Wednesday, 11 April 2012

VIẾT THẾ NÀO & VIẾT CÁI GÌ ĐÂY ? (Hà Văn Thịnh)


Hà Văn Thịnh
12/04/2012

Nếu không muốn dùng từ tuyệt vọng thì chắc hẳn cái từ ít đau đớn hơn, ít “xúc phạm” các bậc dân chi phụ mẫu của nước nhà ngày nay hơn, e là chỉ có từ chán ngán! Tại sao lại có thể dung thứ cho những quan chức gây nên bao tội ác – không thể có từ nào thay thế được – cho đất nước, giống nòi mà cứ tiếp tục nghênh ngang tồn tại và lộng hành khơi khơi như ở chốn chỉ có sa mạc và cừu?

Một kẻ sai từ A tới Z trong vụ Tiên Lãng là ông chủ tịch huyện, bị kỷ luật rồi bỗng nhiên ghế trên ngồi tót điếm đàng, “hóa thân” thành chuyên viên Sở Nội vụ? Ai chẳng biết cái sở đó là nơi cơ cấu quan chức, “sắp xếp, tổ chức” cán bộ? Chẳng lẽ cán bộ làm sai rồi lại được tiếp tục đi quy hoạch, đào tạo nguồn cho các sai phạm tiếp nối hay sao?

Một người chịu trách nhiệm chính trong công trình thế kỷ có tên gọi là Sông Đà, hàng chục năm chưa quyết toán xong, nhảy một phát thành Phó Bí thư tỉnh ủy rồi Tổng Giám đốc tập đoàn có năng lực duy nhất là vơ vét tài nguyên để bán, sai phạm đến 20.000 tỷ đồng lại tiếp tục, lại bỗng dưng thành Bộ trưởng và dõng dạc tuyên bố rằng đóng càng nhiều phí giao thông càng chứng tỏ có nhiều tinh thần yêu nước! Vậy, người dân nghĩ và tin chắc chắn vào cái logic không thể chối cãi là càng lấy của dân nhiều bao nhiêu thì càng yêu nước bấy nhiêu chăng?

Tại sao có thể ngang ngược đến mức bất chấp mọi điều khoản của luật pháp, cứ thích cưỡng chế ai, phạt tiền ai là phạt?

Khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” bị biến thành trò hề tức tưởi của tất thảy nỗi ê chề.

Đá bóng, cấm. Tổ chức liên hoan ngày 8.3, phạt. Dân khiếu kiện, người viết bài phê phán cái sai thì có “chế độ” chụp ảnh lưu hồ sơ, theo dõi và chờ… xử lý!

Nếu là thực sự của dân, do dân thì vì sao hãi sợ đến mức ấy? Người dân Việt luôn sống, ứng xử trọn nghĩa, thấu tình, có lẽ nào không biết đúng sai, có thể nào bị u mê đến mức không phân biệt được trắng đen? Nếu đúng là như thế (như cách người cầm quyền nghĩ), thì từ nay về sau đừng ra rả những câu chữ tự hoan ca đau óc, nhọc lòng.

Tại sao Thủ tướng chỉ đạo đến gày 31.3 phải báo cáo rõ ràng vụ Tiên Lãng mà quan chức Hải Phòng không chấp hành cũng chẳng hề chi? Nếu kỷ cương, phép nước mà hành xử sự coi thường, khinh miệt như cách thói tục làng sống chết mặc bay thì làm sao tội ác, sai phạm không ngang nhiên bỡn cợt với cuộc đời?

Cả cái đập to đùng (730 triệu m3 hồng thủy) nứt chảy ào ào như thác mà cứ vô sỉ, càn rỡ bóp miệng dân bằng cụm từ “chẳng hề chi”? Thử hỏi, nhà các ông bị dột một chút thì có lo ngày lo đêm vì sợ sắt thép gỉ mục, nổ tung thành tai họa?

Nói lấy được tức là khinh dân, xúc phạm đến nhân phẩm của 90 triệu người dân tới mức tột cùng. Từ cổ chí kim, từ đông sang tây, có bao giờ có chuyện nói hay như trời, mà làm như cóc nhảy, vậy không?

Tất cả những gì sai phạm (tội ác) của không ít kẻ đương chức đương quyền tôi đã viết và góp đôi dòng phê phán lâu nay. Viết nhiều đến mức khi đau hơn, cay đắng hơn, chẳng còn biết viết cái gì… Chẳng lẽ đến mức ấy mà những người có trách nhiệm vẫn không thể quên việc phủi quần, chùi ghế để tọa nhục, hành đau, coi dân như bèo bọt, nghênh ngang lộng hành, hoan lạc và dối trá mãi sao?

Huế, 11.4.2012.
H. V. T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
.
.
.

No comments:

Post a Comment

View My Stats