Tuesday 5 June 2012

BẮC KINH TRÁNH NÉ ĐỐI THOẠI SHANGRI-LA (John Lee - Wall Street Journal)




John Lee  -   Wall Street Journal

Trần Ngọc Cư dịch
5-6-2012

(Việc Trung Quốc không tham dự một hội nghị thượng đỉnh quốc phòng trong khu vực chỉ tạo một khe hở có lợi cho Mỹ)

Tin quan trọng nhất phát đi từ Đối thoại Shangri-La – một hội nghị bộ trưởng quốc phòng các nước châu Á hằng năm tại nơi đây – vào cuối tuần này là lời tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta, rằng Washington sẽ chuyển dịch lực lượng hải quân Mỹ để tạo sự quân bình theo tỉ lệ 60% và 40% giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Nhưng để hiểu lý do tại sao điều này đã gây tác động lên các thành viên tham dự, người ta cần phải xét đến một thông tin liên quan: Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc (TQ) dứt khoát không tham dự hội nghị.

Đối thoại Shangri-La năm ngoái được nhiều người chú ý là nhờ sự hiện diện và bài diễn văn của Bộ trưởng Quốc phòng TQ Lương Quang Liệt. Đó là lần đầu tiên Bắc Kinh gửi một đại diện cấp bộ trưởng đến tham dự Đối thoại, một trong những cuộc họp quan trọng nhất trong năm trên thời biểu quốc phòng châu Á. Bất cứ một hội nghị an ninh khu vực cấp cao nào mà TQ không có đại diện thích đáng cũng sẽ để lại một lổ hổng to tướng trong chương trình nghị sự.

Một năm trước đây hình như Bắc Kinh đã sẵn sàng tham gia hội nghị này vì nó phù hợp với vai trò đang lớn mạnh của mình ở trong khu vực. Bạch thư quốc phòng TQ năm 2011 lý giải rằng sự tham gia của Bắc Kinh trong các diễn đàn đa phương như diễn đàn này là một phương cách TQ xây dựng niềm tin trong khu vực.

Nhưng năm nay thì khác. Mặc dù có những dấu hiệu lúc đầu là Tướng Lương Quang Liệt muốn tham dự Đối thoại một lần nữa, nhưng sự vắng mặt của ông ta đã nổi bật tại Singapore vào cuối tuần này. Như vậy là, Bắc Kinh đang rút ra khỏi diễn đàn trước khi sự tham dự của mình có khả năng trở thành một xu thế. Và cách hành xử này chỉ lôi kéo sự chú ý của thế giới vào những yếu kém nội bộ của TQ đồng thời làm cho các nước khác trong khu vực ngày càng lo lắng về những ý định của TQ.

Một lý thuyết được đưa ra để giải thích việc TQ không tham dự Đối thoại là, Bắc Kinh muốn tránh bị công khai chất vấn và thách đố về thái độ quyết đoán của mình trong các tuyên bố chủ quyền tại Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông]. Nhưng lý giải này không có khả năng thuyết phục. Chỉ mới một năm trước đây thôi, họ Lương đã bình thản trả lời một số người chất vấn ông về các chính sách và hành vi của TQ trong vùng biển tranh chấp. Bắc Kinh thường xuyên sử dụng các diễn đàn như Đối thoại Shangri-La để lặp đi lặp lại quan điểm cho rằng các cuộc tranh chấp này phải được giải quyết giữa chính các quốc gia tranh chấp, mà không cần đến sự xâm lo của cường quốc bên ngoài (phải đọc là: Mỹ). Đáng lẽ TQ có thể sử dụng diễn đàn này để đẩy mạnh lập luận cho rằng việc can thiệp của Mỹ sẽ chỉ làm xấu thêm tình trạng bất ổn tại Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] và giữa các nước châu Á, cho dù lập luận này có tỏ ra vì tự lợi (self-serving) đến đâu đi nữa.

Lời giải thích chính thức, được Bắc Kinh đưa ra với ban tổ chức Đối thoại và được chuyển đến hội nghị, rằng tướng Lương Quang Liệt đang bận rộn với “nhiều ưu tiên trong nước” (domestic priorities) có lẽ là gần với sự thật hơn cả. Nhưng điều này vẫn không giải thích được gì. Các lãnh đạo TQ công khai thú nhận nhiều thách đố kinh tế và xã hội mà họ phải đối phó ở trong nước. Thật vậy, việc thú nhận những thách đố này thường được đưa ra để chứng tỏ rằng Đảng Cộng sản TQ (ĐCSTQ) vẫn còn là một cơ chế hướng nội hơn là hướng ngoại. Nhưng đây không phải là lý do để một vị bộ trưởng phải hủy bỏ một cam kết đã đưa ra từ trước.

Rất có thể là, việc chuyển giao quyền lãnh đạo sắp tới rõ ràng không tiến hành tốt đẹp -- một sự kiện được phơi bày do vụ Bạc Hy Lai, một lãnh đạo Đảng nổi tiếng, bị thanh trừng -- đã gây hoảng sợ trong Đảng. Chứng tỏ được sự đoàn kết nội bộ là một điều quan trọng trong việc chặn đứng những hành vi như các cuộc biểu tình phản kháng tại Thiên An Môn năm 1989; những cuộc biểu tình này đã lợi dụng những dấu hiệu chia rẽ trong nội bộ Đảng. Nhưng sự đoàn kết nội bộ cũng là một công cụ quan trọng trong chính sách ngoại giao.

Vẻ hài hòa bên ngoài của Bộ Chính trị được sử dụng để thuyết phục các thủ đô dân chủ trong khu vực rằng TQ đang được cai trị bởi một chế độ đoàn kết, có sức mạnh, đáp ứng được nguyện vọng của dân, và do đó có tính chính đáng, mặc dù thiếu các cuộc bầu cử dân chủ. Các nhà bình luận trên báo đài nhà nước TQ thường so sánh sự tương phản giữa không khí chia rẽ và thiếu tập trung của các tổ chức nhà nước đa đảng và môi trường có vẻ đoàn kết và tập trung của chính sách độc đảng.

[Nếu tướng Lương Quang Liệt đến tham dự Đối thoại], rất có thể ông sẽ bị chất vấn về tình trạng chuyển giao quyền lực tại TQ trước mắt các vị bộ trưởng quốc phòng, các nhà chiến lược hàng đầu và báo giới trong khu vực. Nếu đúng vậy, việc họ Lương vắng mặt có thể là để tránh né một viên đạn. Kể từ khi vụ Bạc Hy Lai được mọi người biết đến, các lãnh đạo TQ cực kỳ e ngại phải trả lời những câu hỏi về vấn đề thiếu đoàn kết trong Đảng.

Nhưng viên đạn đặc biệt này không dễ tránh né. Dù có trực tiếp liên quan hay không, sự vắng mặt của tướng Lương Quang Liệt chỉ thổi phồng những đồn đoán cho rằng tình trạng tranh chấp trong nội bộ Đảng còn nghiêm trọng và gây bất ổn hơn thế giới bên ngoài có thể biết được. Việc họ Lương không đến tham dự, hay không cung cấp đầy đủ lý do cho sự vắng mặt, đã củng cố quan niệm cho rằng trong tình trạng dầu sôi lửa bỏng, văn hóa chính trị và bản năng cố hữu của Bắc Kinh luôn luôn là vừa bí mật vừa đa nghi, chứ không minh bạch hay có tinh thần hợp tác.

Sự tương phản giữa Mỹ và TQ trong khía cạnh này có thể giải thích lý do tại sao, về phần mình, Ông Panetta đã giành được thắng lợi ngoại giao tại hội nghị Shangri-La. Trong diễn từ khai mạc, vị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã nói về việc Hoa Kỳ đang gia tăng vai trò của mình trong nỗ lực đảm bảo hòa bình, thịnh vượng, và một trật tự cởi mở đặt cơ sở trên luật lệ (a rules-based and open order) trong các khu vực “trên biển, trên không và trên Internet”. Việc này sẽ được thực hiện bằng cách “làm sâu sắc thêm và mở rộng” sự hiện diện của Washington và các mối quan hệ với các đồng minh và đối tác an ninh trong khu vực. Việc tái phối trí [tái quân bình] lực lượng hải quân Mỹ là một phần của chiến lược “gia tăng và tạo thích nghi” cho sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Đông và Đông Nam Á, và trong Ấn Độ Dương.

Bắc Kinh phải thấy rằng các lãnh đạo quốc phòng châu Á sẽ rút tỉa một vài kết luận từ tất cả sự việc này. Hoa Kỳ, mặc dù đang kinh qua một nền kinh tế trì trệ và một cuộc tranh cử tổng thống ở trong thời kỳ ráo riết, đã cam kết dấn thân với châu Á và không từ bỏ các nguyên tắc về tính minh bạch và hợp tác có trách nhiệm [responsible stakeholding].

Trung Quốc, trong khi đối diện với các khó khăn kinh tế trong nước và ở vào giai đoạn chuyển giao quyền lãnh đạo, đã vận dụng kết hợp cùng một lúc tính bảo mật và thái độ ngày càng hung hăng trong Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông]. Trong việc tránh né cuộc Đối thoại tại Singapore, Bắc Kinh đã để cho địch thủ của mình là Hoa Kỳ đấm đá tự do về mặt ngoại giao.

John Lee là một nhà nghiên cứu trong chương trình Michael Hintze và phó giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Quốc tế, Đại học Sydney, và cũng là một học giả tại Viện Hudson ở Washington, D.C. Ông Lee là thành viên của phái đoàn phi-chính phủ của Australia tại cuộc Đối thoại Shangri-La.

Nguồn: Wall Street Journal, June 3, 2012

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN.
Đăng lại từ Bauxite Việt Nam







No comments:

Post a Comment

View My Stats