đánh và rốt cuộc, chiến dịch Biên Giới đã giành toàn thắng.

Trở lại chuyện tướng Khánh sang báo cáo với anh Ba (Lê Duẩn) về ý định phát triển tiến công của chiến dịch mà đối phương chưa tăng viện, đánh chiếm La Vang và thị xã Quảng Trị. Lê Duẩn đặt tay xuống bản đồ, trùm lên cả khu vực La Vang, thị xã Quảng Trị đến cầu Mỹ Chánh và nói ngay: “ Tôi đồng ý, đánh ngay! Cậu về báo cáo với anh Văn sáng mai họp Quân ủy”. Ông lại chỉ thị cho bí thư, hãy “gọi điện cho đồng chí Sáu Thọ là tôi đã nghe đồng chí Khánh ở mặt trận ra báo cáo rồi. Tôi đồng ý với các đồng chí trong đó. Sáng mai mời anh Thọ sang họp Quân ủy Trung ương rồi sẽ đi Pari”. Như vậy, vấn đề đã được quyết định.

Sáng ngày 27.4.1972 Quân ủy Trung ương họp có Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ, Trần Quốc Hoàn, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Duy Trinh…Vào cuộc họp, Lê Duẩn nói ngay, “tối qua, tôi đã nghe anh Khánh báo cáo ý kiến anh anh Dũng, anh Tấn trong đó, bây giờ để anh Khánh báo cáo lại để các anh nghe”. Mới báo cáo được 20 phút, Lê Duẩn lại cắt ngang: “Tối qua tôi và anh Văn đã nghe rồi, tôi đồng ý, cứ thế mà làm”. Sáu Thọ đứng dậy, đi đi lại lại và nói, tối qua tôi cũng đã nghe anh Ba nói, tôi cũng nhất trí với ý kiến anh Ba, đồng ý để các anh trong đó cho đánh ngay…Lê Duẩn quay lại hỏi, ai có ý kiến gì khác không? Võ Nguyên Giáp nói cũng đã nghe và đồng ý với ý kiến anh Ba. Tổng tư lệnh gửi điện vào mặt trận: “Gửi anh Dũng, Tấn, Đạo: Hội nghị Quân ủy, anh Ba và các đồng chí khác đồng ý kế hoạch của các anh. Cứ thế triển khai ngay”.

Ngày 1.5, quân Bắc VN đã chiếm được thị xã Quảng Trị, trên Quốc lộ 1, lúc này đông đặc binh lính, thường dân và trang bị bỏ lại.

Ngày 3.5, quân Bắc VN đã tiến đến bờ bắc sông Mỹ Chánh, nhưng bắt buộc phải dừng lại do sự phản kích quyết liệt của quân Nam VN. Quân Bắc VN rút dần về La Vang và thị xã Quảng Trị. Cuộc chiến đấu phòng thủ giữ thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm vô cùng gay go, ác liệt của quân Bắc VN bắt đầu.

Có những lúc tình hình chiến trường cực kỳ căng thẳng, giữa đêm, 2 giờ sáng, Tư lệnh chiến dịch Lê Trọng Tấn trong lán chỉ huy dưới trời mưa tầm tã nghe điện thoại của Tổng tư lệnh từ Hà Nội gọi vào. Hai vành tai của Lê Trọng Tấn bị dị ứng cao su ống nghe, viêm loét có mủ. Tổng tư lệnh trong đêm đó nhiều lần điện đàm với Lê Trọng Tấn, yêu cầu báo cáo mọi việc. Cứ điện đàm như vậy ba bốn lần trong đêm, hết lần này sang lần khác…

(còn tiếp)

Tháng Sáu 23, 2012 — Lê Mai

Trong các cuộc điện đàm trong đêm, lần sau, chỉ đạo của Tổng tư lệnh bao giờ cũng cụ thể hơn, sâu sắc hơn. Tuy vậy, tình hình chiến trường Quảng Trị vẫn tiếp tục nóng bỏng.

Một ngày cuối tháng 6.1972, tướng Nguyễn Hữu An được gọi đến gặp Tổng tư lệnh. “Cậu vào đó nắm 308, tìm hiểu xem nó mắc mớ gì. Địch ra nhiều thế mà không đánh được trận tiêu diệt nào. Xem nó khó khăn gì đẩy nó lên” – Tổng tư lệnh chỉ thị.

Nguyễn Hữu An vào Quảng Trị gặp tướng Hoàng Đan. Hoàng Đan hỏi:
- Ông vào đây cả tuần rồi, đã hiểu chiến thuật Quảng Trị chưa?
- Chiến thuật gì?
- Chiến thuật “ba chưa, một ngay”.
- Thế là cái gì?
- Ba chưa là: thứ nhất, chưa nắm được địch; thứ hai, chưa nắm được địa hình; thứ ba, chưa có quân bổ sung, chưa có gạo, đạn. Còn “một ngay”, nghĩa là “phải đánh ngay”.

Một vấn đề rất lớn, cực kỳ quan trọng lúc bấy giờ trong chiến dịch Quảng Trị (tức chiến dịch Trị Thiên) của Bắc VN là vấn đề tiến công và phòng ngự. Các tướng lĩnh Bắc VN không ai dám nói đến phòng ngự, mặc dù quân Nam VN đã giành được quyền chủ động, đang lần lượt phản công giành lại đất đai đã mất. Cũng vì lúng túng giữa tiến công và phòng ngự mà quân Bắc VN gặp khá nhiều khó khăn. Ta sẽ trở lại vấn đề này sau một chút.

Nhớ lại cuộc tổng tấn công Mậu Thân năm 1968, Bắc VN đã giành được những thắng lợi chính trị hết sức quan trọng, làm rung động nước Mỹ, song cũng phải chịu tổn thất lớn hơn bất cứ giai đoạn nào của cuộc chiến tranh. Phải mất một thời gian khá dài, lực lượng của Bắc VN mới dần dần hồi phục. Đến năm 1971, Bắc VN đã giành thắng lợi trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 – cuộc xâm nhập của Nam VN nhằm cắt đứt tuyến đường vận chuyển quan trọng nhất – đường Hồ Chí Minh. Song, Hà Nội vẫn chưa hài lòng với mức độ tiến triển của cuộc chiến.

Năm 1972 là năm bầu cử Tổng thống Mỹ. Sẽ không có ứng cử viên nào muốn gây bất bình trong dư luận công chúng Mỹ. Bắc VN cho rằng đây chính là thời điểm thích hợp nhất để mở một trận đánh chính quy vào quân Nam VN.

Trong khi đó, Tổng thống Nixon và Tiến sỹ Kissinger đang mở đột phá khẩu trong quan hệ với TQ – cựu thù lớn nhất của nước Mỹ. Nixon cử Kissinger bí mật đi TQ để chuẩn bị cho chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ tới TQ.
Nixon sang TQ bàn về vấn đề gì? Chu Ân Lai bí mật tới Hà Nội thông báo cho các nhà lãnh đạo Bắc VN:
- Vấn đề rút quân Mỹ khỏi miền Nam VN là vấn đề số 1, việc công nhận TQ là vấn đề số 2. Cuộc đàm phán Pari trở thành vấn đề then chốt, giai đoạn mấu chốt là từ nay (7.1971) đến tháng 5 năm 1972.

Ngày 21.2.1972, Tổng thống Nixon đến Bắc Kinh, mở đầu chuyến đi thăm TQ, đánh dấu một bước ngoặt quyết định trong quan hệ giữa hai nước. Dư luận quốc tế cho rằng TQ đi với Mỹ để chống LX, lợi dụng sức mạnh của Mỹ làm đối trọng cân bằng với mối đe dọa của LX. Còn Mỹ thì cần TQ giúp đỡ giải quyết vấn đề VN.

Nixon rất hài lòng với kết quả chuyến thăm TQ. Giờ đây, Mỹ chỉ còn “nhìn về Matxcơva để nghiền nát VN”.
Đáp lại chuyến đi đầy ấn tượng của Nixon tới Bắc Kinh, Brêgiơnép quyết định mời Nixon tới Matxcơva.

Cuộc tấn công vào Quảng Trị của Bắc VN diễn ra sau khi Nixon đi TQ và trước khi ông ta đi LX, sau đó còn tiếp tục kéo dài nhiều tháng nữa. Điều đó cho thế giới thấy rõ, công việc của người VN do người VN giải quyết và cũng chứng minh cho Hoa Kỳ biết, cả TQ lẫn LX vẫn giúp đỡ Bắc VN.

Chiều 1.5.1972,, khi tướng Abrams, Tư lệnh Lầu năm góc Phương Đông báo cáo về Nhà Trắng rằng “Quảng Trị đã rơi vào tay cộng sản” thì cả Nixon và các cố vấn thân cận của ông ta đều lặng đi. Nixon nói với Kissinger:
- Chúng ta phải nói cho người Nga biết rằng tôi muốn hủy bỏ Hội nghị cấp cao nếu họ nghĩ rằng chúng ta phải trả giá bằng cái giá thất bại tại VN. Trong bất cứ trường hợp nào, tôi sẽ không dự Hội nghị thượng đỉnh nếu chúng ta còn bị khó khăn ở VN… Tôi không thể dự Hội nghị cấp cao và chạm cốc với Brêgiơnép khi xe tăng Xô viết ầm ầm chạy qua Huế hay Quảng Trị. Hội nghị cấp cao chẳng đáng giá một đồng trinh, không cần mua bằng thất bại ở VN.
Nixon gửi thư cho Brêgiơnép, rằng trang bị của LX đang cung cấp các phương tiện cho Bắc VN hành động và đòi LX chấm dứt viện trợ cho Bắc VN.

Ngày 20.5.1972, Nixon lên đường sang Matxcơva. Trên máy bay, Kissinger nói với Nixon, “đây là một trong những đòn ngoại giao lớn của mọi thời đại”.

Hà Nội tỏ ra không đồng tình khi TQ đón Nixon. Lê Duẩn nói với Chu Ân Lai khi Chu sang Hà Nội thông báo kết quả chuyến đi TQ của Nixon: “Tôi chỉ biết trước một điều là sau khi Nixon gặp các đồng chí, Mỹ sẽ đánh chúng tôi gấp 10 lần…”.

Và Hà Nội cũng không đồng tình khi LX đón Nixon. Khi tiếp phái viên của Matxcơva thông báo cho Bắc VN những nét lớn về giải pháp chấm dứt chiến tranh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng có lúc đã nói: “Ai cho phép họ đe dọa chúng tôi? Ai cho phép họ nói cho chúng tôi làm việc này, không cho chúng tôi làm việc nọ? Ai cho phép họ nói, Nhà trắng không cho phép kéo dài đàm phán trong thời gian có bầu cử ở Mỹ?”.

Thực tế, VN như một con tốt trên bàn cờ chính trị thế giới, bị các nước lớn mang ra đổi chác.
Cuộc tấn công mùa hè đỏ lửa diễn ra khi cuộc hòa đàm Pari đang vào hồi gay cấn nhất. Kết quả giành được trên bàn đàm phán phụ thuộc vào kết quả đạt được trên chiến trường. Cuộc chiến bảo vệ thành cổ Quảng Trị của Bắc VN hết sức gay go, ác liệt, thương vong lớn do yêu cầu của đấu tranh ngoại giao phải giữ cho bằng được. Đại tá C.N kể lại, lúc bấy giờ, chúng tôi vừa viết báo vừa khóc, mỗi đêm là một đại đội, cho đến 81 ngày đêm…

Giữ được thành cổ Quảng Trị, tuy chỉ là một địa danh trên bản đồ, nhưng thế giới vẫn cho là Bắc VN giữ được cả tỉnh Quảng Trị.

Về nghệ thuật quân sự, sau này các tướng lĩnh Bắc VN đã tổng kết, rút ra nhiều bài học kinh nghiệm.
Bắc VN đã không coi trọng phòng ngự trong chiến dịch Trị Thiên. Trong 34 ngày, Bắc VN đã giải phóng tỉnh Quảng Trị nhưng sau đó Nam VN tập trung lực lượng đối phó, có Mỹ yểm trợ tối đa, thực tế Bắc VN đã phải hình thành phòng ngự trong thời gian hơn 200 ngày song khi đó chưa khẳng định là phải tổ chức chiến dịch phòng ngự. Mặt khác, tổ chức phòng ngự đơn thuần, thụ động, không kết hợp được với tích cực phản kích, phản công sau lưng và hai bên sườn đối phương nên các lực lượng phòng thủ Thành cổ phải đơn độc đối phó với ba hướng tấn công của Nam VN.

Không ai dám nói đến phòng ngự, vì sợ cấp trên, rằng quân ta chỉ có tiến công, tiến công và tiến công! Dường như sai lầm của Mậu Thân đã lặp lại. Cho đến khi Tổng tư lệnh chỉ thị, phòng ngự không phải là bị động đối phó, sợ kẻ địch mạnh tiến công ta; phòng ngự không phải là đối lập với tiến công. Tiến công là tư tưởng chỉ đạo trong tác chiến, trong chiến dịch và cả trong chiến đấu phòng ngự. Đã phòng ngự là phải xây dựng công sự kiên cố để kiên cường chiến đấu giữ vững trận địa nhưng phòng ngự phải kết hợp tiến công nhỏ vào bên sườn và sau lựng đối phương. Khi tương quan lực lượng đã thay đổi, ta không đủ sức mạnh tiến công thì phải phòng ngự để bảo vệ địa bàn đã giành được, chuẩn bị điều kiện rồi lại tiếp tục tiến công. Nhờ đó, không còn ai lo ngại khi nói đến phòng ngự trong chiến dịch Quảng Trị.

Chiến dịch Trị Thiên Huế kéo dài từ ngày 30.3.1972 cho đến tháng 1.1973 là thời điểm ký Hiệp định Pari, kéo dài nhiều đợt. Kết quả của chiến dịch cho thấy một điều rất rõ ràng, chừng nào mà người Mỹ vẫn sẵn sàng sử dụng không quân và hải quân để bảo vệ Nam VN thì Bắc VN không thể hy vọng chiến thắng, nhất là các lượng này cũng được sử dụng để oanh tạc cả Bắc VN. Đây quả thật là một bài học nghiệt ngã!

-----------------------------------
MÙA HÈ ĐỎ LỬA  1972    (Tài liệu của Nam Quân)












No comments:

Post a Comment

View My Stats