Friday 20 April 2012

TRẢ LỜI CÂU HỎI : TRÍ THỨC LÀ GÌ ? (Giáp Văn Dương)



Giáp Văn Dương
Thứ sáu, ngày 20 tháng tư năm 2012

Trí thức là người nuôi dưỡng, bảo vệ, truyền bá những giá trị phổ quát của nhân loại và sử dụng chúng như những trung giới trong các quá trình vận động biện chứng nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội. Với quan niệm đó, khái niệm trí thức chỉ có ý nghĩa khi xem xét dưới lăng kính xã hội, và người trí thức chỉ thực sự xuất lộ khi sử dụng các đặc trưng cơ bản của mình: tri thức chuyên môn, khả năng cảnh báo và định chuẩn, để thực hiện vai trò xã hội của chính mình.

“Trí thức là gì?” là vấn đề gây tranh cãi từ lâu. Cho đến nay, vẫn chưa có câu trả lời thuyết phục. Bằng chứng của điều này là hiện có rất nhiều định nghĩa khác nhau về trí thức đang tồn tại song hành, như: trí thức là người lao động trí óc, trí thức là người có học, trí thức là người khám phá và truyền bá tri thức, trí thức là người tích cực tham gia phản biện xã hội, trí thức là người dẫn dắt xã hội, trí thức là lương tâm của xã hội, trí thức là người không để cho xã hội ngủ v.v…Thậm chí, triết gia người Pháp Jean-Paul Sartre còn đưa ra một định nghĩa tuy bề ngoài có vẻ hài hước, nhưng rất khó bác bỏ: trí thức là người thích làm những việc chẳng phải của mình!

Chính vì vậy, việc tìm một định nghĩa đúng và khả dụng về trí thức, là một một điều cần thiết. Điều này cần bắt đầu từ việc lần lại thời điểm sớm nhất mà khái niệm trí thức có thể được hình thành.



Đặc phẩm của xã hội

Ngược dòng lịch sử, thấy rằng: khi con người còn ở giai đoạn săn bắt hái lượm thì chắc chắn khái niệm trí thức chưa xuất hiện. Lý do là trong hoàn cảnh đó, một khái niệm như vậy là hoàn toàn vô nghĩa. Khi chỉ cần với tay thu lượm các sản phẩm của tự nhiên đểphục vụ cuộc sống còn nặng bản năng tự nhiên, theo kiểu tự cấp tự túc, người ta chỉ quan tâm đến những thứ có thể ăn được còn hay hết, chứ không quan trọng việc có trí thức hay không trí thức.

Điều đó dẫn đến một nhậnđịnh: thời điểm sớm nhất để hình mẫu, và do đó là khái niệm, về trí thức xuất hiện là khi loài người rời bỏ đời sống săn bắt hái lượm để tập hợp thành xã hội với cấu trúc tương đối chặt chẽ, khởi đầu bởi việc phát minh ra nông nghiệp, khoảng 8000-3500 năm trước công nguyên, và sau đó là chuyển vào sống trong cácđô thị, không phải bởi trào lưu đô thị hóa thời hiện đại, mà ngay sau khi nông nghiệp đã tương đối phát triển, khoảng 3500-800 năm trước công nguyên.

Việc phát minh ra nông nghiệp đòi hỏi phải thuần hóa một số giống cây trồng và động vật. Còn việc chuyển vào sống trong các đô thị đòi hỏi những kỹ năng tổ chức và dịch vụ cao cấp hơnđời sống nông nghiệp, khi những người sống trong đô thị không trực tiếp sản xuất ra thực phẩm. Đây chính là môi trường thuận lợi để những loại hình lao động mới, và do đó là các giai tầng mới ra đời, trong đó có trí thức.

Nhận định này cho thấy, hình mẫu và khái niệm về trí thức chỉ có thể xuất hiện khi xã hội với một cấu trúc chặt chẽ được hình thành, tức là khi con người rởi bỏ đời sống hoang dã đểtập hợp lại với nhau, hình thành nên những cộng đồng người, trong đó các cá nhân tương tác với nhau theo những qui định và nghi thức được cả cộng đồng thừa nhận, dù là thành văn hay ngầm định. Nói cách khác, trí thức là một sản phẩm đặc biệt của xã hội.

Điều này cũng cho thấy, việc chọn ra một mốc thời gian cụ thể, gắn với một sự kiện cụ thể trong thời cậnđại hoặc hiện đại, như ra đời của bản kháng nghị năm 1906 –sau đó được thủ tướng Pháp Clemenceau gọi là Tuyên ngôn của trí thức - nhằm chống lại một bản án oan sai trong “sự kiện Dreyfuss”, do nhà văn Pháp Émile Zola ký tên đầu, làm thờiđiểm ra đời của khái niệm trí thức là không chính xác. Hình mẫu về người trí thức, và do đó là khái niệm trí thức, chắc chắn phải xuất hiện sớm hơn thế rất nhiều, khi xã hội có cấu trúc chặt chẽ được hình thành. Tuy nhiên, tiêu chí để xác định“trí thức là gì?” sẽ phụ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể, và thay đổi theo sựphát triển của xã hội.

Vì thế, việc tra cứu các văn bản có chữ “trí thức” sẽ không giúp nhiều cho việc làm rõ nội hàm của khái niệm trí thức. Thay vào đó, cần đi vào tìm hiểu những đặc trưng chính của người trí thức, đặc biệt ở thời hiện đại, thông qua phân tích công việc và vai trò của họ đối với xã hội, mới có hy vọng trả lời một cách rốt ráo câu hỏi: Trí thức là gì?

Phân công lao động

Đã là con người, dù muốn hay không, trước hết phải đáp ứng được những nhu cầu sinh học tối thiểu của mình như ăn, uống, ở, mặc… Nếu như ở thời săn bắt hái lượm, những nhu cầu nàyđược đáp ứng theo kiểu “tự cung tự cấp”, tức mỗi cá nhân phải tự lo cho mình, thì trong đời sống nông nghiệp và đặc biệt là đô thị, các nhu cầu này được đáp ứng không chỉ bởi kiểu “tự cấp tự túc”, mà còn bởi các dịch vụ trao đổi phức tạp.

Cấu trúc chặt chẽ của xã hội và sự tương tác giữa các thành phần của nó cũng đã làm nảy sinh nhiều nhu cầu khác so với nhu cầu sinh lý thuần túy, như các nhu cầu về giải trí, nghệthuật, sinh hoạt tinh thần, nghi lễ tôn giáo… Việc đáp ứng những nhu cầu nàyđòi hỏi những kỹ năng và kiến thức chuyên biệt, cần được học hỏi và tích lũy trong một khoảng thời gian nhất định, nên không phải cá nhân nào cũng có thểlàm được.

Đây chính là cơ sở cho việc hình thành sự phân công lao động, và như một hệ quả, là mảnh đất sống cho những tầng lớp mới có khả năng đáp ứng các nhu cầu cơ bản của mình không thông qua sản xuất trực tiếp. Đặc điểm chung của họ là sử dụng lao động trí óc nhiều hơn laođộng chân tay trong việc tạo ra sản phẩm; và sản phẩm của họ cũng không mang tính “tự cấp tự túc”, tức không thể dùng để đáp ứng trực tiếp các nhu cầu sinh học tối thiểu, mà dùng để trao đổi với người khác, dưới dạng hàng hóa hoặc dịch vụ.

Ở thuở ban đầu, có thểhình dung công việc này liên quan đến các hoạt động văn hóa, giả trí, nghi lễ,tôn giáo, quản lý cộng đồng… Nói chung là liên quan đến các hoạt động tinh thần của con người và tương tác giữa người này với người khác trong xã hội. Đây là sựrẽ nhánh lần thứ nhất trong quá trình phân công lao động.

Theo thời gian, xã hội càng phát triển và càng phức tạp, việc đáp ứng những nhu cầu này đòi hỏi những kiến thức và kỹ năng càng chuyên biệt hơn nữa, cần nhiều thời gian và năng lượng hơn nữa, nên không một cá nhân nào có thể đáp ứng được tất cả những yêu cầu này, mà cần chuyên chú vào một hoặc một nhóm kỹ năng chuyên biệt. Tầng lớp lao động gián tiếp được phân chia thành nhiều dạng khác nhau tùy theo đặc thù của công việc, chẳng hạn: nghệ sĩ đáp ứng các nhu cầu giải trí, luật sư đáp ứng nhu cầu giải quyết tranh chấp của các cá nhân và tổ chức, bác sĩ chăm sóc sức khỏe cộngđồng, giáo viên đáp ứng nhu cầu giáo dục thanh thiếu niên, chính trị gia đáp ứng nhu cầu quản trị xã hội… Đây chính là sự rẽ nhánh thứ hai trong quá trình phân công lao động.

Trong lần rẽ nhánh này, các thể loại công việc đã đa dạng hơn rất nhiều so với trước đây, nên tầng lớp lao động gián tiếp cũng trở nên phong phú hơn nhiều. Tuy nhiên, cũng giống nhưsự rẽ nhánh lần thứ nhất, mẫu số chung trong lao động của họ vẫn là phần lao động trí óc nhiều và quan trọng hơn phần lao động chân tay. Đặc biệt, trong số những người lao động trí óc, có một nhóm nhỏ tập trung vào việc thu thập và xử lý thông tin; phân loại và hệ thống hóa thông tin để hình thành tri thức; sử dụng tri thức để đào tạo người khác, hoặc ứng dụng cho những công việc cụ thể khác nhau… Nói gọn là khám phá, truyền bá và sử dụng tri thức.

Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, khối lượng tri thức này ngày càng nhiều và càng chuyên biệt hóa. Kết hợp với sự công nghiệp hóa và sản xuất đại trà, và sau đó là sự ra đời của công nghệ thông tin, tri thức ngày càng trở lên quan trọng. Trong nhiều lĩnh vực kinh tế và dịch vụ, tri thức đã trở thành đồng thời là lực lượng sản xuất và hàng hóa trao đổi chính. Vì thế, ai nắm được tri thức, người đó có sức mạnh.

Chính nhờ việc nắm được sức mạnh này, một dạng sức mạnh mới mẻ hoàn toàn so với sức mạnh cơ bắp, những người lao động trí óc này trở nên có vai trò quan trọng trong xã hội. Nhiều người gọi họ là trí thức. Tuy nhiên, việc đồng nhất hoạt động của trí thức với lao động trí óc, và vai trò của họ với việc khám phá, truyền bá và sử dụng tri thức, tuy không sai nhưng thiếu chính xác. Đó là nguyên nhân vì sao những tranh luận vềtrí thức kéo dài mãi không ngừng.

Cá nhân và xã hội

Như phân tích ở trên, trí thức là một sản phẩm đặc thù của xã hội. Sự ra đời của trí thức gắn liền với sự hình thành của xã hội loài người. Do đó, nếu tách trí thức khỏi xã hội để định nghĩa xem trí thức là gì thì sẽ còn phiến diện hơn cả việc đưa cá ra khỏi nướcđể tìm hiểu hoạt động của cá. Lý do là khi cá ra khỏi nước thì cá vẫn là cá vềmặt hình thức, nhưng đưa trí thức ra khỏi xã hội thì trí thức sẽ biến mất.

Xã hội được hợp thành bởi các cá nhân. Nhưng sự hợp thành này không phải là sự kết hợp cơ học thuần túy. Cụ thể, tính chất của xã hội không chỉ đơn thuần là tổng tính chất của các phần tử hợp thành, mà còn được quyết định phần nhiều bởi cơ chế tương tác giữa các phần tử. Chính cơ chế tương tác có tính cách nhân tạo này đã làm cho xã hội trở thành một hệ thống, tạo ra các đặc thù văn hóa, kinh tế, chính trị… và đến lượt nó, quay trở lại chi phối toàn bộ lối sống, nếp suy nghĩ, cách thức ứng xửcủa các cá nhân dưới dạng cả vô thức lẫn ý thức thông qua tập quán, giáo dục và luật pháp.

Xã hội khi đó trởthành một thực thể có tính độc lập tương đối với cá nhân. Tính chất của xã hội sẽ phụ thuộc phần lớn vào chính cơ chế vận hành, tức cơ chế tương tác giữa các phần tử của xã hội, và những đặc trưng của nó, chứ không phải là tính chất của các cá nhân riêng lẻ. Sức ép của xã hội lên cá nhân trong trường hợp này là rất lớn, và đặc biệt lớn trong các xã hội toàn trị hoặc thần quyền.

Như vậy, có sự tương tác hai chiều mãnh liệt, dưới dạng bồi đắp, chi phối, kiểm soát hoặc tàn phá lẫn nhau giữa cá nhân và xã hội. Tuy cá nhân là phần tử cơ bản hợp thành xã hội, nhưng chính cá nhân cũng là nạn nhân của xã hội, theo nghĩa bị xã hội tìm cách đồng hóa làm mất các đặc trưng riêng của mình. Tổ chức xã hội càng phức tạp thì mâu thuẫn giữa cá nhân và xã hội càng lớn, sức ép của xã hội lên cá nhân càng nặng nề.

Trước sức ép thường trực này, cả dưới dạng vô thức và ý thức, cá nhân dần đánh mất đi rất nhiều sự tự do và độc lập nguyên thủy của mình, mất dần khảnăng tự quyết và tầm mức ảnh hưởng của mình trong các vận động xã hội lớn. Ngay cả trong những vận hành thường ngày của xã hội, điều này cũng không ngoại lệ,và có thể được minh chứng qua câu nói cửa miệng của rất nhiều người: Tại cơ chế! Như vậy, trăm sự là tại cơ chế, tức có nguyên nhân từ sự vận hành của hệ thống, chứ không phải là từ cá nhân.

Giá trị phổ quát

Khi từ bỏ đời sống săn bắt hái lượm tự do để bước vào đời sống xã hội với vô số tương tác, con ngườiđã học cách cư xử, làm việc và chung sống với nhau, hình thành nên những nhân sinh quan, thế giới quan mới mà thời nguyên thủy không có. Theo thời gian, những nhân sinh quan, thế giới quan này sẽ được tinh luyện để tạo thành những giá trịcó tính phổ quát, tức đúng trong một khoảng thời gian rất dài và với đại chúng, như Chân, Thiện, Mỹ; và gần đây hơn là Tự do, Bình đẳng, Dân chủ, Nhân quyền, Công lý… Những giá trị phổ quát này sẽ đóng vai trò định chuẩn cho xã hội, tỏa ra trong mọi ngõ ngách của đời sống, ảnh hưởng đến mọi hoạt động của cá nhân dưới nhiều thể nhiều dạng khác nhau như văn hóa, thói quen, tác phong… Với vai trò định chuẩn này, chúng sẽ giúp xã hội vận hành trơn tru và phát triển được trong thế ổnđịnh tương đối, tránh được những xung đột, đổ vỡ và hỗn loạn do mâu thuẫn lợi ích và xung đột văn hóa gây ra. Chúng cũng giúp điều hòa mâu thuẫn giữa cá nhân và xã hội hầu cho cá nhân không bị bóp nghẹt trước sự chèn ép của xã hội; giúp cho xã hội giữ được sự lành mạnh cần thiết, không bị tha hóa thành một địa ngục nhân tạo do lòng tham, bạo lực và sự u mê gây ra, đặc biệt là từ sự lạm dụng các phương tiện vật chất và quyền lực của những cá nhân có thể chi phối sự vận hành của cả hệ thống.

Những giá trị phổ quát này ổn định trong một khoảng thời gian dài, nhưng không phải là bất biến. Nếu như Chân, Thiện, Mỹ có thể được coi như một giá trị phổ quát ở cả phương Đông lẫn phương Tây, tồn tại bền vững từ hàng nghìn năm nay, thì Trung quân – tức là trung thành với nhà Vua – một giá trị có tính phổ quát thời phong kiến, đã bịloại bỏ vì đi ngược lại xu thế phát triển của xã hội hiện đại. Gần đây, một sốgiá trị mới hình thành ở phương Tây như Tự do, Dân chủ, Bình đẳng, Nhân quyền…đã được truyền bá khắp thế giới và được coi là những giá trị phổ quát mới, bên cạnh bộ ba Chân-Thiện-Mỹ truyền thống.

Việc hình thành một, hoặc một bộ, giá trị phổ quát thường rất gian nan, và phải trả những giá rất đắt. Thông thường, những giá trị phổ quát này sẽ được hình thành ở một nơi nào đó có những điều kiện chín muồi và lan dần sang các nơi khác tiếp xúc với nó như những làn sóng văn hóa, kinh tế, chính trị…, hình thành nên một xu thế mới của phát triển.

Do vai trò quan trọng của các giá trị phổ quát đối với việc bảo vệ cá nhân, bảo vệ sự lành mạnh của xã hội, cũng như định hướng phát triển cho xã hội sao cho hòa nhịp được với những trào lưu phát triển mới, nên trong các cuộc đấu tranh phát triển, chúng thườngđược coi là chính nghĩa. Chúng có sức mạnh nội tại như một giá trị phổ quát và sức mạnh thời đại của một trào lưu mới, nên trong các cuộc đối đầu, lực lượng nào nắm được chính nghĩa, hoặc được dân chúng tin là có chính nghĩa, thường là người thắng cuộc. Lực lượng này cũng thường được coi là tiến bộ vì hòa nhập được với sức mạnh của một trào lưu phát triển mới. Ngược lại, nếu tìm cách lảng tránh hoặc chống trả những giá trị phổ quát này, vì thiển cận hoặc vì lợi ích của một nhóm nhỏ, xã hội sẽ phải trả giá đắt, thậm chí bị phá hủy, vì cưỡng lại mộtđộng năng phát triển khổng lồ của thời đại. Những người chống lại các giá trịphổ quát mới này, và do đó là chống lại các làn sóng phát triển mới, sẽ bị coi là phản động, theo đúng nghĩa đen của từ này.

Với những nơi không phải là chỗ xuất phát của những giá trị phổ quát mới này, nếu biết chủ động và khôn khéo cưỡi lên những đợt sóng phát triển này thì sẽ tận dụng được động năng to lớn của cả một trào lưu mới, thường được gọi là sức mạnh thời đại, để phát triển. Do đó, “đi tắt đón đầu” trong phát triển, không có cách nào nhanh và hiệu quảhơn việc chủ động hấp thụ và quảng bá những giá giá trị phổ quát mới, hội nhập vào những dòng chảy mới của thời đại. Còn kéo lùi sự phát triển, không cách nào ghê gớm hơn việc ngăn chặn sự truyền bá cac giá trị phổ quát và tinh hoa tư tưởng của nhân loại.

Về mặt triết học, có thể coi các giá trị phổ quát chính là kết quả của các quá trình đấu tranh biện chứng trong nhận thức của con người về tự nhiên, xã hội và chính bản thân mình. Sau khi đã được hình thành, được tinh luyện theo thời gian và được thừa nhận rộng rãi, thì chính các giá trị phổ quát sẽ trở thành các trung giới cho các quá trình biện chứng khác đang hàng ngày hàng giờ diễn ra trong mọi mặt của của đời sống, với tư cách định chuẩn cho sự vận hành và phát triển của cả xã hội.

Tự do nội tại

Áp lực của xã hội với tư cách là một hệ thống lên cá nhân, đặc biệt là trong các xã hội hiện đại, là một điều được thừa nhận hiển nhiên. Tuy nhiên, vấn đề có tính triết học cần đặt ra: Đâu là giới hạn của sự chèn ép này? Có chăng một khoảng tự do nội tại, bất khả xâm phạm, bất khả tước đoạt bởi các yếu tố bên ngoài, trong đời sống tinh thần của mỗi cá nhân? Nếu có, cá nhân nên sử dụng khoảng tự do bất khả tước đoạtđó như thế nào để tự bảo vệ mình và bảo vệ sự lành mạnh của xã hội?

Con người, từ khi chuyển từ vượn thành người, và thông qua lịch sử phát triển của mình, đã tự chứng minh là một sinh vật có lý trí. Điều này có nghĩa, con người có thể sử dụng lý trí của mình để đưa ra các lựa chọn. Quá trình này diễn ra trong bộ não người, do đó vềbản chất, có tính độc lập tương đối với những gì đang diễn ra ở bên ngoài. Chính khoảng độc lập tương đối này là cơ sở cho sự tồn tại của một thứ tự do có tính chất nội tại, bất khả xâm phạm đối với mọi chèn ép từ xã hội bên ngoài lên cá nhân.

Đây là thứ tự do không thể tước đoạt. Trong trường hợp cùng cực nhất, cá nhân vẫn có thể lựa chọn bất hợp tác, hoặc cao hơn là tự hủy, bằng cách này hoặc cách khác. Các trường hợp tuyệt thực, tuẫn tiết… là những ví dụ điển hình cho lựa chọn của cá nhân trong những trường hợp khốn cùng. Chính những lựa chọn tự hủy của cá nhân trong các trường hợp này đã chứng thực cho tính không thể tước đoạt bởi xã hội của thứ tự do này.

Trong thực tế, do giáo dục, ràng buộc, định kiến, qui tắc, nghi lễ, luật pháp, định chế, sự sợ hãi, sựu mê, áp lực cuộc sống, lòng tham, sự toan tính… mà các cá nhân thường quên mất rằng, mình có một tự do nội tại bất khả xâm phạm, bất khả tước đoạt. Có thể gọiđiều này là sự đánh mất mình. Chỉ trong những hoàn cảnh rất đặc biệt, hoặc sau một quá trình chiêm nghiệm và tu tập lâu dài, cá nhân mới tái khám phá ra sự tồn tại của thứ tự do nội tại này. Sự kiện này thường được gọi bằng nhiều tên gọi khác nhau, như sự thức tỉnh, ngộ đạo, tìm lại được bản thân mình… nhưng đều có chung bản chất là tái khám phá ra tự do nội tại của cá nhân để thoát khỏi định kiến và sự sợ hãi, giành lại sự tự chủ cho cá nhân trong mọi cuộc ứng xử với chính mình và thế giới bên ngoài.

Chính việc ý thức được sự tồn tại của thứ tự do nội tại này sẽ giúp cá nhân đứng vững trước sự chèn ép của xã hội. Và thông qua đó, cá nhân ý thức được bản ngã và giá trị của bản thân mình, đồng thời điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp nhất, theo nghĩa tốt cho không chỉ bản thân cá nhân đó mà còn cả cộng đồng. Điều này tạo cơ sở cho sự hình thành một phẩm tính khác, gọi là lương tri. Như vậy, tự do nội tại của cá nhân chính là nơi trú ngụ của lương tri con người.

Điều này giải thích vì sao những người tu tập để khám phá và nuôi dưỡng tự do của riêng mình, những người dám cất lên tiếng nói hoặc dấn thân bảo vệ tự do của con người, lại thường được gọi là lương tâm của xã hội hay rộng lớn hơn là lương tri của nhân loại.

Điều thú vị là thứ tựdo này, nếu xét về tầm mức thì rất nhỏ bé và chỉ xuất lộ trong những hoàn cảnhđặc biệt, lại thường được gọi là đại tự do. Chắc hẳn điều này gắn liền với mứcđộ tác động của nó đối với cuộc sống của cá nhân, và cả ở sự khó khăn của mỗi người phải trải qua trước khi đạt được nó.

Với người trí thức, việc nhận thức được sự tồn tại của thứ tự do nội tại này sẽ giúp họ có đủ cơ sở ởtrong lý luận, và sau đó là dũng cảm ở trong hành động, để theo đuổi những giá trị phổ quát đã nói ở trên, hầu thực hiện vai trò xã hội của chính mình.

Trí thức là gì?

Như vậy, đến đây đã cóđủ cơ sở để trả lời câu hỏi “Trí thức là gì?”, như sau: Trí thức là người nuôi dưỡng, bảo vệ, truyền bá những giá trị phổ quát của nhân loại và sử dụng chúng như những trung giới trong các quá trình vận động biện chứng nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội.

Từ cách hiểu về trí thức là người nuôi dưỡng, bảo vệ và quảng bá những giá trị phổ quát của con người, có thể suy ra, và sau đó là kiểm chứng, những phẩm tính của người trí thức. Tùy hoàn cảnh cụ thể mà các phẩm tính này thể hiện ra dưới dạng khác nhau, nhưng có thể liệt kê một vài trong số đó: Yêu tự do, yêu chân lý, yêu mến cái đẹp, tưduy độc lập, trung thực, sáng tạo, lương thiện, không thoả hiệp với cái xấu và cái ác…

Những phẩm tính này sẽ được bộ lộ ra thông qua hành động của họ, ở mức cơ bản nhất là lựa chọn và tháiđộ. Do đó, xã hội nhận biết một cá nhân có phải là trí thức hay không, trước hết thông qua lựa chọn và thái độ của cá nhân này, sau đó là trong chuỗi hành động của anh ta và hệ quả của nó đối với xã hội.

Như thế, người trí thức với tư cách là một sản phẩm đặc thù của xã hội, xuất lộ khi xem xét dưới góc nhìn của xã hội đối với cá nhân, phải là người có lựa chọn và thái độ rõ ràng đối với các vấn đề xã hội, ở mức độ đủ tường minh để xã hội nhận biết được. Xã hội càng loạn lạc thì lựa chọn và thái độ càng phải rõ ràng, hầu cho đại chúng có thể nhận ra được mà hướng theo. Chính qua lựa chọn và thái độ của mình, người trí thức khẳng định cơ sở tồn tại , và qua đó là được xã hội thừa nhận như một hệ quả tất yếu. Nói cách khác, cơ sở tồn tại của người trí thức nằm ở mối tương quan của anh ta đối với xã hội, chứ không phải trong đời sống cá nhân. Vai trò của người trí thức, vì thế, cũng nằm ở vai trò xã hội của anh ta. Thiếu vai trò xã hội này, người trí thức sẽ suy biến thành một nhà chuyên môn thuần túy.

Do đặc tính trừu tượng của những giá trị phổ quát, nên những người nuôi dưỡng, bảo vệ và truyền bá chúng thường là người lao động trí óc. Điều này gây ra một cảm nhận rằng trí thức là người lao động trí óc. Tuy nhiên, qua những phân tích ở trên, có thể thấy nhậnđịnh này là phiến diện. Lý do là nó đã chỉ tập trung vào một đặc điểm nhận dạng, mà không chỉ ra được đặc trưng cơ bản nhất của người trí thức, và đặc biệt, không xét người trí thức trong tương quan của họ đối với xã hội.

Do sự phân công lao động, những người lao động trí óc thường phải là người được đào tạo, tức người có học,định lượng chủ yếu thông qua bằng cấp. Do đó, cũng có ý kiến cho rằng, trí thức là người có học, hoặc cụ thể hơn là người đã tốt nghiệp đại học. Định nghĩa này còn phiến diện hơn cả định nghĩa trí thức là người lao động trí óc, nhất là khi việc học đại học đang ngày càng trở thành phổ cập.

Cũng vì nuôi dưỡng, bảo vệ và truyền bá những giá trị phổ quát, nên về mặt hình thức, người trí thức thường có xu hướng đứng về phía đại chúng. Tuy nhiên, đây không nhất thiết phải là điều luôn luôn đúng. Xét về bản chất, người trí thức sẽ đứng về phía những giá trị phổ quát, bất kể nó đang ở phía bên này hay bên kia.

Cũng cần lưu ý rằng trí thức không phải là một nhãn mác vĩnh cửu, một khi đã được dán lên một cá nhân nào đó thì mãi mãi không thay đổi. Đời sống của mỗi cá nhân là tổng hợp của vô vàn hoạt động, trong đó có nhiều hoạt động mang tính bản năng, nên không hẳn lúc nào cũng có các giá trị phổ quát ở trong đó. Cho nên, sẽ rõ ràng hơn nếu nhìn nhận rằng, người trí thức có những phẩm tính đặc trưng, và những phẩm tính này sẽ bộc lộ ra ở những thời điểm cần thiết, chứ không nhất thiết phải đóng khung một hình mẫu cứng nhắc. Ngay cả khi một người đã được thừa nhận là trí thức, thì cũng không có gì đảm bảo rằng anh ta sẽ không bị tha hóa dưới tác động của lòng tham và sự u mê. Sự tha hóa này có thể được hiểu là việc người trí thức buông bỏ tự do nội tại và những giá trị phổ quát để hùa theo cường quyền, hùa theo cái ác và cái xấu, nhằm trục lợi cá nhân. Trong trường hợp này, anh ta không còn là trí thức, dù vẫn còn đầy đủ chức danh, bằng cấp, hay sự thừa nhận chính thức của các cơ quan công quyền.

Ngược lại, có những người ban đầu chỉ là nhà chuyên môn thuần túy, nhưng sau đó ý thức được vai trò xã hội của mình, ý thức được sự cần thiết phải bảo vệ và quảng bá những giá trịphổ quát, nên dần chuyển hóa thành người trí thức.Vì thế, trí thức là một khái niệm động, chứ không phải là một nhãn mác vĩnh cửu. Người trí thức do đó, cũng luôn cần phải tự soi mình.

Vì tự do và các giá trịphổ quát đều thuộc về nhận thức cá nhân, hoạt động chủ yếu trong đời sống tinh thần của cá nhân đó, nên sự tha hóa của trí thức rất khó nhận biết, nhất là khiđã được khéo léo ngụy trang bởi bằng cấp, chức danh, truyền thông đại chúng… Vì thế, trí thức chân chính bao giờ cũng rất ít, chỉ được nhận biết trước hết bởi cá nhân họ, sau đó là sự thừa nhận của xã hội thông qua hành vi của họ, mà trước hết là ở lựa chọn và thái độ của họ đối với các vấn đề xã hội.

Sự đánh tráo các giá trị phổ quát, hoặc ngụy tạo cho những giá trị phổ quát ảo bằng tuyên truyền và các mỹ từ, nhằm trục lợi cá nhân hoặc bảo vệ lợi ích phe nhóm, cũng thường xảy ra trong lịch sử, nhất là ở những nơi dân trí còn chưa được mở mang đúng mức. Trong trường hợp này, tất yếu sẽ xuất hiện những kẻ, thậm chí là nhóm lớn, ngụy trí thức. Đây chính là những kẻ đạo đức giả,kẻ thù tự nhiên của trí thức chân chính.

Phân biệt được đâu là trí thức chân chính, đâu là ngụy trí thức, nếu chỉ căn cứ trên lời nói và sựphô diễn, thì thường rất khó khăn. Nhưng nếu nhìn vào hành vi của họ, từ động cơ thực hiện, phương tiện sử dụng và mục đích hướng tới, và đặc biệt là hậu quảcủa các hành vi này với đối với xã hội trên diện rộng, thì những ngụy trí thức này sẽ hiện nguyên hình là kẻ đạo đức giả hoặc “lưu manh giả danh trí thức”.

Vai trò xã hội của trí thức

Nếu chỉ xét mối tương quan giữa cá nhân và xã hội, trí thức chính là người bị chèn ép nhiều nhất vì có khả năng nhất trong việc chỉ ra những yếu kém của xã hội. Tuy nhiên, người trí thức có những vũ khí mà xã hội không thể tước đoạt, đó là tự do nội tại và những giá trị phổ quát. Người trí thức sẽ dùng chính vũ khí này để thực hiện sứmệnh của mình, qua đó khẳng định sự tồn tại của mình, đối với xã hội. Vậy sứ mệnh của trí thức, hay vai trò xã hội của trí thức, là gì?

Dưới góc độ chuyên môn, trí thức chính là người tìm kiếm và sáng tạo ra những tri thức mới, và sauđó là truyền bá và sử dụng những tri thức này để nâng cao đời sống của xã hội, cả về vật chất lẫn tinh thần. Chiếm lĩnh được tri thức, người trí thức có sức mạnh, và do đó có ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội. Sự đóng góp của người trí thức đối với xã hội, trước hết nằm ở khía cạnh này.

Tuy nhiên, những tìm kiếm và sáng tạo tri thức cần phải dựa trên những giá trị phổ quát, hướng đến việc thúc đẩy, hoặc ít nhất là vô hại, sự phát triển của xã hội. Nếu một sáng tạo hoặc tìm kiếm tri thức mục đích của nó là nhằm thống trị hay hủy diệt con người, hoặc hủy hoại những thành tựu văn hóa của con người, thì người sáng tạo ra tri thức đó không thể được gọi là trí thức, mà là tội phạm hoặc kẻ khủng bố. Trong các cuộc chạy đua vũ trang trên thực tế, đặc biệt là trong các nghiên cứu liên quan đến vũ khí hóa học, sinh học, nguyên tử, rất khó phân định đâu là sự tìm kiếm tri thức nhằm thống trị và đâu là để tự vệ. Đó chính là lý do vì sao các hoạt động tìm kiếm và sáng tạo tri thức cần phải chịu sự giám sát chặt chẽ của các tiêu chuẩn đạo đức, cả ở mức chuyên biệt và phổ quát. Nếu không, dưới sựthúc giục của lòng tham và nhu cầu quyền lực, sẽ có những tội ác nhân danh sựtìm kiếm tri thức mà kẻ thực hiện chúng là những tội phạm giả danh trí thức. Trong những trường hợp đặc biệt này, lương tri và đạo đức cần phải được đặt cao hơn tri thức, mà ví dụ điển hình là việc nhiều nhà khoa học đồng thanh yêu cầu dừng sử dụng năng lượng nguyên tử làm vũ khí hủy diệt, dù trước đó họ có đóng góp trong việc khám phá ra thứ năng lượng này.

Bên cạnh việc tìm kiếm, sáng tạo và truyền bá tri thức, do lợi thế về am hiểu chuyên môn, trí thức cần là người lên tiếng cảnh báo những nguy cơ và hiểm họa đến từ tự nhiên và xã hội. Những hiểm họa đến từ tự nhiên có thể được cảnh báo nhờ máy móc thiết bị, nhưng hiểm họa đến từ xã hội thì không thể. Do đó, việc có chính kiến, và gióng lên hồi chuông cảnh báo công luận trước những hiểm họa , đặc biệt là hiểm họa nhân tạo, là vai trò của trí thức.

Đây là sự cảnh báo nhân danh những giá trị phổ quát, chứ không phải là nhân danh cá nhân người trí thức. Vì thế, sự cảnh báo thường có tính độc lập và khách quan tương đối. Sức mạnh của cảnh báo, đặc biệt là những cảnh bảo xã hội, phụ thuộc chủ yếu vào bộ giá trị phổ quát mà nó dựa vào, chứ không phải ở vị trí xã hội của người đưa ra cảnh báo hoặc số người tham dự. Chính nhờ vai trò cảnh báo này mà người trí thức thườngđược coi là lương tri của xã hội.

Sự cảnh báo, nếu chỉgiới hạn vào các hiểm họa nhân tạo có thể xảy đến từ các chính sách thiếu cơ sởcủa nhà cầm quyền, thì thường được hiểu như là sự phản biện chính sách, hay phản biện xã hội khi mở rộng ra các lĩnh vực khác. Sự phản biện này chỉ xuất hiện khi một chính sách đã hoặc sắp hình thành, nên có phạm vi tác động nhỏ hơn sự cảnh báo. Vì thế, phản biện không thể thay thế được cảnh báo.

Bên cạnh hai vai trò đã nêu trên, trí thức cũng chính là người định chuẩn trong xã hội, sao cho xã hội được lành mạnh, vận hành hiệu quả, phát triển bền vững. Sự định chuẩn này cũng cần phải dựa trên cơ sở là những giá trị phổ quát, chứ không phải là những kiến thức chuyên biệt hay ý muốn của bất cứ cá nhân hoặc nhóm người nào. Chỉ khi nào việcđịnh chuẩn dựa được trên những giá trị phổ quát, đã được kiểm chứng ở nhiều nơi trong suốt chiều dài lịch sử, thì mới có thể giảm thiểu được những sai sót và ấu trĩ về nhận thức gây ra. Ngược lại, nếu sự định chuẩn này chỉ dựa trên ý muốn chủ quan của một vài cá nhân, hoặc tri thức chuyên môn của một nhóm người, thì khả năng gặp phải sai sót do sự ấu trĩ, thiển cận, hạn hẹp tầm nhìn, là rất lớn.
Việc định chuẩn này không phải là đưa ra một giải pháp cụ thể, do đó không thể đòi hỏi trí thức phảiđưa ra giải pháp cho từng vấn đề riêng biệt. Đưa ra giải pháp là công việc của các nhà chuyên môn, còn ban hành chính sách là công việc của các chính trị gia. Người trí thức chỉ dùng các giá trị phổ quát, như Chân, Thiện, Mỹ, Tự do, Bìnhđẳng, Dân chủ, Nhân quyền… để định chuẩn cho mọi hoạt động của xã hội, bất kể đó là các hoạt động văn hóa, chính trị, kinh tế, giáo dục v.v.

Các giá trị phổ quát là kết tinh của các kinh nghiệm hoạt động của con người trong suốt chiều dài lịch sử, nên mang trong mình tính kế thừa, cả trong thời gian lẫn không gian. Vì thế,nếu sử dụng các giá trị phổ quát làm cơ sở cho việc định chuẩn cho xã hội thì sẽtránh được những đổ vỡ, xáo trộn do sự mâu thuẫn và va đập giữa các thang giá trị của các thế hệ và các nền văn hóa khác nhau. Nếu sự định chuẩn này đặt cơ sởtrên các giá trị mới chưa được kiểm chứng, hình thành nên do sự mò mẫm hoặc ý muốn chủ quan với mong muốn tạo ra những nhảy vọt lớn, hay những ảo tưởng thiếu cơ sở, thì việc tạo ra các đứt gãy, làm phá vỡ sự bền vững của xã hội, gây nên nhiều tai họa cho dân chúng là điều khó tránh khỏi. Cuộc cách mạng văn hóa tàn khốc ở Trung Quốc những năm 1958-1968 là minh chứng rõ rệt cho điều này.

Chính vì thế, nếu xem xét xã hội như một tiến trình liên tục, tiến lên được nhờ những đấu tranh biện chứng, cả trong nhận thức và hành động, thì các giá trị phổ quát sẽ đóng vai trò là các trung giới của các quá trình đấu tranh biện chứng này, đang diễn ra hàng ngày hàng giờ trong mọi mặt của đời sống. Người trí thức với tư cách là người nuôi dưỡng, bảo vệ và truyền bá những giá trị phổ quát, vì lẽ đó, cũng đã tự đặt mình vào vị trí trung giới của các quá trình vận động biện chứng của xã hội. Họ chính là người tạo điều kiện cho sự ra đời và nâng đỡ cái mới tiến bộ,và loại bỏ cái cũ đã lạc hậu, giúp cho xã hội đổi mới và phát triển không ngừng.

Thay lời kết

Trí thức là một sản phẩmđặc biệt của xã hội. Sự xuất hiện của người trí thức gắn liền với việc hình thành xã hội. Do đó, ý nghĩa của khái niệm trí thức, và sâu xa hơn là vai trò của người trí thức, chỉ có thể được hiểu đầy đủ khi đặt vào mối liên hệ với xã hội. Chính nhờ việc đặt vào mối liên hệ này, những đặc trưng của người trí thức mới được xuất lộ. Trong số những đặc trưng này, quan trọng nhất là tìm kiếm, sáng tạo và truyền bá tri thức - gọi là đặc trưng tri thức; cảnh báo các hiểm họa cho xã hộ- gọi là đặc trưng cảnh báo; và định chuẩn cho xã hội – gọi là đặc trưng định chuẩn. Tất cả các hoạt động liên quan đến ba đặc trưng này của người trí thức đều phải dựa trên những giá trị phổ quát mà họ nuôi dưỡng, bảo vệ và truyền bá.

Có thể biểu diễn ba đặc trưng này và mối quan hệ giữa chúng trên một hình tam giác, tạm gọi là tam giácđặc trưng, như sau:


Tùy theo năng lực cá nhân và tính cách mà mỗi người trí thức có một tam giác đặc trưng, với kích thước và hình dạng khác nhau. Kích thước của tam giác đặc trưng phụ thuộc trước hết vào tài năng cá nhân của người trí thức, sau đó là độ lớn của chiều kích các giá trị phổ quát mà người trí thức theo đuổi. Còn hình dạng của tam giác đặc trưng phụ thuộc vào tỷ lệ đóng góp của người trí thức trên ba phương diện “Tri thức – Định chuẩn – Cảnh báo” đối với xã hội. Các tỷ lệ này gia giảm tùy theo đặc thù , ưu tiên công việc và cá tính của mỗi người, nhưng không được biến mất hoàn toàn. Nếu không, tam giác đặc trưng sẽ suy biến thành một đoạn thẳng hoặcđiểm. Trong trường hợp suy biến thành đoạn thẳng, người trí thức sẽ không còn là một điển hình mẫu mực. Còn trong trường hợp suy biến thành điểm, người trí thức bị suy thoái thành nhà chuyên môn thuần túy nếu chỉ tập trung vào tri thức, hoặc kẻ quấy rối nếu chỉ tập trung vào cảnh báo, hoặc kẻ đạo đức giả nếu chỉ tập trung vào định chuẩn.

Cũng qua tam giác đặc trưng này, thấy rằng: các giá trị phổ quát đóng vai trò trung tâm trong đời sống tinh thần, là bảng giá trị và vũ khí tối hậu của người trí thức. Buông bỏchúng, người trí thức không chỉ trắng tay, mà còn xóa bỏ luôn các đặc trưng nhận dạng của mình, do đó xóa bỏ sự tồn tại của mình dưới góc nhìn xã hội.

Ở đỉnh thứ nhất của tam giác đặc trưng, thông qua việc chiếm giữ tri thức chuyên môn, người trí thức sẽ có được sức mạnh của sự hiểu biết, tư duy độc lập, sự sáng tạo, tức sức mạnh của lý tính. Với vai trò này, người trí thức được coi như bộ não của xã hội.

Ở đỉnh thứ hai của tam giác đặc trưng, thông qua việc cảnh báo những hiểm họa có thể xảy đến, đặt biệt là các hiểm họa nhân tạo do xã hội tạo ra, vai trò xã hội của trí thức được xuất lộ. Thông thường, sự cảnh báo này thường liên quan đến việc bảo vệ sự lành mạnh của xã hội, lên án sự chà đạp của cường quyền lên nhân tính, sự đồng cảm với những người kém may mắn, người thấp cổ bé họng, người đang chịu áp bức bất công, nên ởvai trò này, người trí thức thường được coi là lương tâm của xã hội.

Ở đỉnh thứ ba của tam giác đặc trưng, thông qua việc sử dụng những giá trị phổ quát để định chuẩn cho xã hội, người trí thức đã tự đặt mình vị trí gương mẫu cho đại chúng. Việc sử dụng những giá trị phổ quát như những trung giới của các quá trình đấu tranh biện chứng, hầu tạo ra sự đổi mới và phát triển của xã hội, ngưới trí thức đã tự đặt mình vào vị trí trung giới của sự phát triển. Vì thế, ở vai trò này, người trí thứcđược coi là người dẫn dắt sự phát triển của xã hội.

Cả ba vai trò này của người trí thức đều chỉ xuất lộ và phát huy tác dụng khi xét người trí thức trong mối quan hệ với xã hội. Chính ở trong mối quan hệ này, người trí thức tìmđược cơ sở tồn tại của mình.

Nếu coi xã hội là một cơ thể sống, tương tự như một cá nhân, thì trí thức chính là phần tự do nội tại của cơ thể đó. Nếu tự do nội tại của cá nhân là nơi trú ngụ của lương tri con người, thì trí thức chính là nơi trú ngụ của lương tri xã hội. Tự do, vì thế là không khí để thở của trí thức. Thiếu tự do, trí thức sẽ chết. Khi đó, những giá trị phổ quát mà người trí thức nuôi dưỡng và bảo vệ cũng sẽ chết theo, dẫn đến sựchậm tiến của xã hội do thiếu tri thức, sự hỗn loạn do mất cảnh báo và thiếu chuẩn mực. Hậu quả của nó là sự tàn phá trên diện rộng, có thể đến mức gây sụp đổ, cho toàn xã hội.

----------------------------------

Bài đã đăng trên Tạp chí Tia Sáng, số ra ngày 20/4/2012. Bản điện tử: phần 1, phần 2.

.
.
.

No comments:

Post a Comment

View My Stats