Wednesday, 13 June 2012

AI ĐƯỢC NÓI VỀ SỰ DỐI TRÁ? (Thùy Linh)





Bạn có dám chắc mình hoàn toàn trong sạch khi bàn và luận về sự giả dối không? Ai trong đời chưa một lần giả dối? Ai dám dõng dạc tuyên bố trước bàn dân thiên hạ rằng mình là người trung thực và ghét sự giả dối mà không phải cúi đầu lẩn tránh cái nhìn của thiên hạ soi mói, giễu cợt? Chắc là ít lắm. Hoặc đó là thánh nhân, hoặc là trẻ con chưa biết đến phải trái. Mình cũng có những lần phải nói dối, nói thác, nói chệch, nói tránh…tức là nói không đúng như sự thật, như là cái đang là. Nhiều cái sự nói dối sau khi hiểu ra người ta có thể xin lỗi, có thể cười xòa, bỏ qua, thông cảm, thấu hiểu, chia sẻ… Nhưng nhiều cái sự nói dối không thể tha thứ nếu nó làm tổn thương người khác, xâm phạm lợi ích của người khác, che dấu cái ác và giúp người ta thực hiện hành vi tội ác với người khác.

Này nhé:

Bạn hãy nghe phát biểu về sự kiên định phấn đấu vì một đất nước phát triển, ưu việt với sự càng ngày càng đi xuống của nền kinh tế, về đời sống khó khăn gia tăng, bất ổn xã hội nhiều hơn, đạo đức xuống cấp trầm trọng…
Bạn sẽ khó tìm được nguyên nhân, thủ phạm của những sai lầm, tắc trách, đổ bể ở một cơ quan, tổng công ty nhà nước, rộng hơn là ở đất nước vì nguyên nhân khách quan thường xuyên được viện dẫn. Những cá nhân giàu có lên còn thủ phạm gây đói nghèo, sai lầm là của chung, thậm chí không dễ để các đại biểu Quốc hội chất vấn.

Bạn hãy nghe một người (có thể là lãnh đạo một cơ quan) nói ở các cuộc nhậu và ở trong cuộc họp để thấm thía những “đa nhân cách” đang nở rộ ở nước ta.

Bạn hãy nhìn thực tế cuộc sống của những công chức (nhất là khi làm quan) với thu nhập của họ.
Bạn hãy so sánh cuộc sống của người dân với cuộc sống của các quan chức – đó là cuộc sống của “ông chủ” và “nô bộc”.

Một đứa trẻ đến trường cũng được trang bị thủ đoạn tối thiểu đối phó với nhà trường và thầy cô như học thêm; trả lời sao cho lọt tai, chớ có nói thật lòng, đừng có liên hệ, so sánh kiến thức trong sách với thực tế cuộc sống…Cha mẹ nào có lương tâm đành thở dài, né tránh, xoa dịu câu trả lời của con trẻ mỗi khi nhìn ra xã hội xung quanh.
Bạn trẻ khi ra trường, cầm tấm bằng trong tay nếu không có mối quan hệ, không có tiền thì cầm chắc thất nghịêp, hoặc ghé tạm vào nơi ế ẩm nào đó, nhặt vài đồng sống qua ngày. Và từng ngày gặm nhấm nỗi buồn hoa phượng xưa kia khi làm các bài văn về tính ưu việt là đặc trưng của đất nước mình.

Bạn hãy đến những nơi như karaoke, nhà hàng, nhà nghỉ, resort…để thấy những cảnh lãng mạn của những cặp tình nhân. Và đó là cuộc sống rất riêng, còn về nhà họ vẫn là những ông bố, bà mẹ tử tế, dạy con cái những điều hay lẽ phải. Không ly hôn nhưng cho phép mình có những tình nhân (và rất nhiều là khác) là đặc trưng của hôn nhân hôm nay. Thế nên chuyện bán dâm của các hoa hậu, chân dài là đương nhiên có gì mà ầm ĩ?

Bạn hãy nghe các câu trả lời ở các cuộc thi ứng xử của các hoa hậu với việc làm của họ sau đó. Không trách cứ được vì họ được thi tuyển để làm việc đó. Quan ngại là xã hội mặc nhiên thừa nhận, vì nếu không thừa nhận thì đã không có những cuộc thi đó.
….

Hãy hình dung câu chuyện thi cử ở Đồi Ngô năm nay (Bắc Giang): đề bài thi năm nay nói về sự giả dối. Học sinh đi vào phòng thi với tâm trạng lo âu thi cử muôn thuở ở xứ mình. Họ vẫn viết lên án sự giả dối – đương nhiên là thế nếu muốn qua kỳ thi. Nhưng để viết được sự giả dối thì phải cần đến “phao cứu sinh” – cũng là sự giả dối – để luận và luyện sự giả dối thành sự trung thực qua ngòi bút. Xong, gần như không lưu lại trong họ sự ăn năn, miễn là qua được kỳ thi. Vậy là sự giả dối giúp họ thành công, thành đạt đầu tiên trên đường đời. Nhưng người giúp vạch trần sự giả dối, gian lận trong thi cử thì bị qui kết vi phạm luật, dùng tiêu cực để đấu tranh với tiêu cực là không được. Cái tốt vừa manh nha đã có nguy cơ bị bịt miệng. Thử hỏi không có video đó thì có cách nào bắt phòng thi hôm đó thừa nhận là họ đã sai? Vậy là sự dối trá có phao để níu vào. Người ta tuyên bố kỳ thi đó vẫn bảo đảm chất lượng, đúng qui chế thi cử. Còn Bộ trưởng Giáo dục thì thờ ơ, nhạt nhẽo, lẩn tránh với sự kiện này đến mức ngạc nhiên qua bài viết của nhà báo Đào Tuấn: (http://daotuanddk.wordpress.com/2012/06/12/hay-mac-ke-coi-xay-gio-di-thoi/)

Đừng trách thói giả dối nữa. Cũng đừng bắt học trò viết luận về sự dối trá nữa mà khổ thân chúng. Vì điều đó có nghĩa công khai hoá sự dối trá như là phương pháp luận của nền giáo dục, hay rộng hơn là lối sống đương đại hôm nay. Mình thấy phòng thi ở Đồi Ngô cùng cái ụ sắt rỉ mà Vinalines mua mấy chục triệu đô còn chềnh ềnh giữa sông là điển hình hoá về thực trạng đất nước ta hôm nay.

Thế nhé, đừng buồn…Hãy tập sống chung với sự dối trá.




No comments:

Post a Comment

View My Stats