Saturday, 14 April 2012

TỘI BẤT KÍNH VỚI VUA & ĐIỀU 88 BỘ LUẬT HÌNH SỰ (Anh Ba Sài Gòn - Phan Thanh Hải)



Blogger Anh Ba Sài Gòn

15-4-2012

Theo tin từ báo Người Lao Động, hôm 14/04/2012, VKSND TP.HCM cho biết đã chuyển cáo trạng và hồ sơ vụ án liên quan đến các Blogger Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do sang TAND TPHCM để chuẩn bị xét xử. Cả ba Blogger là: anh Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), Phan Thanh Hải (Anh Ba SG) và chị Tạ Phong Tần (Công Lý Sự Thật) đều bị cáo buộc tội “Tuyên truyền Chống Nhà nước CHXHCN VN” theo khoản 2, điều 88 Bộ Luật Hình Sự. Với cáo buộc này, cả ba người sẽ phải đối mặt với khung hình phạt nặng nề từ 10 đến 20 năm tù giam.

Nhân sự kiện này, Danlambao xin được đăng tải lại một bài viết của Blogger AnhBaSG với tiêu đề "Tội bất kính với vua và điều 88 Bộ Luật Hình Sự".

Anh Ba SG tên thật là Phan Thanh Hải (sinh năm 1969), là kỹ sư hàng hải. Năm 2009, mặc dù đã vượt qua các kỳ thi và hoàn thành các thủ tục cần thiết, tuy nhiên anh Phan Thanh Hải vẫn bị Bộ Tư Pháp từ chối cấp chứng chỉ hành nghề luật sư với lý do: đã đi biểu tình chống TQ

Ngày 18/10/2010, Blogger AnhBaSG bị cơ quan CA. TPHCM bắt khẩn cấp và bị giam giữ từ đó đến nay.

-------------------------------------


Tội bất kính với vua và điều 88 Bộ Luật Hình Sự


“Luật Trung hoa quy định kẻ nào phạm tội bất kính với vua thì phải tử hình. Vì luật không định nghĩa thế nào là bất kính nên chuyện gì cũng có thể làm cái cớ để xử tử người bị ghét, có khi chu di cả gia tộc người ta nữa… Thế thì đủ rõ khái niệm về tội chống vua là rất mơ hồ, làm cho chính thể trở thành chuyên chế.”

Đó là quan điểm của Montesquieu trong cuốn “Tinh thần Pháp luật” ra đời năm 1748, cách đây 260 năm.

Và đây là một điều Luật khá quen thuộc:

“Điều 88. Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân;
c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.”

Phàm những kẻ sỹ trong thiên hạ tự nhận thấy mình có chút lương tri, dù được đào tạo từ bất kể lò tiểu học, trung học, đại học, trường đời, trường học nhà tù… cũng đều hay nói, phát biểu làm đụng chạm hay phạm đến cái gọi là chính trị. Thậm chí họ còn viết ra những thứ mà người ta nói: nhẹ thì bảo là biểu lộ thái độ chính trị, nặng thì bảo là làm chính trị. Theo thiển ý của tôi thì cái đám kẻ sỹ hay bộc lộ ra sự chỉ trích, phê phán, cười cợt ấy [hầu như ít khi khen] đều xuất phát từ ý thức phản kháng cá nhân đối với những hiện trạng xã hội và đặc biệt là những hành vi, động thái của quan chức, của Đảng và cơ quan nhà nước.

Ở hầu hết các nước có thể chế Cộng hòa thì những hành vi biểu lộ sự không đồng ý, chỉ trích, phê phán nhà nước đều là bình thường. Ngay cả hành vi phản kháng có tính quy mô và nguy hiểm nhất đối với chính phủ hiện hữu là sự thành lập một Đảng phái chính trị đối lập [với Đảng cầm quyền] thì cũng không hề bị cấm đoán.

Vâng đấy là chuyện ở nước người... ta chớ có nên hào hứng quá mà tưởng bở! Cái kiểu đó không hoặc chưa phù hợp với chúng ta ở tại nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chúng ta có Cộng hòa, nhưng chúng ta còn có thêm Xã hội chủ nghĩa kèm với một mục tiêu khá lâu dài…

Tuy nhiên để tránh sự quá đà, tôi chỉ bàn luận về những đặc điểm của loại Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam trong phạm vi Điều 88 và ý nghĩa của sự “chống Nhà nước” mà thôi.


Các đặc điểm để xác định tội phạm này như sau:

1. Về hành vi khách quan và quan hệ nhân quả

- Các hành vi cụ thể của tội phạm là: “tuyên truyền”, “phỉ báng”, “xuyên tạc”, “phao tin bịa đặt”, “làm ra”, “tàng trữ”, “lưu hành” biểu hiện qua lời nói, văn bản, “văn hóa phẩm”. Đây cũng là những yếu tố mang tính chất nguyên nhân.

- Điều luật không nêu cụ thể phần hậu quả mà hành vi ấy sẽ mang đến duy chỉ có một yếu tố nhỏ là “gây hoang mang trong nhân dân”[trong điều luật] hoặc “làm giảm uy tín của chính quyền nhân dân” [theo giáo trình Luật HSVN_ĐH Luật Hà nội].

2. Về ý thức chủ quan của tội phạm:

- MỤC ĐÍCH của những hành vi ấy là “nhằm chống nhà nước Cộng hòa XHCN VN”.

- Khi xác định được yếu tố “nhằm chống” thì yếu tố CÓ LỖI là đương nhiên.

Trong tất cả các dấu hiệu trên đây thì yếu tố "nhằm chống" là yếu tố quan trọng nhất mà cơ quan điều tra phải chứng minh được thì mới có thể kết luận được là có tội hay không.

Tại sao điểm quan trọng nhất là “nhằm chống” ?

Đơn giản vì các biểu hiện ra bên ngoài của các hành vi thì khá dễ nhận biết, nhưng ý chí chủ quan nằm trong tâm trí con người thì lại quá khó để xác định.

Tuyên truyền là sự phổ biến rộng rãi một thông tin nào đó, ví dụ như rải truyền đơn, gửi spam e-mail hay chọn chế độ Public cho Blog [?!]…Bên cạnh những hành vi “phỉ báng”, “xuyên tạc”, “phao tin bịa đặt” là có thể nhận biết thì các hành vi “làm ra”, “tàng trữ”, “lưu hành” cũng hết sức cụ thể.

Thế nhưng cái yếu tố “nhằm chống” thì lại mang tính chất suy đoán chủ quan và rất dễ lẫn lộn với những mục đích gần giống, tương tự, thậm chí là hết sức khác biệt. Ranh giới giữa sự phê phán chỉ trích, sự “bất đồng chính kiến” và sự chống đối là khá mong manh. Sự mong manh này là nguy hiểm và đe dọa đến sự an toàn Pháp lý của bất cứ công dân nào.

Với thái độ cầu tiến và khách quan thì người ta dễ đồng cảm với câu “kẻ chê ta mà chê phải là thầy ta” nhưng với tư duy độc đoán và thành kiến thì lại cho rằng “kẻ chê ta là kẻ chống phá ta” [mà chưa cần suy nghĩ là chê đúng hay chê sai - kèm theo là sự bao biện rằng vì thế này thế nọ thế kia].

Một ông giám đốc độc đoán sẽ không thích nhân viên hay lý sự và thường thì ông ta sẽ ghi nhận trong đầu là có một kẻ khó bảo và hay chống đối.

Trong một cuộc tranh luận nảy lửa sẽ có lúc một bên cho rằng bên kia luôn tìm lý lẽ để chống đối mình.

Ngay chính tôi cũng tự kiểm điểm thấy mình có khuynh hướng nói ngược, phản biện - phải chăng đó là ý thức và mục đích của tôi là chống đối ?

Tôi đã không tìm thấy lời kết để phân định sự tù mù của chế định Pháp luật này. Bởi lẽ tôi và các bạn cũng có thể tìm ra rất nhiều luận điểm cho thấy rằng cái ranh giới ấy chỉ phụ thuộc vào những định kiến chủ quan.

Bất cứ ai muốn nói thật, trung thực với lương tri của mình [theo cách phản biện xã hội] cũng đều mang cái cảm giác lo âu, e sợ và đều có khả năng bị quy chụp vào cái tội ấy.


Vậy thì đâu là giải pháp ?

Theo tôi thì điều 88 của Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2000 cần thiết phải được điều chỉnh và tốt hơn hết là nên xóa bỏ nó đi.

Bởi lẽ nếu ai đó bị kết án mà không hiểu được lý do tại sao, không tâm phục khẩu phục thì oán thán ngày càng chồng chất. Thực tế những người “bất đồng chính kiến” từng bị khép vào tội ấy đều không hề có được cảm giác tâm phục, khẩu phục. Liệu việc kết án và hình phạt tù có đạt được mục đích “giáo dục người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội” như nhà nước ta mong đợi hay không ? Thực tế cho thấy kết quả là ngược lại, hầu hết họ đều cho rằng mình đã hành động đúng với nhận thức và lương tri của mình, họ đều thấy mình yêu nước nhưng lại bị kết tội chống lại đất nước.

Bởi lẽ nó là một sản phẩm có sau Hiến pháp 1992 và có khả năng vi hiến:

“Điều 53: Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan Nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân.

Điều 69 : Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.”

Chúng ta có quyền yêu cầu Quốc hội hủy bỏ điều luật ấy hay không ? Tôi xin trả lời là có, chúng ta có cái quyền ấy, bởi lẽ chúng ta là cử tri đã bỏ phiếu cho những đại diện Lập pháp [Đại biểu Quốc hội], chúng ta có quyền yêu cầu, kiến nghị hủy bỏ những điều luật không ích cho nước, không lợi cho dân và không còn phù hợp với thời đại nữa.



.
.
.

No comments:

Post a Comment

View My Stats