Sunday, 22 April 2012

VÀI ĐIỀU TẢN MẠN NHÂN ĐỌC BÀI VIẾT “CÁI CHẾT CỦA SỬ GIA PHẠM VĂN SƠN” (Huỳnh Hữu Ủy)



Huỳnh Hữu Ủy

Mới đây, bài viết “Cái Chết Của SGia Phạm Văn Sơn” của Văn Nguyên Dưỡng trên Diễn Đàn Thế Kỷ đã gợi nên trong tôi một mối cảm xúc kỳ lạ.

Biến cố 30 tháng 4.1975 ập xuống trên toàn cõi miền Nam, biến đổi nửa phần đất nước một cách khốc liệt. Nhiều nhà tù dưới tên gọi “trại tập trung cải tạo” mọc lên như nấm, và giữa những trại cải tạo ấy, có một số trại viên đã vĩnh viễn không trở về. Riêng đơn vị quân đội tôi làm việc trước đây, hai vị chỉ huy mà tôi khá gần gũi là đại tá Phạm Văn Sơn và đại tá Huỳnh Hữu Ban đã qua đời trong cảnh cùng khốn cực độ. Đại tá Phạm Văn Sơn là trưởng Khối Quân Sử, một bộ phận của phòng 5/ Bộ Tổng Tham Mưu/ Quân lực VNCH. Trưởng phòng 5/ Bộ T.T.M. là đại tá Huỳnh Hữu Ban. Đại tá Ban có bằng Tiến sĩ Luật Khoa, cũng là giáo sư của đại học Vạn Hạnh, Long Xuyên, và đại học Luật Khoa Huế.

Đọc bài viết của Văn Nguyên Dưỡng, bạn tù và cũng là thuộc cấp cũ của đại tá Phạm Văn Sơn khi ông là giám đốc trường Quân Báo và Chiến Tranh Chính Trị Cây Mai, lòng tôi bỗng dưng thương cảm vô hạn. Ông Sơn, ngày trước vốn đã bị bệnh tiểu đường, trong điều kiện khắc nghiệt của trại tù, làm gì có thuốc men để chữa trị, nên cơn bệnh phát tác dữ dội, biến đổi cơ thể ông thành dị dạng, vậy nhưng vẫn phải lao động khổ sai đến lúc lâm chung, thổ huyết ra lênh láng mà từ biệt cõi đời.

I-
Năm 1970, sau mấy tháng huấn luyện ở trường Bộ Binh Thủ Đức, tôi về trình diện khối Quân Sử/ bộ Tổng Tham Mưu, làm việc ở đó cho đến ngày miền Nam tan rã hoàn toàn. Chính nhờ vậy, tôi đã có cơ hội biết nhiều và thân thiết với đại tá Sơn và đại tá Huỳnh Hữu Ban. Cùng về trình diện ở khối Quân Sử với tôi là Nguyễn Triều Vân. Nguyễn Triều Vân tốt nghiệp cao học Sử và từng là giảng viên Sử của đại học Vạn Hạnh. Ở khối Quân Sử, các sĩ quan trẻ hầu hết đều là những người vừa rời các trường đại học, đi lính vì luật tổng động viên, vì đất nước đang thời chiến loạn. Đối với những thuộc cấp như thế, đại tá Sơn chẳng bao giờ tỏ ra là người chỉ huy của một đơn vị quân đội, không có chút nào chất quân phiệt, không áp dụng kỷ luật nhà binh, mà ngược lại, rất nho nhã, thường hành xử như một nhà văn với đồng nghiệp cũng là những người cầm bút. Cũng có lần ông nói với tôi: “Mình là con nhà lính”, tôi không biết là ông nói về chính ông, hay ông nói vì thấy tôi hơi xốc xếch, vô kỷ luật. Về khối Quân Sử sau tôi khoảng một năm, có thêm Tạ Chí Đại Trường và nhà Hán học Đào Mộng Nam.

II-
Đại tá Phạm Văn Sơn (1915-1978) là một sử gia quen thuộc của người đọc miền Nam Việt Nam trong 20 năm 1954-1975. Ông viết nhiều, có nhiều ấn phẩm sử học bậc nhất trước đây, có thể kể đến: bộ Việt Sử Tân Biên gồm 7 quyển, dày hơn 3,000 trang, Việt Nam Hiện Đại Sử Yếu xb ở Hà Nội trước 1954, Vĩ Tuyến 17 (ký bút hiệu Dương Châu), tác phẩm sử đầu tiên của ông là Việt Nam Tranh Đấu Sử, ấn hành ở Hà Nội từ năm 1949, tái bản ở Sài Gòn nhiều lần sau năm 1954. Đấy là chưa kể đến nhiều sách khác do ông chủ biên trong tủ sách Quân Sử và Chiến Sử do bộ Tổng Tham Mưu xuất bản, và giáo trình sử học cho trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Tủ sách này có hai quyển đáng chú ý vì giá trị tư liệu, một tổng hợp mới mẻ và cách nhìn khá khách quan, là Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa Trong Giai Đoạn Hình Thành 1946-1955 (quyển IV trong bộ Quân Sử Việt Nam) và Cuộc Tổng Công Kích-Tổng Khởi Nghiã Của Việt Cộng Mậu Thân 1968 (thuộc loại Chiến Sử). Hai quyển này do trung tá Lê Văn Dương soạn thảo, đại tá Phạm Văn Sơn chỉ là chỉ đạo tiến hành mà thôi. Quyển sách về lịch sử hình thành quân đội quốc gia rất đặc sắc vì đã khai thác được nhiều tài liệu đầu tay (primary sources) từ văn khố quân đội, có những tài liệu rất quí giá, ví dụ là những lệnh hành quân viết tay của tướng Hòa Hảo Lê Quang Vinh, tức Ba Cụt (1923-1956). Có thể xem quyển sách này là một đóng góp đặc biệt của Khối Quân Sử / Bộ Tổng Tham Mưu vào kho tàng sử học của đất nước. Khối Quân Sử cũng đã xb một ấn phẩm rất đặc biệt là Việt Nam Khói Lửa, một tác phẩm nhiếp ảnh rất đẹp, có tiêu chuẩn cao về nhiếp ảnh cũng như ấn loát, có thể nói là rất quốc tế. Phần nhiếp ảnh là tập hợp các hình ảnh chiến tranh rất sống động của trung tá nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh, có một số hình ảnh đất nước thời thanh bình của Nguyễn Mạnh Đan, Phạm Văn Sơn viết bài dẫn nhập, ghi chú và bình luận.

Phạm Văn Sơn ở trong ban chủ biên tập san Sử Địa, chuyên san nghiên cứu lịch sử, xuất bản từ năm 1966 và kéo dài mãi đến mùa xuân năm 1975 mới phải đình bản. Ông cũng là một thành viên trong Ủy Ban Điển Chế Văn Tự của phủ Quốc Phủ Khanh
Đặc Trách Văn Hóa, phụ trách phần thuật ngữ quân sự. Đây là một công việc dài lâu của quốc gia, chưa đi đến đâu thì đã tan đàn rã nghé, đất nước trầm luân vì thay đổi chủ.
Xuất bản được nhiều ấn phẩm về sử, nhưng ông Phạm chưa phải là một sử gia lớn của đất nước. Lớn theo nghĩa, có thể đứng đồng đẳng trên một trục hàng ngang với cỡ những Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên của thời xa xưa, Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn của thời gần đây, và Lê Thành Khôi, Hà Văn Tấn, Tạ Chí Đại Trường của thời đương đại.

Giáo sư Nguyễn Đăng Thục, nguyên khoa trưởng Đại học Văn Khoa Sài Gòn (niên khóa 61-64) và ông Thái Văn Kiểm, chủ bút Văn Hóa Nguyệt San đã hết lời khen ngợi sử gia Phạm Văn Sơn. Viết tựa cho Việt Sử Tân Biên cuốn 1 (Thượng Cổ và Trung Cổ thời đại), Gs Nguyễn Đăng Thục cho rằng Phạm Văn Sơn có một sử quan rất tiến bộ, vượt hẳn quan điểm duy vật lịch sử không tưởng của các sử gia Mác-Xít, lấy đấu tranh giai cấp làm cột xương sống để giải thích mọi tiến trình lịch sử. Viết lời tựa này, Việt Sử Tân Biên quyển 1 đã trở thành khí cụ trong tay của Gs Nguyễn Đăng Thục
vì vào thời điểm đó, giáo sư Nguyển Đăng Thục đang kịch liệt phê bình đường lối của các sử gia Cộng Sản miền Bắc, điển hình là nhà sử học Nguyễn Khánh Toàn. Viết điều này, tôi nhớ đến mấy bài phê bình của Gs Nguyễn trên Văn Hóa Tùng BiênVăn Hóa Á Châu của giai đoạn 1954-1957.

Học giả Thái Văn Kiểm viết lời giới thiệu Việt Sử Tân Biên quyển 2 (Trần Lê thời đại), cũng gần với cách nhìn của Nguyễn Đăng Thục, cho rằng Phạm Văn Sơn là một sử gia của thời đại mới, không còn chỉ là một sử thần (historiographer), một nhà biên niên sử (annalist), tức là một ký sự viên (chronicler) ghi chép diễn tiến chung quanh trung tâm quyền lực là nhà vua và triều đình của các triều đại trước đây. Như vậy, đại tá Sơn đã là một sử gia (historian) chân chính, không bị lệ thuộc vào một khuynh hướng nào, biết tổng hợp và phân tích sự kiện lịch sử dưới một quy luật chặt chẽ, rồi trình bày một cách khách quan tiến trình tiến hóa với những biến đổi và thăng trầm của xã hội Việt Nam.

Mặc dù Nguyễn Đăng Thục và Thái Văn Kiểm nhận xét nồng nhiệt như thế khi đề tựa cho sách Việt Sử Tân Biên, Phạm Văn Sơn và những sử phẩm của ông vẫn chưa đạt được những dấu ấn lớn trong sinh hoạt học thuật Việt Nam. Bộ Việt Sử Tân Biên đồ sộ vẫn chưa thể có chỗ đứng ngang hàng với những Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, Lý Thường Kiệt của Hoàng xuân Hãn, Đất Nước Việt Nam Qua Các Đời của Đào Duy Anh, hay Việt Nam: Histoire et Civilisation của Lê Thành Khôi, Cuộc Kháng Chiến Chống Xâm Lược Nguyên Mông Thế Kỷ XIII của Hà Văn Tấn và Lịch Sử Nội  Chiến
Việt Nam của Tạ Chí Đại Trường…

Có một điểm này tôi cứ thắc mắc trong lòng từ nửa thế kỷ qua, nghĩa là từ lúc tôi biết đọc sách và sử dụng sách vở như một bồi đắp tri thức, nhân cách và thái độ sống ở đời. Nay nhân viết bài tạp bút này, tôi cũng muốn đề cập đến luôn thể.

Việt Nam Tranh Đấu Sử ra đời ở Hà Nội năm 1949, khi nước nhà vừa mới độc lập sau Cách Mạng Tháng 8-1945, có lẽ hào hứng trong không khí chung với vận hội mới đang mở ra, chương sách kết thúc tác phẩm viết về cuộc trường chinh 4,000 năm của dân tộc Việt Nam là “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tuyên Ngôn Độc Lập ngày 2 tháng 9”. (1)

Sách này khi tái bản ở Sài Gòn sau năm 1954 thì chương ấy đã bị hủy bỏ, thay thế vào bằng một chương khác cập nhật hơn: “Thủ Tướng Ngô Đình Diệm chấp chánh và ngày
Song Thất 7 tháng 7.” (2)
Chỉ mới có mấy năm, một chương sách quan trọng như vậy bị hủy bỏ, tôi không biết có phải là do tác giả thay đổi nhận thức, hay thay đổi chỉ vì áp lực của hoàn cảnh. Đối với một người viết sử, suy tư chín chắn, cẩn trọng sắp xếp vấn đề để trình bày có phải cũng là một đòi hỏi tất yếu hay không? Và như thế, có phải chương sách về Cách Mạng Tháng 8 đã được viết quá vội vã, nên sau đó cũng đã phải vội vã bỏ đi? Nhưng thực ra, cũng đâu cần hủy bỏ, chỉ cần viết lại, chú thích lại, đưa ra nhận xét mới thì cũng là được rồi, mà vẫn thích hợp với xã hội miền Nam sau 1954. Tôi muốn nói đến một trường hợp tương tự: Chúng ta đã có mấy tác phẩm khá đặc sắc của Nguyễn Mạnh CônĐem Tâm Tình Viết Lịch Sử1945: Lạc đường Vào Lịch Sử (3), chính là nằm trong chiều hướng như thế.

Sử gia phải bảo vệ sự thật lịch sử, không thể thiên lệch ngòi bút, như bài học sử –bút mẫu mực Tư Mã Thiên đã để lại cho muôn đời. Nhưng sử gia ấy, hồi tưởng về các trang sách mình đã viết ra từ thời còn rất trẻ, vẫn có thể nói với đời sau, với các thế hệ trẻ hơn như Nguyễn Mạnh Côn từng nói: “Tuổi trẻ nào cũng có nhiều phen sai lầm, tội lỗi, và hoài nghi, hối hận… chúng tôi có thể đã là những anh hùng: anh hùng lạc đường một cách bất đắc dĩ. Và chúng tôi chỉ có nhiều đau khổ. Nhưng đau khổ sẽ đến như đã đến với tất cả.” (1945: Lạc Đường Vào Lịch Sử, nxb Giao Điểm, 1965, trang 7.) Đã có lần tôi muốn hỏi đại tá Sơn về chuyện này, nhưng rồi thấy chưa tiện, nay thì không còn cơ hội nữa.

III-
Văn Nguyên Dưỡng bàn về phương pháp và thái độ nghiêm cẩn của sử gia Phạm Văn Sơn, nhắc đến việc ông Sơn đã hướng dẫn một phái đoàn quân sử nhảy xuống mặt trận An Lộc để thu thập tài liệu tại chỗ vào mùa hè đỏ lửa 1972. Điều này thì hoàn toàn chính xác. Chính tôi là một thành viên trong đoàn này, cùng với đại tá Sơn, thiếu tá Lê Văn Bân,và hạ sĩ nhiếp ảnh viên Nguyễn Mạnh Sơn, chúng tôi được trực thăng vận xuống chiến trường (4). Ở đấy, tôi đã gặp gỡ giữa cảnh hoang tàn khốc liệt mấy nhân vật chỉ huy đầu não: Chuẩn tướng Lê Văn Hưng, đại tá Trần Văn Nhựt, và đại tá Lê Nguyên Vỹ. Cả 3 nhân vật này, sau trận chiến đó đều đã trở thành những ngôi sao của quân lực Việt Nam.

An Lộc đang bị quân địch bao vây; buổi tối nằm trong hầm chống pháo, đạn pháo của địch ầm ì dội vào liên tục. Ngày hôm sau, cũng chính nơi căn hầm chống pháo ấy, tôi đã gặp Sir Robert Thompson, nguyên là chuyên viên chống du kích chiến và là cha đẻ của chiến thuật phòng thủ Ấp Chiến Lược ở Mã Lai trước đây. Chiến thuật này đã trở thành quốc sách Ấp Chiến Lược của ông Ngô Đình Nhu, được vận dụng rất hữu hiệu trong việc chống lại sự phát triển của du kích Cộng Sản tại miền Nam Việt Nam. Robert Thompson chỉ xuống thăm và quan sát chiến trường một lúc, khoảng chừng độ một tiếng đồng hồ, trao đổi đôi điều với tướng Hưng, xem xét mấy vũ khí thu được của địch.

An Lộc là một “địa ngục có thật.” An Lộc bỗng dưng đã trở nên một địa danh không thể nào không nhắc đến trong chiến sử Việt Nam, và có lẽ cả trong chiến sử thế giới. An Lộc đã co cụm lại, tử thủ, và hứng chịu hơn 60 ngàn quả đạn đại pháo liên tục bắn tập trung vào đây trong
gần 3 tháng bị vây khốn. Chiến xa T54 tiến sát vào bộ chỉ huy đầu não của An Lộc, đại tá Lê Nguyên Vỹ chỉ cho tôi thấy chiếc T54 bị chính tay ông bắn hạ ngay sát bờ rào bộ chỉ huy tiểu khu, đã làm khựng lại các đợt tấn công kế tiếp. Khi trực thăng vừa đổ chúng tôi xuống thì đạn pháo địch ì ầm nổ chung quanh, tôi cứ tưởng như chiếc máy bay đã bốc cháy rồi. Trong một tình thế như vậy, đại tá Phạm Văn Sơn đã xuống giữa mặt trận để ghi nhận tình hình, thu thập tài liệu chiến sử. Suốt đêm, ông nói chuyện nhiều về chiến trận với ông Văn Nguyên Dưỡng, bấy giờ là trưởng ban 2 của sư đoàn 5 Bộ Binh của tướng Hưng. Văn Nguyên Dưỡng ca tụng người chỉ huy cũ của mình là đúng. Chính trong cách nhìn như thế, Văn Nguyên Dưỡng cho rằng sau chuyến đi An Lộc, đại tá Sơn lại tiếp tục đi ra Quảng Trị để quan sát, ghi nhận và thu thập tài liệu của mặt trận vùng giới tuyến. Nhưng điều này hoàn toàn sai lầm vì đi ra mặt trận Quảng Trị, chỉ có trung tá Lê Văn Dương và tôi. (5)

Trung tá Lê Văn Dương giới thiệu tôi với đại tá Hoàng Mạnh Đán, Tham Mưu Trưởng quân Đoàn I ở Đà Nẵng, sau đó tôi được gửi ra làm việc ở Bộ Tư Lệnh Tiền Phương ở Mang Cá Huế. Sách Mặt Trận Vùng Giới Tuyến 1972 đã được viết ra trong hoàn cảnh đó, về sau được Bộ Tổng Tham Mưu xuất bản khoảng cuối năm 1974, đầu năm 1975. Chỉ tiếc là sách này chưa kịp phát hành rộng rãi, nên có lẽ đã bị thiêu hủy hết thảy vì còn nằm trong kho sách của Bộ Tổng Tham Mưu Sài Gòn.

Bài viết của Văn Nguyên Dưỡng, mặc dù chỉ là một tùy bút văn nghệ, nhưng ít nhiều tự nó cũng chứa đựng ý muốn góp một chút tài liệu vào những trang sử hiện đại của đất nước; đặc biệt đáng kể là bài viết đã được viết ra dưới mắt nhìn của một nhân chứng, chính đó mới là vấn đề.

Đọc bài viết: “Cái Chết Của Sử Gia Phạm Văn Sơn”, tôi không thấy tác giả có ẩn ý gì không tốt, mà chỉ vì lòng yêu mến và kính trọng đối với một người chỉ huy cũ, Văn Nguyên Dưỡng tưởng nhớ và tôn vinh người quá cố. Đề cập đến việc đại tá Sơn đi ra mặt trận giới tuyến Trị-Thiên, có lẽ Văn Nguyên Dưỡng tin như đinh đóng cột trong đầu mình rằng đại tá Sơn đã đi An Lộc thì tất nhiên phải đi ra Huế và Quảng Trị, và chính vì vậy ông đã viết rằng đại tá Sơn đã đi ra Quảng Trị để thu thập tài liệu chiến sử ở chiến trường trải rộng này. Sai lầm của Văn Nguyên Dưỡng là sai lầm về mặt phương pháp: khi đưa ra một kết luận hay dữ kiện có tính giả thuyết thì cần kiểm chứng trước khi công bố. Điều này không phải chỉ là đòi hỏi tất yếu trong lĩnh vực khoa học thực nghiệm, mà ở các lĩnh vực khác của các ngành khoa học nhân văn cũng vậy. Sai lầm này chỉ là một tì vết nhỏ, nhưng từ điểm nhỏ này, chúng ta có thể nhìn rộng ra khắp nơi, khắp trên toàn cảnh khu rừng rậm dày đặc của sách vở, với sử liệu, nghiên cứu, khảo luận, ch
ng từ, hồi ký chính trị, hồi ký cách mạng v.v… và v.v… trong vài chục năm vừa qua.
Ở trong nước, sách lịch sử chính thống của Hà Nội tràn ngập sai lầm có dụng ý, đến độ trước đây trong một bài viết nào đó, Hà Văn Tấn phải gay gắt phàn nàn, và đã nhắc đến hai câu thơ của Nguyễn Trãi viết từ thế kỷ XV:


                                                   
Ai ai đều đã bằng câu hết
                                                  
Nước chẳng còn có Sử Ngư!

Mọi người đều đã bị uốn cong như lưỡi câu, và chẳng còn ai nói lên sự thật nữa. Làm gì còn có Sử Ngư, tức là nhà chép sử nước Vệ đời Xuân Thu, nổi tiếng thẳng thắn, chính trực, bất chấp hiểm nguy trong việc chép sử. (6) Và tình trạng sách vở ở hải ngoại hơn 30 năm qua về lịch sử Việt Nam hiện đại, đặc biệt là giai đoạn 45-54 và 54-75 thì phải nói là vô cùng hỗn loạn. Hàng vạn trang giấy được viết ra, không biết các sử gia đời sau sẽ lọc lại được bao nhiêu trang hữu dụng.

IV. Hình ảnh cuối đời của đại tá Phạm Văn Sơn thực là bi thương quá. Người của một nửa nước ở miền Nam hẳn là dễ chia sẻ, cảm thương nỗi đau ấy. Và những người có lòng ở miền Bắc thì chắc cũng vậy. Tôi cảm thấy đó không chỉ là nỗi đau riêng của ông, mà là hình ảnh tượng trưng của một nỗi đau cộng nghiệp. Ông là một tín đồ Thiên Chúa Giáo; trong đức tin của ông, hẳn là ông đã bình thản vác thánh giá bước đi trên con đường khổ nạn, chiến đấu với nghiệt ngã để leo lên đỉnh dốc ngọn đồi Golgotha của riêng ông. Nắm xương tàn của người cầm bút ấy, từ trại tù Tân Lập, Vĩnh Phú, đã được gia đình cải táng về miền Nam, chôn cất phía sau nhà thờ Bình Triệu, trên bờ sông Sài Gòn. Trên mộ bia có một dòng chữ La Tinh rất cao ngạo, không chắc là di ngôn của người quá cố.


California, tháng 3.2012

Chú Thích

(1) (2) Tựa của hai chương sách này, tôi không nhớ chính xác từng chữ, nhưng đại khái nội dung là như thế. Sách Việt Nam Tranh Đấu Sử, cả hai ấn bản 1949 và sau 1954, hy vọng có thể tìm lại trong một vài thư viện ở hải ngoại.

(3) Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử1945: Lạc Đường Vào Lịch Sử là tiểu thuyết nhưng lại có giá trị chứng từ lịch sử cao, cũng có thể gợi hứng thú nhiều cho các nhà nghiên cứu lịch sử sau này.

(4) Từ An Lộc trở về, tôi đã có bài tường trình về chuyến đi trên tuần báo Tìm Hiểu (Chủ nhiệm Phan Lâm Hương, Thư ký tòa soạn Hoàng Ngọc Phan, tức ký giả Hà Túc Đạo). Bài viết được ký dưới bút hiệu Uyên Hữu. Số báo đặc biệt này, hiện nay vẫn còn được lưu giữ ở Thư Viện Quốc Gia cũ (nay là Thư Viện Th. Ph. Hồ Chí Minh).

(5) Trung tá Lê Văn Dương là anh họ của nhà báo Trần Dạ Từ (tên thật Lê Hà Vĩnh). Khoảng 15 năm trước, ở buổi lễ cầu siêu cho cụ bà thân sinh nữ sĩ Nhã Ca, ở một ngôi chùa ở Garden Grove, nam California, tôi có gặp trung tá Dương. Sau đó, tôi mất liên lạc hẳn, không biết hiện giờ ông còn ở California hay không. Ông có một người con trai du học Canada trước 1975, nên cũng có thể ông đang sống với gia đình người con trai này.

(6) Phạm Cao Dương dẫn lại, Sự Thực Lịch Sử và Các Nhà Sử Học Mác-Xít Việt Nam, Dòng Sử Việt, California, số 2, tháng 1-3,2007

---------------------------------------------



.
.
.

No comments:

Post a Comment

View My Stats