BS Hồ Hải
Chủ nhật, ngày 15 tháng tư năm 2012
Gần đây bộ giáo dục đào tạo có thay đổi nhân sự trong việc thiết kế nền giáo dục nước nhà, nhưng nhân lực vẫn chưa có, để đủ tầm hiểu biết phải làm thế nào, khi đưa ra những quyết định có tính khoa học, để cải thiện một nền giáo dục mà cội rễ của nó đã bị sai lầm.
Hôm qua, theo công bố hướng dẫn của bộ giáo dục và đào tạo thì học sinh đạt được giải nhất, nhì và ba trong cuộc thi tuyển cấp quốc gia về môn sinh học sẽ được tuyển vào đào tạo tại các đại học Y khoa, còn học sinh được giải khuyến khích môn này thì được tuyển thẳng vào cao đẳng Y khoa. Dù rằng công việc cụ thể như thế nào thì chưa rõ, nhưng đây là một quyết định, nếu không nói là sai lầm về tư duy giáo dục của bộ giáo dục đào tạo, mà nó còn cho thấy một tầm nhìn thiển cận của những người có trách nhiệm ở cái bộ làm công việc vĩ mô cho tâm hồn, trí não của dân tộc.
Tôi đã từng viết về câu chuyện giáo dục ở Hoa Kỳ, từ phổ thông đến sau đại học về tất cả việc dạy, học và tuyển sinh trên blog này và trên báo chí chính thống gần cả trăm bài. Trong đó có những bài về tuyển sinh vào sau đại học, trong đó có học y khoa như thế nào tương đối đầy đủ. Nhưng cũng cần nói thêm một số vấn đề mà bộ giáo dục hiểu là, khi học y khoa sinh viên phải học những gì? Một sinh viên y khoa khi ra trường vì sao lại khác với sinh viên các trường khác ở lời thề Hippocrates? Và không ít những bác sĩ y khoa là lãnh đạo quốc gia, cũng như các tổ chức toàn cầu?
Ở Việt Nam, chế độ thi tuyển vào đại học đã là một chế độ lỗi thời so với giáo dục toàn cầu, trong khi các nền giáo dục tiên tiến đã đi vào chế độ xét tuyển bỡi hội đồng tuyển sinh của từng trường quyết định sau những yếu tố mà do chiến lược tuyển sinh của trường đó đưa ra. Để đạt được điều này, đòi hỏi một xã hội công bằng, văn minh và trong sạch trong giáo dục, cũng như một thể chế tam quyền phân lập của một nhà nước pháp trị, nên phải ít nhất nửa thế kỷ nữa Việt Nam mới làm được, nếu mọi thành viên trong xã hội cố gắng để đạt được.
Nhưng vấn đề học y khoa thì sinh viên trường thuốc bắt buộc phải học những gì trước khi được phép sờ vào người bệnh, để thực hiện được lời thề đầu tiên, chung nhất của Hippocrates: không được làm hại người bệnh!
Đầu tiên, những môn học được gọi là môn học cơ sở để phục vụ cho việc học kiến thức y học thì, sinh viên phải học tất tần tật các môn khoa học tự nhiên và xã hội.
Tôi xin nói về các môn học về khoa học tự nhiên bao gồm, toán(mathematics), lý(physics), hóa(chemistry), sinh(biology), vi sinh(microbiology), ký sinh(parasitology), sinh lý(physiology), sinh lý bệnh học(pathophysiology), sinh hóa(biochemistry) và dĩ nhiên phải có giải phẫu học(anatomy), giải phẫu bệnh học(anapathology), v.v... Chỉ bấy nhiêu môn khoa học cơ bản về tự nhiên ấy cũng đủ để thấy một học sinh chỉ giỏi về sinh học thì không thể cán đáng được việc học y khoa và để trở thành người thầy thuốc giỏi về chuyên môn.
Vì sao học y khoa mà phải học toán giỏi? Vì y khoa là một ngành khoa học thực nghiệm. Làm bác sĩ cần phải biết làm nghiên cứu và đúc kết khoa học để phát triển chuyên môn trong mọi hoàn cảnh. Toán trong y khoa không chỉ là toán sơ cấp và cao cấp, mà còn là toán ứng dụng như xác suất và thống kê trong y học. Khó và hữu ích hơn nhiều so với toán lý thuyết sơ cấp và cao cấp.
Vì sao học y khoa phải học vật lý? Vì có vật lý thì mới có đủ kiến thức để giải thích một số cơ chế bệnh sinh của một số bệnh tật một cách đầy đủ. Không nắm được định luật Bernoulli, định luật Boyle - Mariotte, và bao nhiêu hiện tượng vật lý khác, thì làm sao hiểu được những vấn đề về huyết động học của dòng máu lưu chuyển trong huyết quản khi nào nó thông và khi nào nó tắt, cũng như khi nào nó vỡ, v.v và v.v...
Những môn khác như hóa, sinh, sinh hóa, sinh lý, v.v... mà không nắm thì làm sao hiểu bao nhiêu cơ chế bệnh sinh của hàng triệu bệnh và tác động thuốc, chuyển hóa thuốc khi cho người bệnh một đơn thuốc và tiên lượng bệnh tật?
Về khoa học xã hội sinh viên trường y phải cần hiểu biết và học triết học, tâm lý học, kinh tế chính trị học, kể cả một số nước còn đòi hỏi phải biết thêm một trong 4 môn cầm kỳ thi họa. Vì đối tượng của nghề y là con người, mà lại là con người đang trong cơn đau khổ của bệnh tật, chứ không phải con người bình thường. Làm bác sĩ không chỉ lo có phần hồn đơn giản như ngành giáo dục, mà còn phải lo cái phần xác thịt đang trong lúc yếu đau. Làm bác sĩ mà không am hiểu tâm lý con người thì, làm sao lo phần hồn đầy khổ đau của người bệnh? Một hậu quả lạm phát hoặc thay đổi thời tiết cũng làm lắm người lên cơn cao huyết áp, có thể dẫn đến biến chứng nhồi máu cơ tim, thuyên tắc mạch máu não hoặc xuất huyết não hoặc đau dạ dày cấp, v.v...., là chuyện bình thường.
Cho nên, ở Hoa Kỳ, trường y là trường sau đại học chứ không phải trường đại học, và tấm bằng ra của bác sĩ là tấm bằng tiến sĩ. Nó khác với các ngành nghề khác ở chỗ đó, nên nó buộc trước khi thí sinh làm hồ sơ nhập học vào trường y tối thiểu phải tốt nghiệp cử nhân. Trước năm 1975, để học y khoa phải trải qua 7 năm, nếu được nhận vào, kể cả 1 năm học chương trình khoa học tự nhiên ở đại học khoa học. Với chương trình 8 năm nếu suông sẻ của Hoa Kỳ được nén vào chỉ 6 năm y khoa ở Việt nam là rất nặng, nếu không là những người thông minh, xuất sắc thì khó thành thầy thuốc giỏi, mặc dù vẫn ra bác sĩ và cũng làm việc như ai.
Đã thế khi làm hồ sơ vào trường y ở Hoa Kỳ, thí sinh còn phải qua một cuộc thi chuẩn hóa quốc gia cho tất cả các sinh viên sau tốt nghiệp cử nhân, để đánh giá sinh viên ấy có đủ điều kiện vào trường y khoa hay không - MCAT: Medical College Admission Test - nhưng đây cũng chỉ là một cuộc thi để được xem xét ở vòng gửi xe, chứ chưa được vào đến bàn xét duyệt vào trường thuốc Hoa Kỳ. MCAT là một cuộc thi nếu không nói là hãi hùng, thì cũng đủ làm cho tất cả các thí sinh muốn vào trường Y đều phải phấn đấu học hành cật lực, liên tục một cách toàn diện tất cả các lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội trong 4 năm cử nhân. Vì cuộc thi này có tất cả các câu hỏi về những lĩnh vực về khoa học tự nhiên và xã hội mà tôi đã kể ở trên cho các môn học cơ sở.
Nếu GRE(Graduate Record Examination) để vào PhD cho các chuyên ngành tự nhiên và, GMAT(Graduate Management Admission Test) để vào PhD cho các chuyên ngành xã hội, là những cuộc thi chuẩn hóa quốc gia của Hoa Kỳ chỉ để đánh giá khả năng thuần tự nhiên hoặc thuần xã hội học của thí sinh, thì MCAT là một cuộc thi chuẩn hóa để đánh giá cả khả năng về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội của thí sinh!
MCAT khó hơn nhiều so với các cuộc thi GRE và GMAT, cho nên nếu một thí sinh muốn lấy 2 tấm bằng kép - double majors - gồm PhD/MD thì cũng chỉ cần thì MCAT, để nộp hồ sơ cho việc này, mà không cần phải thi thêm một trong 2 cuộc thi kia là GRE hay GMAT! Nhưng nếu thí sinh nộp bảng điểm GRE hoặc GMAT hoặc cả 2 GRE và GMAT để học PhD/MD thì hội đồng tuyển sinh cũng từ chối nếu không có MCAT!
Hơn nữa, đối tượng ngành y lại là con người, vì thế cho nên thi tuyển kiểu Việt Nam vào đại học hằng năm, trường y vẫn là trường có điểm chuẩn cao nhất. Điều này không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, thì việc xét tuyển vào trường y vẫn là chiến lược xét tuyển khó khăn nhất. Hoa Kỳ chỉ công nhận bằng bác sĩ y khoa của Canada, vì 2 nước có chung một hệ thống đào tạo. Ngay cả tốt nghiệp y khoa ở Pháp hay Đức, Anh, v.v... đến Hoa Kỳ vẫn phải học lại, thi lại là vậy.
Nếu để giải thích việc, vì sao trước khi trở thành bác sĩ đòi hỏi một thí sinh cần phải giỏi toàn diện như thế nào, thì một bài viết ngắn này không thể đủ. Nhưng có thể nói một cách khác đơn giản hơn là, một bác sĩ y khoa có thể làm một nhà giáo, một lãnh tụ, một doanh nhân, một nhà văn, nhà thơ, v.v... Nhưng không thể có điều ngược lại ở các chuyên gia ở các chuyên ngành khác có thể làm bác sĩ được.
Khi tôi viết đến đây, có lẽ nó sẽ giải thích cho bộ dục-đào hiểu được, vì sao lĩnh vực nào tôi cũng hiểu biết, mà lại là một sự hiểu biết dưới một trí tuệ không hời hợt chút nào?
Khi tôi viết đến đây, có lẽ nó sẽ giải thích cho bộ dục-đào hiểu được, vì sao lĩnh vực nào tôi cũng hiểu biết, mà lại là một sự hiểu biết dưới một trí tuệ không hời hợt chút nào?
Tất cả những gì tôi viết ở đây, không phải đề cao ngành y và bản thân, mà chỉ minh chứng cho việc giáo dục cần phải có cái nhìn toàn diện. Từ lâu nay, trường y chịu dưới sự quản lý cả tư duy và hành động kể cả cái bao tử hằng ngày của 2 bộ. Bộ y tế quản chuyên môn và tư tưởng. Bộ giáo dục bao cấp cách dạy và học cũng như thi tuyển, lương cho nhân viên trường y. Nhưng bộ giáo dục và đào tạo hầu như không hoặc chưa hiểu biết gì về việc để có được một bác sĩ y khoa cần có không chỉ trường và thầy dạy trường y, mà còn cần những người học trò có nền tảng giỏi và xuất sắc.
Tôi xin lỗi trước, và xin phép tuýt còi hơi nặng với bộ giáo dục và đào tạo trước khi đưa ra áp dụng công bố này. Cần phải chấm dứt cái quán tính tư duy làm thợ đụng lâu nay ngay tức khắc. Trước khi ra công bố và áp dụng nó, bộ dục-đào cần phải tham khảo ý kiến bộ y tế và các trường đại học y khoa trong cả nước, nếu cần phải trình quốc hội trước khi nó trở thành trò lố bịch và nguy hại đến một ngành mà, ngành ấy không để chứa chấp loại trí não chuột chạy cùng sào.
Bài viết liên quan:
.
.
.
No comments:
Post a Comment