Tuesday 5 June 2012

ẢNH HƯỞNG CỦA HIỆN TƯỢNG "TÁC GIẢ MA" (BS Ngọc)





bsngoc
05/06/2012
Hôm nay mới đọc bài về tác giả ma rất thú vị của Gs Nguyễn Văn Tuấn làm tôi liên tưởng đến tình trạng tác giả ma ở Việt Nam. Tôi liên tưởng đến chính tôi cũng từng là một tác giả ma. Theo tôi thấy tình trạng viết mướn cũng có thể xem là hiện tượng tác giả ma. Hiểu như vậy sẽ thấy hiện tượng tác giả ma rất phổ biến ở VN.

Nền học thuật VN bây giờ tràn đầy những hiện tượng tiêu cực. Những chuyện đạo văn thì đã quá phổ biến. Không biết đã có ai làm điều tra để biết bao nhiêu sinh viên và thầy cô trong đại học đạo văn, nhưng tôi có cảm giác con số chắc rất cao. Những lùm xùm chung quanh những nhân vật lừng danh như ĐLT, NCB đã được nhà phê bình Nguyễn Hoà nhắc đến. Mấy năm trước xảy ra vụ luộc sách và đạo văn trong đại học kinh tế cũng làm tốn giấy mực một thời gian. Nhưng còn rất nhiều vụ đạo văn trong luận án, giáo trình, sách giáo khoa chưa được báo chí biết đến. Chưa nói đến những sách giáo khoa chỉ là sách dịch nhưng tác giả gốc thì bị … bỏ quên. Những bài tổng quan cũng thế. Những vụ như thế thường chỉ lưu truyền trong đại học chứ ít khi lọt ra ngoài, vì trong giới khoa học ít người hoàn toàn “sạch” nên cách tốt nhất là họ giữ im lặng.

Tôi nghĩ vấn đề đạo văn có thể xuất phát từ khả năng viết. Quan sát cá nhân của tôi thấy một điều đáng buồn là rất nhiều em tốt nghiệp bác sĩ hẳn hoi mà vẫn không viết được một bài văn có đầu có đuôi. Thử đọc qua những hồ sơ bệnh án trong bệnh viện sẽ thấy những sai sót về cú pháp, chính tả, cách hành văn nhiều đến nổi đếm không xuể. Trong tình trạng như thế thì việc mượn văn của người khác là điều không có gì khó hiểu. Vả lại, trong trường cũng không có ai dạy để phân biệt thế nào là đạo văn và thế nào là trích dẫn hợp lý.

Thật ra, nói mấy em bác sĩ mới ra trường viết sai tiếng Việt cũng oan, vì ngay cả thầy cô các em cũng viết chẳng ra gì.  Đọc qua những bài của thầy cô trong ngành y tôi chỉ biết thở dài vì không ngờ trình độ học thuật ngày nay kém như thế. Những câu văn chẳng ra làm sao cả. Xin đưa ra vài ví dụ tiêu biểu:
Viêm âm đạo do vi nấm bệnh thường gặp, đứng thứ hai trong các nguyên nhân gây bệnh”.  Mộtcâu văn lũn cũn. Đọc xong cũng chẳng biết đó là bệnh danh gì. “Đứng thứ hai trong các nguyên nhân gây bệnh” nhưng bệnh gì?
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một  nguyên nhân và ngày càng gia tăng về tỷ lệ tử vong”.  Thêm một câu văn khó hiểu.
Và đố ai hiểu được câu này: “Trí tuệ xúc cảm là một thành tố trí tệ mới được phát hiện vào đầu thập niên 90 của thế kỷ XX”.

Có thể lấy ra hàng ngàn câu như thế trong các báo cáo khoa học để bình luận. Thật ra, chỉ mang tiếng “khoa học” chứ trong thực tế thì chẳng có khoa học tính gì trong đó. Những báo cáo mà đọc xong người ta chẳng có một ấn tượng gì, chẳng có gì cần phải nhớ vì chẳng có phát hiện gì đáng để ghi nhận.

Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là cách hành văn trong những bài báo gọi là “khoa học” đó. Nó không phải tây mà cũng chẳng phải ta; nó lai căng, nhập nhằng giữa văn viết và văn nói. Nó nghèo nàn ở cách dịch. Viết văn là một cách suy nghĩ, cho nên cách hành văn không trong sáng cũng nói lên rằng suy nghĩ của những tác giả thiếu trong sáng. Thiếu trong sáng là triệu chứng của sự hụt hẫng về kiến thức và am hiểu vấn đề.

Thầy cô mà còn viết văn như thế thì cũng không nên trách trò sao quá kém.

Bấy lâu nay ai cũng biết đạo văn chỉ là một khối u trong học thuật. Nhưng bây giờ tôi mới biết thêm một khối u khác có tên là “tác giả ma”.  Thú thật, đây là lần đầu tiên tôi nghe đến hiện tượng “tác giả ma”. Vì vậy tôi cũng bỏ thời gian tìm hiểu. Hoá ra, đây không phải là hiện tượng mới trong khoa học. Nó đã xuất hiện khá lâu trong nghiên cứu y khoa. Lần mò theo tài liệu tham khảo trong bài của Gs Tuấn, tôi đọc được bài trên tạp chí y khoa British Medical Journal nói về quy mô của tình trạng tác giả ma trong y khoa. Trong bài báo đó các nhà nghiên cứu định nghĩa tác giả ma là những người có đóng góp xứng đáng trong bài báo nhưng không ký tên tác giả, hoặc những người vô danh có tham gia vào việc soạn thảo bài báo. Nguyên văn là: “An individual who was not listed as an author made contributions that merited authorship; an unnamed individual participated in writing the article”.

Phải ghi chú ở đây rằng định nghĩa trong tạp chí British Medical Journal rất khác với “định nghĩa” của bà tiến sĩ tự hào là chuyên gia về tiếng Anh. Trong một bài mang tính vừa đố kỵ vừa dạy đời bà lên lớp rằng tác giả ma là người “không viết mà ký tên làm tác giả (lấy bài người khác làm bài của mình)”. Tôi rất ngạc nhiên khi đọc định nghĩa này. Nhưng tìm lại tài liệu gốc thì tôi mới biết bà tiến sĩ dịch sai hoàn toàn! Sai từ ý đến lời. Trong trang web bà dẫn, người ta viết như thế này:
“The Ghost Writer” – The writer turns in another’s work, word-for-word, as his or her own. 

Chẳng có chỗ nào để viết rằng “không viết mà ký tên làm tác giả” cả. Với thứ tiếng Anh lõm bõm của tôi, tôi hiểu định nghĩa trên là tác giả ma là tác giả chuyển giao tác phẩm của mình cho người khác để người đó lấy làm tác phẩm của họ. Tác giả ma, như cụm từ “ma” ám chỉ, là … ma. Tức là người đó không xuất hiện trên giấy trắng mực đen là tác giả, dù người đó thật sự là người tạo ra tác phẩm. Hiểu như vậy thì những người soạn diễn văn cho các lãnh tụ là những tác giả ma. Đọc những gì bà tiến sĩ chống chế, nguỵ biện, cũng như những hiểu biết của bà tôi thấy rất buồn cười và thất vọng. Chắc bà khinh thường người đọc không biết đúng với sai chăng? Càng thấy những gì mấy người bên trang Giáo sư dỏm nhận xét càng có cơ sở.

Nhưng đó là chuyện nhỏ. Tôi muốn quay lại với hiện tượng tác giả ma và ảnh hưởng của nó. Tôi muốn nói ảnh hưởng ngay tại Việt Nam chứ không nói ở nước nào xa xôi cả.

Chiếu theo định nghĩa tác giả ma như trên, tôi phải thú nhận rằng tôi cũng từng là một tác giả ma. Vào thập niên 1980 của thế kỷ trước, do cuộc sống khó khăn và vì biết chút tiếng Anh, tiếng Pháp từ thời học trường thuốc, nên tôi trở thành một kẻ viết mướn. Tôi viết luận án cao học, luận án tiến sĩ cho các quan chức. Một vài người bây giờ là những người làm quan to ở bộ và trong các bệnh viện thành phố. Thoạt đầu, tôi đi mua tài liệu y văn, rồi dịch sang tiếng Việt cho các “khách hàng”. Nhưng sau này khách hàng bận quá nên nhờ tôi viết luôn cả luận án cho họ. Có nhiều bài tổng quan quá chuyên sâu mà tôi không thể nào hiểu hết được nên tôi chỉ dịch theo cách hiểu lõm bõm của mình. Ấy thế mà sau này khách hàng đó còn dạy cho tôi! Tôi biết vài đồng nghiệp khác cũng là tác giả ma như tôi. Nói chung, trong vai tác giả ma, chúng tôi kiếm sống cũng khá thoải mái một thời gian.

Tôi tin rằng ngay cả những vị lãnh đạo có bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ cũng có thể nhờ vào các tác giả ma. Làm sao một người dành cả đời trong chiến khu rồi một sớm một chiều có bằng cử nhân, thạc sĩ, hay tiến sĩ. Thời giờ đâu mà họ có thể theo học trong khi trách nhiệm hành chánh rất nặng nề. Ngay cả có thời giờ theo học, chắc gì họ có đủ trình độ căn bản để theo học, để viết một luận văn đúng chuẩn mực học thuật. Họ phải nhờ đến các tác giả ma thôi.

Ngày nay, tôi tin rằng hiện tượng tác giả ma vẫn còn tồn tại. Nó tồn tại dưới hình thức “chợ luận văn”. Người ta ngang nhiên có hẳn những trang web chợ luận văn, có khi xuất hiện dưới cái tên mang tính học thuật hơn như “Thư viện luận văn”! Có nơi bày bán công khai các luận văn dưới dạng điện tử hoặc bản copy.  Trong đó, khách hàng có thể tìm hàng trăm luận văn đủ các cấp và các ngành học. Trong thực tế có rất nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh là khách hàng của những chợ luận văn. Có em thành thật nói rằng: “Đang làm đồ án bộ môn Xử lý nước thải công nghiệp, nhưng nói là làm vậy thôi chứ toàn sao chép từ các đồ án năm trước”, “Mình lấy bài đánh máy sẵn và bản vẽ Autocad, chỉnh sửa lại. Lớp mình có hơn nửa lớp làm kiểu tương tự như vậy”. Nói như thế để thấy hiện tượng tác giả ma có thể là một “đại dịch” trong học thuật ở nước ta.

Tác giả ma và đạo văn sẽ có ảnh hưởng xấu đến y khoa. Ảnh hưởng hiển nhiên nhất là sẽ có rất ít những phát hiện, khám phá từ Việt Nam. Bởi vì người ta chỉ đơn giản mua luận văn, xào nấu lại thành một luận văn mới, nên chẳng có kiến thức gì mới từ những công trình đó. Không có khám phá gì mới cũng đồng nghĩa với việc lệ thuộc vào người khác và dẫn đến sự thiếu tự chủ. Điều này thì chúng ta đã thấy vì thế hệ thầy cô trường y ngày nay chỉ là những người sao chép của người khác nên không có khả năng đề xuất những ý tưởng độc đáo. Tất cả những gì họ làm chỉ là copy từ người khác, chứ không có đóng góp gì mới. Tất cả đều ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc bệnh nhân.

Các thầy cô có biết hiện tượng tác giả ma? Tôi tin là họ biết, nhưng họ không nói ra. Một phần vì chính họ cũng là khách hàng của chợ luận văn và tác giả ma. Cũng có thể họ biết, do trình độ kém hay chưa am hiểu vấn đề đến nơi đến chốn nên họ không nhận ra được nguồn gốc của văn bản, và để sinh viên qua mặt. Trong tình hình thực tế như thế, tôi tiên đoán rằng nền học thuật của Việt Nam sẽ cónhiều tiêu cựchơn trong vài thế hệ kế tiếp. Lý do đơn giản là vì những người có được bằng cấp hôm nay qua đạo văn và giúp đỡ của các tác giả ma sẽ đào tạo ra một thế hệ tiếp nối, và tình trạng chỉ có thể nói rằng sẽ càng ngày càng tồi tệ hơn.  Trong môi trường học thuật bát nháo như thế mà các vị bộ trưởng và quan chức giáo dục nói rằng sẽ đưa đại học VN lên hàng đầu thế giới thì chẳng khác gì họ đang ru ngủ chúng ta.



No comments:

Post a Comment

View My Stats