Vũ Thạch
Cập
nhật: 9/06/2012
“11 cuộc biểu tình, rồi sao nữa?”, có
người hất hàm hỏi như thế.
Theo họ, các cuộc biểu tình đã chấm
dứt. Nhiều người bị bắt, bị trả thù... rồi làm gì nhau. Họ chỉ thấy các tuyên
bố “giải quyết triệt để việc tụ tập đông người” của những kẻ như Nguyễn Chí
Vịnh đã được thực hiện.
Nhưng “11 cuộc biểu tình, rồi sao nữa?”
cũng là câu hỏi trầm ngâm trong lòng nhiều nhà yêu nước, đặc biệt trong dịp kỷ
niệm 1 năm ngày xuống đường biểu tình đầu tiên 5/6/2011.
Có lẽ sự đắn đo này hàm chứa 2 phần suy
tư: Có đạt được gì không qua bằng đó cuộc biểu tình? Và cần làm gì nữa trong
những ngày tháng tới?
Đạt được nhiều lắm!
Trước hết, chuỗi liên tiếp 11 cuộc biểu
tình là hiện tượng chưa từng có trong lịch sử đất nước, và lại càng chưa từng
có dưới sự cai trị của đảng CSVN từ 1945 đến nay. Hàng ngàn con dân Việt xuống
đường hoàn toàn vì lòng yêu nước và uất hận thấy tổ quốc bị làm nhục. Hàng ngàn
con người đã liên tục dấn thân với đầy đủ ý thức – ý thức về cả lý do của việc
mình làm và ý thức về các đòn trả thù của nhà cầm quyền sau đó.
Vì vậy, trong lịch sử dân tộc tương
lai, 11 cuộc biểu tình này sẽ là một dấu mốc lịch sử nói lên quan điểm của dân
tộc, như mốc điểm mà 74 chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã để lại trên
vùng biển Hoàng Sa năm 1974 và 64 chiến sĩ Quân Đội Nhân Dân Việt Nam đã để lại
trên quần đảo Trường Sa năm 1988.
11 cuộc biểu tình chống xâm lược cũng
đang tạo nhiều tác động lên những kẻ cầm quyền. Nếu so thái độ của lãnh đạo
đảng CSVN hiện nay với thời gian từ tháng 5/2011 trở về trước, chúng ta mới
thấy họ đang bị buộc phải đổi một số thái độ. Kiểu nói “tàu lạ”, “nước lạ” ngay
trong quân sử và trên mặt báo một cách không ngượng ngùng đã gần như biến mất.
Những nỗ lực chôn vùi tên tuổi những người đã hy sinh bảo vệ đất nước trong các
cuộc chiến chống Trung Quốc phần lớn đã phải dừng lại. Ngay cả những giọng điệu
phỉ báng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cũng phải ngừng lại vì tạo quá nhiều phản
cảm trong dân chúng khi mọi người đem ra so sánh.
Ở mức tối thiểu, có thể nói 11 cuộc
biểu tình đã chận được cơn lũ bán nước ào ạt diễn ra suốt những năm 2000-2010.
Nhìn lại khoảng thời gian từ tháng 5/2011 trở về trước, chúng ta sẽ thấy chi
chít những ký kết nhượng đất, nhượng biển, nhượng rừng, nhượng những khu biệt
lập ở khắp các tỉnh và giữa cả những thành phố lớn, nhượng truyền thanh, truyền
hình và các trang mạng, nhượng luôn quyền in sách ca tụng các “liệt sĩ” Trung
Quốc đã vượt biên giới bắn giết người Việt,.... Hiện nay, tuy xác suất có những
triều cống ngầm, đặc biệt về khai thác dầu khí xa tắp ngoài khơi, vẫn rất cao,
nhưng những bàn tay ký kết bán nước và dâng nhượng quá trâng tráo ngay trên đất
liền đã phải rụt lại vì cả dân tộc đang ghi sổ cho tương lai từng tên tuổi lẫn
ngày tháng và địa điểm của từng vụ chặt nhỏ chủ quyền đất nước đem bán. Ngay cả
những tuyên bố đầy ô nhục theo kiểu “miệng Việt óc Tàu” như của Nguyễn Chí Vịnh
cũng đã phải dè dặt lại để khỏi bị ghi vào sử sách ngàn đời như một phần “sự
nghiệp” của cả đảng.
Kế đến, 11 cuộc biểu tình và các phản ứng hung bạo của nhà
cầm quyền đã giúp dân tộc kiểm chứng được nhiều điều quan trọng:
Kiểm chứng được mức độ lệ thuộc Tàu của
thành phần lãnh đạo đảng. Đây là một nhận thức rất cần thiết vì trước 11 cuộc
biểu tình này, vẫn có những nhà dân chủ lão thành khuyên bảo sinh viên “hãy
đứng sau đảng và nhà nước để chống Tàu”. Chỉ sau khi hàng loạt các thứ trưởng
gốc Việt công khai sang Tàu rước lệnh đàn áp thẳng từ Bắc Kinh về chấp hành,
dân tộc Việt mới thấy dựa vào các lãnh đạo CSVN để chống Tàu không phải là chọn
lựa khôn ngoan.
Kiểm chứng được mức độ sẵn sàng ra tay
tàn độc của lãnh đạo đảng đối với dân chúng, từ đạp mặt, đánh đập trên đường
phố đến bắt nguội, đuổi học, đuổi nhà, đuổi sở những người tham gia biểu tình.
Trước đó ai cũng nghĩ giới lãnh đạo dù sao cũng còn lòng yêu nước và vì thế
không thể nào họ lại hung bạo với những người dân chỉ muốn bày tỏ lòng yêu nước
như họ.
Kiểm chứng được trong hàng ngũ đảng
viên CSVN vẫn có nhiều con người chấp nhận bị mất đặc quyền đặc lợi để nói lên
tiếng nói lương tâm, để đứng với những người dân yêu nước cho dù việc làm đó
làm lãnh đạo đảng khó chịu và hứa hẹn trừng phạt. 11 cuộc biểu tình cũng kiểm
chứng được mức độ chấp nhận dị biệt quá khứ giữa các thành phần dân tộc để cùng
đối diện với hiểm họa chung của đất nước.
Kiểm chứng được giá trị của giới sĩ phu
Việt Nam, những con người dám đi đầu trong những ngày tháng căng thẳng. Ở các
nước dân chủ, nơi mà cảnh sát bị ràng buộc bởi đủ loại luật lệ và nếu vi phạm
cũng phải đi tù như ai, thì việc đứng lên đi đầu đã là điều đáng quí. Tại
những nước độc tài, nơi mà “miệng công an là luật”, thì những bước chân đi đầu
lại càng đáng kính phục hơn gấp nhiều lần.
Và 11 cuộc biểu tình đã để lại nhiều
bài học kinh nghiệm quí báu cho các cuộc đấu tranh quần chúng kế tiếp:
Rõ ràng kinh nghiệm xử dụng các kỹ
thuật thu thập hình ảnh, âm thanh; kinh nghiệm chuyển tải nhanh chóng lên mạng
Internet; kinh nghiệm tiếp tay nhịp nhàng và hiệu quả giữa các con dân Việt
trong và ngoài nước trong 11 lần biểu tình đã được áp dụng trong hầu hết các
cuộc phản đối chống cướp đất của bà con dân oan từ đó đến nay, như Tiên Lãng,
Văn Giang, Vụ Bản, ...
Hơn thế nữa, những kiến thức đấu tranh
bất bạo động bằng số đông, không để lộ thành phần điều động, ghi nhận chứng
tích các công an bạo hành, liên kết bảo vệ nhau chứ không chịu thua khi có đồng
đội bị công an bắt, thuyết phục con em trong hàng ngũ công an không tiếp tay
đàn áp đồng bào, v.v... đã được chứng minh qua thực tế và đang lan truyền sau
11 cuộc biểu tình với vận tốc nhanh hơn trước gấp nhiều lần.
Đang đi đúng diễn trình!
Bên cạnh những kết quả nhiều mặt kể
trên còn cần phải nói thêm: những ai xem 11 cuộc biểu tình năm 2011 là chuyện
hoài công vô ích và đã vĩnh viễn chấm dứt là những người không tìm hiểu kinh
nghiệm tại các nước khác.
Không có cuộc tranh đấu thành công nào
chỉ diễn ra chỉ một lần là xong hay luôn luôn tiến lên theo đường thẳng tắp (y
= ax+b). Thường thì thế giới qua các cơ quan truyền thông chỉ biết đến khúc
chót mà quên mất những nỗ lực nhiều năm trước đó và vì vậy dễ tạo những hiểu
lầm về diễn trình. Thực tế cho thấy, nỗ lực của mọi dân tộc trong các cuộc
tranh đấu thành công đều phải đi qua một số giai đoạn thăng trầm như đường màu
xanh (y = axsin(x) + bx) trong biểu đồ sau đây:
Không có cuộc đấu tranh thành công
của dân tộc nào trên thế giới tiến lên theo đường thẳng
Nghĩa là sau mỗi giai đoạn nỗ lực tranh
đấu của người dân, giới cầm quyền sẽ hung hãn phản công để cố gắng đè bẹp.
Nhưng nếu đã hiểu đó chỉ là diễn trình bình thường và không bỏ cuộc, quần chúng
sẽ tạm lùi nhưng không lùi về lại lằn ranh cũ. Cùng lúc, người dân tụ sức lại
để vùng lên cao hơn lần sau đó. Sức bật này đến từ việc rút được nhiều kinh
nghiệm hơn, biết rõ hơn các cách đối phó của bạo quyền, và có được nhiều sự
tham gia tiếp tay hơn. Nỗ lực đấu tranh để bảo vệ đất nước của dân tộc Việt Nam
cũng không khác và đang tiến lên trên diễn trình bình thường đó.
Điều quan trọng là phía người dân biết
tận dụng các giai đoạn “tạm thoái trào” vì:
1. Đây là những lúc dễ thuyết phục nhau
nhất. Trước hết, những nghi ngờ về giá trị thực tiễn của các bài học lý thuyết,
những tranh luận về cách làm nào hay nhất, v.v... vừa được trả lời bằng thực tế
ngay trước mắt mọi người. Nhiều tranh luận, do đó, không còn cần thiết nữa. Kế
đến, đây là giai đoạn mà lực lượng quần chúng đang đùm bọc lẫn nhau trước các
đòn phép trả thù của bạo quyền. Tình thân cũng giúp nhiều trong việc thuyết
phục lẫn nhau.
2. Đây là những lúc có thể âm thầm mở
rộng lực lượng vì sự uất ức của nhiều người đang bị đè nén khi công an cấm ngặt
sự bày tỏ đó qua các cuộc biểu tình. Không cần vội vã với những hình thức hệ
thống hóa hàng ngũ trong lúc tạm thoái trào, mà chỉ cần duy trì liên lạc và
cùng nhau loan truyền đến các vòng quen biết kế tiếp về hiểm họa mất nước và
các kiến thức đấu tranh bất bạo động.
3. Và đây cũng là những lúc cho những
phân tích chân thành về những khiếm khuyết của giai đoạn cao trào trước đó; cho
việc tìm kiếm các cách đối phó cho tương lai; và quan trọng hơn cả, cho việc
nhận dạng đâu là các chỗ bế tắc của lực lượng quần chúng ở hiện tại.
Đâu là chỗ bế tắc hiện nay?
Tại Hà Nội, thật may mắn và quí báu đã
có được sự kết hợp của nhiều nhà yêu nước thuộc nhiều thành phần, từ các vị trí
thức xả thân đi đầu, đến các vị lão thành đã trải qua nhiều giai đoạn khó khăn
của đất nước, đến các văn nghệ sĩ góp phần duy trì tinh thần chung, đến các anh
chị thanh niên sinh viên sôi sục lòng tự trọng của dân tộc. Chính sự kết hợp
phong phú này đã duy trì được sự liên lạc mật thiết của một số những người đã
tham gia các cuộc biểu tình năm 2011 qua nhiều loại sinh hoạt. Tuy nhiên, việc
mở rộng ra hơn vòng tròn này ngay tại Hà Nội vẫn còn là một thử thách. Và nếu
không mở ra được, nhà cầm quyền sẽ tiếp tục thủ đoạn tỉa dần từng người như
đang thấy.
Cái may mắn của Hà Nội, như đã nêu
trên, cũng rất khó lập lại tại các nơi khác, đặc biệt tại Sài Gòn. Cả nước đã
cảm động theo dõi nỗ lực và sự hy sinh của chị Bùi Minh Hằng từ Hà Nội vào Sài
Gòn để cố gắng lập lại các bước chân yêu nước tại đây. Nhưng kết quả mong đợi
đã không xảy ra.
Có lẽ các bế tắc nêu trên đều đến từ
một khó khăn cơ bản khiến cho việc mở rộng đến nhiều tầng lớp dân chúng không
tiến tới được; đó là chưa nghĩ ra cách nào để quảng đại quần chúng khắp nơi có
thể tham gia mà nhà cầm quyền không ngăn chận được và bà con cũng không cảm
thấy quá rủi ro... như đi biểu tình trên đường phố.
Kính đề nghị một vài loại nỗ lực
Trong tinh thần chia sẻ nỗi lo lắng
chung, người viết kính đề nghị một số gợi ý sau đây:
1. Tạo những việc đơn giản tới mức tối đa để quần chúng có
thể tham gia.
Ba tiêu chuẩn cho loại việc này là: (1)
dễ lập lại ở nhiều nơi, (2) khó ngăn chận bởi công an, và (3) rất ít rủi ro.
Một thí dụ cho loại việc này là cùng
nhau tạo những tiếng động bất thường vào đúng một thời điểm đã định trước. Cụ
thể như vào đúng khoảng thời gian 8 giờ đến 8 giờ 5 phút mỗi sáng chủ nhật, mọi
người cùng làm 2 loại hành động tạo tiếng động: gõ thìa gõ đũa vào ly chén nếu
đang ngồi trong nhà, trong tiệm; và đứng lại dậm chân xuống vỉa hè nếu đang ở
ngoài đường. Đây là những tiếng động mà bình thường bà con không làm.
Ý nghĩa của mỗi việc này đã được định
nghĩa từ trước và được quảng bá rộng rãi, chẳng hạn như gõ ly chén mang ý nghĩa
“báo động mất nước”; dậm chân xuống đất để xác định “đất này không thể dâng
nhượng!”....
Giá trị của loại việc này đến từ sự kỷ
luật rất nghiêm về giờ giấc và các hành động đã định. Không ai khởi động trước
8 giờ và đến đúng 8 giờ 5 phút là hoàn toàn im bặt. Cũng không ai làm loại
tiếng động gì khác ngoài cách gõ ly chén và dậm chân như đã cùng định trước. Kỷ
luật đó nói lên mức độ đồng lòng, quyết tâm, nghiêm túc của những người tham
gia.
Một câu hỏi dễ bật lên: “Làm thế thì tạo tác động gì?”
Xin thưa đây chính là một hình thức
biểu tình — tức biểu lộ sự đồng tình của mình với mọi người chung quanh về một
vấn đề. Và trên căn bản đó, loại biểu tình này cũng có cùng tính chất với 11
cuộc xuống đường năm 2011.
Hai đối tượng quan trọng nhất, mà những
người biểu tình theo cách này muốn gởi thông điệp đến, là nhà cầm quyền và phần
còn lại của dân tộc Việt. Chắc chắn giới lãnh đạo sẽ được báo cáo về mức độ căm
phẫn tràn lan của dân tộc qua những tiếng động bất thường đồng loạt vang lên
tại mọi miền, mọi vùng, mọi ngõ ngách trên cả nước mà các công cụ của họ không
thể ngăn chận. Hình thức biểu tình này cũng dễ dàng tạo tò mò nơi người chung
quanh để người Việt có cơ hội trình bày cho nhau về hiểm họa mất nước.
Từ đó lực lượng những người quan tâm
đến hiểm họa mất nước sẽ mở rộng nhanh chóng và cơ hội kết hợp với nhau để làm
những việc kế tiếp cũng gia tăng. Chính sự gia tăng lực lượng sẽ bảo vệ tập thể
những người yêu nước không bị tỉa dần.
Tóm lại, đây là loại ngưỡng cửa đầu
tiên dễ dàng cho quảng đại quần chúng vượt qua để tiến lên các hành động chung
kế tiếp.
2. Chọn một biểu tượng riêng của những người yêu nước.
Ba tiêu chuẩn chọn biểu tượng là: (1)
đặc thù, khó lẫn lộn với các ý nghĩa khác, (2) không thể bị tịch thu, và (3) ít
rủi ro cho người mang biểu tượng.
Một thí dụ cho loại biểu tượng có các
tiêu chuẩn trên là vỗ tay sau lưng.
Thường thì mỗi người chỉ vỗ tay trước
mặt hay ngực của mình để bày tỏ sự ủng hộ. Do đó vỗ tay sau lưng là hành động
đặc thù và có thể gắn liền với ý nghĩa khác.
Ý nghĩa của biểu tượng được định trước
và quảng bá rộng rãi: Vỗ tay sau lưng để khinh bỉ và phản đối những hành động
dâng nhượng chủ quyền đất nước sau lưng dân tộc.
Biểu tượng này giúp những người thiết
tha với đất nước nhận ra nhau và khi cùng làm thì chính là một hình thức biểu
tình để nối tiếp 11 lần xuống đường trong năm 2011. Sự khác biệt là với hình
thức này sẽ có đông người hơn, có thể làm ở bất cứ nơi nào, kéo dài vô hạn
định, và vô cùng khó cho công an trấn áp hay tịch thu.
3. Tạo những kho chung về đấu tranh bất bạo động.
Để giúp gia tăng nhanh sức lực của dân
tộc, đã đến lúc những nhà yêu nước tận dụng mạng Internet để lập ra những kho
chung, chứa đựng các kiến thức lý thuyết, kinh nghiệm của các dân tộc khác, và
nhất là các sáng kiến về đấu tranh bất bạo động thích hợp với tình hình Việt
Nam. Đây sẽ là nơi mà mọi người Việt đều có thể đóng góp, tìm hiểu, và tùy nghi
lấy ra ứng dụng. Nói cách khác, các kho này sẽ là vốn trí tuệ chung của dân tộc
Việt Nam trong giai đoạn xây dựng Sức Mạnh Nhân Dân.
Ngày 8/6/2012
Kính tặng những Nhà Yêu Nước đã có mặt trong 11 cuộc biểu tình lịch sử năm 2011
Kính tặng những Nhà Yêu Nước đã có mặt trong 11 cuộc biểu tình lịch sử năm 2011
No comments:
Post a Comment