Ngô Nhân Dụng
Chuyện mấy thương gia người Trung Quốc sang nước ta thuê
người Việt đứng tên nuôi cá bè, quý vị đã đọc hết trên báo này cũng như trên
các mạng lưới. Một điều nhiều người phải đặt câu hỏi là phản ứng và thái độ của
các cán bộ lãnh đạo cộng sản Việt Nam khi những chuyện này được báo chí phanh
phui. Họ làm như không biết gì cả!
Mỗi năm vùng Cam Ranh cung cấp hàng ngàn tấn đồ biển loại
cao giá, phần lớn được các đầu nậu thu mua rồi bán qua Trung Quốc. Theo báo chí
trong nước, chung quanh vịnh Cam Ranh hiện có đến 300 ha mặt nước nuôi cá mú,
cả nước không đâu nhiều bằng; ngoài ra còn có 15.000 lồng nuôi tôm hùm. Phóng
viên báo Sài Gòn Tiếp Thị nói rằng hầu hết dân chúng cũng như giới buôn bán
trong vùng Cam Ranh đều biết các đìa cũng như lồng bè nuôi cá, tôm đều do người
Trung Quốc làm chủ.
Ông Nguyễn Thành Long, thuộc đội Quản lý thị trường số 3
biết là đang có ít nhất bốn cơ sở thu mua và một cơ sở nuôi bè hải sản của
người Trung Quốc, nhưng do người Việt Nam đứng tên. Một khu rộng 500 mét vuông
ghép những chiếc bè kiên cố nuôi cá chim; trong khu bè đó họ dùng thức ăn nuôi
cá mang bao bì hoàn toàn viết bằng chữ Trung Quốc, vi phạm luật lệ thương mại
bắt phải viết thêm tiếng Việt cho người tiêu thụ Việt Nam hiểu được.
Một nguồn tin khác là ông Trần Văn Ớt, phó phòng kinh tế
Cam Ranh lại nói rằng không một cá nhân hay doanh nghiệp nào được cấp phép nuôi
trồng thủy sản trên vịnh Cam Ranh. Tuy nhiên thành phố hiện có đến 800 ha nuôi
trồng thủy sản, khoảng 11.400 lồng nuôi, chủ yếu là nuôi trồng tự phát. Điều
được báo chí trong nước nêu lên báo động dư luận là nhiều bè, lồng nuôi cá do
người Trung Quốc tổ chức chỉ cách quân cảng Cam Ranh có 300 mét!
Trên nguyên tắc thì quân cảng là một địa điểm phải được
bảo vệ kín đáo hơn! Chính vì báo chí ở Sài Gòn lên tiếng cho nên chính quyền
địa phương mới tỏ vẻ “giật mình” và “chỉ đạo các cơ sở cấp dưới báo cáo!”
Báo trong nước viết: Ngày 31 tháng 5, lãnh đạo Thành ủy
Cam Ranh đã chỉ đạo phải rà soát lại các hoạt động kinh doanh, thu mua, nuôi
trồng thủy sản trên địa bàn thành phố Cam Ranh. Cùng ngày, chính quyền tỉnh
Khánh Hòa có văn bản khẩn yêu cầu Cam Ranh báo cáo công tác quản lý hoạt động
của người nước ngoài trên địa bàn cho Uỷ Ban Nhân Dân tỉnh trong một tuần lễ!
Cứ theo bản tin trên thì những người có trách nhiệm trong
cả “Đảng” và “Nhà nước” ở Cam Ranh, Khánh Hòa đều chờ các nhà báo loan tin rồi
mới ra lệnh cho cấp dưới phải báo cáo! Nếu không báo nào loan tin, thì chắc là
các ông các bà không biết chuyện người Trung Quốc đang thuê người Việt đứng lên
làm bè nuôi cá ngay trước mắt thiên hạ, và chỉ cách quân cảng 300 mét! Nếu như
các nhà báo được các ông chủ Trung Quốc hoặc các đầu nậu Việt Nam đãi đằng rượu
trà, bao thư đầy đủ, không báo nào loan tin thì chắc đến giờ các “đồng chí lãnh
đạo” vẫn không biết gì cả! Có ai tin được như vậy hay không?
Nhưng Cam Ranh chỉ là một địa điểm được lái buôn Trung
Quốc chiếu cố. Tiếp theo, lại đến tin tại Vũng Rô, tỉnh Phú Yên, người Trung
Quốc cũng đã “đóng gần 200 lồng nuôi cá trải rộng trên diện tích hàng ngàn
thước vuông trị giá hàng trăm ngàn đô la.” Riêng một người Việt Nam làm giám
đốc công ty thương mại “đứng mũi chịu sào” cho người Trung Quốc làm hơn 100
lồng bè nuôi cá.
Sài Gòn Tiếp Thị còn cho biết ngày 1 tháng Sáu, vụ trưởng
Vụ Nuôi Trồng Thủy Sản thuộc Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn đã xác nhận
tin người Trung Quốc đang nuôi cá bằng bè ở Cam Ranh, Phú Yên và Bà Rịa, Vũng
Tàu. Như vậy là quan chức ở trung ương đã biết chuyện, trong lúc các quan lớn ở
địa phương thì làm bộ chưa biết, bắt cấp dưới báo cáo! Một nhân vật cao hàng
thứ nhì ở Cam Ranh thú nhận ngay tình: “Việc người Trung Quốc nuôi hải sản ở
vịnh Cam Ranh đã có từ mấy năm nay rồi, chứ không phải mới đây. Anh em cứ tưởng
họ tới mua hải sản rồi đi, chứ không biết rằng họ trụ lại đó để làm ăn!”
Nói như vậy tức là “anh em” có biết người Trung Quốc đã
đến kiếm chác trên phần mặt biển, phần đất nước do mình quản nhiệm. Biết, và
chấp thuận, chứ nếu không thì làm sao “họ” làm ăn được? Có thằng dân Việt Nam
nào đứng ra làm ăn mà qua mặt được “anh em” đâu? Nhưng “anh em cứ tưởng họ tới
mua hải sản rồi đi!” Viên chức cao cấp ở Cam Ranh còn nói thật: “ Mấy năm nay
họ mượn danh nghĩa người Việt Nam nuôi cá, nuôi tôm, mua bán kiếm lời mà không
đóng một đồng thuế nào cả!” Một chế độ con muỗi bay qua cũng không lọt, làm sao
“cứ tưởng” như vậy? Một bà bán khoai cũng không được quên nhiệm vụ đóng tiền
thu phí, làm sao bao nhiêu bè cá mà không đóng thuế được? Thật không thể tin
nổi! Họa chăng những thương gia Trung Quốc này có đóng, có góp, nhưng không gọi
là thuế!
Tóm lại, phản ứng của chính quyền
cho thấy họ đã ăn rồi cố gắng “chùi mép” một cách vụng về! Họ có thể thả lỏng cho con buôn Trung Quốc vào khai thác đất, khai thác
biển của địa phương mình; vì họ biết từ trên xuống dưới cũng đều theo một “chủ
trương nhất quán” đó cả. Trên thì cho thuê đất, thuê rừng hàng 50 năm hay cả
thế kỷ. Trên cao nữa thì cho khai thác quặng mỏ, bô xít, cho trúng thầu những
công trình xây dựng lớn để tiêu tiền viện trợ. Lớn ăn đường lớn, nhỏ ăn đường
nhỏ. Biết ở trên đã bất chính rồi thì đám quan chức bên dưới có “làm loạn” cũng
chẳng cần kiêng nể gì cả! Mỗi tỉnh là một sứ quân, mỗi thành, mỗi quận, huyện
đều có những sứ quân chỉ lo vét được đồng nào hay đồng đó! Cả nước Việt Nam là
cái “sân chơi” cho họ khai thác!
Nhưng chúng ta tự hỏi: Ví thử người Việt Nam thật sự được
làm chủ đất nước mình, thì nếu được hỏi ý kiến, dân ta có nên để cho các thương
nhân Trung Quốc sang đặt lồng, đóng bè nuôi cá ở bờ biển nước mình hay không?
Xin góp ý kiến ngay: Cho phép chứ sao lại không cho?
Giữa Việt Nam và các nước Đông Nam Á đã có thỏa ước tự do
mậu dịch. Giữa Trung Quốc và các nước ASEAN cũng đã ký thỏa ước trao đổi kinh
tế tự do. Không riêng gì người Trung Quốc mà dân bất cứ nước nào trong khối
ASEAN cũng được phép đầu tư, kinh doanh ở các nước khác theo đúng luật lệ và
các thỏa ước quốc tế đã ký. Người Trung Quốc có quyền nuôi cá bè ở Việt Nam hay
ở Brunei, nếu như người Việt Nam, người Brunei cũng có những quyền tương tự ở
Trung Quốc. Các thỏa ước mậu dịch tự do nhắm thúc đẩy tự do cạnh tranh, nếu
được thực hiện theo đúng luật lệ thì tất cả mọi người tham dự đều được lợi.
Yếu tố quan trọng nhất là “theo đúng luật lệ;” nghĩa là
mọi sự diễn ra minh bạch, công khai; phải cho mọi người cơ hội bình đẳng. Chúng
ta không những không nên cấm người Trung Quốc đầu tư vào nước ta trong ngành
thủy sản mà còn có thể mở cửa các ngành khác nữa. Còn nên khuyến khích các nhà
đầu tư nước khác đến làm ăn thi đua với nhau. Hơn thế nữa, phải khuyến khích
các tư nhân Việt Nam đầu tư cạnh tranh với các người ngoại quốc. Chính phủ có
quyền khuyến khích người Việt Nam bằng chính sách thuế khóa và tín dụng ưu đãi;
trong một thời gian có giới hạn vừa đủ để giúp doanh nhân Việt đủ sức cạnh
tranh với người nước ngoài giầu tiền và giầu kinh nghiệm hơn. Với điều kiện tất
cả các nhà đầu tư phải tuân thủ mọi luật lệ dành cho người ngoại quốc vào làm
ăn ở nước ta!
Nếu dân Việt Nam được quyền quyết định về số mạng của
mình thì chúng ta không nên theo một chủ trương chống người Trung Quốc, hay
người bất cứ một nước nào khác, khi họ muốn vào kinh doanh ở nước ta một cách
minh bạch. Cứ như vậy chúng ta sẽ tránh được những cảnh dành độc quyền cho
người Trung Quốc vào làm ăn lúc nào đó mà mình thì “cứ tưởng họ tới rồi đi!”
Từ trên xuống dưới mà ông nào bà nào cũng “cứ tưởng họ
tới rồi đi” như thế thì có ngày cả nước sẽ đầy các đồng chí Trung Quốc lúc nào
không hay! Nhìn đằng sau thấy một ông Trung Quốc mình “cứ tưởng họ tới rồi đi;”
nhìn bên cạnh lại thấy có mấy ông Trung Quốc, quay nhìn phía trước lại thấy mấy
ông Trung Quốc “cứ tưởng họ tới rồi đi” nữa! Cứ như vậy thì có
ngày nước Việt Nam sẽ giống như nước Tây Tạng!
No comments:
Post a Comment