Sunday 15 April 2012

UNG NHỌT TRONG ĐẢNG CỘNG SẢN TRUNG QUỐC - BÀI 3 (Mạnh Kim)


Mạnh Kim
Thứ Tư, 11/04/2012

Tại Trung Quốc, “tiểu yêu” tham nhũng thường tung hoành “thả cửa” ngay chính ở những khu vực thuộc quản lý nhà nước, nơi có nhiều không gian cho các quan chức hủ hóa “biến thế” lộng quyền và tham ô, chẳng hạn: hải quan, thuế vụ, địa ốc, hạ tầng… Những vị trí trong cơ quan-bộ máy nhà nước, do vậy, thu hút nhiều đơn xin việc nhất vào năm 2008 không phải là Bộ ngoại giao hay Bộ tài chính. Trong 10 cơ quan nhà nước được đánh giá là “hot” nhất, tám đã thuộc về những vị trí liên quan cục thuế tỉnh (đặc biệt Quảng Đông) và hai thuộc về cục hải quan (Thượng Hải và Thâm Quyến). Và trong 10 cơ quan nhà nước bị đánh giá “hẻo” nhất (đơn xin việc ít nhất) là thuộc về các cục thống kê hay đại loại. Rõ ràng, người ta “vào nhà nước” chủ yếu để “kiếm cơm” và vào Đảng chủ yếu để củng cố khả năng kiếm cơm. Đảng đã bị lợi dụng để trục lợi, một cách không thương tiếc.

BÀI 3: “HẮC LĨNH BANG”

Năm 2006, phát biểu trước Ban phòng chống tham nhũng trung ương, Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào đã nêu trực tiếp tội lạm quyền của nhiều viên chức Đảng dẫn đến xáo trộn xã hội và tạo ra phản kháng quần chúng. “Cái quả bom nổ chậm ấy chôn trong xã hội có thể dẫn đến loạt vụ nổ, đưa đến bất ổn đồng thời làm tê liệt bộ máy nhà nước” – Hồ Cẩm Đào nói…

Thế giới của những “hắc y lang”

Việc lợi dụng là “người của Đảng” và lạm dụng chức quyền nhờ Đảng mà có, nhiều năm qua, đã trở thành vấn đề cực kỳ bức xúc tại Trung Quốc. Tham nhũng ngày càng tinh ma quỷ quyệt trong khi nhà nước ngày càng khó khăn trong việc “bắt ấn trừ tà”. Cuối thập niên 1990, khi gần như toàn bộ chính quyền phố cảng Hạ Môn (Phúc Kiến) bị mafia (Lại Xương Tinh) mua đứt để, trong nhiều năm, chuyển số hàng lậu khổng lồ trị giá hơn 6 tỉ USD vào Hoa lục đã đủ khiến thiên hạ bàng hoàng, thì một thập niên sau, “trình độ” tham nhũng đã “tiến hóa” kinh khủng và mức độ “ăn” hối lộ đã “tiến bộ” hơn vạn lần. Chỉ vài tháng trong năm 2009, phóng viên Trung Quốc đã làm việc mệt nghỉ khi tường thuật loạt vụ tham nhũng chấn động cả nước: từ vụ chánh văn phòng ban quản lý đường sắt ở Ürümqi (tức Ô Lỗ Mộc Tề, thủ phủ Tân Cương) biển thủ 3,6 triệu USD; vụ một viên chức bậc trung ở Thượng Hải nhận hối lộ 1 triệu USD và bị tịch biên số bất động sản bất minh trị giá gần 6 triệu USD; vụ một bí thư thuộc một trấn nhỏ gần Thành Đô (Tứ Xuyên) bị tử hình tội ăn hối lộ 2,5 triệu USD; vụ sếp công an ở một thị trấn nghèo nhất Quảng Đông bị phát hiện cất giấu 4,4 triệu USD tiền mặt trong nhà; đến vụ phó thị trưởng Tô Châu (Giang Tô) có “biệt tài” độc đáo đến độ có thể “nuốt” “một phát một” gần 12 triệu USD - lập một kỷ lục mà bọn máu mặt “trong giới” hẳn phải ganh tỵ!

Thế cho nên, khi phó thị trưởng Bắc Kinh Lưu Chí Hoa bị kết án tháng 8-2008 tội nhận hối lộ khoảng 1 triệu USD, công dân mạng Bắc Kinh đã mỉa mai viết rằng “Ăn có nhiêu đó mà gọi là ăn hối lộ sao được!”, “Ông này nên được xếp vào hàng viên chức trong sạch”, “Xin hãy thả ổng ra ngay”… Thế cho nên, Vương Minh Cao, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu tình trạng quốc nạn tham nhũng, đã gọi những “quan chi phụ mẫu” hiếm hoi sót lại là những đối tượng “không bình thường” có thể xếp vào nhóm (bị mắc phải) “thanh quan chứng hậu quần” (hội chứng viên chức sạch). Lương viên chức nhà nước Trung Quốc không được công bố nhưng một số phát biểu trước công chúng đã tiết lộ phần nào thu nhập chính thức của họ. Năm 2007, khi tiếp một giáo sư đại học và được nghe than rằng ông này chỉ kiếm được không đến 13.000 USD/năm, bà Trần Chí Lập (lúc đó là Ủy viên Quốc vụ viện đặc trách giáo dục-khoa học-thể thao) đã quay sang diễn đàn hỏi Bộ trưởng khoa học-kỹ thuật Từ Quan Hoa rằng lương của ông bao nhiêu. Họ Từ đáp, xin thưa là khoảng 1.350 USD/tháng. Bà Trần cũng hồi lại, của tôi thì chừng 1.450 USD/tháng... Có thể thấy lương chính thức của cán bộ cao cấp nhà nước cũng chỉ kha khá; và như vậy, thật khó có thể tưởng tượng với đồng lương bí thư Trùng Khánh mà “đồng chí” Bạc Hy Lai có thể cho cậu con trai Bạc Qua Qua học tại Harvard với mức học phí khoảng 70.000 USD/năm.

Tuy nhiên, như một doanh nhân bị bỏ tù tội hối lộ đã nói, “mỗi viên chức Trung Quốc đều có ba bộ cuộc sống – cuộc sống với công chúng, cuộc sống riêng tư và cuộc sống bí mật”. Người ta gọi số đông trong bọn họ là thành phần “hắc lĩnh bang” – nhóm người (mặc áo) cổ cồn đen. Xe của họ màu đen. Thu nhập của họ được giấu kín. Cuộc sống của họ được ẩn sâu. Việc làm của họ được che đậy. Tóm lại, mọi thứ liên quan họ đều được che giấu, như một “hắc y lang” (người mặc đồ đen) đứng trong bóng tối của màn đêm đen kịt...

Tại sao tham nhũng vẫn nhởn nhơ?

Tại Trung Quốc, “tiểu yêu” tham nhũng thường tung hoành “thả cửa” ngay chính ở những khu vực thuộc quản lý nhà nước, nơi có nhiều không gian cho các quan chức hủ hóa “biến thế” lộng quyền và tham ô, chẳng hạn: hải quan, thuế vụ, địa ốc, hạ tầng… Những vị trí trong cơ quan-bộ máy nhà nước, do vậy, thu hút nhiều đơn xin việc nhất vào năm 2008 không phải là Bộ ngoại giao hay Bộ tài chính. Trong 10 cơ quan nhà nước được đánh giá là “hot” nhất, tám đã thuộc về những vị trí liên quan cục thuế tỉnh (đặc biệt Quảng Đông) và hai thuộc về cục hải quan (Thượng Hải và Thâm Quyến). Và trong 10 cơ quan nhà nước bị đánh giá “hẻo” nhất (đơn xin việc ít nhất) là thuộc về các cục thống kê hay đại loại. Rõ ràng, người ta “vào nhà nước” chủ yếu để “kiếm cơm” và vào Đảng chủ yếu để củng cố khả năng kiếm cơm. Đảng đã bị lợi dụng để trục lợi, một cách không thương tiếc.

Tại Trung Quốc, cơ quan chịu trách nhiệm chính về chống tham nhũng là Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương (“Trung Quốc cộng sản đảng trung ương kỷ luật kiểm tra ủy viên hội”) với nhân sự khiêm tốn 800 người tại trụ sở trung ương. Trợ giúp Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương là những cục-ban ở cấp tỉnh, cấp quận; trong các tập đoàn nhà nước và ở tất cả cơ chế thuộc tổ chức Đảng. Về lý thuyết, việc giám sát cán bộ được thực hiện với qui trình chặt chẽ, bằng việc cài cắm “quần chúng” ở mọi ngóc nghách để giúp phát hiện và tố cáo kịp thời, hầu triệt tiêu mọi biểu hiện, hành vi tham ô hối lộ. Tổng biên tập một tờ báo ở Thượng Hải cho biết, trong vụ tai tiếng tham ô bất động sản liên quan bí thư Trần Lương Vũ, ông đã được rỉ tai rằng trong tòa soạn mình có một “quần chúng” làm việc cho cục kiểm tra kỷ luật thành ủy nhưng ông không thể biết đó là ai. “Có thể là tay lao công hay thậm chí là tay phó tổng biên tập” – ông kể… Về qui trình, Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương cùng các “phản tham cục” (cục phòng chống tham nhũng) trực thuộc địa phương được phép xử lý mạnh tay, bằng luật “song quy” (“shuanggui”), tức đối tượng tình nghi có thể bất ngờ bị bắt bí mật song song tiến trình điều tra (chứ không phải điều tra xong mới bắt). Trong thời gian bị tạm giam, đương sự tuyệt đối bị cấm liên lạc với bên ngoài, kể cả gia đình...

Việc sử dụng “quần chúng” chỉ điểm cùng hình thức “thư tố cáo” hoặc “đơn kêu cứu” nặc danh tỏ ra khá hiệu quả nhưng đồng thời cũng có mặt trái. Trong nhiều trường hợp, các phe nhóm đấu đá quyền lực đã sử dụng lá bài “quần chúng tố cáo” để triệt hạ nhau. Ngoài ra, người ta còn “xử” chiêu “rò rỉ nội bộ” hoặc tạo tập trung chú ý bằng việc (ẩn danh) tuồn hồ sơ cho báo chí (ở Hong Kong, các website tiếng Hoa ở nước ngoài…) để đánh động dư luận ngược trở về Trung Nam Hải. Cao tay ấn hơn, các đối thủ còn áp dụng hình thức tung ra tiểu thuyết hình sự với nội dung dễ khiến liên tưởng đến viên chức cụ thể nào đó. Quyển Thiên nộ - phản tham cục tại hành động (Trời đất nổi giận – khi Cục chống tham nhũng ra tay; ra mắt năm 1997) là một ví dụ. Trong Thiên nộ, người ta chứng kiến cảnh cậu ấm cưng của bí thư Bắc Kinh “phong lưu công tử” như thế nào, đục khoét ngân sách để sống xa hoa ra sao và còn “chia ngọt sẻ bùi” đám bồ nhí với chính bố mình. Trước khi Thiên nộ bị thu hồi, người ta đã kịp biết tay bí thư trong quyển “tiểu thuyết hình sự” thật ra chẳng ai khác hơn là hình ảnh tái hiện của Trần Hy Đồng, Ủy viên Bộ chính trị kiêm bí thư Bắc Kinh, người mà một năm sau đã bị xử 16 năm tù, trong khi cậu “công tử” Trần Tiểu Đồng bị “hạn” 12 “niên”. Nếu không có bàn tay đen nào đó trong bóng tối dựng “tuồng tích” kịch bản rồi làm đạo diễn, Thiên nộ - đụng trực tiếp đến một ủy viên Bộ chính trị - ngay từ đầu đã khó có thể lọt khỏi cửa kiểm duyệt của nhà xuất bản…

Được trang bị công cụ với một bộ máy được thiết kế hoạt động ăn khớp từ trên xuống dưới nhưng vì sao chống tham nhũng tại Trung Quốc mãi trầy trật? Vấn đề ở chỗ, không hẳn tham nhũng đã tiến hóa tinh vi đến mức luật pháp bó tay mà thật ra là cơ chế quản lý còn nhiều kẽ hở để tham nhũng lợi dụng rồi phát triển thành “hệ thống”. Trong vài trường hợp, tham nhũng đã được hình thành thông qua những cấu kết bí mật. Trong vụ Mã Đích chẳng hạn. Hồi đương chức, tay bí thư trấn Tuy Hóa (Hắc Long Giang) này đã cấu kết với thị trưởng Tuy Hóa Vương Thẩm Y, dù hai người vốn chẳng ưa nhau, trong việc “cắt” Tuy Hóa thành nửa đôi để chia làm địa bàn “khai thác”, trong dự án lót vỉa hè cho trung tâm thị trấn! Không chỉ “ăn đồng chia đủ” việc chấm mút ngân sách công trình, hai người còn tranh nhau tận thu bằng cách “nã” tiền doanh nghiệp và người dân thuộc “địa bàn” mình, khi cùng áp dụng cái chính sách gọi là “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Những kẻ nằm trong “hệ thống” như bộ đôi Mã-Vương không ít. Và khi còn có thể “sống” với nhau được, họ sẽ bưng bít cho nhau hoặc làm ngơ giả bộ không biết. Đến lúc trở thành đối thủ sống còn cho chiếc ghế chính trị, những tình tiết tham nhũng của đối phương sẽ bất ngờ bị “quần chúng” phát hiện và tố cáo cho Đảng, với bộ hồ sơ dày cộm cùng những bằng chứng không thể mở mồm…

Mạnh Kim
(còn tiếp)






No comments:

Post a Comment

View My Stats